Cố vấn Cấp cao Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Shannon thăm Việt Nam
Cố vấn Cấp cao Bộ Ngoại giao Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ông Thomas Shannon đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 10-13/10.
Trong thời gian ở Việt Nam, ông Thomas Shannon đã đến chào Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, làm việc với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai và Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Vương Thừa Phong.
Tại các cuộc gặp, hai bên đã thảo luận cởi mở về các vấn đề song phương và khu vực.
Về song phương, hai bên bày tỏ sự hài lòng về những tiến triển đáng khích lệ thời gian qua trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, nhất là kể từ sau khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (tháng 7/2013).
Hai bên cũng cho rằng trong thời gian tới, nhất là trong năm 2015 khi hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ, trong đó chú trọng tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, giáo dục, giao lưu nhân dân và tổ chức một số hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa ở cả hai nước.
Hai bên cũng thảo luận về các vấn đề khu vực cùng quan tâm như vai trò trung tâm của ASEAN trong các thể chế khu vực, hợp tác phát triển của Hoa Kỳ với châu Á-Thái Bình Dương và Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong (LMI).
Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp triển khai thành công các chương trình hợp tác trong khuôn khổ LMI, đóng góp vào nỗ lực chung phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.
-----------------------
Đề nghị quy định lại độ tuổi gọi nhập ngũ
Ngày 13/10, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Uỷ Ban Quốc phòng và An ninh - Quốc hội Khoá XIII tổ chức hội thảo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật Nghĩa vụ quân sự; Kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật. Tham gia hội thảo có các Đại biểu quốc hội, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các tỉnh miền Trung và Tây nguyên.
Theo VOV, các đại biểu dự hội thảo cho rằng nhiều quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành như: Đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ… đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, các đại biểu đều thống nhất đề nghị sửa đổi một số điều trong Luật Nghĩa vụ quân sự, trong đó về quy định thời hạn phục vụ tại ngũ của Hạ sĩ quan, binh sĩ tăng lên 24 tháng thay cho 18 tháng như hiện nay. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định lại độ tuổi gọi nhập ngũ, để có thể gọi những thanh niên đã hoàn thành ở các bậc học cao tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự. Điều này nhằm khắc phục tình trạng gọi nhập ngũ chủ yếu chỉ tập trung vào con em nông dân và tránh các biểu hiện trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Hiện nay, theo điều 12 Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi năm 2005), độ tuổi gọi nhập ngũ được quy định như sau: "Công dân nam đủ mười tám tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ mười tám tuổi đến hết hai mươi lăm tuổi”.
“Chúng ta phải thực hiện bình đẳng và công bằng xã hội trong việc thực hiện nghĩa vụ của công dân. Hiện nay, công dân thực hiện nghĩa vụ chủ yếu là con em nông dân, chủ yếu là những người chưa có việc làm mà con em cán bộ và những người có trình độ thì tỷ lệ rất là thấp, sắp tới sẽ yêu cầu quy định trong luật để có tính tính chất bắt buộc hơn đới với việc tuyển chọn nhân lực có chất lượng cao vào phục vụ trực tiếp trong quân đội"- ông Nguyễn Kim Khoa, Ủy viên Uỷ Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ Ban Quốc phòng và An ninh của Quốc Hội cho biết trên VOV.
-----------------------
Sự thật đáng sợ về “thần dược” bảo quản hoa quả
“Lọ này nhỏ, giá 25.000 đồng nhưng nó có thể làm trái cây như táo, lê, chuối, mít,… tươi lâu, để hàng tháng không thối, ủng”, chị H - một người bán loại thuốc bảo quản hoa quả tại chợ Bưởi tiết lộ.
Sau tiết lộ kinh hoàng của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội về những tác hại của một số loại hoá chất dùng để bảo quản hoa quả tươi lâu hiện nay, PV VietNamNet đã thâm nhập thực tế thị trường buôn bán những loại hoá chất này nhằm tìm hiểu những tác động nguy hiểm của chúng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Để tìm hiểu, PV đã đến một số chợ chuyên buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật ở Hà Nội như chợ Đồng Xuân, Bưởi, Phùng Khoang… Tuy nhiên, thật không hề dễ dàng để tiếp cận chủ hàng và mua loại thuốc “thần dược” này hoặc tiếp cận được thì họ đều lắc đầu không bán.
