Hong Kong hỗn loạn, biểu tình lan thêm điểm mới
Sáng 29-9, cảnh sát Hong Kong tiếp tục dùng hơi cay và gậy giải tán người biểu tình trong vụ bạo động tồi tệ nhất kể từ khi Hong Kong về với Trung Quốc.
Ngoài cuộc biểu tình ở trung tâm Hong Kong, biểu tình cũng nổ ra ở những khu vực khác trong thành phố. Khoảng 3.000 người chặn một con đường dọc vịnh Mongkok, gây tắc nghẽn giao thông hoàn toàn. Người biểu tình cũng đổ ra đường Nathan ở khu Kowloon.
Theo Reuters, nhiều người biểu tình đã dựng hàng rào để ngăn chặn bước tiến của cảnh sát. Rất nhiều con đường dẫn tới trung tâm tài chính Hong Kong vẫn tắc nghẽn hoàn toàn do hàng chục nghìn người biểu tình quyết bám trụ và chống trả những đợt tấn công của lực lượng an ninh.
Những đám mây hơi cay bao trùm nhiều tòa nhà và trung tâm mua sắm ở trung tâm Hong Kong. Nhưng nhiều người biểu tình không sờn lòng.
“Nếu hôm nay tôi không đứng lên thì tôi sẽ căm ghét bản thân mình trong tương lai” - tài xế taxi Edward Yeung, 55 tuổi, hét vang.
Nhiều người biểu tình tỏ ra vô cùng bức xúc vì cảnh sát đã dùng vũ lực quá mức. “Chúng tôi hoàn toàn không có vũ khí và chỉ đứng đó. Họ bắn hơi cay mà không hề cảnh báo trước” - người biểu tình Harry Hung giận giữ.
Người biểu tình Jade Wong chỉ trích phản ứng của cảnh sát là “không thể tin nổi”. “Đây là một cuộc biểu tình hòa bình nhưng họ sử dụng bạo lực để trấn áp chúng tôi. Đây là điều chưa bao giờ xảy ra ở Hong Kong” - Wong cho biết.
Trước đó, các nhà lãnh đạo biểu tình đã kêu gọi người dân lùi bước nếu lực lượng an ninh sử dụng đạn cao su. Trước đó người ta quan sát thấy hàng loạt cảnh sát đã đeo súng trường.
“Đây là vấn đề sinh tử. Nếu sinh mạng bị đe dọa chúng ta nên rút lui để bảo toàn mạng sống” - giáo sư Chan Kin-Man, người đồng sáng lập phong trào Occupy Central, kêu gọi.
“Chúng tôi đến Mongkok vì tình hình giờ đang rất nguy hiểm ở khu trung tâm và quận Admiralty” - sinh viên 20 tuổi Calvin Chan cho biết. Khu mua sắm quận Causeway Bay, phía đông trung tâm Hong Kong, cũng chật cứng người biểu tình.
Các bệnh viện ở Hong Kong cho biết đã có 26 người phải nhập viện điều trị vì các chấn thương khác nhau. Mới đây Cục Giáo dục Hong Kong tuyên bố đóng cửa các trường học ở một số quận trung tâm vì tình trạng bạo động.
Trong khi Hong Kong đang hỗn loạn, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại đặc khu này. Ông cho biết Đài Loan không chấp nhận mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc áp dụng ở Hong Kong.
-----------------------
Biểu tình chiếm trung tâm Hong Kong
Rạng sáng 28-9, PGS Đới Diệu Đình tại ĐH Hong Kong (đặc khu Hong Kong thuộc Trung Quốc), người đồng sáng lập phong trào Chiếm trung tâm (*), tuyên bố chiến dịch bất tuân dân sự đã bắt đầu từ ngày 28-9.
Chiến dịch được thực hiện nhằm phản đối quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc về cải cách bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong (yêu cầu các ứng cử viên phải được ủy ban đề cử chấp thuận mới được ra tranh cử).
PGS Đới Diệu Đình dự định phát động chiến dịch ngày 1-10 nhưng cuối cùng tổ chức chiến dịch sớm hơn nhằm ủng hộ cuộc biểu tình của sinh viên trước trụ sở chính quyền đặc khu kéo dài hai đêm liên tiếp (ngày 26 và 27-9).
