Đối phó thế nào với chiến lược bao vây biển của Trung Quốc?
Việt Nam, ASEAN và cả cộng đồng quốc tế phải làm gì trước chiến lược bao vây biển Đông của Trung Quốc? Các học giả, chuyên gia trong và ngoài nước tiếp tục mổ xẻ và đưa ra những biện pháp căn cơ trong ngày cuối cùng của hội thảo quốc tế biển Đông lần 6 vừa kết thúc hôm qua ở Đà Nẵng.
ASEAN cần đoàn kết, thống nhất sức mạnh, Hoa Kỳ tham gia mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình ở châu Á; Nhật Bản tăng cường hợp tác và đặc biệt, châu Âu không thể đứng ngoài cuộc - đó là các nhận định của chuyên gia đến từ Mỹ, Nhật và châu Âu.
Không tỉnh táo sẽ quá muộn màng
Nguồn cá và dầu khí là hai thứ khiến các cường quốc nhăm nhe thôn tính biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc, với đường 9 đoạn cùng những hành động gần đây cho thấy đây là nước mong muốn sớm nhất bá quyền độc tôn ở biển Đông. Điều này, theo GS. Leszek Buszynski (nghiên cứu viên cấp cao, ĐH Quốc gia Úc), là bởi biển Đông có tầm quan trọng vô cùng đặc biệt với Trung Quốc, vì thế, nước này đang dùng chiến lược bao vây biển mà nếu ASEAN cùng cả thế giới không quyết liệt, tỉnh táo thì sẽ quá muộn màng.
Theo GS. Buszynski, ngay từ những năm 1970, mối quan tâm về dầu lửa tại biển Đông của Trung Quốc đã được kích thích từ những cuộc thăm dò của Philippines và cho báo cáo kết quả khả quan về trữ lượng. Ngay sau đó, Trung Quốc đã cảnh báo Việt Nam và Philippines về thăm dò trong vùng biển mà Trung Quốc coi là của họ, đồng thời cảnh báo các Cty đối tác về hậu quả kinh doanh những hoạt động thăm dò dầu khí.
Vai trò của EU
Theo GS. Buszynski, muốn hạn chế và đi đến triệt tiêu chiến lược bao vây biển của Trung Quốc cần sự đồng lòng đoàn kết, phát huy sức mạnh của ASEAN cùng sự vào cuộc của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, không thể xem nhẹ can thiệp của châu Âu.
Đồng quan điểm, ông Vũ Trường Minh (Giảng viên ĐH KHXH&NV TPHCM) cho rằng, khi biển Đông căng thẳng, những đóng góp về mặt ngoại giao của châu Âu là không thể xem nhẹ. “Châu Âu có những lợi ích kinh tế quan trọng trong việc ổn định ở Biển Đông, nơi hầu hết thương mại đều đi qua Đông Á. Vì thế, chính sách xoay trục của EU đối với biển Đông là vô cùng quan trọng” - ông Vũ Trường Minh nhận định.
Chiến lược bao vây biển của Trung Quốc là nỗ lực biến biển Đông thành lãnh hải của Trung Quốc, điều này tiện cả đôi đường về phát triển kinh tế biển và tăng cường sức mạnh hải quân. Để thể hiện điều này, Trung Quốc bắt đầu gia tăng áp lực đối với các nước ASEAN mà tiêu biểu là vụ giàn khoan Hải dương 981 (2014) và vụ chiếm bãi cạn Scarborought từ tay Philiphines vào năm 2012 - GS. Buszynski nhận định.
-------------------------
Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel: Việt Nam đã xác định được con đường đúng đắn
Nhân Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương của các giới kinh tế Đức lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn độc quyền của PV Tiền Phong, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế & Năng lượng Đức Sigmar Gabriel, nhận định, Việt Nam đã xác định được con đường đúng đắn cho mình, đó là theo đuổi tự do hóa kinh tế và ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Trong chương trình thăm chính thức Đức, ngày 15/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Bộ Kinh tế & Năng lượng Đức. Trong ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế & Năng lượng Đức Sigmar Gabriel đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: TTXVN
Lần đầu tiên Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương của doanh nghiệp Đức được tổ chức tại Việt Nam, xin ông cho biết vì sao Ban tổ chức lại chọn Việt Nam để tổ chức sự kiện này?
Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách Đổi mới và mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã trở thành một trong những nước năng động và phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á và được coi là một đối tác thương mại quan trọng của Đức. Vì vậy, việc đại diện kinh tế Đức tại khu vực châu Á năm nay lựa chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương (APK) - sự kiện giao lưu quan trọng nhất của giới kinh tế Đức và đối tác tại khu vực châu Á tổ chức hai năm một lần - là một quyết định hoàn toàn chính xác và hợp lôgic.
Chúng ta đang trải qua một thời kỳ khó khăn về kinh tế, những mâu thuẫn, xung đột chính trị nghiêm trọng đang xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới. Chủ đề của Hội nghị lần này là “Xu thế hiểu biết và triển vọng” (Understanding Trends and Perspectives). Vậy ông có thể cho biết ý nghĩa của chủ đề hội nghị nói trên?
Doanh nghiệp Đức có mối quan tâm lớn tới đầu tư cũng như xuất khẩu hàng hóa sang châu Á. Chúng tôi nỗ lực cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư với các nước đối tác tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, các dòng đầu tư này không phải là một chiều mà chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp tại châu Á về phần mình cũng tăng cường tìm kiếm các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Đức. Do đó, chủ đề của Hội nghị lần này đã được lựa chọn một cách có chủ đích là hướng đến mối quan hệ tương hỗ. Chúng tôi nhấn mạnh ý nghĩa của việc lắng nghe và cũng muốn thảo luận với các đối tác tại khu vực châu Á những việc mà đôi bên có thể cùng cải thiện và phát huy.
Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU sắp được ký kết sẽ mở ra cơ hội lớn giữa hai bên. Ông đánh giá gì về triển vọng hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước, liệu sắp tới có làn sóng đầu tư hoặc hàng hóa từ Đức nói riêng và châu Âu nói chung tràn vào Việt Nam?
Hiệp định Thương mại Tự do sắp ký kết giữa EU và Việt Nam có ý nghĩa chiến lược cho cả hai bên. Hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam cũng như Đức và sẽ góp phần cải thiện giao thương kinh tế hai chiều giữa hai nước chúng ta. Cả hai phía EU và Việt Nam nên tăng cường nỗ lực chính trị ở mức tối đa để nhanh chóng tiến đến việc ký kết hiệp định quan trọng này.
Theo ông, môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam có điểm gì thuận lợi và khó khăn đối với các doanh nghiệp Đức?
Việt Nam đã xác định được con đường đúng đắn cho mình: Theo đuổi sự tự do hóa kinh tế và ổn định nền kinh tế vĩ mô. Các bước tiến tiếp theo như đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty nhà nước hay cải cách trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng cũng có thể rất hữu ích cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, những yếu tố sau đây cũng góp phần tăng cường lòng tin và sự đầu tư tại Việt Nam: Cải thiện môi trường pháp lý thông qua quản lý và tư pháp hiệu quả, giảm thiểu các thủ tục cấp phép, quy định rõ ràng cho việc đấu thầu công, chống tham nhũng hiệu quả.
Theo ông, vì sao hàng hóa Việt Nam hiện nay, nhất là nông sản và thủy hải sản, chưa xuất hiện nhiều tại Đức? Ông có lời khuyên gì với các doanh nghiệp Việt Nam để các loại hàng hóa này thâm nhập vào thị trường Đức và được người tiêu dùng Đức ưa chuộng?
Tôi thấy rất nhiều người ở Đức tò mò và quan tâm tìm hiểu các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam. Để đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam, tôi khuyên các bạn trước mắt nên chú ý đến thị trường triển lãm đa dạng ở Đức. Đức là đất nước dẫn đầu với các hoạt động triển lãm, các cuộc triển lãm chuyên ngành đa dạng đã tạo điều kiện giới thiệu rộng rãi các sản phẩm trong khu vực cũng như tiếp cận các chuyên gia chuyên ngành và các nhà tiêu thụ sản phẩm, người tiêu dùng cuối cùng. Tại đây, các nhà cung cấp các sản phẩm của Việt Nam có thể tìm hiểu các thị hiếu thời thượng của thị trường Đức và xác định sản phẩm nào có tiềm năng nâng cao doanh thu tiêu thụ tại thị trường Đức.
Đức là một nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, thương hiệu “made in Germany” cũng rất nổi tiếng thế giới. Làm thế nào để nước Đức đạt được điều đó, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm về vấn đề này với bạn đọc Việt Nam?
