Nghịch bật lửa bé trai bị ngộ độc khí, hôn mê sâu
Ngày 28/11, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu một trường hợp bé trai 3 tuổi (Hà Nội) nguy kịch do ngộ độc khí CO.
Bác sĩ Trần Đăng Xoay, khoa Hồi sức Cấp cứu cho biết: "Bé T.Q.K nhập viện ngày 26/11 trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc khí CO. Bé bị suy hô hấp nặng và hôn mê sâu".
Bé đã được các bác sĩ cho thở máy oxy lưu lượng cao và điều trị phù não song vẫn chưa qua cơn nguy kịch và đang được tích cực theo dõi.
Theo gia đình, 4h chiều cùng ngày, bố mẹ cháu đi làm xa. Bà cháu đi chợ để bé Minh chơi một mình trong phòng.
Một tiếng sau bà về thì thấy cảnh tượng đệm cháy, giường cháy còn bé Minh đã nằm hôn mê bất tỉnh trong căn phòng mù mịt khói. Gia đình vội vã đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu.
Vẫn theo bác sĩ Xoay, ngộ độc khí CO là một tai nạn sinh hoạt khá phổ biến. Khí này có trong khói các đám cháy, khói than, khói xả ôtô và của các loại động cơ, vật dụng sinh hoạt sử dụng nhiên liệu xăng dầu…
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ngộ độc trong đó nhiều trường hợp do sự bất cẩn trong sinh hoạt của người lớn. Trẻ ngộ độc khí biểu hiện các triệu chứng theo ba mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Trường hợp bé K. là bị ngộ độc CO mức độ nặng, khả năng hồi phục của trẻ phụ thuộc nhiều vào mức độ tổn thương của não.
Các bác sĩ khuyến cáo, ở độ tuổi lên 3, trẻ rất hiếu động, tò mò. Các bé luôn muốn tìm tòi, khám phá mọi vật xung quanh. Chính vì thế, bố mẹ và người thân cần chú ý đến mọi hoạt động của trẻ và tuyệt đối không bao giờ để bé ở một mình. Một sự bất cẩn dù chỉ là nhỏ nhất của người lớn cũng có thể khiến trẻ gánh chịu những hậu quả nặng nề suốt đời.
Triệu chứng của ngộ độc khí:
- Mức độ nhẹ: thở dốc, buồn nôn, đau đầu nhẹ
- Mức độ trung bình: trong vòng 10 phút, nạn nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu: đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thần kinh, buồn nôn, ngất xỉu. Tùy thuộc vào thời gian nhiễm độc, mà các nạn nhân có những biểu hiện trầm trọng khác nhau.
-Mức độ nặng: bệnh nhân bị co giật, hôn mê, ngừng tim dẫn tới tử vong.
Trường hợp nhà có trẻ bị ngộ độc khí CO, gia đình cần:
- Đưa nạn nhân ra khỏi nơi bị nạn, đặt ở chỗ thoáng khí
- Hô hấp nhân tạo và hoặc ép tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân bị ngừng thở và hoặc ngừng tim.
- Đưa nạn nhân tốt nhất là xe cấp cứu có trang bị oxy tới cơ sở y tế gần nhất, tốt nhất là tới các trung tâm có oxy cao áp.
-------------------------
Nổ lốp, xe 16 tấn 'hạ gục' hàng chục dải phân cách
Vụ vụ việc xảy ra lúc 3h00 rạng sáng 28/11, trên quốc lộ 1 (đoạn qua P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, Tp.HCM)
Vào thời điểm trên tài xế Trần Thanh Tuấn (SN: 1976, thường trú: tỉnh Khánh Hòa) điều khiển xe tải 16 tấn BKS: 79C-051.42 lưu thông trên quốc lộ 1 theo hướng từ cầu vượt Trạm Hai đi An Sương.
Khi vừa cầu vượt Sóng Thần khoảng 400m (thuộc P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) thì bất ngờ đâm vào dải phân cách bên phải (ngăn giữa làn xe máy và xe tải) khiến xe hư hỏng nặng dàn gầm.
Tại hiện trường, xe tải 16 tấn hư hỏng nặng, gãy nhíp trước, rơi hai trục cầu trước và bánh xe ra ngoài, gần 10 đoạn dải phân cách bê tông văng ra khỏi hàng. Vụ việc gây cản trở giao thông khiến các phương tiện xếp hàng dài lưu thông chậm theo hướng đi ngã tư Bình Phước.
Sau khi xảy ra vụ việc lực lượng CSGT Q.Thủ Đức, CSGT đội Bình Triệu có mặt giải quyết vụ việc phân luồng, điều tiết giao thông, hai xe cẩu cứu hộ cũng được điều đến để khắc phục sự cố, di dời phương tiện khỏi hiện trường.