Ông thông báo phong trào Chiếm trung tâm đề đạt hai yêu cầu: Chính phủ trung ương phải rút lại quyết định về cải cách bầu cử ở Hong Kong và đặc khu trưởng Lương Chấn Anh phải tiến hành cuộc cải cách bầu cử mới.
Theo báo South China Morning Post (đặc khu Hong Kong), chiến dịch bất tuân dân sự thể hiện thái độ bất phục tùng chính quyền bằng các hình thức phi bạo lực.
Hưởng ứng lời kêu gọi của PGS Đới Diệu Đình, 30.000 người đã tập trung biểu tình ở khu Tamar (nơi tập trung các cơ quan chính quyền) thuộc quận Trung Tây.
Hàng trăm cảnh sát đã phong tỏa mọi lối tiếp cận khu vực biểu tình. Cảnh sát cảnh báo người vào khu vực biểu tình sẽ bị bắt.
Ba nghị sĩ gồm ông Hà Tuấn Nhân, bà Lưu Tuệ Khanh (chủ tịch đảng Dân chủ) và ông Trương Siêu Hùng (phó chủ tịch đảng Lao động) đã bị bắt giữ khi họ tìm cách đưa thiết bị âm thanh vào khu vực biểu tình để diễn thuyết.
Chiều 28-9, cảnh sát bắt đầu sử dụng hơi cay giải tán biểu tình nhưng không thành công. Những người biểu tình đeo kính bảo hộ và sử dụng dù che chống đỡ. Một số người biểu tình và cảnh sát bị thương nhẹ trong khi xô xát.
Tỉ phú truyền thông Hong Kong Lê Trí Anh cùng tham gia biểu tình cho biết ông sẽ kiên trì đấu tranh và sẵn sàng bị bắt giữ.
Cùng ngày, chính quyền đặc khu ra tuyên bố khẳng định:
- Đặc khu trưởng và chính quyền rất lắng nghe ý kiến người dân và cam kết duy trì một xã hội đa đạng. Công chúng được phép bày tỏ nguyện vọng một cách ôn hòa, hợp lý và hợp pháp.
- Chính quyền kiên quyết phản đối hành động chiếm giữ trái phép cơ quan chính quyền và khu trung tâm tài chính đồng thời sẽ xử lý tình hình phù hợp với pháp luật.
- Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc về cải cách bầu cử ở Hong Kong được ban hành phù hợp với các điều khoản của Luật Cơ bản (hiến pháp Hong Kong).
Tuyên bố cho biết chính quyền sẽ sớm phát động vòng tham vấn mới về cải cách bầu cử.
Báo New York Times (Mỹ) dẫn lời GS Michael C. Davis ở ĐH Hong Kong nhận định biểu tình ít có cơ hội làm Bắc Kinh phải nhượng bộ nhưng thái độ bàng quan hoặc cách ứng phó nặng tay của chính quyền Hong Kong sẽ khiến công chúng giận dữ và ủng hộ người biểu tình hơn nữa.
-----------------------
Hồng Kông thả thủ lĩnh biểu tình 17 tuổi
Thủ lĩnh sinh viên 17 tuổi người Hồng Kông Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) đã được trả tự do vô điều kiện theo lệnh của Tòa án tối cao sau hơn 40 giờ bị cảnh sát giam giữ mà không có cáo buộc nào.
Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông) tối 28.9, thẩm phán Patrick Li Hon-leung đã chấp thuận kháng nghị từ luật sư của Wong, rằng người lãnh đạo 17 tuổi của tổ chức Scholarism đã bị giữ "lâu một cách vô lý".
Vị thẩm phán cũng hối thúc cảnh sát phải đối xử "công bằng" với hai người đang bị giam giữ còn lại.
Các luật sư cho biết họ sẽ đệ đơn yêu cầu trả tự do cho Alex Chow Yong-kang và Lester Shum, nếu cảnh sát không có động thái tích cực. Chow và Shum là người lãnh đạo của Liên hội Sinh viên Hồng Kông.
Các luật sư của chính phủ nói với tòa rằng việc trả tự do cho Wong có thể gây ảnh hưởng tiến trình điều tra.
