Tin thế giới sáng 14-10-2014: Trung Quốc bị ngờ vực ở Campuchia
- Cập nhật : 14/10/2014
Tin Phap Luat
Bất chấp Trung Quốc đã thực hiện nhiều chuyến viếng thăm cấp cao, viện trợ hoặc cho vay hàng tỉ USD, Campuchia vẫn mất niềm tin vào Trung Quốc. Chuyên gia Phoak Kung (*) đã nhận định như trên trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 7-10. Điểm lại quá trình lịch sử, quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Campuchia bắt đầu từ năm 1958. Vào thời chiến tranh lạnh, Quốc vương Norodom Sihanouk đã thực hiện chính sách ngoại giao không liên kết nhưng phương Tây luôn ngờ vực về quan hệ gần gũi giữa quốc vương với người Trung Quốc. Trong giai đoạn 1975-1978, Trung Quốc dung túng cho chế độ Khmer Đỏ khét tiếng tàn ác gây ra cái chết của 1,7 triệu người. Hiệp định hòa bình Paris được ký kết ngày 23-10-1991 đã kết thúc nội chiến Campuchia nhưng quan hệ Trung Quốc-Campuchia chưa thể khôi phục lại hoàn toàn, kể cả khi đảng bảo hoàng Funcinpec thân Trung Quốc giành thắng lợi trong bầu cử năm 1993. Quan hệ Trung Quốc-Campuchia chỉ bắt đầu khôi phục sau năm 1997. Khi đảng Nhân dân Campuchia đánh bại đảng bảo hoàng Funcinpec, Trung Quốc nhận ra cần xem xét lại chiến lược trong quá khứ, tiến tới ủng hộ đảng Nhân dân Campuchia nếu muốn khôi phục quan hệ. Kết quả là Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một trong các nhà tài trợ quan trọng nhất của Campuchia. Bên cạnh hỗ trợ tài chính, Trung Quốc còn giúp Campuchia tăng cường quân đội. Ví dụ năm 2010, Trung Quốc đã cung cấp 257 xe tải quân sự, 50.000 bộ quân phục, 1.000 súng ngắn và 50.000 viên đạn. Trong chuyến thăm Campuchia hồi tháng 8-2013, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn cam kết sẽ ủng hộ Campuchia ngăn chặn can thiệp từ bên ngoài. Đổi lại, Campuchia đã ủng hộ mạnh mẽ chính sách “một Trung Quốc”. Dù vậy, chuyên gia Phoak Kung nhận định quan hệ Trung Quốc-Campuchia vẫn trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Các nước phương Tây khi viện trợ cho Campuchia thường tập trung giúp đỡ người nghèo và người dễ bị tổn thương. Ngược lại, Trung Quốc không chú trọng các chương trình xã hội như y tế, vệ sinh, giáo dục để cải thiện cuộc sống người dân Campuchia, đặc biệt là tầng lớp nông dân. Hầu hết tiền viện trợ Trung Quốc chủ yếu tập trung vào năng lượng. Thoạt nhìn thì mô hình này tỏ ra hiệu quả nhưng nếu Campuchia muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trên trung bình thì cần thiết phải phát triển các ngành công nghiệp và sản xuất khác. Phương Tây chỉ trích Trung Quốc viện trợ cho các nước đang phát triển mà không quan tâm các nước nhận tiền sử dụng thế nào. Hậu quả là các dự án xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung Quốc do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện tại Campuchia đều có chất lượng hết sức nghèo nàn, từ đó nguồn tài trợ Trung Quốc trở nên không đáng tin cậy. ------------------------- Hàn Quốc triển khai thêm tên lửa gần giới tuyếnTin Phap Luat
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin tại cuộc họp báo ngày 13-10, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo chính phủ sẽ tiến hành các biện pháp an ninh khi cần thiết, ví dụ như ngăn các tổ chức dân sự đến gần giới tuyến. Bộ Quốc phòng cho biết ngày 11-10, CHDCND Triều Tiên thông báo với Hàn Quốc nếu các vụ rải truyền đơn vẫn tiếp tục, quân đội Triều Tiên sẽ sử dụng máy bay đánh chặn bóng truyền đơn. Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc đã trình báo cáo cho Ủy ban Quốc phòng. Báo cáo nhận định CHDCND Triều Tiên có thể khiêu khích, do đó quân đội đã triển khai thêm tên lửa và xe bọc thép trên các đảo gần giới tuyến, trong đó có pháo tự hành 155 mm. Trong khi đó, báo Lao Động Tân Văn (CHDCND Triều Tiên) ngày 13-10 khẳng định chuyện phát tán truyền đơn đã làm gia tăng căng thẳng có thể dẫn đến chiến tranh và là trở ngại lớn nhất trong quan hệ liên Triều. Báo nhấn mạnh CHDCND Triều Tiên vẫn giữ ý định tiến hành đối thoại liên Triều nếu Hàn Quốc chứng tỏ chính sách nhất quán. Theo báo Le Point (Pháp) ngày 13-10, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không xuất hiện công khai từ ngày 3-9 vì giữa tháng trước, ông đã được một bác sĩ Pháp phẫu thuật hai mắt cá chân tại BV Bonghwa ở Bình Nhưỡng do chân bị phù và bỏng da. Sau phẫu thuật, ông dưỡng bệnh tại một địa điểm phía Bắc Bình Nhưỡng. ------------------------- Giải mã: Ông Kim Jong-un đang ở đâu?Tin Phap Luat
