Triều Tiên dọa cho 'nổ tung' Nhà Trắng
Triều Tiên lên tiếng chỉ trích hành động “lún sâu” của chính phủ Mỹ trong việc tạo ra bộ phim hài ám sát lãnh đạo Kim Jong-un và đe dọa cho “nổ tung” Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và các mục tiêu khác nếu Washington phát động cuộc tấn công mạng trả đũa nước này, Los Angeles Times dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Triều Tiên.
Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên ngày 21.12 tuyên bố các mục tiêu của chính phủ nước này “không chỉ là một công ty duy nhất sản xuất bộ phim”, quân đội Triều Tiên đã sẵn sàng đối đầu với Mỹ trong tất cả không gian chiến tranh bao gồm cả việc cho “nổ tung Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, và các thành trì khác của Washington, theo Los Angeles Times ngày 21.12.
Tuyên bố của Bình Nhưỡng đưa ra chỉ sau một ngày nước này phủ nhận trách nhiệm đứng sau vụ tấn công mạng Sony Pictures Entertainment mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khẳng định đã có đầy đủ thông tin chứng minh Triều Tiên đứng phía sau “giật dây” các tin tặc.
Đồng thời, Triều Tiên cũng lên tiếng đề nghị Mỹ phối hợp điều tra cũng như yêu cầu Washington đưa ra bằng chứng rõ ràng sau những lời buộc tội của Tổng thống Obama mà Triều Tiên cho là “vô căn cứ”, theo The Guardian 21.12.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Obama cho biết sẽ mở một cuộc tấn công vào hệ thống mạng Triều Tiên nhằm “trả đũa” nhưng chưa nói rõ các bước thực hiện hành động này hôm 19.12. Đồng thời, Mỹ đã nhờ sự giúp đỡ từ phía Bắc Kinh nhằm ngăn chặn các tin tặc Triều Tiên.
Đây là lần đầu tiên Mỹ lên tiếng buộc tội trực tiếp một nước khác tấn công mạng quy mô lớn như vậy. Song, điều này cũng tạo sức ép lên chính quyền ông Kim Jong-un sau khi một nghị quyết của Liên Hiệp quốc mới đây cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền và kêu gọi Hội đồng Bảo an đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra xét xử tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Mối căng thăng trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên tiếp tục leo thang, sau khi Mỹ sản xuất bộ phim hài ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “The Interview” dự định công chiếu 25.12. Tuy nhiên, sau những đe dọa của tin tặc, Sony đã hủy bỏ việc công chiếu bộ phim nhưng sẽ vẫn tiến hành phân phối bộ phim này, sau khi Obama chỉ trích việc hủy bỏ là “sai lầm” hôm 20.12.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố sẽ tăng sức mạnh tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là sức mạnh hat nhân lên gấp đôi bằng mọi cách. Ngoài hạt nhân, Bình Nhưỡng đang đầu tư rất nhiều vào công nghệ tin học.
-------------------------
Tổng thống Obama: Ông Putin không lấn lướt được tôi!
Tổng thống Mỹ Barack Obama bác bỏ bình luận cho rằng ông bị Tổng thống Nga Vladimir Putin lấn lướt trong cuộc trả lời phỏng vấn phát trên đài CNN ngày 21-12.
Ông Obama gạt bỏ ý kiến nhà lãnh đạo Nga “là một kiện tướng lấn lướt cả phương Tây lẫn tổng thống Mỹ". Ngược lại, theo ông chủ Nhà Trắng, ông Putin đang chịu trách nhiệm về sự suy giảm nghiêm trọng của kinh tế Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
“Chính lúc này, ông ta đang chịu trách nhiệm về tình trạng mất giá của giá đồng rúp, cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng và cuộc suy thoái kinh tế nặng nề. Dường như ông ấy không giống với người đã lấn lướt tôi hay nước Mỹ”.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn nêu trên, Tổng thống Obama một lần nữa khẳng định quyết tâm đóng cửa nhà tù Guantanamo được đặt tại căn cứ hải quân Mỹ trên vịnh Guantanamo, phía Đông Cuba, sau khi 4 tù nhân người Afghanistan trở về quê hương sau hơn 10 năm bị giam giữ tại nhà tù này.
