Doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng sản xuất tại VN
Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản Hà Nội (JETRO Hà Nội) - ông Atsusuke Kawada cho biết, có hơn một nửa số doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam nói rằng họ gặp khó khăn, vướng mắc khi đầu tư tại Việt Nam.
Ngày 21/11, tại lễ ra mắt Bộ phận hỗ trợ DN Nhật Bản (Japan Desk), ông Atsusuke Kawada cho biết, hiện số DN Nhật tìm hiểu thông tin đầu tư vào Việt Nam nhiều thứ 2 khu vực ASEAN (sau Thái Lan). Cụ thể, khoảng 20% số DN Nhật đầu tư ra nước ngoài lựa chọn Việt Nam là điểm đến; gần 70% DN Nhật đã đầu tư vào Việt Nam có dự định mở rộng sản xuất kinh doanh trong 1-2 năm tới.
Theo ông Atsusuke Kawada, lợi thế của Việt Nam là chi phí nhân công rẻ (chỉ bằng một nửa Thái Lan, Trung Quốc), chi phí sản xuất thấp. Tuy vậy, Việt Nam kém Thái Lan về sự rõ ràng, minh bạch của hệ thống pháp luật; cơ sở hạ tầng; công nghiệp phụ trợ (tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ được 30%, trong khi Thái Lan 60%)…
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, Nhật Bản hiện là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Thời gian qua, có nhiều cơ quan cả Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia hỗ trợ các hoạt động đầu tư của DN Nhật. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa chuyên nghiệp, sự ra đời của Japan Desk sẽ khắc phục những điều này. (Qua Japan Desk, DN Nhật đầu tư vào Việt Nam sẽ được hỗ trợ tiếp cận các chính sách của Việt Nam, tiếp xúc các địa phương, cơ sở hạ tầng…).
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tới nay Nhật Bản có 2.434 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 36,507 tỷ USD; trong 10 tháng năm 2014, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng ký đầu tư 1,66 tỷ USD vào Việt Nam (chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam).
-------------------------
Tàu ngầm Kilo Hải Phòng sắp được bàn giao cho Việt Nam Tàu ngầm HQ-184, chiếc tàu ngầm lớp Kilo thứ ba, sẽ được chuyển giao cho Việt Nam vào đầu tháng 12, theo tin của hãng tin Interfax của Nga.
Interfax trích lời Tổng giám đốc hãng đóng tàu Admiralty, ông Alexander Buzakov, nói rằng chiếc tàu ngầm sẽ tới Việt Nam vào đầu tháng 12, nhưng ông không cho biết ngày giờ chính xác.
Interfax cho hay tàu ngầm Hải Phòng đã hoàn tất thử nghiệm ngoài khơi Kalinningrad và trở về cảng St. Petersburg, trụ sở của hãng đóng tàu Admiralty ngày 2.3 năm nay.
Đây là tàu ngầm thứ 3 trong tất cả 6 tàu ngầm mà Việt Nam đặt mua của Nga theo một hợp đồng ký kết giữa hai nước hồi năm 2009.
Ông Buzakov cho biết thêm tàu ngầm Đà Nẵng HQ 186, chiếc tàu thứ 5 trong hợp đồng, sẽ được hạ thuỷ trước cuối năm nay.
Tất cả 6 chiếc tàu diesel-điện hiện đại này do Nga chế tạo được đặt mua qua một hợp đồng trị giá 2 tỉ USD mà Việt Nam đã ký trong chuyến đi của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Mátxcơva năm 2009.
Theo hợp đồng này, Nga sẽ chuyển giao tất cả 6 tàu cho Việt Nam trước năm 2016.
-------------------------
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cho nghỉ việc ngay toàn bộ nhân viên hàng không yếu kém Sáng 24.11, Bộ GTVT đã có cuộc họp khẩn về công tác an toàn hàng không. Sáng nay, Tổng Giám đốc TCty Quản lý bay Việt Nam – Đinh Việt Thắng khẳng định, sự cố mất điện tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 20.11 là do lỗi của con người gây ra.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, đây là một sự cố đặc biệt nghiêm trọng chưa từng xảy ra do lỗi chủ quan của con người. "Sự cố không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế của các hãng hàng không, không chỉ uy hiếp trực tiếp đến an toàn hàng không mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín của ngành GTVT và hình ảnh của đất nước".
Bộ GTVT sẽ thành lập tổ điều tra do Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh làm tổ trưởng cùng các cơ quan liên quan tiến hành điều tra, xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan đến sự cố. Phải kiểm kiểm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong việc này, đồng thời phải đình chỉ ngay công tác của tất cả những người có liên quan đến sự cố. Nếu cần thiết sẽ tiến hành xử lý hình sự đối với người trực tiếp gây ra xem có phải là cố tình phá hoại hay không.
