Cội nguồn sức mạnh quân đội
Quân đội Nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng vì nhân dân chiến đấu, hy sinh.
Song, chính nhân dân là cội nguồn sức mạnh làm nên những chiến công hiển hách nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
70 năm qua, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lập những chiến công làm nức lòng nhân dân, góp phần vào chiến thắng vang dội của cả dân tộc trước mọi thù trong giặc ngoài. Từ những trận chiến Khai Phắt, Nà Ngần đầu tiên, quân đội ta đi hết chiến thắng này tới chiến thắng khác, làm nên những trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, “Điện Biên Phủ trên không”, chiến dịch Mùa Xuân 1975 lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… cũng như bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Từ Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vẻn vẹn 34 chiến sĩ với trang bị hết sức thô sơ và thiếu thốn, dưới sự chỉ huy của vị tướng huyền thoại Võ Nguyễn Giáp - người Anh cả của quân đội- Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày một trưởng thành, lớn mạnh, đánh thắng những kẻ thù thiện chiến, trang bị hiện đại và hùng mạnh hơn gấp bội.
Điều làm nên những chiến thắng vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam trước những kẻ thù hùng mạnh không phải nhờ vũ khí trang bị “tàu to, súng lớn” mà chính là sức mạnh bắt nguồn từ cội nguồn của đội quân gắn bó máu thịt với nhân dân, đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh.
Sức mạnh “bách chiến bách thắng” của quân đội ta bắt nguồn và nhân lên gấp bội từ nhân dân, những người hết thế hệ này tới thế hệ khác tiễn đưa những người con, người chồng, người cha yêu quý nhất của mình cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh ấy đến từ những người dân luôn quyết tâm cao nhất để “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, sẵn sàng “xe chưa qua, nhà không tiếc”… Sức mạnh đó bắt nguồn từ chính người dân “còn cái lai quần cũng đánh” trực tiếp chiến đấu.
Từ nhân dân mà ra và gắn bó máu thịt với nhân dân, toàn bộ sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam là để vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh. Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày càng được hiện đại hóa song vũ khí, trang bị không phải là sức mạnh duy nhất. Nguồn sức mạnh to lớn nhất, quyết định nhất và không bao giờ vơi cạn của quân đội ta chính là bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân, của nền quốc phòng toàn dân và khối đại đoàn kết dân tộc.
Nhân dân mãi mãi là cội nguồn sức mạnh cho đội quân vì nhân dân phục vụ, luôn vì nhân dân mà sẵn sàng chiến đấu, hy sinh.
PHẠM DƯƠNG - Người Lao Động
-------------------------
Liên doanh hàng không Thái Lan - Việt Nam đi vào hoạt động
Hãng hàng không ThaiVietjet chính thức ra mắt hôm qua, với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh GMS 5 tại Bangkok.
Chứng chỉ Nhà khai thác hàng không đã được Cục Hàng không Thái Lan trao hôm qua, đánh dấu sự ra đời chính thức của liên doanh hàng không giữa hai nước. Tham gia vào Thái Vietjet (ThaiVietjet) có 51% vốn của hãng hàng không Thái Lan KanAir và 49% vốn của Vietjet Air.
Thai Vietjet sẽ khai thác các đường bay nội địa Thái Lan, cũng như các đường bay quốc tế từ Thái Lan tới các điểm đến trong khu vực như Ấn Đô, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, mở rộng thêm mạng bay từ Việt Nam đang được khai thác bởi Hãng hàng không Vietjet. Chuyến bay đầu tiên đã được thực hiện thử nghiệm hôm 3/12 vừa qua từ Bangkok - Bohd Gaya, một trong 4 thánh tích của đạo Phật ở Ấn Độ.
Chứng kiến lễ ra mắt có sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bà Kobkarn Suritasat Wattanarangkul - Bộ trưởng Du lịch Thể thao Vương quốc Thái Lan cùng nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của hai nước. Sự kiện nhận được quan tâm tham dự đông đảo của hàng trăm đại biểu đến từ Bộ Giao thông vận tải, Cục hàng không, hiệp hội Kiều và doanh nhân Thái, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch và đối tác Thái Lan.
Lãnh đạo hai nước ghi nhận sự ra đời của Hãng hàng không liên doanh Thai Vietjet giữa hai doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam là kết quả của quá trình tăng cường hợp tác, phát triển giao thương bền vững giữa hai quốc gia.
