Ngăn chặn vụ tàng trữ, vận chuyển chất độc Cyanua
Chiều 26-10, thượng tá Nguyễn Văn Phong, phó trưởng Công an huyện Phú Ninh (Quảng Nam), cho biết cơ quan Công an đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đồng thời bắt tạm giam đối với Huỳnh Thị Tú (26 tuổi, trú thôn Phú Mỹ, xã Tam Trà, huyện Phú Ninh) về hành vi mua bán trái phép chất độc Cyanua.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 17-10, Tú nhận được cuộc điện thoại giao dịch với một người đàn ông không rõ lai lịch mua Cyanua, giao hẹn Tú chở Cyanua đến cổng văn hóa thôn Bông Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh).
Khi Tú lái xe máy chở 25kg Cyanua lên hướng xã Tam Lãnh thì bị lực lượng Công an huyện Phú Ninh bắt quả tang cùng tang vật là 1 bao cát bên trong có chứa nhiều viên nén màu trắng, hình trụ tròn là chất độc Cyanua, tổng trọng lượng 25kg.
Theo lời khai của Tú thì số Cyanua trên Tú lấy của Đỗ Thị Kim Cương (46 tuổi, trú thôn An Thành 1, xã Bình An, huyện Thăng Bình).
Tiến hành khám xét khẩn cấp nhà Cương, cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ 1 bao lát màu đen bên trong chứa chất độc Cyanua tổng trọng lượng 26 kg.
Ngoài ra còn phát hiện thêm Cương đang tàng trữ trái phép vật liệu nổ công nghiệp gồm 10 cuộn dây màu đen, mỗi cuộn dài 50m.
Bên trong mỗi cuộn có 1 hộp giấy cứng chứa 100 ống kim loại màu trắng, mỗi ống dài 4cm, đường kính 1cm; 32 cuộn dây điện, màu xanh, đỏ, vàng.
Mỗi cuộn có 25 sợi dây điện nhỏ, mỗi sợi dây điện gắn vào một ống kim loại màu trắng.
Được biết, số tang vật bị thu giữ đều là những chất, vật liệu được dùng để khai thác trái phép vàng.
-------------------------
Khởi tố vụ tự đốt nhà phi tang hàng lậu
Ngày 25-10, đại tá Lê Văn Tiền, phó giám đốc Công an An Giang cho biết vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Vân (49 tuổi) về hành vi tàng trữ hàng cấm và hủy hoại tài sản (nhằm phi tang tang vật, chứng cứ).
Hiện bà Vân và người cháu vẫn đang điều trị bỏng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nên được công an cho tại ngoại.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 1g sáng 3-10 lực lượng công an đến kiểm tra điểm tập kết hàng lậu tại nhà bà Vân (số 1 đường Kim Đồng, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên). Bà Vân không mở cửa nhà, huy động hàng chục người bên ngoài đến tẩu tán hàng nhưng bị khống chế, ngăn chặn.
Sau đó bà Vân tự phóng hỏa đốt nhà nhằm tiêu hủy tang vật. Lực lượng công an phải tập trung chữa cháy, xông vào giải cứu và đưa bà Vân cùng đứa cháu bị bỏng đi cấp cứu.
Sau vụ cháy tại hiện trường thu giữ được lượng hàng lậu còn sót lại gồm 122 ngàn gói thuốc lá, 140 thùng bia, nước ngọt… ngoại nhập.
-----------------------
Thuế một đằng, hóa đơn một nẻo
Nhiều cư dân chung cư 4S Riverside (quận Thủ Đức, TP HCM) đã khởi kiện yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc trả lại tiền thuế giá trị gia tăng thu dư.
Theo quy định của pháp luật, quyền sử dụng đất (QSDĐ) không phải chịu thuế GTGT trong hợp đồng chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, thực tế thì rất nhiều chủ đầu tư tính thuế GTGT luôn cả QSDĐ.
