TP.HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa
Ngày 20.10, UBND TP.HCM ban hành quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP.
Theo đó, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại, sau khi trừ lộ giới, diện tích tối thiểu như sau: Khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú) 50 m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4 m đối với đất ở chưa có nhà; đất có nhà hiện hữu 45 m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3 m tại đường phố có lộ giới ≥20 m; 36 m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3 m tại đường phố có lộ giới <20 m.
Khu vực 2 (gồm các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện được quy hoạch đô thị hóa) 80 m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5 m đối với đất ở chưa có nhà; đất có nhà hiện hữu 50 m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4 m.
Khu vực 3 (gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, ngoại trừ thị trấn hoặc khu vực được quy hoạch đô thị hóa thuộc huyện) 120 m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 7 m đối với đất ở chưa có nhà; đất có nhà hiện hữu 80 m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5 m...
-------------------------
Nạn “tham nhũng vặt” còn phổ biến
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tình trạng “tham nhũng vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền...
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội cho thấy, cử tri và nhân dân nhiều nơi nhận xét công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả đáng khích lệ, như điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng lớn nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp.
Tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp; một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế, trong việc thực hiện chế độ, chính sách người có công và các chính sách xã hội khác, trong một số cơ sở đào tạo, doanh nghiệp hoạt động công ích của địa phương gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Cử tri và nhân dân cho rằng những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chậm được khắc phục, như: Việc kê khai tài sản mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và lãng phí; đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, nhất là trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước quản lý.
Báo cáo cũng cho biết, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 9/9/2014, nhưng đến nay vẫn chưa có quy chế kỳ thi quốc gia và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Có ý kiến đề nghị đối với những thay đổi lớn ở quy mô quốc gia như thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển đại học, cần làm thí điểm ở quy mô nhỏ trước, rút kinh nghiệm rồi mới làm toàn quốc.
Về Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015, cử tri và nhân dân băn khoăn vì mặc dù đến tháng 5/2014, đã có 87% số xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập, song ở cấp tỉnh mới có 18 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi.
Cử tri và nhân dân mong muốn việc phổ cập giáo dục mầm non cần có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt và đầu tư đúng mức của Chính phủ, các ngành và chính quyền địa phương, nhất là các tỉnh vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án trong năm 2015.
Trong khi đó, tình trạng lạm thu trong trường học vào đầu năm học tuy có được kiểm soát nhưng tại nhiều trường ở các địa phương vẫn tiếp tục xảy ra gây khó khăn cho các gia đình nghèo. Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp tốt hơn, triệt để hơn để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lạm thu này và thông báo cho nhân dân biết về kết quả khắc phục
-------------------------
Tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng trong tài chính công, ngân hàng
Báo cáo của Chính phủ nhận định tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp.
Trong Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của QH Nguyễn Văn Hiện đánh giá năm 2014 việc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi tham nhũng đã nghiêm minh hơn. Các loại án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, đình chỉ vụ án, bị can đã giảm nhiều so với năm 2013; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm được xét xử nghiêm minh, đã có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.
Đồng tình với đánh giá của Chính phủ rằng tình hình tham nhũng “phức tạp” và “ngày càng tinh vi, khó phát hiện...”, nhưng UBTP cũng khẳng định qua hoạt động giám sát, khảo sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thấy tình hình tham nhũng vẫn “nghiêm trọng”, xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và còn tiếp tục diễn biến phức tạp; đặc biệt nghiêm trọng là tham nhũng trong lĩnh vực tài chính công, ngân hàng, tín dụng đã gây thất thoát rất lớn tài sản nhà nước. Một số vụ việc nổi cộm được UBTP đưa ra dẫn chứng có vụ án Huỳnh Thị Huyền Như gây thất thoát khoảng 4.000 tỉ đồng; Vũ Quốc Hảo gây thất thoát 4.689 tỉ đồng; Vũ Việt Hùng gây thất thoát trên 1.000 tỉ đồng...
UBTP đánh giá việc kiểm soát trên thực tế tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn còn rất hạn chế do thiếu cơ sở pháp lý để theo dõi, xác minh, xử lý đến cùng đối với tài sản, thu nhập tăng lên một cách bất thường mà người có tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.
Số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Một số địa phương tổ chức nhiều cuộc thanh tra, phát hiện ra nhiều sai phạm với giá trị vi phạm lớn nhưng lại không phát hiện được tham nhũng. Công tác phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Một số vụ việc có dấu hiệu phạm tội tham nhũng chỉ xử lý kỷ luật do người phạm tội đã khắc phục hậu quả, gây bức xúc trong nhân dân.
Cũng theo đánh giá của UBTP, việc thu hồi, xử lý tài sản sai phạm phát hiện qua xử lý các vụ tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp. Cơ quan điều tra các cấp đã thu hồi được 1.500 tỉ đồng/hơn 6.740 tỉ đồng thiệt hại phải thu hồi.
-------------------------
Gần 800 tỉ đồng đổi mới chương trình, SGK
Ngày 20-10, Quốc hội (QH) đã nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận trình bày Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông (gọi tắt là Đề án).
Thông tin đáng chú ý nhất của Đề án là kinh phí thực hiện đã được đại diện Bộ GD-ĐT từng công bố tại cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 34.000 tỉ đồng đã được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “đính chính” rút lại còn 778,8 tỉ đồng. Trong đó, 462 tỉ đồng để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn SGK, kể cả lực lượng của các tổ chức, cá nhân viết SGK; xây dựng, thẩm định SGK (dự kiến có 4 bộ); nghiên cứu SGK điện tử...
