Đề xuất giảm 10 dòng thuế nhập khẩu ưu đãi từ 2015
Đó là một trong những nội dung tại dự thảo Thông tư sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013 đang được được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Theo đó, rất nhiều loại xe ôtô, môtô được giảm 3-15% thuế nhập khẩu, như: ôtô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người (kể cả xe có khoang hành lý chung) và ôtô đua, ôtô có nội thất được thiết kế như căn hộ... Mức áp dụng đối với loại này giảm từ 67% xuống còn 64%.
Xe bốn bánh chủ động mức thuế cũng giảm từ 70% xuống còn 55%, loại khác từ 70% xuống 64%. Mức thuế đối với môtô và xe đạp có gắn động cơ phụ trợ, môtô thùng giảm 7% xuống còn 40%... Ngoài ra, cá đông lạnh cũng được đề xuất giảm 1% còn 18%.
Bộ Tài chính cho biết đề xuất này nhằm thực hiện cắt giảm thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2015. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ cam kết về thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phế liệu sắt thép, phế liệu kim loại màu.
Thuế suất các mặt hàng này hiện quy định mức 15%, 17% và 22%. Các mức này đã thấp hơn hoặc bằng mức cam kết WTO. Do vậy, Bộ Tài chính dự kiến giữ nguyên các mức thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng này.
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành có 9.471 dòng thuế, gồm 43 mức thuế suất. Thực hiện cam kết WTO, năm 2015 Việt Nam phải cắt giảm 13 dòng thuế (gồm một dòng hàng cá, 11 dòng hàng ôtô, một dòng hàng xe máy). 3 trong số 13 dòng thuế này đang có mức thuế suất năm 2014 thấp hơn cam kết nên không thuộc diện phải giảm.
Từ 1/1/2015, Việt Nam sẽ phải thực hiện cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của 10 dòng thuế xuống bằng mức cam kết WTO cho năm 2015.
Bộ Tài chính cho biết nếu lấy giả định kim ngạch những mặt hàng này là kim ngạch nhập khẩu năm 2013, tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu chiếm khoảng 35% thì trường hợp giảm thuế 10 dòng thuế này sẽ làm giảm số thu thuế nhập khẩu đối với Ngân sách là11,6 tỷ đồng.
-------------------------
Doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng vào hiệp đinh FTA với Việt Nam
Khoảng 80% doanh nghiệp được khảo sát mong đợi FTA sẽ thay đổi hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam.
Khảo sát về chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) do Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) thực hiện vào tháng 9 cho thấy niềm tin và triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tiếp tục tăng từ 66 lên 74 điểm. Điểm số này đã ngang bằng những quý đầu năm 2011.
"Mức tăng trưởng này cho thấy sự kỳ vọng của các doanh nghiệp vào các đàm phán của Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) châu Âu - Việt Nam. Khảo sát còn cho thấy sự cố với doanh nghiệp ở Bình Dương đầu năm nay đã được kiểm soát", báo cáo cho hay.
------------------------
95% thị phần chuyển phát quốc tế thuộc về doanh nghiệp ngoại
Thông tin được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đưa ra tại Hội thảo “Dịch vụ chuyển phát với Thương mại điện tử” do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (24/10).
VECOM cho biết trong năm nay có 91 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính, nhưng không ít trong số này chưa hoạt động hoặc hoạt động không đúng mục đích. Có đơn vị chuyển phát chỉ làm thương mại, liên kết, hợp tác với một số đơn vị chuyển phát lớn rồi kinh doanh trực tuyến hoặc mở văn phòng giao dịch thu gom thư từ, bưu phẩm, bưu kiện… của khách hàng để chuyển sang bên đại lý.
Ngoài 3 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VnPost), Công ty DHL của Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) có mạng lưới phủ rộng khắp các tuyến xã trên cả nước, thì hầu hết các công ty chuyển phát đều có quy mô nhỏ và vừa. Do vậy chưa đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường thương mại điện tử hiện nay.
Theo Bộ Công Thương nguyên nhân là hệ thống quản lý hàng hóa chuyển phát của các doanh nghiệp còn thủ công, hạ tầng nhà xưởng kho bãi và phương tiện vận chuyển chưa hiện đại, phụ thuộc phần lớn vào bên thứ ba khi hàng hóa được chuyển phát bằng hàng không.