“Tôi sẽ thực hiện mọi nỗ lực có thể để đóng cửa nhà tù này. Nó vẫn là một yếu tố kích động các phần tử thánh chiến và cực đoan trên khắp thế giới. Điều này đi ngược lại các giá trị của chúng ta và vô cùng tốn kém khi chúng ta đang chi hàng triệu USD cho mỗi cá nhân ở đó” – ông Obama nói.
-------------------------
Không nên dọa nạt Nga!
Các cơ quan tình báo Nga phát hiện hơn 230 điệp viên nước ngoài, đập tan 8 âm mưu khủng bố lớn trong năm 2014
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân viên an ninh ở Điện Kremlin hôm 20-12, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố không nên dọa nạt nước Nga vì vấn đề Ukraine và Crimea. Tổng thống Putin khẳng định: “Rõ ràng là chẳng ai lợi lộc gì khi dọa nạt, kìm hãm, cô lập nước Nga. Trước đây và sau này cũng vậy thôi”.
Ông Putin nhắc lại rằng các toan tính tương tự đã nhiều lần xảy ra trong thế kỷ XX, đồng thời xác định những thách thức và đe dọa hiện đại đòi hỏi toàn bộ hệ thống tình báo nước Nga phải nâng cao tính hiệu quả hơn nữa. “Chúng ta phải sẵn sàng vượt qua những khó khăn và phải luôn đáp trả thích đáng trước bất cứ mối đe dọa nào đối với chủ quyền của chúng ta, sự ổn định và thống nhất của xã hội” - Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Nhân dịp này, ông chủ Điện Kremlin cho biết các cơ quan tình báo Nga đã phát hiện hơn 230 điệp viên nước ngoài, đập tan 8 âm mưu khủng bố lớn, ngăn chặn hoạt động của 46 nhóm khủng bố và cực đoan trong năm 2014. Tổng thống Putin cũng kêu gọi các cơ quan an ninh nâng cao tính hiệu quả của công tác phòng ngừa khủng bố; củng cố sự tương tác với các tổ chức xã hội công dân trong hoạt động chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và nạn kỳ thị người nước ngoài.
Tổng thống Putin nhận định tình hình thế giới hiện rất bất ổn. “Số mối đe dọa đang gia tăng, các chuẩn mực về quyền quốc tế bị phớt lờ. Người ta cũng không hề từ bỏ một phương tiện nào: tống tiền, khiêu khích, gây áp lực về kinh tế và thông tin, dựa vào các yếu tố cực đoan, các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, âm mưu gây bất ổn tình hình nội bộ và đồng thời nắm quyền kiểm soát cả những quốc gia” - ông dẫn chứng.
Vì thế, nhà lãnh đạo Nga khẳng định lúc này cần phải đặc biệt chú ý đến công tác bảo vệ biên giới đất nước. Hãng tin Tass dẫn lời phát biểu của Tổng thống Putin: “Nhiệm vụ của cơ quan tình báo nước ngoài rất rộng, trước hết là dự báo, phân tích các nguy cơ và mối đe dọa tiềm tàng, sau đó là đánh giá tính chất và khả năng diễn biến các sự kiện quốc tế then chốt”.
Trong khi đó, Reuters đưa tin Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng cảnh báo sẵn sàng trả đũa các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây sau khi cả Mỹ và Liên minh châu Âu đều tán thành việc siết chặt các biện pháp hạn chế đối với những hoạt động đầu tư ở Crimea. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: Lệnh trừng phạt mới của phương Tây đối với Crimea là hành động trừng phạt tập thể chống lại những người dân đã bỏ phiếu ủng hộ phương án gia nhập nước Nga hồi tháng 3 năm nay.
“Thật đáng buồn khi các quốc gia tự nhận mình là dân chủ lại chọn những phương sách như vậy trong thế kỷ XXI này” - tuyên bố nêu rõ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich còn cho rằng lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Crimea làm hủy hoại nỗ lực giải quyết cuộc xung đột ở Đông Ukraine.
Theo báo Vzglyad, chính quyền Crimea khẳng định không có gì đáng sợ vì phương Tây chẳng còn gì để gây ảnh hưởng đến Crimea nữa và những biện pháp trừng phạt mới sẽ không có tác dụng đối với sự phát triển của khu vực này.
