Để 3 mức tín nhiệm như hiện hành rất khó đánh giá cán bộ
Sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, các ĐB Quốc hội - những nhà lập pháp - những người đã ấn nút thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm này vẫn còn đầy tâm tư. Đa số các ý kiến phát biểu tại QH cũng như các ý kiến mà chúng tôi ghi nhận đề nghị lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên có 2 mức: Tín nhiệm và không tín nhiệm.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn còn không ít những điều cần phải xem xét. Vấn đề then chốt nhất là cả 3 mức độ đánh giá đều có chung yếu tố là “tín nhiệm”, cho dù theo tinh thần nghị quyết 35 thì căn cứ vào kết quả nếu “tín nhiệm thấp” quá bán thì sẽ chuyển từ quy trình “lấy” sang “bỏ”. Nhưng dư luận xã hội vẫn cho rằng cách làm như vậy là “nửa vời”, hình thức.
Theo ĐB Dương Trung Quốc thì việc chia làm ba mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp chẳng qua để bảo đảm hệ số an toàn cao gần như tuyệt đối, để tránh có trường hợp phải chuyển sang thủ tục bỏ phiếu ở 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga khẳng định: Quy định 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp là chưa phù hợp. Theo lý giải của ĐB này là xuất phát từ bản chất của lấy phiếu là thăm dò mức độ tín nhiệm nên phải nhằm trả lời được câu hỏi là chức danh cụ thể đó có được Quốc hội tín nhiệm không, nếu được tín nhiệm thì ở mức độ nào. “Quy định 3 mức như trên, đáng lưu ý trong đó không có mức không tín nhiệm đã dẫn đến chưa cần tiến hành lấy phiếu thì chúng ta đã mặc định trước kết quả là tất cả các chức danh đều được tín nhiệm” - ĐB Nga nói.
Cử tri đặt câu hỏi là sau cả năm thực hiện nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có những lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí có một số mặt còn có dấu hiệu đi xuống. “Vậy, dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà chúng ta lại ấn định là tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu” - Đại biểu Nga đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh: Việc không quy định mức không tín nhiệm là vô hình trung chúng ta đã hạn chế quyền của đại biểu trong trường hợp đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó. Trong trường hợp này, đại biểu không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình, nếu ghi thêm là không tín nhiệm thì phiếu của mình sẽ trở thành không hợp lệ.
Chỉ nên có hai mức: Tín nhiệm và không tín nhiệm
Từ phân tích trên, ĐB Lê Thị Nga đề nghị sửa Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm theo hướng quy định hai mức đạt tín nhiệm và không tín nhiệm. Trong ô tín nhiệm thì chia nhỏ thành hai mức là tín nhiệm và tín nhiệm cao.
Luồng quan điểm mức tín nhiệm này nhận được sự chia sẻ cao của các ĐB Quốc hội. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm là nguyện vọng của cử tri.
Theo ĐB Bùi Thị An, nếu để 3 mức lấy phiếu tín nhiệm như hiện nay sẽ rất khó để đánh giá cán bộ và không đạt được mục tiêu giám sát của Quốc hội. “Ví dụ một vị bộ trưởng nhận được 50% số phiếu tín nhiệm thấp, 50% số phiếu tín nhiệm cao, còn một vị khác nhận được 1/3 phiếu tín nhiệm thấp, 1/3 phiếu tín nhiệm, 1/3 phiếu tín nhiệm cao thì tôi không biết đánh giá ai hơn ai” - ĐB An nêu ví dụ và qua đó nhấn mạnh: Với mức đánh giá này rất khó để giúp cho Đảng quy hoạch, lựa chọn cán bộ, bởi sẽ không biết căn cứ vào đâu, vào số phiếu tín nhiệm cao hay phiếu tín nhiệm thấp.
ĐB Ngô Văn Minh - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cũng nhấn mạnh, mức tín nhiệm chỉ nên chia làm 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Còn thời điểm lấy phiếu thì nên lấy 2 lần trong một nhiệm kỳ, một lần vào năm thứ hai, một lần vào năm thứ tư của nhiệm kỳ, như vậy mới có thể đánh giá chính xác năng lực quản lý lãnh đạo. Chứ nếu lấy phiếu tín nhiệm 4 lần thì quá nhiều, năm nào cũng lấy phiếu tín nhiệm sẽ khiến cho lãnh đạo căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng tới công việc.