“Hàng hóa chuyển phát đi quốc tế phụ thuộc trên 95% vào các hãng chuyển phát nước ngoài. Chưa kể đến đội ngũ nhân lực còn không qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn…”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký VECOM cho biết.
Chất lượng dịch vụ chuyển phát chưa cao cũng là một trong những yếu tố chủ yếu khiến giá mua sắm trực tuyến tại Việt Nam không rẻ hơn đáng kể so với kênh mua sắm truyền thống. Điều này cản trở không nhỏ tới lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam. Để thương mại điện tử trở thành một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ như tiềm năng, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp chuyển phát cần tập trung đầu tư chiều sâu về công nghệ, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ kiến thức cho đội ngũ nhân lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.
------------------------
Boeing đuối sức trong cuộc đua thị phần ở Việt Nam
Trong khi đối thủ Airbus liên tục ký được những hợp đồng bán máy bay "khủng" cho các hãng hàng không Việt, thị phần của Boeing lại khó có khả năng mở rộng.
Thực tế này được chính Phó chủ tịch Boeing International - Ralph L. "Skip" Boyce thừa nhận trong chuyến làm việc tại Việt Nam giữa tuần qua. Theo tính toán của hãng, thị phần của Boeing hiện chỉ khoảng 7% đội bay thương mại tại đây. Con số này có thể tăng lên trên 10% vào năm sau khi Vietnam Airlines nhận thêm một số tàu bay Boeing mới, song vẫn kém xa so với kỳ vọng của hãng.
Ông Boyce, người đồng thời cũng là Chủ tịch Boeing Đông Nam Á khẳng định điều này nằm ngoài mong muốn, bởi hãng này luôn coi Việt Nam là một thị trường vô cùng tiềm năng. Từ trước đến nay, Boeing đã cố gắng gia tăng sự hiện diện bằng nhiều cách, như hợp tác với Cục Hàng Không tổ chức các khóa đào tạo phi công, hỗ trợ học bổng thông qua Học viện Hàng không...
Tuy vậy, trong khi thị phần của Boeing xuống thấp, máy bay Airbus đang hiện diện ngày một đông tại Việt Nam (chiếm khoảng 77% lượng máy bay thương mại). Nguyên nhân được các chuyên gia lý giải là chủ trương chủ trương cơ cấu lại đội tàu bay của các hãng.
Trước năm 2013, Jetstar Pacific khai thác 2 dòng máy bay song song là Boeing 737-400S và Airbus A320. Tuy nhiên, sau khi tính toán, hãng này nhận định sử dụng một dòng tàu bay sẽ phù hợp hơn với hàng không giá rẻ. Việc chuyển đổi hoàn toàn sang Airbus A320 được quyết định sau khi tính toán về khả năng tiết kiệm được 5 đến 6% nhiên liệu. Jetstar sau đó đã trả 5 máy bay Boeing.
Còn với hàng không tư nhân Vietjet, kể từ khi cất cánh lần đầu vào năm 2011, hãng chỉ sử dụng tàu bay Airbus A320. Hiện sở hữu 16 chiếc tính đến tháng 10/2014, trong tương lai Vietjet sẽ còn nhận thêm nhiều máy bay mới trong hợp đồng 63 chiếc ký với Airbus đầu năm nay.
Theo lý giải của một đại diện hãng, dòng máy bay A320 phù hợp với các hãng giá rẻ, với ví dụ điển hình là Air Asia - hãng giá rẻ lớn nhất Malaysia có 80 chiếc loại này. "Sử dụng đồng nhất một dòng máy bay giúp tiết kiệm chi phí bảo dưỡng khi toàn bộ linh kiện, thiết bị và hợp đồng bảo dưỡng chỉ phục vụ cho một loại máy bay duy nhất", đại diện Vietjet giải thích.
Ngoài ra, thị phần của Boeing ở Việt Nam giảm sút còn do sự cố chậm giao máy bay cho Vietnam Airlines. Theo đó, trong các năm 2005 và 2007, Vietnam Airlines đặt mua 15 chiếc máy bay 787-8. Tuy nhiên, vì một số lý do, nhà sản xuất máy bay Mỹ nhiều lần trì hoãn bàn giao hàng. Sau nhiều năm chờ đợi, đến 2010, Vietnam Airlines quyết định chuyển đổi đơn hàng Boeing 787-8 thành 787-9. Dự kiến chiếc máy bay đầu tiên thuộc dòng này sẽ về đến hãng vào năm 2015. Tổng cộng, Vietnam Airlines đặt mua 8 chiếc máy bay thế hệ mới này của nhà sản xuất đến từ Mỹ, bàn giao từ 2015 đến 2019.
