Kết luận chính thức vụ 'học sinh bị đâm vật nhọn nghi nhiễm HIV'
Chiều 28.9, nguồn tin của Thanh Niên Online cho biết ông Lê Văn Biền, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã ký công văn chính thức thông tin về vụ việc học sinh Trường THCS Xuân Thiên bị đâm vật nhọn nghi nhiễm HIV vào người hồi cuối tháng 8 vừa qua.
Công văn nêu rõ: Việc đùa nghịch của các em học sinh là do bột phát, không phải do ý đồ xấu, hay chủ định nào khác.
Khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương cùng với Trường THCS Xuân Thiên và phụ huynh học sinh đã kịp thời tổ chức đưa các em đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Thanh Hóa để khám, tư vấn về nguy cơ lây nhiễm bệnh HIV.
Sau khi được các bác sĩ tư vấn trực tiếp đồng thời khẳng định các cháu bị châm, chọc bằng vật nhọn không có nguy cơ phơi nhiễm HIV, các em học sinh và gia đình đã yên tâm, ổn định việc học tập trở lại.
Trước đó, như đã đưa tin, ngày 29.8, vào giờ ra chơi, 7 học sinh lớp 9A2, Trường THCS Xuân Thiên chơi đùa bằng cách dùng lá cây vạn tuế và dây thép cỡ nhỏ làm nhọn một đầu chọc vào người một số học sinh khối 7, 8 và 9.
Trong tổng số 43 học sinh bị vật nhọn đâm trúng, có em N.D.C bị nhiễm HIV từ mẹ và em này đang được điều trị tại Phòng khám ngoại trú Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân từ năm 2006.
Theo báo cáo điều tra của Công an huyện Thọ Xuân, vết xước ở người em N.D.C là vết xước da, chưa thấy chảy máu, nên không có nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
-------------------------
Mức phạt chủ xe chở hàng quá tải tăng 4 lần
Chủ tiện chở hàng quá tải trên 100% sẽ bị phạt từ 32 đến 36 triệu đồng, mức phạt này tăng cao gấp 4 lần mức phạt hiện tại.
Bộ Giao thông vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định 171 sửa đổi với nhiều mức phạt tăng cho hành vi xe chở quá tải.
Cụ thể, quy định mới sẽ tăng trách nhiệm của chủ phương tiện chứ không chỉ người điều khiển xe. Khi xe chở quá tải 40-60% thì chủ xe (cá nhân) sẽ bị phạt 12-14 triệu đồng; tổ chức, doanh nghiệp sẽ bị phạt 24-28 triệu đồng. Mức phạt tăng tương ứng lên tới 32-36 triệu đồng với chủ xe khi chở quá tải trọng trên 100%. Hiện tại, mức phạt cao nhất với cá nhân là 4 triệu đồng và tổ chức là 8 triệu đồng cho hành vi này.
Với phương tiện cơi nới nếu chở quá tải trọng thì sẽ bị tước giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, tem kiểm định trong 12 tháng và buộc phải điều chỉnh thùng hàng theo quy định.
Cơ quan dự thảo còn đề nghị tăng trách nhiệm của người xếp hàng hóa lên xe ôtô tại các nhà ga, cảng biển, kho bãi... Mức phạt được đề nghị với cá nhân là 2 triệu đồng, tổ chức 4 triệu đồng khi xếp hàng quá tải trên 40%.
Tuy nhiên, dự thảo cũng giảm áp lực cho người lái xe khi chở quá tải trọng chưa nghiêm trọng như không tước giấy phép lái xe khi chở quá tải đến 30% (quy định hiện tại tước giấy phép một tháng với hành vi này). Chở quá tải đến 60% sẽ bị tước giấy phép trong một tháng, thay vì 2 tháng như hiện nay
-------------------------
Khởi tố 7 cán bộ chiếm dụng hơn 8 tỷ đồng tại BV huyện Vĩnh Thuận
Mới đây, liên quan đến vụ việc một số cán bộ Phòng Tài chính – kế toán của Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang chiếm dụng hơn 8 tỷ đồng, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang cho biết đã khởi tố vụ án.