Một căn hộ, hai hóa đơn thuế
Năm 2009, bà Phùng Thị Thu Thủy mua căn hộ tại chung cư 4S Riverside, tổng giá trị hợp đồng là 888 triệu đồng, trong đó giá trị QSDĐ là 139 triệu đồng và giá trị căn hộ là 740 triệu đồng. Theo quy định, số tiền mà bà Thủy phải đóng thuế GTGT chỉ là 740 triệu đồng, tức 74 triệu đồng nhưng Công ty Thành Trường Lộc lại thu của bà Thủy theo 100% giá trị hợp đồng là 88 triệu đồng. Số tiền thu được thể hiện bằng biên nhận, đến một năm sau chủ đầu tư mới xuất hóa đơn đỏ cho bà Thủy. Thế nhưng, trên hóa đơn thể hiện số tiền bà Thủy đóng thuế GTGT chỉ có 70,5 triệu đồng, tương ứng với 95% giá trị căn hộ.
Tương tự, ông Đặng Trung Hiếu mua 2 căn hộ tại chung cư 4S Riverside với tổng giá trị gần 1,1 tỉ đồng, trong đó giá trị QSDĐ là 255 triệu đồng. “Chủ đầu tư thu của tôi gần 110 triệu đồng tiền thuế GTGT nhưng trong hóa đơn thì bị “cắt” mất gần 30 triệu đồng. Sau khi biết giá trị QSDĐ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, tôi yêu cầu hoàn trả gần 26 triệu đồng đã bị thu lố thì chủ đầu tư trả lời vẫn chưa rõ QSDĐ có đóng thuế GTGT hay không. Nếu hỏi các cơ quan chức năng mà đúng như vậy thì họ sẽ hoàn tiền cho tôi. Đến nay, tôi vẫn chưa nhận được tiền hoàn” - ông Hiếu nói.
Một cư dân khác là ông Đào Quang Đức cũng bị chủ đầu tư thu cả thuế GTGT giá trị QSDĐ nhưng chỉ xuất hóa đơn thuế GTGT giá trị căn hộ. “Khi tôi yêu cầu chủ đầu tư xuất đủ hóa đơn như số tiền thuế đã nộp thì một năm sau, họ xuất cho thêm một hóa đơn thuế GTGT của giá trị QSDĐ. Tôi biết rõ không pháp luật nào cho phép một món hàng được xuất 2 hóa đơn thuế GTGT cả. Chủ đầu tư làm vậy là sai quy định” - ông Đức khẳng định.
Lòng vòng trách nhiệm
Sau nhiều lần đề nghị hoàn tiền thuế thu dư nhưng không được, bà Thủy đã khởi kiện Công ty Thành Trường Lộc tại TAND quận 3, yêu cầu trả lại gần 14 triệu đồng. Trong bản khai tại tòa, ông Đặng Hợp Thành, đại diện Công ty Thành Trường Lộc, xác nhận có thu thuế GTGT đối với giá trị QSDĐ trong hợp đồng mua bán căn hộ với bà Thủy. Ông Thành cho biết sẽ trả lại số tiền đã thu dư nếu cơ quan chức năng xác định QSDĐ không phải là đối tượng chịu thuế trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết toán thuế. Sau đó, tại phiên hòa giải, ông Thành cho rằng đã có văn bản hỏi Chi cục Thuế quận 3 về việc QSDĐ có phải là đối tượng chịu thuế GTGT hay không nhưng cơ quan thuế chỉ trích dẫn luật mà không trả lời trực tiếp vấn đề đang vướng mắc. Bên cạnh đó, do hóa đơn thuế lần đầu công ty xuất cho khách hàng không đủ 100% hợp đồng nên không được cơ quan thuế chấp nhận (?). Vì thế, để thúc đẩy quá trình cấp chủ quyền đúng thời hạn, công ty nhanh chóng cấp hóa đơn lần hai để ghi nhận bổ sung phần thuế GTGT giá trị QSDĐ. Hiện nay, Công ty Thành Trường Lộc đã trích khai nộp thuế và xuất hóa đơn đầy đủ cho khách hàng nhưng cơ quan thuế vẫn chưa quyết toán cụ thể việc xuất này là thừa hay thiếu, khi có cách giải quyết khác từ cơ quan thuế thì công ty sẽ báo lại cho khách hàng.
Liên quan đến vụ việc, vừa qua, Chi cục Thuế quận 3 một lần nữa có văn bản trả lời TAND quận 3, trong đó một lần nữa khẳng định: Giá tính thuế GTGT là giá chuyển nhượng bất động sản phải trừ đi giá đất hoặc giá thuê đất (QSDĐ). Về việc tách 2 hóa đơn thuế GTGT, Chi cục Thuế quận 3 cho biết trường hợp đã lập, giao hóa đơn và hàng hóa cho người mua, nếu phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng biên bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót.