Nói về tiềm năng gia tăng thị phần ở Việt Nam, đại diện Boeing cho biết đang nỗ lực làm việc với các hãng và cơ quan quản lý. "Chúng tôi đang làm việc với Cục Hàng Không Dân Dụng Việt Nam để chứng minh chất lượng và độ an toàn của máy bay Boeing. Hãng mong muốn có cơ hội hợp tác nhiều hơn và tự tin sản phẩm của mình có thể thuyết phục các hãng hàng không Việt Nam", ông Ralph L. "Skip" Boyce nói.
-------------------------
TP HCM công bố doanh nghiệp nợ thuế tiền tỷ
Cục Thuế TP HCM vừa công bố danh sách 16 doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố có tổng số nợ thuế đợt một lên đến gần 220 tỷ đồng.
Trong số này, doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất là Công ty Đầu tư và Xây dựng số 8 (51,08 tỷ đồng), còn đơn vị nợ ít nhất là Công ty Nhà I và D nợ gần 1,6 tỷ đồng.
Cục Thuế TP HCM cho biết vẫn đang rà soát và sẽ tiếp tục công bố danh sách các doanh nghiệp còn nợ tiền thuế đợt 2 trong thời gian tới.
tk-8479-1414064711.jpg
Cục Thuế TP HCM công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết, số lãi, phạt thuế thậm chí còn nhiều hơn cả tiền thuế. Một số lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, chưa có thời điểm nào mà ngành thuế lại cưỡng chế, truy thu thuế quyết liệt như hiện nay.
Các doanh nghiệp thừa nhận, hiện tại hầu hết đều đang rơi vào hoàn cảnh rất bết bát, hoạt động cầm chừng, không có lãi. Đồng thời cho biết, họ không phản đối việc cơ quan thuế cưỡng chế, truy thu để đảm bảo cân đối ngân sách cho Nhà nước, nhưng cho rằng cần phải có sự sàng lọc.
"Doanh nghiệp nào có tiền mà chây ì không nộp, cố tình bỏ trốn thì cần xử lý mạnh. Còn những đơn vị làm ăn chân chính vì khó khăn nhất thời thì cơ quan thuế nên tạo điều kiện để họ sống. Vì doanh nghiệp có sống được mới có tiền trả lương lao động, mới có tiền nộp ngân sách Nhà nước", lãnh đạo một doanh nghiệp tại Tân Phú, TP HCM nói.
Danh sách 16 doanh nghiệp nợ thuế đợt một
Công ty Đầu tư và Xây dựng số 8 nợ 51,08 tỷ đồng
Công ty Thép Thăng Long nợ 34,593 tỷ đồng
Công ty Xây dựng dân dụng và công nghiệp nợ 26,482 tỷ đồng
Doanh nghiệp tư nhân thương mại chế biến thủy sản Bình Hưng nợ 25,378 tỷ đồng
Công ty Sắt thép Cửu Long nợ 16,844 tỷ đồng
Công ty Tài Đức Lộc nợ 10,745 tỷ đồng
Công ty Cơ khí Tân Kiến Thành nợ 10,557 tỷ đồng
Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng nợ 10,427 tỷ đồng
Công ty Kỹ thuật Xuyên Hiếu nợ 9,475 tỷ đồng
Công ty Du lịch Thanh niên Việt Nam nợ 4,191 tỷ đồng
Công ty Xây dựng số 3 nợ 4,968 tỷ đồng
Chi nhánh Sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu (Hà Nội) nợ 4,118 tỷ đồng
Công ty Liên doanh vận tải Sea SaiGon nợ 2,916 tỷ đồng
Công ty sản xuất dịch vụ thương mại cơ khí Đông Phương nợ 2,123 tỷ đồng
Công ty Xây Dựng Liên Thạch nợ 3,499 tỷ đồng
Công ty Nhà I và D nợ 1,591 tỷ đồng
-------------------------