“Vụ ông Trần Văn Truyền chỉ là một thí dụ thôi, vấn đề quan trọng là phải tìm ra những “ông Truyền” khác. Phải kiên quyết làm mới được vì quan chức mà giàu quá thì dân không chịu được đâu” - đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
Ngày 25/11, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương chia sẻ với báo chí những vấn đề liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về khối tài sản nhà đất của ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Là người thường xuyên có ý kiến về phòng chống tham nhũng, vậy xin ông cho biết quan điểm của mình về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây công bố kết luận về khối tài sản nhà đất của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền?
Tôi chưa nói ông Truyền có tham nhũng hay không, nhưng quan chức có tài sản bất minh lớn đến như thế mà thu hồi là biện pháp quá cương quyết.
Sự việc liên quan đến khối tài sản của ông Truyền đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ và mới đây Thanh tra Chính phủ cũng cho biết việc ông Truyền bổ nhiệm hơn 60 cán bộ trước khi về hưu trong đó có một số trường hợp có khuyết điểm đã được xem xét xử lý. Từ vấn đề liên quan đến ông Truyền, bước tiếp theo cơ quan chức năng nên xử lý thế nào?
Đã bị thu hồi thì rõ ràng là có sai. Do vậy, phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm vì sao có ngôi nhà đó. Anh có lợi dụng chức vụ quyền hạn không, có nhập nhằng hay không. Điều này kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nói rõ, cùng với việc thu hồi thì phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.
Tùy theo mức độ vi phạm của ông Truyền để kiểm điểm làm rõ ràng trách nhiệm ra sao. Ông Truyền thuộc diện Ban Bí thư quản lý thì trước hết Ủy ban trung ương kiểm tra. Còn nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo con đường nhà nước.
Được biết ông Tuyền muốn mua lại căn nhà bị thu hồi. Trường hợp Nhà nước bán lại cho ông Truyền theo giá thị trường thì có phù hợp hay không?
Đề xuất mua lại là quyền của người ta nhưng theo tôi trường hợp này thì phải thu hồi để thể hiện sự minh bạch. Còn nếu bán lại cho ông Truyền thì rất nhập nhằng, khó giải thích.
Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ biệt thự ở xã Sơn Đồng (tỉnh Bến Tre) đứng tên con ông Truyền - một cán bộ Cảnh sát giao thông còn trẻ nhưng đã có khối tài sản lớn đến vậy liệu có gì bất thường không, thưa ông?
Làm giàu từ trí tuệ là điều đáng mừng, nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn, lại là cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thì khó lắm. Một người còn trẻ mà có khối tài sản lớn đến vậy, ẩn sau nó là vấn đề không bình thường. Cũng có thể tài sản đó do thừa kế hay bằng tài năng của con ông Truyền, thì cũng nên làm rõ.
Sau câu chuyện của ông Truyền, người dân đặt ra câu hỏi liệu trong xã hội còn bao nhiêu người như ông Truyền đã “hạ cánh” an toàn?
Vấn đề là phải tìm ra những “ông Truyền” khác, mà ông Truyền chỉ là một thí dụ thôi. Phải kiên quyết làm những người khác nữa. Bởi vì những quan chức mà giàu quá thì dân không chịu được đâu!
Từ câu chuyện của ông Trần Văn Truyền, chúng ta có nên siết lại việc sử dụng nhà công vụ hay không?
Việc này trong luật nhà ở có rồi. Nhà công vụ bây giờ không còn như ngày xưa nữa. Thời bao cấp trước đây người ta mới lạm dụng sử dụng nhà công vụ - nhiều người không ở nhưng đem cho thuê, thậm chí biến thành nhà riêng.
Xin cảm ơn ông!
---------------------------
Hà Nội khẳng định Trung tâm thông tin văn hóa không "đe dọa" Hồ Gươm
Ngày 25/11, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng cho biết, vị trí khu đất xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa tại số 2 phố Lê Thái Tổ nằm trong vùng phụ cận chứ không nằm trong phạm vi khoanh vùng di tích Hồ Hoàn Kiếm.
