Tử hình kẻ giết tàn bạo nữ công nhân gây chấn động vùng ven Sài Gòn
Tin thế giới sáng 25-11-2014:Trung Quốc âm mưu bành trướng sang Địa Trung Hải? - Một cựu thủ tướng bị bắt vì tham nhũng và rửa tiền
- Cập nhật : 25/11/2014
Trung Quốc âm mưu bành trướng sang Địa Trung Hải?
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu, trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi 18.11, đã tuyên bố Nga-Trung sẽ tiến hành tập trận hải quân chung ở Địa Trung Hải vào năm 2015, trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 23.11 dẫn lại thông tin từ Duowei News.
Theo Duowei News, Nga đang nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải. Điều này được thể hiện qua việc Hải quân Nga hồi tháng 5.2014 tuyên bố đang xây dựng một hạm đội tàu ngầm ở Địa Trung Hải, với mục tiêu khôi phục lại Hạm đội Địa Trung Hải của nước này vào năm 2015.
Đối với Trung Quốc, quyết định tham gia tập trận chung với Nga trên “bề nổi” cho thấy sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Nga, kể từ khi Nga bị Mỹ và phương Tây cô lập với những biện pháp trừng phạt cùng cáo buộc Moscow can dự vào tình hình khủng khoảng Ukraine.
Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ trở thành đồng minh quân sự với Nga nếu chiến tranh có thật sự xảy ra. Duowei News cho rằng Trung Quốc tập trận hải quân chung với Nga chỉ vì những toan tính riêng của Bắc Kinh.
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có số lượng binh sĩ nhiều nhất thế giới (2,3 triệu lính theo thống kê 2013), cùng với những chiến đấu cơ tàng hình tân tiến, tàu sân bay trong kho vũ khí, nhưng thiếu khả năng tham chiến và đây được cho là yếu điểm lớn nhất của PLA.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn từng thừa nhận PLA “thua xa các lực lượng quân sự tiên tiến khác trên thế giới”. Nhật báo của PLA ngày 12.10 cũng đã thừa nhận 40 điểm yếu trong công tác huấn luyện khiến cho PLA khó có khả năng đánh thắng trận, theo AFP.
Một nghiên cứu của Hải quân Mỹ gần đây phát hiện, mặc dù Hải quân PLA có 235.000 người, gấp năm lần của Nhật Bản, nhưng năng lực chỉ huy lực lượng thua xa Nhật Bản và các nước trên thế giới.
Chính vì lẽ đó, PLA tham gia các cuộc tập trận chung để tăng cường khả năng tham chiến, cũng như tăng cường sự hiện diện tại Địa Trung Hải, vốn là một vùng địa lý chiến lược, theo Duowei News.
Trung Quốc đã điều 3 tàu chiến đến Địa Trung Hải lần đầu tiên vào tháng 7.2012, sau khi 3 tàu này hoàn tất một sứ mạng ở vịnh Aden.
Sau đó, kể từ tháng 1.2014, tàu khu trục nhỏ Diêm Thành (Type 054A hay Loại 054A) của Trung Quốc cùng với các tàu chiến của Nga, Đan Mạch và Nga bắt đầu sứ mạng phối hợp dẫn độ đưa vũ khí hóa học của Syria qua Địa Trung Hải, dấy lên sự hoài nghi về vai trò của Trung Quốc trong khu vực này.
Duowei News cho rằng đây cũng là một ví dụ điển hình cho thấy Trung Quốc “sử dụng sức mạnh quân sự để mở cửa kinh tế với phương Tây, tương tự cách phương Tây đã dùng để mở cửa vào Trung Quốc hoặc giống như Anh đồn trú 50.000 binh sĩ trong khu vực để đảm bảo cho việc tiếp cận tài nguyên và thị trường Ấn Độ”.
Dù cho chính quyền Trung Quốc có bác bỏ những thông tin kể trên, nhưng những hoạt động của PLA ở Địa Trung Hải cho thấy rõ mục tiêu của Bắc Kinh trong khu vực này, theo Duowei News. Với tàu sân bay, Bắc Kinh có khả năng thiết lập một hạm đội mới ở Địa Trung Hải vào năm 2025, Duowei News cho biết.
-------------------------
Triều Tiên đe hậu quả thảm khốc sau nghị quyết LHQ
Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên (NDC) cảnh báo sẽ có “những hậu quả thảm khốc” đối với những kẻ bảo trợ nghị quyết Liên Hợp Quốc lên án tình trạng nhân quyền của Triều Tiên, AP ngày 23/11 đưa tin.
NDC tuyên bố nghị quyết là “lời tuyên chiến” nhắm vào nhà lãnh đạo Kim Jong-un và khẳng định phẩm giá của lãnh đạo “là không thể đánh đổi với bất cứ thứ gì”. NDC nêu rõ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, những nước bảo trợ nghị quyết trên, sẽ là “mục tiêu chính” và đe dọa “Mỹ và những đồng minh sẽ phải chịu toàn bộ hậu quả thảm khốc và không thể tưởng tượng nổi do thủ đoạn điên rồ chống lại Triều Tiên”. NDC cũng đe dọa Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ không thể an toàn “nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra” trên bán đảo Triều Tiên và có thể khiến Nhật Bản “biến mất khỏi bản đồ thế giới”.