Theo kết luận, qua kiểm tra sổ sách từ năm 2010 đến tháng 10/2013, cơ quan chức năng đã phát hiện tồn quỹ tiền mặt tại Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Thuận hơn 10,6 tỷ đồng, nhưng đã bị các cá nhân phòng Tài chính – kế toán của bệnh viện chiếm dụng hơn 8 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Vĩnh Thuận, vào đầu năm 2010, khi bàn giao nhiệm vụ để nhận công tác mới, ông Hà Văn Phúc, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vĩnh Thuận (hiện nay là Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang) có bàn giao cho giám đốc mới số tiền tồn quỹ theo sổ sách hơn 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều khoản trong số tiền này bị chi sai mục đích và các cá nhân chiếm dụng đến nay chưa thu hồi được. Hiện nay, đã có một số cá nhân nộp lại tiền tạm ứng. Riêng khoản tiền tiếp khách hơn 1,87 tỷ đồng đã thu hồi được 867 triệu đồng.
Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang cho biết vừa có quyết định khởi tố vụ án và đang điều tra sai phạm từng cá nhân. Ngoài ra, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Thuận cũng đã đình chỉ công tác của 7 cán bộ để phục vụ công tác điều tra.
-------------------------
‘Kỳ án trộm dê’ ở Bình Thuận: Bà Nguyệt mãn hạn tù và... đi kêu oan
Bà Trần Thị Kim Nguyệt, bị án duy nhất trong “kỳ án trộm dê” ở Bình Thuận vừa chấp hành xong án phạt 15 tháng tù và được trở về địa phương.
Điều đáng nói là tuy đã chấp hành xong án tù, nhưng bà Nguyệt vẫn một mực khẳng định “tôi hoàn toàn bị oan”. Bà Nguyệt nói: “Vừa ra trại là tôi gọi luật sư ngay. Tôi sẽ chuẩn bị đơn để gửi cho TAND tối cao và Viện KSND tối cao. Không có lý do gì để dừng lại”.
“Kỳ án” này, như Thanh Niên đã thông tin, rạng sáng 29.5.2005, Nguyệt đến chuồng dê ở thôn Hòn Mốc, xã Sông Bình (H.Bắc Bình, Bình Thuận) lùa đi đàn dê 54 con. Sau đó 24 con Nguyệt gửi cho một người quen ở xã bên cạnh. Số còn lại đem đi bán (cho đến nay công an vẫn không điều tra được là bán cho ai). Hôm sau chồng bà Lê Thị Kim Y là Lê Văn Thái làm đơn tố Nguyệt trộm đàn dê này của họ. Ngay ngày hôm đó công an thu được 24 con dê Nguyệt gửi và bàn giao cho bà Y quản lý.
Qua 3 lần bị bắt tạm giam tổng cộng 210 ngày, Nguyệt còn phải chịu xét xử qua 14 phiên tòa. Vụ án bị kéo dài đến gần 10 năm. Ở phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 14, Nguyệt bị TAND H.Bắc Bình tuyên 24 tháng tù tội trộm cắp tài sản. Lên đến phiên xử phúc thẩm thì được giảm xuống còn 15 tháng tù. Trong khi đó, cho đến nay Nguyệt vẫn không nhận tội và nhất quyết cho rằng đàn dê là tài sản của mình và cha mẹ mình.
-------------------------
Hoãn xử nghi can giết người gây oan ông Nguyễn Thanh Chấn
Chỉ sau ít phút khai mạc, phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung - nghi can vụ giết người tại thôn Me liên quan vụ oan sai chấn động của ông Nguyễn Thanh Chấn đã tạm hoãn.
Sau ít phút hội ý, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn xử vụ án này bởi đại diện hợp pháp của bị hại vắng mặt.
Tòa cho biết trước phiên xét xử, bà Hoàng Thị Hội (mẹ của bị hại Nguyễn Thị Hoan) đã có đơn xin hoãn phiên tòa vì có việc gia đình.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cũng đề nghị tòa hoãn phiên xét xử.
Luật sư cho rằng lúc chị Hoan bị giết, chị vừa ly hôn, con chị mới 13 tuổi. Luật sư đề nghị hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung để xác định nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chị Hoan đối với bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang giữ quyền công tố tại tòa cũng đề nghị hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Trong khi đó, bị cáo Lý Nguyễn Chung đề nghị tòa tiếp tục xét xử.
Hội đồng xét xử đã chấp nhận đề nghị của phía gia đình, luật sư bị hại.
Cáo trạng xác định tối 15-8-2003, Lý Nguyễn Chung (27 tuổi) đi từ nhà ra cửa hàng của chị Nguyễn Thị Hoan (người cùng thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) để mua dầu gội đầu.
Ở cửa hàng của chị Hoan, Chung nhìn thấy trong tủ kính có tiền nên nảy sinh ý định giết chị Hoan để lấy tiền.