Vị đứng đầu bán đảo, ông Sergei Aksenov, nhấn mạnh: “Tôi cho rằng Mỹ và châu Âu ngay từ những ngày đầu của phong trào “mùa xuân Crimea” đã thực hiện chế độ trừng phạt tối đa đối với Crimea và những người có chức trách ở đây rồi”.
-------------------------
Đối phó phương Tây, Nga quay sang châu Á?
Theo Global Times, phụ bản của báo Trung Quốc People’s Daily (Nhân dân Nhật báo), nhiều chuyên gia Mỹ và Liên minh châu Âu bắt đầu nghi ngờ về tính hiệu quả của các đòn trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Họ không chỉ lo ngại về hậu quả kinh tế, kết quả của quan hệ bị hủy hoại với Nga, mà còn sợ rằng Nga sẽ quay sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Mới đây, Nga và Trung Quốc ký hàng loạt thỏa thuận kinh tế lớn và duy trì quan hệ chính trị khăng khít. Hai nước cũng nhất trí tiến hành các cuộc tập trận chung tại Địa Trung Hải, một động thái được coi là nhằm đáp trả các cuộc tập trận của Mỹ và NATO gần biên giới Nga và Trung Quốc.
Các nhà bình luận phương Tây phỏng đoán, dạng thức hành động chung đó thể hiện quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc và Nga; bóng ma kỷ nguyên Chiến tranh lạnh với phương Tây dần hiển lộ. Điều đó làm nảy sinh mối lo rằng, nếu công nghệ hạt nhân và các nguồn tài nguyên của Nga phối hợp sức mạnh kinh tế Trung Quốc, vị thế siêu cường thống trị thế giới của Mỹ có thể bị đe dọa. Global Times thanh minh rằng, mô thức hành động trên không có nghĩa Nga và Trung Quốc đang thiết lập một liên minh.
Trung Quốc từng nhấn mạnh sẽ không tham gia bất cứ liên minh nào để chống lại bất kỳ nước nào và Bắc Kinh giữ quan điểm trung lập trong các cuộc xung đột giữa các quốc gia khác. Nếu như Nga phá vỡ cái mà Global Times gọi là “hệ thống tập quyền quốc tế của Mỹ”, Trung Quốc còn có thể hưởng lợi. Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn sát cánh với Nga để hứng chịu hỏa lực từ phương Tây.
Theo nhiều nhà phân tích, Nga không cần liên minh với Trung Quốc và cũng e ngại trở nên quá phụ thuộc vào người láng giềng đông dân và đang rất đói khát tài nguyên ở phía nam. Các nhà phân tích chính trị Nga cho rằng, Trung Quốc có thể cố gắng giành nhiều lợi ích nhờ nguồn khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga.
Đó chính là lý do tại sao Nga “xoay trục châu Á” nhằm vào tất cả các quốc gia châu Á, chứ không chỉ riêng Trung Quốc. Nhằm cân bằng quan hệ với Trung Quốc, Nga còn chủ động tăng cường quan hệ với hai đối thủ khu vực của Trung Quốc là Ấn Độ và Nhật Bản. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây thăm Ấn Độ, ký kết một loạt thỏa thuận kinh tế, quốc phòng…
Tin tức Trung Quốc dẫn lời cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại và Hợp tác kinh tế Trung Quốc Long Yongtu nói rằng, Bắc Kinh ở trong thế buộc phải giúp đỡ Mátxcơva về phương diện triển vọng chiến lược. Ông này chỉ trích vòng trừng phạt mới của Mỹ và phương Tây chuẩn bị siết chặt thêm với Nga, cảnh báo rằng, giải quyết vấn đề xung đột chính trị thông qua trừng phạt kinh tế sẽ chỉ khiến tất cả phải gánh chịu hậu quả. Ông Long, hiện giữ chức Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế châu Á Bác Ngao, là quan chức Trung Quốc đầu tiên công khai bày tỏ quan điểm của Bắc Kinh đối với nguy cơ khủng hoảng kinh tế ở Nga.
-------------------------