Cảnh báo này được đưa ra trong lúc Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên đưa tin, ông Kim Jong-un đã chỉ đạo một cuộc tập trận quy mô lớn bao gồm các nội dung vận chuyển trên biển và đổ bộ.
-------------------------
Phương Tây trừng phạt Nga là trò tống tiền không thể chấp nhận
Các quan chức cấp cao của Duma Quốc gia Nga coi các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây là trò tống tiền không thể chấp nhận được.
Biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga là một cách để gây áp lực lên quốc gia này và đó là một hình thức tống tiền. Điều này không thể chấp nhận được đối với các quốc gia vẫn tự gọi mình là nhà nước hiến pháp, ông Sergei Naryshkin - Chủ tịch Hạ viện Nga - nói.
"Trừng phạt là chẳng còn biện pháp gì khác nữa, nhưng đó là một công cụ tống tiền và một cách để áp đặt trừng phạt kinh tế. Họ, chắc chắn, mâu thuẫn với luật pháp quốc tế và các quy định của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). Những nước tự gọi là các nhà nước hiến pháp không có quyền hành xử theo cách này,"- ông Naryshkin nói tại cuộc hội nghị Tổng thống, quốc hội và hội nhập quốc tế.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên xấu đi khi các nhà lãnh đạo Châu Âu và Mỹ liên tục đổ lỗi, cáo buộc Mátxcơva can thiệp vào cuộc xung đột nội bộ của Ukraina - một cáo buộc mà điện Kremlin nhiều lần phủ nhận. Mátxcơva tuyên bố rằng Nga không can thiệp vào nội bộ Ukraina, và nói thêm rằng các lệnh trừng phạt đe dọa hòa bình, ổn định thế giới và đi ngược lại các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Trong vài tháng qua, Liên minh Châu Âu, Mỹ cùng các đồng minh đã tiến hành nhiều vòng trừng phạt, nhắm mục tiêu vào các ngân hàng, ngành năng lượng và quốc phòng Nga cũng như nhắm vào nhiều quan chức cấp cao để trả đũa cái mà phương Tây cho là những chính sách hung hăng của Nga đối với Ukraina.
-------------------------
Một cựu thủ tướng bị bắt vì tham nhũng và rửa tiền
Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha José Socrates hôm qua (23.11) trình diện tòa án Lisboa để trả lời về các tội danh tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế.
Ông José đã bị câu lưu tại sân bay thành phố trong đêm 21.11, rạng sáng 22.11 khi vừa từ Paris trở về. Thủ tướng Socrates thuộc đảng Xã hội Bồ Đào Nha. Ông từng lãnh đạo đất nước từ năm 2005 đến 2011.
Vụ bắt giữ cựu thủ tướng Socrates xảy ra vào lúc Bồ Đào Nha đang chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Tháng 6.2011, ông José phải từ chức sau khi Bồ Đào Nha suýt bị tuyên bố phá sản và phải cầu viện quốc tế hỗ trợ tài chính.
Từ 3 năm qua, José Socrates sống tại Paris và ghi danh ở đại học Sorbonne. Tư pháp Bồ Đào Nha chú ý đến trường hợp của ông sau vụ cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha mua một căn hộ tại Paris trị giá 3 triệu euro.
Theo tư pháp Bồ Đào Nha, cựu Thủ tướng Socrates đang bị điều tra vì nhiều vụ chuyển tiền mờ ám. Nhiều khoản tiền đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của ông nhưng không phù hợp với các khoản thu nhập đã được cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha khai báo với sở thuế.
Bên cạnh đó, tên tuổi của ông José Socrates cũng nhiều lần được nhắc tới trong các vụ tham nhũng.
Đối với dư luận Bồ Đào Nha, vụ án Socrates là giọt nước làm tràn ly. Tuần trước, 11 quan chức cao cấp đã bị bắt giữ vì liên lụy đến vụ tai tiếng mang tên "hộ chiếu vàng". Trong danh sách 11 người đó, có những nhân vật tai to mặt lớn như người đứng đầu cơ quan biên phòng hay một quan chức của ngành mật vụ.
Cụ thể, những người này bị tình nghi cấp visa trái phép cho các kiều dân ngoài khối Liên minh Châu Âu. Trong số đó, đông đảo hơn cả là người Trung Quốc, Brazil và Angola. Để đổi lại, những người cầm "hộ chiếu vàng" phải đầu tư vào Bồ Đào Nha. Theo thống kê chính thức, nhờ phương thức này, Lisboa trong năm 2012 đã thu vào được hơn 1 tỷ USD. Tai tiếng "hộ chiếu vàng" khiến bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha phải từ chức.
-------------------------