Sau quá trình nhập vai cần mua mua loại thuốc bảo quản hoa quả tại một của hàng nhỏ ở chợ Bưởi, (đường Hoàng Hoa Thám), chị H chủ cửa hàng e dè và bắt đầu lên tiếng: “Trước đây tôi có bán nhiều loại thuốc khác nhau nhưng giờ thì ít hơn vì nó hơi nguy hiểm. Hiện tại trong quán chỉ có mấy loại của Trung Quốc thôi. Bình thường những mặt hàng này tôi chỉ chuyên bán cho người quen, em cần thì tôi để lại cho một ít”.
Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì loại thuốc mà chị H giới thiệu là loại đang được bán trôi nổi trên thị trường, chỉ cần có người giới thiệu thì rất dễ dàng để mua chúng. Một lọ giá trung bình chỉ khoảng 20-25 nghìn đồng, không hề có tên, nhãn mác, đơn vị sản xuất nhưng công dụng của chúng thì “vô biên”, nghĩa là chúng có thể biến hoa quả từ xanh non thành chín đẹp, tươi bóng loáng và bảo quản được nhiều tháng.
Ghi nhận tại một số các của hàng bán thuốc hóa chất này, có thể thấy rất nhiều loại thuốc được bày bán giúp trái cây chín đẹp và tươi lâu. Đó là các loại từ bột trắng, dung dịch đến những loại “thuốc” đựng trong ống nhỏ dùng tiêm trực tiếp vào quả.
Tuy nhiên, do có dư luận phản ánh về độc hại của những loại thuốc kể trên nên việc buôn bán cũng bị quản lý gắt gao hơn. Chính vì thế việc mua bán chúng chỉ diễn ra ngấm ngầm và chủ các cửa hàng từ lớn đến bé cũng chỉ bán cho những khách hàng đã quá thân thuộc.
Khi chúng tôi ngỏ ý tìm mua loại thuốc “nặng độ” hơn, chị H nhanh nhảu: “Lọ này nhỏ, giá 25.000 đồng nhưng nó có thể hô biến trái cây như táo, lê, chuối, mít,… tươi lâu, để hàng tháng không thối, ủng. Nếu muốn nhanh chín và lâu thì cứ pha đậm đặc, càng đặc thì công dụng càng cao”.
“Của rẻ là của ôi”
Theo như chị H tiết lộ thì trước đây, để làm chín hoa quả cũng như bảo quản chúng, các chủ của hàng thường dùng các phương pháp truyền thống như hương, đất đèn, lá xoan, chấm vôi vào cuống… Bây giờ thì khác, hoa quả từ các thương lái thu mua phân phối cho các chủ cửa hàng cũng mất cả chục ngày nên dễ thối, dễ hỏng nên phải dùng hoá chất để hạn chế quá trình thối của hoa quả.
“Bây giờ người ta thay thế bằng các loại hoá chất có độc hơn, vừa tiện lợi, nhanh gọn mà giữ được hoa quả tươi lâu. Loại này giá thế là quá rẻ, khi ngâm thì nhớ bịt kín khẩu trang vào nhé không lại trách chị không dặn trước”, chị H nói.
Trước ánh mắt băn khoăn chị H trần tình: “Nói thế chứ hoá chất nào là hoá chất không có độc, mình có ăn nó đâu mà sợ. Đấy là chị nhắc cho nhớ vì mình là người làm ra mình phải biết nó có độc gì mà tránh trước”.
Rồi chị hướng dẫn: “Em dùng lọ này pha với 50 lít nước, sau đó em cho táo, lê, mận, chuối vào ngâm khoảng 15 - 20 phút thì vớt ra. Ngày hôm sau nhìn là tươi rói trông đẹp mắt lắm. Với mít, sầu riêng thì khác em không cần pha mà tiêm trực tiếp vào cuống, để chúng khoảng 1 ngày thì chín vàng và có mùi thơm nồng nặc, thậm chí không thối, để được mấy tháng không hỏng”.
