Quốc hội đặt thời hạn cuối 2015 cho tái cơ cấu kinh tế
Chiều 28/11, thông qua nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong ba lĩnh vực trọng tâm, Quốc hội yêu cầu sắp xếp, tổ chức cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% trong tổng dư nợ.
Giám sát chặt sở hữu chéo
Ở báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết còn có ý kiến băn khoăn tính khả thi về mục tiêu giảm nợ xấu nói trên.
Song, theo Ủy ban, mục tiêu này phù hợp với nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua là “phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3%”.
Chỉ tiêu này không bao gồm khoản 316,2 nghìn tỷ đồng dư nợ đã được giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 và Thông tư 09/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu giải thích.
Dẫn số liệu báo cáo của Thủ tướng tại phiên chất vấn là VAMC đã mua gần 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, “với cơ chế thực hiện mua bán nợ các tổ chức tín dụng và tiếp tục cho phép cơ cấu lại nợ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước thì tỉ lệ nợ xấu dưới 3% là khả thi”.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, nghị quyết đã thể hiện yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hoạt động của VAMC, khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo, phát triển thị trường mua bán nợ.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với tổ chức tín dụng, giám sát chặt chẽ vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo, xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro phát sinh.
Đáng chú ý, cuối năm 2015 cơ bản kiểm soát sở hữu chéo, đầu tư chéo theo quy định của pháp luật cũng là yêu cầu được Quốc hội đặt ra với Chính phủ.
Nhìn tổng thể, Quốc hội yêu cầu bổ sung, hoàn thiện đề án tái cơ cấu trong đó lượng hóa nội dung mô hình tăng trưởng, nêu rõ mục tiêu, lộ trình, phương thức phân bổ lại nguồn lực, huy động sự tham gia của xã hội. Việc hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương cũng được chốt thời gian chậm nhất là cuối quý 2/2015.
Mục tiêu cuối 2015
Đánh giá qua hơn 3 năm thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế, Quốc hội chỉ rõ, mô hình tăng trưởng mới chưa thực sự định hình, chưa xác định được toàn diện mối quan hệ giữa tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm và tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cải thiện chậm.
Bên cạnh đó, chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào khu vực công. Đầu tư vào ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo nhận định của Quốc hội là chậm, chưa có chuyển biến mang tính đột phá.
Việc phân công, phân cấp, phân quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu nhà nước còn chồng chéo, quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới.
Một số giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu chưa mang lại hiệu quả, chưa thật sự phối hợp chặt chẽ với các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng còn chậm, nghị quyết nêu rõ.
Theo Quốc hội, các hạn chế của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chủ yếu từ các nguyên nhân chủ quan, nhất là các đề án tái cơ cấu chưa được lượng hóa bằng các chỉ tiêu cụ thể và triển khai một cách đồng bộ.
Nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết triệt để, còn lúng túng, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính gắn với tái cơ cấu nền kinh tế còn thiếu đồng bộ, chưa có đột phá mạnh mẽ.
Các vị đại diện cho dân cũng nhìn nhận, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện tái cơ cấu thiếu cụ thể.
Với nghị quyết này, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, để đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
-------------------------
Phó thủ tướng: 'Buông lỏng chống hàng giả đi liền với tham nhũng, tiêu cực'
Trong nhiều nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một số cơ quan chức năng, chính quyền tại địa phương vẫn làm ngơ tiếp tay cho vấn nạn này.
Tại Lễ kỷ niệm "Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái" diễn ra sáng 28/11, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái là “quốc nạn”, cần phải có cách làm mới. Ngay cả việc kỷ niệm cũng nên tổ chức tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống để người dân có điều kiện nâng cao ý thức.