Tài xế Trần Thanh Tuấn cho biết, khi xe đang lưu thông thì bất ngờ nổ lốp trước khiến xe mất lái đâm vào dải phân cách.
Do lượng hàng trên xe khá nặng, nên nhà xe phải điều một xe tải khác sang hàng rồi mới di dời được xe tải gặp nạn. Đến 9h00 cùng ngày vụ việc vẫn chưa được khắc phục xong.
-------------------------
Dùng xà beng giải cứu tài xế, phụ xe kẹt cứng trong cabin
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 0 giờ 30 phút ngày 28-11 tại đoạn đường tránh ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Vào thời điểm trên, xe tải BKS 37C-044.56 do tài xế Phan Văn Đạo (26 tuổi, ngụ xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) điều khiển chạy trên đường tránh TP Vinh hướng theo Nam - Bắc. Khi đi đến đoạn ngã 4 giao cắt giữa đường tránh TP Vinh và xã Hưng Thịnh (huyện Hưng Nguyên), do không làm chủ được tốc độ đã tông thẳng vào đuôi xe tải BKS 18N-7528 do tài xế Trịnh Xuân Dũng (50 tuổi, ngụ TP Nam Định, tỉnh Nam Định) điều khiển đang dừng chờ đèn đỏ phía trước.
Cú va chạm mạnh khiến ca bin xe tải BKS 37C-044.56 bẹp dúm, tài xế Đạo cùng 1 phụ xe (chưa rõ danh tính) bị thương nặng, kẹt cứng trong cabin. Thấy thế, nhiều người dân đã hô hoán nhau dùng xà beng phá cửa xe hàng giờ đồng hồ mới giải cứu được 2 nạn nhân ra ngoài đưa đi cấp cứu.
-------------------------
Quân đội chuẩn bị 55.000 người ứng phó với bão số 4
17 giờ chiều nay 28.11, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp ứng phó bão số 4.
Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bà Đặng Thanh Mai cho biết, bão số 4 đang có tốc độ di chuyển trung bình 25 km/giờ nhưng có thời điểm lên tới 30 km/giờ.
Đến chiều nay 28.11, bão số 4 vẫn di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc và vùng gió mạnh tiếp tục mở rộng ra phía bắc. Trong đó, vùng nguy hiểm trên biển được xác định trong khoảng từ vĩ độ 10 đến vĩ độ 15. Gió mạnh từ cấp 6 trở lên.
Cũng theo dự báo, trong khoảng 3 giờ chiều đến đêm mai 29.11, bão số 4 sẽ đổ bộ lên địa phận các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa, dự kiến là vùng giữa Phú Yên và Tuy Hòa. Sức gió mạnh nhất dự báo là cấp 8, giật cấp 9 - 10.
Ngoài ra, bão số 4 sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Lượng mưa phổ biến từ 70 - 120 mm, nhiều nơi sẽ mưa trên 200 mm.
Cũng theo bà Đặng Thanh Mai, ngay sau cơn bão số 4, sẽ có một cơn bão mạnh áp sát vùng biển phía đông Philippines. Dự kiến cơn bão này đạt cấp độ siêu bão và đi vào biển Đông trong khoảng ngày 6 - 7.12.
Thống kê của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, đến 17 giờ chiều nay vẫn còn 752 tàu/7053 người đang ở giữa biển Đông.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Bình, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục phó Cục Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Quốc phòng cho biết, trong khu vực từ Đà Nẵng đến Cà Mau, quân đội chuẩn bị lực lượng với 55.000 cán bộ chiến sĩ và 1.768 phương tiện sẵn sàng ứng phó các tình huống xảy ra trong cơn bão số 4.
Nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng của ngư dân trên biển, ông Cao Đức Phát cho rằng, nhiệm vụ khẩn cấp nhất là sơ tán ngư dân, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển tránh bão. Bão có tốc độ di chuyển gấp đôi tàu thuyền. Đối với những phương tiện cách bờ ngoài 200 km, cơ quan chức năng phải tìm mọi cách liên lạc với chủ phương tiện, hướng dẫn chạy lên phía bắc, hoặc xuống phía nam để đảm bảo an toàn. Còn trong vùng ven biển, bão đổ bộ đúng thời điểm triều cường dâng cao, sóng to gió lớn nên phải triệt để sơ tán dân trong khu vực dân cư sát mép nước.
“Mọi công việc triển khai phòng chống bão phải hoàn thành muộn nhất là 17 giờ chiều 29.11”, ông Phát lưu ý.
-------------------------