Khi chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn về độ an toàn khi vào tay người tiêu dùng, chị H tặc lưỡi: “Lượng thuốc hoá chất đã pha ra đã loãng, không đủ độ để gây ngộ độc đâu nên em cứ dùng vô tư đi”.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội thì, người ta vẫn nói rằng của rẻ là của ôi, cứ tham rẻ thì chỉ chuốc bệnh vào thân.
Thuốc làm trái cây mau chín thực chất là thuốc làm tăng tốc độ chuyển hóa tinh bột thành đường. Còn thuốc bảo quản trái cây thì theo cơ chế ngược lại, tức làm chậm quá trình lên men bên trong, làm chậm quá trình chuyển hóa etilen nhằm giữ trái cây tươi lâu, không thối, dễ vận chuyển đi xa.
Hiên trên thị trường có nhiều loại hóa chất sử dụng vào mục đích này. Có loại chứa hoạt chất có tính bay hơi hoặc rửa trôi thì vô hại, nhưng loại chứa hoạt chất “ngậm” bền vững và ăn sâu vào trái cây thì có hại cho người dùng. Thực tế, có rất nhiều loại thuốc của Trung Quốc đang bán thường hoạt động theo cơ chế “ngậm” bền trong trái cây rất nguy hiểm cho sức khoẻ con người.
----------------------------
Tăng thuế thuốc lá và bài học kinh nghiệm các nước
Các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã phải đối mặt với những lập luận, cản trở tương tự Việt Nam khi đề xuất tăng thuế thuốc lá. Tuy nhiên, họ đã giải quyết những xung đột giữa lợi ích kinh tế và lợi ích sức khỏe ra sao để đạt được một mức tăng hợp lý, được các bên chấp thuận, được người tiêu dùng ủng hộ?
Kinh nghiệm Thái Lan
Có thể lấy trường hợp tăng thuế thuốc lá tại Thái Lan làm “bài học kinh nghiệm”. Theo đó, từ năm 1994 đến 2012, chính phủ Thái Lan thực hiện 10 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá (mức thuế 85% của Thái Lan tương đương 567% thuế theo giá xuất xưởng của VN).
Việc tăng thuế thuốc lá ở Thái Lan khiến giá thuốc lá tại quốc gia này tăng từ 15 Bath/bao lên 65 Bath/bao, làm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 59,33% năm 1991 xuống còn 41,69% vào năm 2011.
Với nữ giới, tỉ lệ hút thuốc sau tăng thuế thuốc lá giảm từ 4,95% năm 1991 xuống còn 2,14% năm 2011; số thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc giảm đáng kể.
Việc tăng thuế đã giúp nguồn thu ngân sách từ thuế tăng đáng kể (từ 20 tỷ Bath – gần 616 triệu USD - năm 1994 lên 60 tỷ Baht năm 2012 – tức 1.843.170 triệu USD), tiêu dùng thuốc lá giữ nguyên (khoảng 2 tỷ bao/năm do dân số tăng), hàng trăm ngàn người tránh được tử vong sớm, không làm gia tăng buôn lậu thuốc lá.
Bài học kinh nghiệm của Thái Lan là tăng thuế thuốc lá thường xuyên được chứng minh là chính sách cùng thắng (Win-Win) và không ảnh hưởng tới ngành công nghiệp thuốc lá.
Kinh nghiệm của Brazil
Tại Brazil, từ năm 2006 tới năm 2013, thuế tiêu thụ đặc biệt cho mỗi bao thuốc lá tăng 116%, giá thuốc lá thực trung bình tăng 74%. Trong giai đoạn này, doanh số bán thuốc lá trong nước giảm 32%, tuy nhiên doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 48%, và doanh thu của Chính phủ từ các loại thuế thuốc lá tăng từ 3,5 tỷ Reais lên 5,1 tỷ Reais.
Năm 2006, Brazil có 15,7% dân số người trưởng thành hút thuốc lá. Sau khi tăng thuế, đến năm 2013 với mức 116% như trên thì tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc chỉ còn 11,3% - giảm hơn ¼ tỷ lệ hút thuốc.