Kim Jong-un, nhà lãnh đạo 32 tuổi của Triều Tiên, đã “mất tích” trước công chúng trong hơn 38 ngày qua, làm dấy lên một loạt các suy đoán về sự bất ổn chính trị nội bộ nước này. Đặc biệt, việc ông Kim vắng mặt tại hai sự kiện cực kỳ quan trọng - các ngày 10-10 kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Lao Động Triều Tiên, và ngày 9-9 kỷ niệm Ngày thành lập nhà nước Triều Tiên - hai sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong lịch trình chính trị Triều Tiên. Sự việc này như một dấu hiệu bất ổn của nền chính trị đằng sau hậu trường. Phương tiện truyền thông chính thức của Triều Tiên đã trích dẫn lời phát biểu của một quan chức giấu tên rằng do "khó ở trong người" nên ông Kim biến mất trước công chúng hơn 1 tháng nay. Các nhà phân tích nước ngoài đã suy đoán, trên cơ sở khan hiếm các bằng chứng giá trị, lí do của câu chuyện này có thể dựa trên nhiều yếu tố khác nhau: từ bệnh gút, tiểu đường, hút thuốc lá nặng, chấn thương mắt cá chân kéo dài không lành trong quá trình kiểm tra quân sự trước đó, và gần đây nhất (theo lời kể của một bác sĩ người Đức đã gặp ông Kim) là những vấn đề bệnh tật khá nghiêm trọng đối với hệ nội tiết và các cơ quan nội tạng của ông Kim. Sức khỏe yếu là lời giải thích chính đáng cho quyết định của ông Kim tránh xa “ánh đèn sân khấu” – khi trước đó ông đã hiện diện với tần suất dày đặc trên truyền thông, tương phản hoàn toàn với vẻ nhút nhát trong những lần công khai xuất hiện bên cạnh người cha quá cố của ông (ông Kim Jong-il). Một giải thích ấn tượng hơn nữa là, có thể ông Kim là nạn nhân của một cuộc đảo chính chính trị và đang bị quản thúc tại gia, nhằm gỡ bỏ quyền lực do các thành viên chính trị và quân sự lớn tuổi trong nội bộ Triều Tiên cầm đầu sau những cảnh báo của ông Kim về việc thanh trừng các đối thủ chính trị của ông - đáng chú ý nhất là việc xử tử toàn bộ gia đình người chú Jang Song-taek vào tháng 1 năm nay. Cũng theo suy đoán này, các thành viên cấp cao của nhóm quyền lực Bình Nhưỡng có thể đã ngày càng bất mãn với các lệnh trừng phạt thắt chặt của quốc tế, điều này làm giảm bớt các đặc quyền đặc lợi của họ, điển hình là các mặt hàng sang trọng ở Triều Tiên rất khan hiếm. Chính quyền Obama vẫn cam kết kiên quyết không nhân nhượng trước hành động khiêu khích quân sự và chính trị của Triều Tiên. Triều Tiên dường như cũng không “mượn” việc phát triển hạt nhân để đàm phán, tìm kiếm bất kỳ nhượng bộ nào từ Washington. Ngay cả Trung Quốc, nước được cho là đang bảo lãnh an ninh cho Triều Tiên cũng ngày càng không hài lòng trước sự hiếu chiến của ông Kim. Tuy nhiên, các bằng chứng gián tiếp lại cho thấy ông Kim vẫn đang tiếp tục ngồi vững chiếc ghế của mình. Thông tin tình báo của Hàn Quốc ủng hộ quan điểm rằng bệnh tình ông Kim đang hồi phục và quyết định hạn chế xuất hiện trước công chúng nhiều khả năng là một nỗ lực nhằm duy trì nguyên tắc chung của triều đại nhà Kim là “không được phép sai lầm”. Lí do này đưa ra cũng hợp lý khi các chương trình đàm phán ngoại giao gần đây của Triều Tiên vẫn do ông Kim chỉ đạo. Chuyến viếng thăm bất ngờ Seoul vào ngày 4-10 của phái đoàn Triều Tiên gồm ba quan chức, đứng đầu là cố vấn quân sự cấp cao tin cậy bậc nhất của ông Kim, ông Hwang Pyong-so, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng đã chỉ ra rằng ông Kim vẫn đang kiểm soát tình hình. Ông Hwang mang theo một thông điệp cá nhân từ ông Kim dành cho Tổng thống Park. Chuyến thăm này mở ra không gian ngoại giao hiếm hoi trong việc tái thiết công tác đối thoại 2 miền Bắc-Nam. Có lẽ bằng chứng mạnh mẽ nhất chống lại kịch bản đã xảy ra một cuộc đảo chính là thiếu một người kế nhiệm rõ ràng thay thế ông Kim. Triều Tiên không có truyền thống của lãnh đạo tập thể. Đã có suy đoán rằng em gái của ông Kim, bà Kim Yo-jong, có thể tạm thời giữ vị trí của anh trai mình. Nhưng ngay cả khi đây là sự thật, cũng không chắc chắn rằng bà Kim sẽ tạo nên hình ảnh một nhà lãnh đạo thay thế khả thi và được chấp nhận công khai trong một xã hội mà định kiến phân biệt giới tính không cho phép người phụ nữ trở thành đầu tàu. Cho đến nay, lời giải thích có vẻ kém thú vị và thuyết phục nhất cho sự vắng mặt của Kim Jong-un có lẽ là vấn đề sức khỏe. -------------------------TQ đem nhiều ‘quà' tặng Nga