Cùng đó ông Thăng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cần chấn chỉnh công tác quản lý để không xảy ra bất cứ một trường hợp nào như sự cố vừa qua. "Toàn bộ số nhân viên yếu kém của Tổng Công ty Quản lý bay phải cho nghỉ việc ngay. Số có chất lượng trung bình sẽ cho đào tạo lại trong thời gian nhất định, nếu không được sẽ chấm dứt hợp đồng", ông Thăng nhấn mạnh.
Nói về nguyên nhân gây sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Đinh Việt Thắng cho biết, lúc 11h ngày 20.11, các nhân viên kỹ thuật của Cty Quản lý bay miền Nam thực hiện công tác ngắt điện lưới để kiểm tra định kỳ hệ thống máy phát điện. Sau khi tiến hành ngắt điện, 3 máy phát vẫn hoạt động bình thường.
Đến 11h05, một hệ thống UPS báo lỗi. Theo quy trình, trước hết các nhân viên kỹ thuật phải cô lập toàn bộ hệ thống UPS bị lỗi, rồi mới tiến hành sửa chữa. Tuy nhiên, kíp trưởng của ca trực là Lê Trí Tình đã thực hiện sai thao tác dẫn tới toàn bộ hệ thống điện bị sập.
Hiện nay, nguồn điện cung cấp cho hệ thống điều hành không lưu tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và tiếp cận Tân Sơn Nhất (ACC Hồ Chí Minh) gồm 3 cấp: Hệ thống điện lưới (bao gồm hai nguồn điện), máy phát điện dự phòng (gồm 3 máy phát) và 3 hệ thống lưu điện (UPS) để nguồn điện cho hệ thống không ngắt đột ngột. Theo thiết kế luôn đảm bảo 99,9% nguồn điện sẽ không bao giờ bị ngắt nếu không có sự tác động của con người.
-------------------------
Trình hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán 7 hoặc 9 ngày Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền vừa ký trình Thủ tướng Chính phủ hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi với thời gian dự kiến 7 ngày và 9 ngày.
Theo tờ trình về việc nghỉ Tết âm lịch và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ năm 2015 với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ LĐ-TB&XH trình 2 phương án.
Phương án 1: công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch từ ngày thứ ba (17-2-2015) đến hết ngày thứ bảy (21-2-2015). Tức là từ ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến hết ngày mùng 3 tháng Giêng năm Ất Mùi và nghỉ bù vào ngày thứ hai, 23-2-2015, do ngày nghỉ hằng tuần thứ bảy trùng vào ngày mùng ba Tết.
Về hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần dịp nghỉ Tết Âm lịch, công chức, viên chức đi làm ngày thứ bảy, 14-2-2015 để nghỉ thứ hai, ngày 16-2-2015.
Như vậy, dịp nghỉ Tết Âm lịch, công chức, viên chức sẽ nghỉ liền từ ngày 15-2 đến hết ngày 23-2-2015, tổng số là chín ngày liên tục với bốn ngày cuối năm Giáp Ngọ và năm ngày đầu năm Ất Mùi.
Phương án 2: Công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch từ thứ tư (18-2-2015) đến hết ngày chủ nhật (22-2-2015). Tức là từ ngày 30 tháng Chạp năm Giáp Ngọ tới hết ngày mùng 4 tháng Giêng năm Ất Mùi và nghỉ bù vào thứ hai (23-2-2015), thứ ba (24-2-2015) do ngày nghỉ hằng tuần thứ bảy (21-2) và chủ nhật (22-22015) trùng vào ngày mùng 3 và mùng 4 Tết.
Như vậy, dịp này sẽ nghỉ liền từ thứ tư, 18-2 đến hết ngày thứ ba, 24-2-2015 (tức là từ 30 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến hết mùng sáu tháng Giêng năm Ất Mùi).
Tổng số ngày nghỉ của phương án 2 là bảy ngày liên tục với một ngày cuối năm Giáp Ngọ và sáu ngày đầu năm Ất Mùi.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc thực hiện lịch nghỉ Tết Âm lịch và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần theo phương án 1 là hài hòa, phù hợp vì sẽ không tồn tại ngày đi làm quá ngắt quãng, đồng thời số ngày nghỉ trước Tết và sau Tết không quá chênh lệch (4 ngày và 5 ngày).
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, phương án này cũng nhận được sự đồng thuận cao trong quá trình lấy ý kiến vì phù hợp với phong tục, tập quán của VN và nguyện vọng của người lao động. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị lựa chọn nghỉ Tết Âm lịch theo phương án 1.
Đối với dịp nghỉ Tết Dương lịch 2015 sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất công chức, viên chức đi làm thứ bảy (ngày 27-12-2014) và nghỉ thứ sáu (ngày 2-1-2015) để được nghỉ bốn ngày liên tục, từ ngày 1 đến hết ngày 4-1-2015.
-------------------------