Ngoài ra, kinh phí triển khai thực hiện chương trình và SGK mới dự kiến chiếm 316,8 tỉ đồng. Phần kinh phí này để thực hiện các nhiệm vụ như biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp đĩa ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh họa cho giáo viên vùng khó khăn (khoảng 30% tổng số giáo viên toàn quốc)…
Giải thích về nguồn kinh phí thực hiện, Bộ GD-ĐT cho biết dự kiến xin 504,4 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, 274,4 tỉ đồng từ ngân sách địa phương. “Mức dự toán kinh phí này đã được Bộ Tài chính thẩm định” - ông Luận khẳng định và cho biết dự kiến năm học 2018-2019 sẽ áp dụng chương trình, SGK mới.
Là cơ quan thẩm tra Đề án, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho biết Đề án có điểm mới là khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ ở trung ương hợp lý và có tính khả thi. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo phải bổ sung phần khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các địa phương để có khái toán tổng thể kinh phí chi cho Đề án.
Về phương án đổi mới chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành với mục tiêu Chính phủ đề ra là nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, thực hiện mục tiêu của đổi mới giáo dục là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; từ nền giáo dục nặng về dạy chữ, ứng thí sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp. Về cơ cấu giáo dục phổ thông, giới giáo dục và khoa học nhất trí giữ nguyên cơ cấu hệ giáo dục phổ thông kéo dài 12 năm, chia thành 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về cấu trúc số năm tiểu học và số năm THCS song cơ quan thẩm tra ủng hộ phương án giữ nguyên cơ cấu 5 năm tiểu học + 4 năm THCS như hiện nay.
Về biên soạn SGK, cơ quan thẩm tra đồng ý phương án của Bộ GD-ĐT là tổ chức biên soạn một bộ SGK; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác song vẫn băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng giữa bộ và các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK khác nếu thực hiện theo phương án này.
-------------------------
Họp Nhà Quốc hội mới, phóng viên khó tác nghiệp
Sáng nay 20-10, phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khoá XIII đã chính thức họp tại Nhà Quốc hội mới. Tuy nhiên, khác với các kỳ họp ở Hội trường Bộ Quốc phòng trước đó, kỳ họp này số phóng viên được gặp mặt các đại biểu QH bên hành lang QH đã bị hạn chế hơn và khó tiếp cận.
Văn phòng Quốc hội cho biết do phòng báo chí tại tầng B1 của Nhà Quốc hội đáp ứng khoảng 300 chỗ ngồi, trong khi số lượng phóng viên đăng ký tác nghiệp là 500 người nên Văn phòng Quốc hội phải chia làm 2 trung tâm báo chí: Một trung tâm báo chí tại phòng họp báo tầng B1 Nhà Quốc hội mới (thẻ B); một trung tâm báo chí tại Văn phòng QH ở số 37 Hùng Vương (thẻ C).
Điều quan trọng đối với tác nghiệp của báo chí nhằm đưa được thông tin kịp thời đến bạn đọc và cử tri cả nước là phóng viên nghị trường được tiếp cận trực tiếp đại biểu QH bên hành lang hội trường QH để phỏng vấn tại hành lang. Tuy nhiên, để lên được khu vực này, mỗi ngày chỉ có 40 phóng viên trên tổng số 500 phóng viên được cấp thêm một thẻ sự kiện hàng ngày. Với mỗi địa điểm được cấp 20 thẻ/ngày.
Thêm sự khó khăn là 40 phóng viên được cấp thẻ sự kiện hàng ngày cũng không dễ dàng tiếp cận đại biểu QH vì khi giải lao, các đại biểu sẽ vào khu vực phục vụ uống nước có diện tích khá hẹp nên lực lượng bảo vệ đã phải tạm thời không cho phóng viên vào phỏng vấn để đảm bảo trật tự, tránh ảnh hưởng đến đại biểu. Do đó, phóng viên chỉ có thể tiếp cận đại biểu khoảng thời gian rất hạn hẹp khi đại biểu trở lại phòng họp hoặc được đại biểu tạo điều kiện chủ động để phóng viên phỏng vấn.
Mặt khác, các phóng viên ở trung tâm báo chí 37 Hùng Vương có thẻ sự kiện hàng ngày muốn tiếp cận khu vực hành lang Nhà Quốc hội thì phải chờ giờ giải lao, di chuyển từ 37 Hùng Vương đến đường Hoàng Diệu (khoảng 1 km), gửi xe, đi bộ qua đường Hoàng Diệu, đến đường Độc Lập để vào Nhà Quốc hội. Đặc biệt ngay sau khi chuông báo hết giờ giải lao, phóng viên thẻ B và C phải ngay lập tức ra khỏi khu vực hành lang phòng họp.
Cho đến trưa nay 20-10, cả trăm phóng viên của 2 trung tâm báo chí tỏ ra rất băn khoăn và lo lắng với sự hụt hẫng trong tác nghiệp tại kỳ họp thứ 8 này và nhiều người đã bày tỏ với đại biểu QH và lãnh đạo Văn phòng QH.
Lần đầu tiên, phóng viên các báo đã phải cùng nhau ký vào một bản kiến nghị gửi ban tổ chức đề nghị tạo điều kiện hơn cho báo chí trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt là việc tiếp cận đại biểu trong giờ giải lao.
-------------------------