(Theo Lao Động)
-------------------------
Bỏ hay giữ HĐND quận, phường?
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 24-11, các đại biểu Quốc hội đã không thống nhất được quan điểm nên bỏ hay giữ HĐND cấp quận, phường
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương được đưa ra có 2 phương án. Phương án 1: Quy định cấp quận, phường không tổ chức HĐND; chức năng đại diện giám sát, quyết định các vấn đề địa phương do HĐND TP, thị xã đảm nhiệm. Phương án 2: HĐND, UBND có ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, cấp quận/huyện/thị xã và phường/xã/thị trấn.
Nhiều băn khoăn
Đại biểu (ĐB) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) băn khoăn: “Nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính nào đó là bỏ đi một thiết chế dân chủ, gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn. Điều đó đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân. Ở đâu có UBND mà không có HĐND thì ở đó đã mất đi một công cụ pháp lý hữu hiệu”.
Đánh giá việc bỏ HĐND có thể làm đảo lộn bộ máy hành chính, làm thay đổi các văn bản pháp luật mà không biết hiệu quả của nó như thế nào, ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) đề nghị giữ nguyên cấp chính quyền địa phương như hiện tại.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận định chuyện thí điểm không tổ chức HĐND là một cuộc thí điểm khá kỳ lạ, diễn ra quá dài. “HĐND với tư cách là cơ quan dân cử, đại diện nhân dân, là thành quả của nền dân chủ. Vì sao ta lại bỏ đi, đây là một điều nên cân nhắc” - ông Sơn đề nghị.
Không đồng tình, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng ai cũng thấy việc tổ chức HĐND đạt hiệu quả rất thấp. “Cử tri hỏi rằng một năm HĐND cấp huyện họp mấy lần, một lần được mấy ngày thì quyết được cái gì và giám sát được gì? Chúng ta nên thực tế” - ông Lịch nêu quan điểm.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, giữ quan điểm từng thảo luận: “Đề nghị chính quyền ở nông thôn theo lộ trình vẫn giữ 3 cấp chính quyền. Còn chính quyền ở đô thị đã đến lúc phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn đặt ra. Là một địa bàn hẹp, dân cư sống tập trung với những phát sinh hằng ngày rất lớn thì tổ chức một chính quyền 2 cấp là phù hợp”. Theo bà Tâm, một chính quyền 2 cấp hiểu theo nghĩa có HĐND và có UBND được tổ chức ở cấp thành phố, cấp chính quyền cơ sở là cấp phường.
VKS không được khởi tố vụ án dân sự
Chiều cùng ngày, Quốc hội (QH)đã biểu quyết nhất trí thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).
Đáng chú ý, một số ĐBQH đề nghị quy định thời điểm VKSND bắt đầu thực hành quyền công tố từ khi tội phạm xảy ra hoặc từ khi vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng để xác định có tội phạm xảy ra hoặc vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không thì cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra, xác minh nguồn tin, thu thập tài liệu, chứng cứ. Trên cơ sở đó, VKSND mới có căn cứ để thực hành quyền công tố. Vì vậy, giữ thời điểm thực hành quyền công tố bắt đầu từ khi cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm” như dự thảo luật.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự cho VKSND và VKSND đồng thời là nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy: Nếu giao cho VKSND có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự thì không phù hợp với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH không quy định VKSND có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự.
-------------------------
Quốc hội thảo luận về công ước chống tra tấn
Sáng 24-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Chiều cùng ngày, sau khi biểu quyết thông qua Luật tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường việc phê chuẩn hai công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và về quyền của người khuyết tật.
Trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp lần này, Quốc hội dành phần lớn thời gian thông qua luật.
Chiều 28-11, Quốc hội họp phiên bế mạc (truyền hình trực tiếp trên VTV1, phát thanh trực tiếp trên VOV1), đồng thời biểu quyết thông qua một số nghị quyết quan trọng.
Trong số đó, có nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
-------------------------
Đại diện cho nhân dân mà vẫn nể nang, ngại va chạm!
“Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc ít chất vấn tại kỳ họp làm cho vai trò đại diện của nhân dân trong bộ máy chính quyền chưa được khẳng định, chưa đáp ứng được những mong đợi của nhân dân”, đại biểu Triệu Là Pham nói.
Ngày 24/11, Quốc hội thảo luận luật tổ chức chính quyền địa phương, các ý kiến của đại biểu tập trung vào vấn đề có nên tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quân, phường nữa hay không.
Cho ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) nhận thấy bỏ HĐND ở hai cấp trên là không phù hợp, làm đảo lộn bộ máy hành chính, làm thay đổi các văn bản pháp luật mà không biết hiệu quả của nó như thế nào. “Không còn HĐND cũng đồng nghĩa với việc nhân dân thực hiện quyền lực của nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua HĐND sẽ không được đảm bảo, chưa đúng với tinh thần tại Điều 6 Hiến pháp”, đại biểu Pham nói.
Vì vậy, đại biểu Triệu Là Pham đề nghị nên giữ nguyên cấp chính quyền địa phương như hiện tại, đó là ở đâu có UBND ở đó có HĐND. Cùng với đó, đại biểu còn đề nghị nên tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế còn khác nhau của HĐND như hoạt động còn mang tính hình thức và thiếu thực quyền dẫn đến không phát huy được hết khả năng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc ít tham gia ý kiến, ít chất vấn tại kỳ họp, vai trò đại diện của nhân dân trong bộ máy chính quyền chưa được khẳng định, chưa đáp ứng được những mong đợi của nhân dân.
“Không thể cắt bỏ HĐND một cấp, việc làm đó không đem lại lợi ích gì đáng kể cho đất nước, cho nhân dân mà chỉ gây xáo trộn hệ thống chính quyền địa phương đang ổn định, đồng thời làm mất đi chỗ dựa, mất đi công cụ chính trị quan trọng để nhân dân thông qua cơ quan đại diện của mình góp phần xây dựng bộ máy chính quyền được tốt hơn”, đại biểu Pham phân tích.
Cùng vấn đề trên nhưng đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ai cũng thấy HĐND các cấp hiệu quả rất thấp. “Cử tri hỏi rằng một năm họp mấy ngày thì quyết được cái gì và giám sát được gì. Chúng ta nên thực tế vấn đề phải nâng quyền lên chứ không phải để tồn tại hình thức”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Qua thực tiễn đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nhận thấy một thực trạng là hiện nay kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, tính thượng tôn pháp luật chưa cao, một trong những nguyên nhân của vấn đề đó là không rõ trách nhiệm của người đứng đầu và yếu kém trong công tác phối hợp giữa các bộ, ngành ở trung ương và các sở, ngành ở địa phương.
Vì vậy, đại biểu Huệ đề nghị dự luật lần này cần thiết kế các điều luật để khắc phục những vấn đề trên. “Tôi nghiên cứu trong luật thì chỉ thấy quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, của Chủ tịch UBND mà chưa thấy quy định trách nhiệm ở đâu. Tôi nghĩ quyền hạn càng cao thì trách nhiệm càng phải lớn. Đồng thời, phải làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND với các ủy viên UBND… với trách nhiệm là giám đốc các sở, ngành ở tỉnh”, đại biểu Trương Thị Huệ nói.
Cùng vấn đề trên đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương cần thiết kế để HĐND, UBND là một thể thống nhất, gắn kết, tạo thành cấp chính quyền địa phương. Đối với nơi không tổ chức HĐND, đại biểu băn khoăn việc chính quyền địa phương được tổ chức ra sao? Mối quan hệ với chính quyền cấp trên như thế nào?
Từ những lý do như trên, đại biểu Thủy đề nghị dự thảo luật cần phải xác định rõ từng cấp chính quyền địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn gì phù hợp với đặc điểm của địa bàn. Để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp chính quyền địa phương đó thì HĐND, UBND, Chủ tịch UBND có nhiệm vụ, quyền hạn gì để đảm bảo tính minh bạch trong mối quan hệ giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo nguyên tắc phân quyền, phân cấp, ủy quyền.
---------------------