Tuy nhiên, thẩm phán cho rằng "phục vụ mở rộng điều tra" là một lý do chưa đủ thuyết phục. Việc bắt Wong có thể là "đúng luật", nhưng giữ cậu ta lâu quá thời gian cần thiết là "phi pháp".
Wong được trả tự do tại đồn cảnh sát trung tâm sau đó không lâu, cho biết "sẽ nghỉ ngơi trước khi trở lại cuộc chiến", South China Morning Post dẫn lời sinh viên này.
Thanh niên 17 tuổi nói rằng giày và kính của cậu đã mất lúc bị cảnh sát bắt giữ, và "vết bầm trên mũi và cánh tay của tôi thì vẫn còn sau 40 giờ tại đồn cảnh sát".
Luật sư của Wong, Michael Vidler, nói rằng Sở Tư pháp đã cố tìm lý do để áp đặt điều kiện trả tự do cho Wong, tuy nhiên tòa án không đồng ý.
Theo cảnh sát Hồng Kông, việc điều tra vẫn được tiến hành, và họ bảo lưu quyền truy tố Wong. Tuy nhiên, bố mẹ Wong cho rằng đó là sự truy tố "mang màu sắc chính trị".
Joshua Wong bị bắt trong trận ẩu đả giữa cảnh sát và các sinh viên bãi khóa tại trụ sở chính quyền Hồng Kông đêm 26, rạng sáng 27.9.
Wong, 17 tuổi, được xem là một thủ lĩnh của phong trào đòi dân chủ do sinh viên, học sinh Hồng Kông tiến hành.
Hồi năm 2012, nhóm của Wong kêu gọi 12.000 học sinh xuống đường để buộc chính quyền bãi bỏ kế hoạch đưa môn “giáo dục lòng yêu tổ quốc” vào chương trình phổ thông.
Mới đây, tờ Văn Hối, vốn ủng hộ Bắc Kinh, cáo buộc Wong có “liên hệ với các lực lượng nước ngoài”, điều mà thanh niên này cực lực bác bỏ.
----------------------
Hong Kong: Người biểu tình đụng độ dữ dội với cảnh sát
Ngày 28-9, đám đông người biểu tình đòi bầu cử tự do và cảnh sát Hong Kong đụng độ dữ dội tại trung tâm thành phố.
Theo Reuters, quận Admiralty ở Hong Kong rơi vào khung cảnh hỗn loạn khi hàng nghìn người biểu tình xô đẩy hàng rào mà lực lượng an ninh dựng lên để phong tỏa các tuyến phố chính của thành phố.
Các con phố chính ở trung tâm Hong Kong là Gloucester và Harcourt chật cứng người biểu tình. Họ hô vang: “Hãy phá bỏ các hàng rào” và “các người thật đáng xấu hổ”.
Cảnh sát Hong Kong liên tiếp bắn hơi cay vào các đám đông biểu tình và dùng gậy ngăn chặn dòng người xông về phía trước.
Đây là lần đầu tiên nhà chức trách Hong Kong phải sử dụng hơi cay kể từ năm 2005 để trấn áp biểu tình.
Trước đó, cảnh sát Hong Kong đã phong tỏa toàn bộ các tuyến phố chính để ngăn chặn phong trào biểu tình “Occupy Central with Love and Peace” (Chiếm giữ trung tâm với tình yêu và hòa bình) làm tê liệt trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.
Người phát ngôn Cảnh sát Hong Kong Kong Man-Keung khẳng định nhà chức trách sẽ bắt giữ bất kỳ ai sử dụng bạo lực.
Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau của chính quyền Bắc Kinh cũng tuyên bố ủng hộ cách xử lý tình hình của chính quyền Hong Kong.
Bất chấp những lời cảnh báo, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người biểu tình đổ ra đường từ sáng sớm. Họ khẩu trang và kính bảo hộ kín mặt để đối phó với hơi cay của cảnh sát. Ước tính khoảng 80.000 người dân Hong Kong đã đi biểu tình ở quận Admiralty.
Tại đường Connaught, người biểu tình cũng diễu hành đông đặc. AFP dẫn lời sinh viên 19 tuổi Ryan Chung khẳng định:
“Chúng tôi có quyền đến đây và biểu tình. Cả thế giới cần phải biết điều gì đang diễn ra ở Hong Kong. Thế giới cần biết rằng chúng tôi đòi hỏi bầu cử tự do nhưng không được”.
Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh chỉ trích cuộc biểu tình Occupy Central là hành vi bất hợp pháp. Tân Hoa xã cũng dẫn tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh phê phán cuộc biểu tình đã hủy hoại pháp luật và trật tự xã hội Hong Kong.
Dù vậy ông Lương Chấn Anh cam kết chính quyền Hong Kong sẽ tổ chức các cuộc tham vấn chính trị với người dân về các thay đổi chính trị tại thành phố này.
Các chuyên gia Hong Kong nhận định chính quyền Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trước những đòi hỏi của người dân Hong Kong. Nhà phân tích chính trị Sonny Lo mô tả cuộc biểu tình là một bước ngoặt của Hong Kong.
“Từ nay trở đi sẽ có thêm nhiều cuộc đụng độ, có thể là bạo lực” - ông Sonny dự báo.
-----------------------
Hong Kong tê liệt vì biểu tình
Theo Reuters, quận Admiralty ở Hong Kong rơi vào khung cảnh hỗn loạn khi hàng nghìn người biểu tình xô đẩy hàng rào mà lực lượng an ninh dựng lên để phong tỏa các tuyến phố chính của thành phố. Các con phố chính ở trung tâm Hong Kong là Gloucester và Harcourt chật cứng người biểu tình.
Họ hô vang: “Hãy phá bỏ các hàng rào” và “Các người thật đáng xấu hổ”. Toàn bộ Hong Kong rơi vào cảnh tê liệt.
Cảnh sát Hong Kong đã liên tiếp bắn hơi cay vào các đám đông biểu tình và dùng gậy ngăn chặn dòng người xông về phía trước. Đây là lần đầu tiên nhà chức trách Hong Kong phải sử dụng hơi cay kể từ năm 2005 để trấn áp cuộc biểu tình phản đối nông dân Hàn Quốc. Đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh khẳng định cảnh sát sẽ mạnh tay đối phó với cuộc biểu tình “theo đúng quy định luật pháp”.
Đến đêm qua, một nhóm sinh viên đã đăng một tuyên bố trên Facebook kêu gọi người biểu tình rút lui vì lo sợ cảnh sát sẽ dùng đạn cao su để giải tán đám đông.
“Chiến đấu bằng tình yêu và hòa bình”
Trước đó, cảnh sát Hong Kong đã phong tỏa toàn bộ các tuyến phố chính để ngăn chặn phong trào biểu tình “Occupy central with love and peace” (Chiếm giữ trung tâm với tình yêu và hòa bình) làm tê liệt trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.
Người phát ngôn cảnh sát Hong Kong Kong Man Keung khẳng định nhà chức trách sẽ bắt giữ bất kỳ ai sử dụng bạo lực. Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau của chính quyền Bắc Kinh cũng tuyên bố ủng hộ cách xử lý tình hình của chính quyền Hong Kong.
Bất chấp những lời cảnh báo, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người biểu tình đổ ra đường từ sáng sớm. Họ mang khẩu trang và kính bảo hộ kín mặt để đối phó với hơi cay của cảnh sát. Ước tính khoảng 80.000 người dân Hong Kong đã đi biểu tình ở quận Admiralty.
Doanh nhân truyền thông Jimmy Lai, một trong những nhân vật chủ chốt đứng sau phong trào Occupy central, khẳng định càng nhiều người đổ ra đường biểu tình thì cảnh sát càng khó kháng cự.
“Càng nhiều công dân Hong Kong có mặt thì cảnh sát càng khó trấn áp. Kể cả khi bị đánh đập chúng tôi cũng sẽ không kháng cự. Chúng tôi sẽ giành chiến thắng bằng tình yêu và hòa bình” - ông Lai cũng đeo khẩu trang và kính bảo hộ khẳng định.
Nguồn tin báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng cho biết nhiều người biểu tình đã tập huấn hàng tháng kỹ thuật kháng cự bất bạo động, khiến cảnh sát rất khó đẩy lui họ. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát Hong Kong cũng đã tăng cường luyện tập kỹ thuật chống bạo động những ngày qua.