Trước thông tin quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm tại số 2 phố Lê Thái Tổ nằm trọn vẹn trên Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và ảnh hưởng đến di tích Hồ Gươm, ngày 25/11, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, UBND quận Hoàn Kiếm đã đến làm rõ vấn đề.
Cụ thể, ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - cho biết, công trình xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm được xây dựng trên khu đất 242,2m2 tại số 2 phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng. Vị trí khu đất nằm trong vùng phụ cận của hồ Hoàn Kiếm chứ không nằm trong phạm vi khoanh vùng di tích hồ Hoàn Kiếm.
Theo ông Hùng việc chọn lựa phương án quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình sẽ hoàn chỉnh tổng thể tổ hợp kiến trúc với công trình Long Vân - Hồng Vân tạo hình thái kiến trúc hoàn chỉnh ô phố, đóng góp hiệu quả vào không gian cảnh quan đô thị khu vực, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; đồng thời phù hợp với không gian khu vực và quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Công trình có quy mô 3 tầng nổi, một tầng hầm và tum thang, chiều cao đến diềm mái công trình chính là 10,1m, đến đỉnh tum thang là 13,6m, thấp hơn chiều cao cho phép dưới 16m. Mật độ xây dựng chỉ hơn 64% (thấp hơn mật đô xây dưng theo quy định không quá 80%). Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm có chức năng: trưng bày, triển lãm và văn phòng làm việc.
“Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm này là công trình công cộng, không có chức năng kinh doanh và sẽ không có chuyện kinh doanh buôn bán khi công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng”, ông Hùng khẳng định.
Trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình, một số hộ dân tại số 11 phố Hàng Gai (liền kề sau công trình) có đơn kiến nghị phản ánh Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm nằm trọn vẹn trên Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Khối bê tông này xâm hại nghiêm trọng đến di tích lịch sử Hồ Gươm. Ngoài ra, công trình không được sự chấp thuận của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Sử học Việt Nam…
Ông Hùng cho biết, công trình thực hiện đúng quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận được Bộ Xây dựng phê duyệt trước đây. Về phương án kiến trúc công trình phù hợp quy hoạch khu vực được duyệt và không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh hồ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và đặc điểm pháp lý, hiện trạng khu đất.
Ông Hùng khẳng định, UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. Công trình xây dựng này không phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hay Hội Sử học Viêt Nam…
“Kiến nghị khẩn cấp của một số hộ dân tại nhà số 11 phố Hàng Gai không có cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi trân trọng ý kiến của các hộ gia đình. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã họp dân và hiện chỉ có 2 hộ gia đình chưa đồng ý. Các hộ dân đều tán thành và chỉ đề nghị việc xây dựng phải phù hợp với quy hoạch, hài hòa với không gian Hồ Gươm”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết thêm, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục chưa được xếp hạng di tích. Năm 2010, sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, ý kiến các hộ dân, nhất là đúng vào thời điểm Đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã quyết định tạm dừng xây dựng công trình. Và từ năm 2010 đến nay, thành phố đã giao cho các cơ quan chức năng, kiến trúc sư thành phố để đưa ra phương án xây dựng cụ thể.
---------------------------------
Ứng trước 400 tỷ đồng xây dựng cầu treo dân sinh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý ứng trước nguồn vốn ngân sách TƯ số tiền 400 tỷ đồng cho Bộ GTVT thực hiện Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên trong năm 2014.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính bố trí kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông vận tải từ năm 2015 để thu hồi số vốn ứng trước nêu trên theo quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bố trí vốn để tiếp tục thực hiện và hoàn thành Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên theo tiến độ quy định.
Về việc rà soát, bố trí vốn sửa chữa hồ chứa nước, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước, trình Thủ tướng phê duyệt để có căn cứ bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm, kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020.
Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước xác định rõ Danh mục dự án; tổng mức đầu tư của dự án; tỷ lệ nguồn vốn thực hiện (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn khác), lưu ý ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ cho các địa phương đang nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương.
-----------------------