Kế hoạch thành lập liên doanh hàng không với Thái Lan - Việt Nam đã được hai bên công bố từ hơn một năm nay. Sự kiện ra mắt Hãng hàng không Thai Vietjet là bước đi đầu tiên trong kế hoạch khai thác các thị trường quốc tế của Vietjet Air. Sau hơn 3 năm hoạt động, Vietjet Air đã vận chuyển 10 triệu lượt hành khách.
-------------------------
Quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước là tài sản vô giá cần phải cùng nhau giữ gìn
Nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Campuchia trong hai ngày 23 và 24.12 theo lời mời của Quốc vương Norodom Sihamoni, tờ “Tia sáng Campuchia”, nhật báo tiếng Khmer lớn nhất ở Campuchia, số ra ngày 21.12 đã đăng bài phỏng vấn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên trang nhất do Tổng biên tập Pen Samitthy. Nội dung chính như sau:
Thưa Ngài Chủ tịch kính mến, xin ngài Chủ tịch đánh giá quan hệ Việt Nam - Campuchia trong thời gian qua và hiện nay?
Việt Nam - Campuchia là hai nước láng giềng, cùng uống chung nước sông Mê Công và cùng nằm trên cửa ngõ của bán đảo Đông Dương để đi ra biển lớn. Sự gần gũi về mặt địa lý, cùng với sự đổi thay của lịch sử đã gắn liền nhân dân hai nước chúng ta, làm cho tình cảm láng giềng ngày càng sâu sắc. Lịch sử đã ghi nhận mọi khó khăn mà nhân dân hai nước chúng ta đã cùng vượt qua và luôn luôn hy sinh xương máu cho nhau vì độc lập dân tộc và tự do của mỗi nước. Truyền thống rất tốt đẹp này là niềm tự hào vô giá mà tất cả chúng ta cùng nhau đã và sẽ góp phần gìn giữ, truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Ngày nay, với sự quan tâm của lãnh đạo hai nước, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Mối quan hệ trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao giữa hai nước từng bước ngày càng sâu sắc dựa trên cơ sở tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Hoạt động trao đổi đoàn cấp cao của hai nước được duy trì thường xuyên, có nội dung với nhiều hình thức, đưa đến những thành tựu cụ thể.
Trong thời gian qua, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao như chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đến Việt Nam của Quốc vương Norodom Sihamoni (tháng 9/2012); chuyến thăm hữu nghị Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin (Hêng Xom-rin); chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen (Hun Xen); chuyến thăm chính thức cấp nhà nước Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 12/2011); chuyến thăm làm việc tại Campuchia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 1/2014). Trong tất cả các chuyến thăm này, lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo Campuchia đã bày tỏ sự quan tâm làm sâu sắc hơn nữa và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và sự hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước lên một tầm cao mới.
Một số cơ chế giữa hai nước như Ủy ban chung về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, các cuộc họp về sự hợp tác và phát triển của các tỉnh có chung đường biên giới, các cuộc họp thúc đẩy đầu tư… được duy trì thường xuyên, góp phần kiểm tra theo thời gian, quy định sự thực hiện thỏa thuận hai bên. Đồng thời, sự hợp tác giữa các tỉnh, đặc biệt của các tỉnh giáp biên giới đã được thúc đẩy một cách có hiệu quả. Về công tác biên giới, hai bên mong muốn sớm kết thúc việc phân giới và xây dựng cột mốc biên giới trên bộ nhằm xây dựng đường biên giới giữa hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Hợp tác trên lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư là một lĩnh vực đã nhận được sự ưu tiên hàng đầu trong hợp tác giữa hai nước. Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại trong nền kinh tế của hai nước thể hiện qua quy mô trao đổi thương mại giữa hai nước tiếp tục gia tăng trong những năm vừa qua: từ 1,8 tỷ USD năm 2010 lên 3,34 tỷ USD năm 2013. Hai nước đang cố gắng thúc đẩy quy mô trao đổi thương mại lên mức 5 tỷ USD trong năm 2015. Trên lĩnh vực đầu tư, đến nay các công ty Việt Nam đã được cấp phép đầu tư cho 128 dự án với tổng số vốn đầu tư 3,36 tỷ USD, hầu hết thuộc lĩnh vực quan trọng theo chương trình phát triển của Campuchia.
Hợp tác trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng đã nhận được sự quan tâm cao. Hàng năm Bộ Quốc phòng hai nước và Bộ Công an/Nội vụ thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao với những nội dung và hiệu quả thực hiện cao. Cần nhần mạnh rằng quân đội và nhân dân hai nước tiếp tục cùng hợp tác trong việc tìm kiếm, cất bốc và đưa về nước hài cốt các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh ở Campuchia trong chiến tranh. Chúng ta có thể nói rằng việc hợp tác giữa các lực lượng vũ trang Việt Nam và Campuchia đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mỗi nước và cuộc sống bình yên của nhân dân hai nước.