Tại đường Connaught, người biểu tình cũng diễu hành đông đặc. AFP dẫn lời sinh viên 19 tuổi Ryan Chung khẳng định: “Chúng tôi có quyền đến đây và biểu tình. Cả thế giới cần phải biết điều gì đang diễn ra ở Hong Kong. Thế giới cần biết rằng chúng tôi đòi hỏi bầu cử tự do nhưng không được”. Nhà phân tích chính trị Sonny Lo mô tả cuộc biểu tình là một bước ngoặt của Hong Kong.
Bắc Kinh sẽ cứng rắn
Nghị sĩ Hong Kong Lee Cheuk Yan cho biết ba đồng nghiệp của ông, bao gồm hai chính trị gia ủng hộ bầu cử tự do là Albert Ho và Emily Lau, đã bị bắt giữ.
Một ngày trước đó cảnh sát Hong Kong cũng đã bắt giữ 78 người biểu tình, bao gồm nhiều học sinh và sinh viên, trong đó có học sinh 17 tuổi Joshua Wong, thủ lĩnh phong trào biểu tình Scholarism.
Wong là người đầu tiên kêu gọi bao vây tòa nhà chính phủ Hong Kong. Cha mẹ của Wong mô tả vụ bắt giữ cậu là động thái “trấn áp chính trị”. Wong đã được thả hôm qua mà không bị truy tố. Cậu nói sẽ quay lại biểu tình.
Hôm qua, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh chỉ trích cuộc biểu tình Occupy central là hành vi bất hợp pháp. Tân Hoa xã cũng dẫn tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh phê phán cuộc biểu tình đã hủy hoại pháp luật và trật tự xã hội Hong Kong. Dù vậy ông Lương Chấn Anh cam kết chính quyền Hong Kong sẽ tổ chức các cuộc tham vấn chính trị với người dân về các thay đổi chính trị tại thành phố này.
Một số doanh nhân giàu ảnh hưởng ở Hong Kong cũng đã lên án cuộc biểu tình Occupy central sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính và kinh tế của thành phố này.
Tỉ phú địa ốc Lee Shau Kee cảnh báo trung tâm tài chính là huyết mạch của Hong Kong và việc nó bị chiếm đóng sẽ “giống như việc Vạn lý trường thành bị phá hủy”. “Hong Kong sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh và sự thịnh vượng sẽ sụt giảm” - ông Lee nhấn mạnh.
Hong Kong trở về với Trung Quốc từ năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Bắc Kinh cam kết quyền tự trị và tự do chính trị cho Hong Kong.
Tuy nhiên hồi tháng 8, Trung Quốc khẳng định người dân Hong Kong chỉ có thể bầu đặc khu trưởng năm 2017 theo danh sách ứng cử viên được Bắc Kinh thông qua từ trước. Chính tuyên bố này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối, đòi bầu cử tự do trong thời gian qua.
Các chuyên gia Hong Kong nhận định chính quyền Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trước những đòi hỏi của người dân Hong Kong. Tuy nhiên nhà phân tích Sonny Lo cảnh báo Bắc Kinh cần hành động cẩn trọng, bởi “bất cứ hành động sai lầm nào cũng sẽ dẫn tới làn sóng phản đối quy mô lớn hơn”.
-----------------------
Các doanh nhân lo ngại kinh tế Hong Kong bị đe dọa
Nhiều doanh nhân ở Hong Kong đã lên tiếng bày tỏ lo ngại cuộc biểu tình có thể ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế và thương mại của trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.
Tỷ phú địa ốc Lee Shau-Kee cảnh báo trung tâm tài chính là huyết mạch của Hong Kong và việc nó bị chiếm đóng sẽ “giống như việc Vạn Lý Trường Thành bị phá hủy”. “Hong Kong sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh và sự thịnh vượng sẽ sụt giảm”, ông Lee nhấn mạnh.
Nhiều người biểu tình có mặt ở trung tâm thành phố Hong Kong khẳng định họ sẽ chiến đấu cho đến khi giành được quyền bầu cử. “Tôi vô cùng tự hào và cảm động. 99% những người ở đây là thanh niên và họ hiểu rõ việc mình làm” - nghị sĩ Claudi Mo mô tả.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định người dân Hong Kong chỉ được bầu cử đặc khu trưởng vào năm 2017 theo danh sách mà Bắc Kinh đã chọn lựa.