Trong khi đó, bà Thủy và rất nhiều cư dân chung cư 4S Riverside khẳng định chưa bao giờ được chủ đầu tư thông báo về việc sai sót hóa đơn thuế GTGT cũng như không lập bất cứ văn bản thỏa thuận nào về việc này. Theo thông tin từ Chi cục Thuế quận 3, vào tháng 1-2010, Công ty Thành Trường Lộc mới khai thuế và nộp tờ khai thuế đã lập cho bà Thủy vào năm 2009 với số tiền 70,5 triệu đồng. “Công ty Thành Trường Lộc thu của tôi 88 triệu đồng từ năm 2009 nhưng đến 2010 mới nộp cho cơ quan thuế và cũng chỉ nộp hơn 70 triệu đồng. Vậy số tiền còn lại đi đâu? Công ty Thành Trường Lộc có bị phạt vì hành vi nộp chậm này hay không?” - bà Thủy đặt vấn đề.
----------------------------
Hàng trăm người dân lại dựng lều vây trại nuôi lợn
Ngày 26/10, hàng trăm người dân ở xã Yên Tâm và một số xã lân cận như Yên Giang, Yên Trung, Nông Trường (huyện Yên Định, Thanh Hóa) tiếp tục kéo về khu trang trại chăn nuôi công nghiệp của Công ty TNHH P.N.T ở thôn Mỹ Hòa (xã Yên Tâm) gây áp lực.
Họ dựng lều lán, la ó, căng băng zôn… trước cổng trang trại đòi doanh nghiệp di dời toàn bộ đàn lợn nái hơn 1.200 con đang được chăn nuôi tại đây. Chính quyền địa phương đã cử công an, dân quân tự vệ túc trực ngày đêm nhằm đảm bảo an ninh, tránh để xảy ra sự cố.
“Bà con bỏ hết công việc đồng áng tập trung về đây để hợp sức phản đối chủ trang trại. Mục đích của chúng tôi là yêu cầu doanh nghiệp P.N.T thực hiện đúng những điều khoản từng cam kết cũng như chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa”, ông Trịnh Văn Thao (50 tuổi, nông dân thôn Mỹ Hòa) nói.
Theo ông Thao, lý do người dân gây áp lực với chủ doanh nghiệp là khu chuồng nuôi lợn này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong suốt thời gian dài khiến sinh hoạt, sức khỏe của bà con trong vùng bị đảo lộn.
“Gia đình tôi sống cách trang trại chưa đầy 150 m, mỗi khi trời nắng, mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà rất khó chịu, ruồi nhặng bay khắp nơi…”, bà Trần Thị Liên (thôn Yên Trường, xã Yên Tâm) cho hay.
Cũng theo phản ánh của người dân xã Yên Tâm, không chỉ môi trường không khí bị ô nhiễm mà nguồn nước ngầm cũng có dấu hiệu nhiễm độc nặng. “Hoa màu vụ đông bà con trồng gần trang trại đang mơn mởn xanh tốt bỗng chuyển màu vàng, héo úa rồi cứ thế chết dần. Chúng tôi nghi ngờ công ty đã dùng hóa chất độc hại xử lý nước thải, nguồn nước từ kênh Hón Măng sau đó được hút lên phục vụ tưới tiêu khiến cây trồng chết đứng…”, ông Thao cho biết thêm.
Trước đó vào trung tuần tháng tư, hàng trăm người dân xã Yên Tâm kéo đến cổng trại lợn dựng lều lán, ngăn chặn việc vận chuyển thức ăn vào công ty. Chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc họp dân tìm phương án giải quyết.