Một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công của các sản phẩm ‘‘made in Germany” là dựa trên các doanh nghiệp hạng trung của Đức. Tất nhiên là các thương hiệu lớn của Đức cũng rất thành công và nổi tiếng trên toàn cầu. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức với các thương hiệu đa dạng trong các ngành nghề, các sản phẩm và quá trình sản xuất chuyên môn hóa cao chính là xương sống của nền kinh tế Đức. Thay vì cung cấp các sản phẩm công nghệ rập khuôn sẵn có, các công ty hạng trung của Đức có thể cung cấp cho các đối tác châu Á của mình các giải pháp phù hợp theo yêu cầu. Ngoài ra, cũng phải nhắc đến các “nhà vô địch tiềm ẩn”, các nhà dẫn đầu trên thị trường thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển cấp cao. Và quan trọng hơn cả là chúng tôi tập trung vào đào tạo nghề và nhân lực, bởi vì đây là yếu tố phát triển và tạo ra các sản phẩm tân tiến.
Cảm ơn ông.
(Theo Tiền Phong)
-------------------------
Tỉ giá giảm sau tuyên bố của Ngân hàng nhà nước
Sáng 19.11, tỉ giá đã giảm từ 10-20 đồng sau khi chiều muộn ngày 18.11 NHNN khẳng định sẽ không điều chỉnh tỉ giá và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp trong trường hợp cần thiết. Hiện giá bán ra của các NH phổ biến quanh 21.400-21.410 đồng/USD, giảm 10 đồng so với giá bán ra cao nhất trong vài giờ của EximBank công bố ngày hôm qua.
Theo đó, Vietcombank giảm 20 đồng mỗi chiều xuống 21.340-21.400 đồng/USD (Mua vào - bán ra). Trong khi, VietinBank tăng nhẹ 5 đồng ở chiều mua vào lên 21.350 đồng/USD và giữ nguyên giá bán ra ở 21.420 đồng/USD.
Các NHTMCP như, Eximbank giảm 15 đồng mỗi chiều về 21.320-21.400 đồng/USD. Sacombank giảm 10 đồng ở cả cả giá mua vào - bán ra so với chiều qua về mức 21.320 - 21.420 đồng/USD. DongA Bank giảm 15 đồng ở giá mua vào xuống 21.330 đồng/USD và giảm 10 đồng ở giá bán ra xuống 21.410 đồng/USD.
Techcombank vẫn giữ nguyên giá USD không thay so với chiều qua, ở mức 21.300-21.420 đồng/USD.Theo quan sát, giá mua vào thấp nhất trên thị trường sáng nay là 21.310 đồng/USD và cao nhất là 21.360 đồng/USD. Giá bán ra thấp nhất là 21.400 đồng/USD, giá bán ra cao nhất là 21.420 đồng/USD.Giá mua - bán USD của Sở Giao dịch NHNN ở mức 21.200-21.400 đồng/USD.
Đây là động thái tích cực của thị trường, khi mà chiều qua, NHNN ra tuyên bố, trên cơ sở đánh giá tổng thể về cung cầu ngoại tệ và các yếu tố trên thị trường tiền tệ, NHNN khẳng định không có lý do gì để điều chỉnh tỷ giá. NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kể cả sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp trong trường hợp cần thiết.
-------------------------
Người Việt sống chung với xe máy 30-40 năm nữa
Tại hội thảo về môtô, xe máy được Ủy ban ATGT Quốc gia và Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức ngày 18/11, các chuyên gia nhận định, do giao thông công cộng chậm phát triển nên phần lớn người Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng xe máy ít nhất khoảng 30-40 năm tới.
Kể cả khi có ô tô cá nhân, phương tiện công cộng phát triển, người Việt vẫn cần sở hữu xe máy để đi vào các điểm đông đúc, ngõ nhỏ.
Theo nhóm nghiên cứu của WB do ông Davisd Spice đứng đầu cần tiếp tục áp dụng các biện pháp phân làn đường giữa ôtô và xe máy; tăng diện tích cho giao thông tại các thành phố; tăng số lượng xe đạp, máy điện để giảm ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi và tốc độ lưu thông của xe 2 bánh.
Nhiều ý kiến cho rằng, ở Việt Nam, tỷ lệ người chết liên quan đến ô nhiễm môi trường giao thông không ít hơn 3 lần số người chết vì TNGT. Hiện mỗi năm nước ta đang có khoảng 9.000 người chết vì TNGT). Người đi xe máy tiếp xúc trực tiếp với môi trường giao thông nên dễ bị bệnh phổi, ung thư.
-------------------------