Khi đề xuất tăng giá, Brazil cũng vấp phải sự phản đối của ngành công nghiệp thuốc lá bằng cách viện dẫn tỉ lệ buôn lậu cao (27-30%) là lý do để không tăng thuế thuốc lá, cho rằng thuế tăng sẽ làm tăng sự chênh lệch giá giữa thuốc lá hợp pháp và thuốc lá lậu, làm tăng buôn lậu.
Tuy nhiên, chiến lược giá của ngành công nghiệp thuốc lá ở Brazil lại không nhất quán với viện dẫn này, bởi vào những năm 2.000, khi thuế tiêu thụ đặc biệt giảm, ngành công nghiệp thuốc lá giữ nguyên giá bán thuốc lá. Đến 2009, khi tăng thuế thuốc lá lần 2, ngành công nghiệp thuốc lá tăng giá thuốc lá cao hơn mức tăng thuế, cho thấy công nghiệp thuốc lá ít lo ngại về tăng chênh lệch giá giữa thuốc lá hợp pháp và thuốc lá lậu.
Kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kì
Từ năm 2005 tới 2011, thuế thuốc lá tính theo tỷ lệ phần trăm giá bán lẻ tăng từ 58% giá thuốc lá ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng 195%. Trong cùng thời gian trên, doanh số bán thuốc lá giảm 15,5% và doanh thu của Chính phủ tăng 124% (từ 7,1 tỷ Lira Thổ Nhĩ Kì năm 2005 lên 15,9 tỷ Lira Thổ Nhĩ Kì năm 2011).
Việc tăng thuế thuốc lá làm giảm hơn nửa triệu người hút thuốc và cứu sống được khoảng 340.000 người.
Ngành công nghiệp thuốc lá của Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản ứng trước việc tăng thuế với cáo buộc rằng việc tăng thuế đã làm tổn hại đáng kể tới doanh thu của thuốc lá do giá tăng và buôn lậu.. Tuy nhiên, nhờ hệ thống giám sát sản xuất, Chính phủ Thổ Nhĩ đã xác định ngành công nghiệp thuốc lá đã sản xuất dư thừa vào năm trước tăng thuế và giảm sản xuất trong quý đầu của năm tăng thuế, và bác bỏ những lập luận liên quan đến việc tăng thuế làm giảm sản xuất.
Kinh nghiệm Việt Nam trong những lần tăng thuế thuốc lá trước đây
Năm 2006, mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam từ các mức 25%, 45% và 65% được thông nhất lại thành một mức là 55%. Năm 2008, mức này tăng lên 65%, tương đương với 43% nếu nếu tính trên giá bán lẻ.
Với mức tăng thuế như trên, giá danh nghĩa thuốc lá (chưa tính đến lạm phát) tăng nhưng giá thực (đã tính yếu tố lạm phát) thì chỉ tăng nhẹ trong lần tăng thuế 2006 và giảm trong lần tăng thuế 2008. Tiêu dùng thuốc lá chỉ giảm nhẹ vào năm tăng thuế rồi tăng ngay trở lại vào các năm sau đó và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Kết quả 2 lần tăng thuế trên cho Việt Nam thấy bài học kinh nghiệm: Mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 10% vào năm 2008 không làm giảm tiêu dùng thuốc lá trong dài hạn. Để giảm tiêu dùng thuốc lá trong dài hạn, cần tăng thuế để giá tăng nhanh hơn thu nhập và phải tăng đều đặn qua các năm để đảm bảo theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Nếu chỉ tăng thuế thêm 5% vào năm 2016 và tăng thêm 5% vào năm 2019 như đề xuất của Chính phủ hiện nay thì các tác động tới việc tăng giá, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá sẽ còn kém hơn kịch bản của đợt tăng thuế năm 2006-2008 và tỷ lệ giảm hút thuốc theo mục tiêu quốc gia sẽ không đạt được.
Một bài học khác Việt Nam rút ra từ đợt tăng thuế năm 2006-2008 là tăng thuế thuốc lá làm tăng thu ngân sách Nhà nước và không phải là nguyên nhân làm gia tăng buôn lậu. Tình trạng buôn lậu ở Việt Nam vẫn tăng qua các năm ngay cả khi thuế thuốc lá không tăng.
---------------------------