Mãi hơn một tuần sau, người dân mới chịu dời đi khi đại diện doanh nghiệp ký cam kết chuyển toàn bộ đàn lợn (cả thương phẩm và lợn nái) đi nơi khác. Theo công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 29/9, hạn chót để Công ty P.N.T di chuyển đàn lợn ra khỏi Trang trại Yên Tâm là ngày 24/10. Tuy nhiên, sau thời hạn này, doanh nghiệp chưa thực hiện khiến người dân tiếp tục tập trung phản ứng.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thành Chinh, Phó giám đốc Công ty TNHH P.N.T cho biết, sau sự cố hồi tháng tư, ngoài việc chuyển toàn bộ đàn lợn thương phẩm đi nơi khác, doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp cải tạo môi trường, như xây dựng thêm nhà chứa phân, cải tạo hầm bioga, kiên cố hệ thống khử mùi và vớt bèo xử lý ô nhiễm trên kênh Hón Măng…
Theo ông Chinh, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn nên chưa thể di chuyển đàn lợn nái đi nơi khác. “Đã là chăn nuôi thì không tránh khỏi việc có mùi đặc trưng, chúng tôi đã hạn chế tối đa những tồn tại trước đó và được cơ quan chức năng ghi nhận nỗ lực. Nguyện vọng của doanh nghiệp là tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, thân thiện với môi trường và người dân…”, ông Chinh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao các ngành Công an, Tài nguyên môi trường và chính quyền huyện Yên Định theo dõi sát sao diễn biến vụ việc, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân nhằm ổn định tình hình.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu chủ trang trại tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, thu gom xử lý chất thải… theo đúng đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trang trại nuôi lợn của Công ty P.N.T đi vào hoạt động từ năm 2009 với quy mô đăng ký 1.200 lợn nái giống. Tuy nhiên, sau đó công ty này cơi nới, mở rộng trang trại nuôi thêm gần 5.000 lợn thương phẩm khiến tình trạng quá tải, ô nhiễm xảy ra nghiêm trọng. Sau khi có phản ứng từ người dân hồi tháng 4, doanh nghiệp đã dừng toàn bộ hoạt động nuôi heo thương phẩm và chỉ giữ lại đàn heo nái.
-------------------------
Tỉnh Quảng Nam quy trách nhiệm kiểm lâm Đà Nẵng tiếp tay cho lâm tặc
Số gỗ quý bị chặt hạ được phát hiện tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã lên đến hơn 45 m3. Trong khi công an đang vào cuộc điều tra, đại diện tỉnh Quảng Nam nói kiểm lâm Đà Nẵng đã tiếp tay cho lâm tặc.
Ngày 24/10, số gỗ được kiểm lâm huyện Đông Giang (Quảng Nam) và kiểm lâm Đà Nẵng phát hiện cất giấu trái phép tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã được vận chuyển về nhiều trụ sở để làm cơ sở điều tra. Trao đổi với VnExpress, ông Trần Văn Lương, Trưởng Chi Cục kiểm lâm Đà Nẵng cho biết, ngành chức năng Đà Nẵng và Quảng Nam đang phối hợp với công an để điều tra nhóm lâm tặc chặt phá rừng, cũng như những kiểm lâm liên quan đến vụ việc để khởi tố vụ án.
66 phách gỗ nhóm 2 được kiểm lâm vùng giáp ranh phát hiện hồi đầu tháng 10 chỉ cách trạm kiểm lâm Cà Nhông (Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, đóng tại xã Tư, huyện Đông Giang) chừng một km đường rừng với khoảng 20 phút đi bộ, khiến đại diện UBND huyện Đông Giang cho rằng trạm kiểm lâm này "không hề hay biết" là phi lý.
"Rừng Đông Giang đã hết gỗ kiền kiền từ 20 năm nay và đã đóng cửa rừng nên số gỗ này chỉ có thể được chặt ở rừng Bà Nà - Núi Chúa", ông Đinh Văn Hươm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang khẳng định.
Theo ông Hươm, lâm tặc đã có một thời gian khá lâu để chặt được số gỗ thuộc nhóm 2 với khối lượng lớn như vậy rồi tập kết sang khu vực rừng của huyện Đông Giang cất giấu. Do đó, trạm Cà Nhông chưa hoàn thành trách nhiệm của mình.
Tại buổi làm việc với Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn nhằm tìm hướng xử lý liên quan đến việc phát hiện hàng loạt phách gỗ lậu, lãnh đạo huyện Đông Giang cho rằng trạm Cà Nhông đã tiếp tay, bảo kê cho lâm tặc. "Rừng bị tàn phá, không chỉ mất tài nguyên, môi trường bị hủy hoại, mà còn mất lòng tin của người dân đối với chính quyền", ông Nguyễn Bằng, Bí thư huyện Đông Giang nói.