Hợp tác trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa cũng đã không ngừng được củng cố, đổi mới cả về nội dung và biện pháp thực hiện.
Hàng năm, chính phủ hai nước đã trao hàng trăm suất học bổng dài hạn và ngắn hạn cho học sinh, sinh viên, quan chức ở các cơ quan, ban ngành, cơ sở của cả hai nước. Trên lĩnh vực y tế, Việt Nam hoạt động với nhiều hình thức trong đó có việc tổ chức nhiều đoàn cán bộ y tế đến khám bệnh và phát thuốc cho người bệnh ở Campuchia không thu phí, đặc biệt là ở các tỉnh giáp biên giới với Việt Nam. Việt Nam cũng đưa ra chính sách cho người dân Campuchia khi đến khám và chữa bệnh ở Việt Nam theo giá như đối với người dân Việt Nam. Các hoạt động trao đổi văn hóa, mối quan hệ ứng xử giữa người dân với người dân, liên kết xã hội dân sự ngày càng nở rộ, sinh động trở thành “cầu nối tinh thần” gắn bó quan hệ tình cảm và sự thông cảm lẫn nhau giữa Việt Nam và Campuchia.
Việc trao đổi, quan hệ ứng xử giữa người dân với người dân phải được thúc đẩy một cách mạnh mẽ. Hai bên duy trì việc trao đổi đoàn của mặt trận, hội hữu nghị và thanh niên.
Đồng thời với sự hợp tác song phương, hợp tác trong các cơ chế đa phương cũng đã được thúc đẩy như hợp tác ba nước trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), hợp tác bốn bên Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeywady-Chao Praya - Mê Công (ACMECs) và hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông (GMS)…
Vậy Ngài Chủ tịch có quan điểm như thế nào đối với quan hệ hợp tác của Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới?
- Dựa trên cơ sở của mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước cùng với tiềm năng và lợi thế của mỗi nước, tôi cho rằng Việt Nam và Campuchia có nhiều cơ hội to lớn để quan hệ song phương ngày càng phát triển tốt đẹp và hiệu quả. Mặt khác, việc đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình quốc tế và trọng trách chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung và hợp tác thường xuyên của cả hai nước.
Trong thời gian tới, tôi mong muốn hai bên tiếp tục trao đổi các đoàn cấp cao, gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao cũng như ở cấp bộ, ngành và cơ sở nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau. Hai nước cũng cần hợp tác, tạo điều kiện dễ dàng, hợp tác với nhau, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt một số lĩnh vực như du lịch, viễn thông, ngân hàng, dầu khí, công nghiệp, nông nghiệp. Hai nước cố gắng thúc đẩy quy mô trao đổi thương mại lên 5 tỷ USD trong năm 2015 như đã thống nhất. Sự hợp tác trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, văn hóa cũng cần phải được quan tâm. Việt Nam sẽ cấp nhiều suất học bổng cho sinh viên đại học và sau đại học của Campuchia sang học tập ở Việt Nam.
Cả hai nước thường tuyên truyền, giáo dục nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ để họ hiểu sâu về quan hệ truyền thống rất tốt đẹp giữa hai nước đã được xây dựng bằng xương máu của nhiều thế hệ và đó là tài sản vô giá cần phải cùng nhau giữ gìn và phát triển. Công tác cắm mốc biên giới trên bộ phải được thực hiện để xây dựng đường biên giới thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trên trường quốc tế và khu vực, cả hai nước phải củng cố sự hợp tác gần gũi và sự ủng hộ lẫn nhau như hợp tác ba nước trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeywady - Chao Praya - Mê Công (ACMECs), hợp tác tiểu vùng sông Mê Công (GMS), ASEAN và hợp tác Á-Âu (ASEM) và Liên hợp quốc…
Do có tuyên bố của hai bên cùng với quan hệ đoàn kết gần gũi của nhân dân hai nước, tất cả chúng ta có thể tin tưởng một cách chắc chắn rằng quan hệ hữu nghị, hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Campuchia sẽ nhận được động lực thúc đẩy mới, có bước tiến mới mạnh mẽ và phục vụ có hiệu quả đối với sự phát triển của mỗi nước.