Theo Phó thủ tướng, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đang đối mặt với hàng giả, hàng nhái nhưng tại Việt Nam vấn đề này ngày càng trầm trọng với nhiều chủng loại mặt hàng. Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh cũng như uy tín của quốc gia, nghiêm trọng hơn, nhiều sản phẩm làm nhái nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thuốc tân dược, đồ ăn, thức uống…
Điểm lại các nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái không giảm, Phó thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng. Theo đó, một bộ phận cán bộ trong ngành làm ngơ tiếp tay cho doanh nghiệp làm hàng giả. Nhiều trường hợp tố giác, không ít cán bộ, lãnh đạo xử lý không hết trách nhiệm. “Buông lỏng chống hàng giả, hàng nhái đi liền với tham nhũng, tiêu cực”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Nhận định cuộc chiến chống vấn nạn hàng giả sẽ kéo dài, Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan ban ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn, đồng thời liên kết với lực lượng quốc tế nhằm ngăn chặn hàng ngoại chất lượng kém xâm nhập thị trường trong nước. Ngoài việc đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao ý thức người dân, để cải thiện tình hình Bộ Công Thương phải chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng trong nước tốt hơn cả về chất lượng, mẫu mã, giá cả.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tôn Hoa Sen cho biết mỗi năm tập đoàn của ông nộp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng hàng nhái thương hiệu tôn Hoa Sen vẫn ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến thị phần lẫn doanh thu của doanh nghiệp.
“Nếu không xử lý triệt để thực trạng trên, các doanh nghiệp làm ăn chân chính không còn đất sống, chỉ còn biết đóng cửa, dẫn đến số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước sẽ giảm”, ông Vũ lo ngại.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 10 tháng năm nay lực lượng quản lý thị trường tiến hành gần 120.000 lượt kiểm tra hàng hóa tại các địa phương, tăng gần 10.000 lượt so với năm ngoái, trong đó xử lý 64.000 trường hợp vi phạm, tăng 12,3% so với cùng kỳ; xử phạt hành chính hơn 187 tỷ đồng, trị giá hàng hóa thu giữ chưa bán tăng 140 tỷ đồng.
-------------------------
Ủy ban kinh tế sẽ nghe phản biện về dự án sân bay Long Thành
Ngày 28/11, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI cho biết vừa nhận được văn bản của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mời tham dự buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào ngày 12/12 tới tại TPHCM.
Theo nội dung thư mời, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Ủy ban kinh tế chủ trì, phối hợp với Hội đồng dân tộc và các ban của Quốc hội làm việc với các chuyên gia phản biện độc lập để ghi nhận các ý kiến, làm cơ sở để Quốc hội xem xét chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội (khóa XIII).
Liên quan đến sự cố mất điện nguồn cung cấp cho trung tâm điều khiển không lưu đường dài Hồ Chí Minh và cơ sở tiếp cận mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất vào trưa 20/11, TS Nguyễn Bách Phúc cho biết đoàn kiểm tra của Cục Hàng không Việt Nam do Cục trưởng Lại Xuân Thanh làm tổ trưởng đã vào TPHCM kiểm tra hệ thống điện nguồn, các thiết bị cung cấp điện… tại Công ty Quản lý bay miền Nam trong hai ngày 27 và 28/11.
Tham gia đoàn kiểm tra có hai chuyên gia độc lập là TS Nguyễn Bách Phúc và thạc sỹ Trần Công Binh, giảng viên trường đại học Bách khoa TPHCM.
-------------------------
Quảng Ngãi: Công khai tài sản của các tỉnh ủy viên
Tại hội nghị tỉnh uỷ Quảng Ngãi lần thứ 18, khóa XVIII ngày 27-28.11, Ban tổ chức Tỉnh ủy (Ban) đã có báo cáo về kê khai tài sản, thu nhập năm 2013 của các tỉnh ủy viên khóa XVIII. Theo đó, Ban đã tổng hợp và báo cáo kết quả kê khai tài sản, thu nhập của 387 cán bộ diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở 80 cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong đó, 56 tỉnh ủy viên đương nhiệm đã có bản kê khai tài sản, thu nhập. Việc công khai bản kê khai tài sản tại cơ quan, đơn vị công tác được thực hiện theo 2 hình thức là công bố tại cuộc họp cơ quan, đơn vị 35 bản và niêm yết tại cơ quan, đơn vị làm việc là 21 bản. Theo Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Quang, nhìn chung các tỉnh ủy viên thực hiện kê khai tài sản, thu nhập nghiêm túc, đúng quy định. Đến nay, Ban tổ chức Tỉnh uỷ chưa nhận được yêu cầu đề nghị giải trình, xác minh tài sản, thu nhập sau kê khai đối với các tỉnh ủy viên. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 5 đơn vị chưa gửi báo cáo tổng hợp và bản kê khai tài sản, thu nhập năm 2013 theo quy định gồm: Quỹ phát triển đất tỉnh, Liên minh hợp tác xã, Trường Cao đẳng Đặng Thuỳ Trâm, Bưu điện tỉnh, Cy điện lực Quảng Ngãi.
-------------------------