Khi chị Hoan đang lấy dầu gội đầu, Chung liền dùng con dao bấm mang theo đâm nhiều nhát làm chị Hoan tử vong tại chỗ. Sau đó Chung lấy hai chiếc nhẫn màu vàng trên tay chị Hoan và lấy tiền trong tủ kính rồi đi về nhà.
Sáng hôm sau, bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế của Chung) dọn dẹp nhà cửa thì phát hiện chậu nước ngâm quần áo của Chung có màu hồng như màu máu.
Khi được bà Lành và cha hỏi, Chung đã thú nhận việc giết chị Hoan. Cùng ngày, Chung bắt xe bỏ trốn lên Lạng Sơn rồi trốn vào Đắk Lắk.
Tháng 10-2013, biết tin Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đang điều tra lại vụ án, Lý Nguyễn Chung đã đến Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi giết chị Hoan.
Liên quan đến vụ án, năm 2005, ông Nguyễn Thanh Chấn (54 tuổi, cùng ngụ tại Thôn Me) đã bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội kết án tù chung thân về tội giết chị Nguyễn Thị Hoan. Năm 2013, khi Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, ông Chấn đã được trả tự do sau 10 năm thụ án tù oan.
Cũng liên quan vụ việc này, tháng 5-2014, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Thế Vinh (nguyên trưởng phòng 10 Viện KSND tỉnh Bắc Giang) và ông Trần Nhật Luật (thượng tá, nguyên phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).
Cả hai bị can bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án gây oan sai cho ông Chấn.
Tại cuộc họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội ngày 11-9, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết ông Nguyễn Thanh Chấn đã bị điều tra viên dùng nhục hình trong quá trình điều tra vụ án giết chị Hoan năm 2003.
-------------------------
Khai thu nhập thấp để bớt tiền cấp dưỡng nuôi con
Ngày 24-9, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là ông Võ Ngọc Th. (32 tuổi, ngụ thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) với bị đơn là bà Nguyễn Thị Thu H.
Trước đó, TAND huyện Châu Thành xử cho cả hai được ly hôn nhưng sau đó bị đơn kháng cáo yêu cầu tăng tiền cấp dưỡng.
Bà H. trình bày bà làm kế toán cho một công ty tư nhân ở TP.HCM với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ông Th. làm nghề lái xe container thu nhập mỗi tháng cả chục triệu đồng. Bé H. (là con chung của bà với ông Th.) bản tính nhút nhát, lại không được cha chăm sóc, gần gũi thường xuyên nên từ năm ba tuổi đã bị rối loạn tâm thần. Mỗi tháng bà phải tốn hơn 1,5 triệu đồng để chữa bệnh cho con. Vì vậy, bà yêu cầu ông Th. phải cấp dưỡng mỗi tháng hơn 3 triệu đồng để bà nuôi dạy và chữa bệnh cho con.
Tại tòa sơ thẩm, ông Th. khai thu nhập thấp, mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng nên đề nghị được cấp dưỡng mỗi tháng bằng 1/2 mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định, tức 575.000 đồng. Cấp sơ thẩm đã không thu thập chứng cứ để xem lời khai của ông Th. về thu nhập có đúng hay không mà lại tuyên luôn mức cấp dưỡng như đề xuất của ông Th.
Trước khi xử phúc thẩm, TAND tỉnh Long An đã yêu cầu các cơ quan thuế và công ty nơi ông Th. làm việc cung cấp bảng lương và thu nhập. Kết quả là thu nhập bình quân của ông Th. gần 8 triệu đồng, tháng cao nhất khoảng 10 triệu đồng.
Tại phiên xử phúc thẩm, tòa hỏi ông Th. rằng với số tiền 575.000 đồng có đủ để nuôi một đứa bé sáu tuổi không. Ông Th. trả lời “không thể”. Tuy nhiên, khi tòa và luật sư đề nghị tăng thêm tiền cấp dưỡng, ông Th. chẳng những không đồng ý mà còn cho rằng: “Cấp dưỡng nhiều nhưng chưa chắc tiền đã đến được tay con”.
Cuối cùng, tòa phúc thẩm nhận định án sơ thẩm tuyên số tiền cấp dưỡng quá ít, không đủ cho nhu cầu vật chất lẫn tinh thần, ăn học và chữa bệnh của cháu H. Tòa tuyên buộc ông Th. phải cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1,5 triệu đồng cho đến khi cháu 18 tuổi.