Theo dangcongsan.vn
-------------------------
Nông dân Lý Sơn khốn đốn vì hành
Gần nửa tháng nay, hàng trăm hộ nông dân trồng hành tại đảo Bé (xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) như ngồi trên đống lửa, bởi hàng chục héc ta hành Thu Đông đang cho thu hoạch bị thối rữa bởi nước mưa. Một vụ hành được cho là bội thu thì người dân đảo Bé lại dở khóc, dở cười vì sự thất thường của thời tiết.
Những ngày này, người dân đảo Bé với nét mặt u buồn đội mưa gió thu hoạch nốt số hành hành Thu Đông bị thối rữa bởi nước mưa. Dọc các trục đường trên đảo Bé đâu đâu cũng thấy hình ảnh hành được chất thành đống ngoài mưa gió và chờ người dân mang ra biển đổ. Hiện nay đời sống của người nông dân trên đảo Bé vốn đã khổ nay lại khổ hơn, khó khăn chồng chất khó khăn, bởi tất cả vốn liếng mà họ đầu tư cho vụ hành này gần như mất trắng.
Bà Trần Thị Mai - ở đảo Bé tâm sự, vụ hành năm phát triển khá tốt, trong giai đoạn thu hoạch, không khí lạnh liên tục tràn về, gặp mưa nhiều khiến trên 3 sào hành gia đình bà gần như thối rữa đành phải bỏ đi, một số ít gia đình bà cũng gắn gượng thu hoạch về thì không thể tiêu thụ được, bởi hành gặp mưa cũng bị úng hết, mấy vụ trước còn kiếm ăn, chứ vụ này gia đình bà lỗ nặng.
Do thời tiết từ đầu mùa đến gần khi thu hoạch thuận lợi, nắng ráo nên bà con nông dân trồng hành tin rằng vụ hành này sẽ bội thu, trúng lớn, đời sống sẽ vơi bớt khó khăn, thế nhưng chỉ mấy ngày không khí lạnh tăng cường, trời chuyển mưa dầm, khiến trên 23 héc ta hành Thu Đông đang cho thu hoạch thì đã có gần 20 héc ta hành bị thối rữa hoàn toàn. Theo bà con nông dân đảo Bé, gặp mưa nhiều, hành hư mà thu hoạch về bán rẻ thì cũng chẳng ai mua. Trong khi cuộc sống cơm áo gạo tiền của bà con nông dân đảo Bé chỉ trông chờ vào vụ hành này.
Bà Trương thị Bông - ở đảo Bé cho biết; vụ hành này gia đình bà cũng thu hoạch khoảng 4 sào hành, thì đã có hơn 3 sào chịu ảnh hưởng nước mưa và thối rữa hoàn toàn không thể tiêu được đành phải đổ biển. “Vụ này đầu tư lớn với giá giống, phân bón cao, mà hành thì hư hết thế này thì không biết lấy gì bù lại chi phí đã bỏ ra”-Bà Bông thở dài.
Không riêng gì đối với gia đình bà Mai, bà Bông mà hàng trăm hộ nông dân trồng hành trên đảo Bé đều có chung cảnh ngộ, bởi suốt hơn hai tháng phải phơi mình đánh vật với nắng mưa, bỏ cả vốn liếng để tập trung chăm sóc cho những ruộng hành là nguồn thu nhập duy nhất để nuôi sống gia đình mình thì giờ đây trở thành nỗi ám ảnh đối với bà con.
Ông Phan Đình Phương – Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Lý Sơn cho biết, vụ hành Thu đông năm 2014 toàn xã gieo trồng trên 23 héc ta diện tích, đầu vụ cây hành phát triển tốt, tổng sản lượng ban đầu ước đạt trên 150 tấn. Tuy nhiên vào giai đoạn hành chuẩn bị cho thu hoạch, gặp mưa nhiều nên toàn bộ 80% diện tích hành của bà con nông dân đảo Bé bị thối rữa, hiện nay tổng sản lượng toàn xã thu hoạch ước đạt chỉ còn khoảng 38 tấn. Cũng theo ông Phương, hiện nay bà con nông dân đảo Bé đang dở khóc dở cười vì hành bị thối rữa, bà con nhân dân trên đảo chủ yếu sống bằng vụ hành này mà giá cả như thế này thì không đủ trang trải chi phí nên đời sống bà con nông dân gặp không ít khó khăn.
Mất mùa hành Thu Đông khiến cuộc sống của người dân xã đảo càng trở nên vất vả, khó khăn chồng chất khó khăn, sự thất thường của thời tiết đã đẩy hàng trăm hộ nông dân trồng hành trên đảo Bé rơi vào cảnh khó khăn đói nghèo, không biết sau vụ hành này đời sống của bà con nông dân đảo Bé sẽ ra sao.
-------------------------