Lãnh đạo huyện Đông Giang cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam di dời trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông ra khỏi địa phận đất của xã Tư. "Việc chậm di dời trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông ra khỏi đất của xã Tư dễ dẫn đến việc lâm tặc tiếp tục khai thác gỗ và tẩu tán số gỗ hiện nay đang cất giấu trong rừng", ông Đỗ Tài, chủ tịch huyện Đông Giang, cho hay.
Phó chủ tịch Huỳnh Khánh Toàn đồng ý với quan điểm của huyện Đông Giang về việc đề nghị Đà Nẵng di dời trạm Cà Nhông, đồng thời chỉ đạo các sở ngành quyết liệt xử lý vụ việc, không để lâm tặc lộng hành. "Căn cứ ranh giới hành chính giữa hai địa phương, sau khi làm việc với phía Đà Nẵng, hai địa phương sẽ triển khai cắm mốc thực địa, có phương án thu hồi một số diện tích rừng bị xâm lấn", ông Toàn kết luận.
Về phía Đà Nẵng, ông Phạm Ngọc Sự, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cho biết, trạm Cà Nhông hoạt động với 5 kiểm lâm viên, trong khi phải bảo vệ trên 5.000 ha rừng với vùng giáp ranh hơn 37 km nên khó kiểm soát hết tình hình. Ông Sự cũng nhận trách nhiệm trước sở Nông nghiệp Đà Nẵng và khẳng định sẽ xử lý, kỷ luật những kiểm lâm liên quan, kiên quyết không bao che.
Trước nhận định gần như "cáo buộc" ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa bảo kê cho lâm tặc của đại diện chính quyền huyện Đông Giang, ông Sự cho rằng đó là nhận định thiếu căn cứ. Theo ông, ngay từ đầu chính ban quản lý rừng này đã phát hiện hơn 14 m3 gỗ kiền kiền, gõ cất giấu gần trạm Cà Nhông và liền sau đó là các đợt truy quét, thu giữ khối lượng lớn gỗ quý trái phép tại rừng đặc dụng.
"Bảo kê mà lại phát hiện, khởi xướng vụ việc? Đây là vụ việc nghiêm trọng, mọi phát ngôn phải thận trọng", ông Sự nói.
Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Đà Nẵng cho hay, Sở đang chỉ đạo hai ngành kiểm lâm và ban quản lý rừng huy động lực lượng, đồng thời phối hợp với công an để xác minh vụ việc. "Chúng tôi kiên quyết làm tới cùng. Không có chuyện bao che mà sẽ điều tra, xử đúng người đúng tội. Việc điều tra tùy thuộc vào phía công an. Nếu tính chất và mức độ nặng thì phải xử lý hình sự", ông Phương khẳng định.
Nhận định đây là vụ phá rừng lớn nhất Đà Nẵng từ trước đến nay, Chi Cục trưởng Kiểm lâm Đà Nẵng Trần Văn Lương nói, bản thân ông cũng có một phần trách nhiệm. Tuy chưa xác định được khu vực rừng bị chặt phá cũng như chưa bắt được lâm tặc, nhưng những kiểm lâm liên quan trực tiếp đã phải tường trình.
"Trên thực tế, phía huyện Đông Giang cũng phải nhận một phần trách nhiệm vì đã không giữ được rừng, để lâm tặc chặt hết gỗ của huyện này rồi tràn sang phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa", ông Lương nói.
Vị này cho biết việc có di dời trạm Cà Nhông ra khỏi xã Tư hay không cần có sự thống nhất của lãnh đạo Đà Nẵng và Quảng Nam dựa trên quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa hai địa phương.
"Thực tế, trạm này hình thành từ khi Đà Nẵng - Quảng Nam chưa tách tỉnh. Những năm qua, dù sống khắc khổ nhưng kiểm lâm Cà Nhông đã góp phần bảo vệ rừng, nếu không những cánh rừng vùng giáp ranh đã rơi vào tay lâm tặc", ông Lương nói thêm.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Đỗ Trọng Kim vừa ký công văn gửi Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam yêu cầu kiểm tra, xử lý việc khai thác gỗ trái phép tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Ngoài việc xử lý vi phạm, Chi cục Kiểm lâm hai địa phương cần phối hợp với công an để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép ở khu vực này.
-------------------------