Tìm mua heo 95 kg/con, thương lái tiến hành vỗ béo bằng thuốc Salbutamol trộn vào thức ăn trong vòng gần một tháng, đến khi heo đạt trọng lượng từ 120 - 125 kg/con thì xuất bán.
Siêu lợi nhuận
Ở Đồng Nai có một khu chuyên trộn chất cấm tạo nạc vào heo thương phẩm mà thương lái nào cũng biết. Đó là khu đất mới ở phường Long Bình Tân, thuộc TP.Biên Hòa.
Từ Khu công nghiệp Biên Hòa II chạy ra rẽ qua Quốc lộ 1A theo hướng đi lên Hố Nai, Phan Thiết, qua ngã ba Amata một chút sẽ thấy bên tay phải có con đường nhỏ. Chạy vào con đường này sẽ đến khu chuyên bán “heo thuốc”, từ mà cánh thương lái dùng để chỉ con heo ăn thức ăn trộn chất cấm tạo nạc tăng trọng.
Theo lời anh thương lái vào “tham quan”, loại heo được cánh thương lái chuộng dùng để trộn thuốc tăng trọng là heo của Công ty CP vì giống tốt hơn, cơ bắp khỏe hơn. Họ mua heo thương phẩm nặng khoảng 95 kg/con về và tiến hành vỗ béo bằng thuốc Salbutamol trộn vào thức ăn trong vòng gần một tháng, đến khi heo đạt trọng lượng từ 120 - 125 kg/con thì xuất bán.
Con heo này khi bán ra thị trường lại có giá hơn con heo bình thường bởi tỷ lệ thịt nạc cao hơn. Nếu heo thường giá 54.000 - 55.000 đồng/kg thì những con heo có tỷ lệ nạc nhiều như vậy sẽ được mua 57.000 đồng/kg. Tính bình quân, mỗi con “heo thuốc” tăng trọng thêm được 27 kg x 57.000 đồng = 1.539.000 đồng/con.
Sau khi trừ chi phí thức ăn nuôi trong 1 tháng cộng với tiền thuốc tổng cộng khoảng hơn 700.000 đồng thì mỗi con “heo thuốc”, người nuôi lời được 800.000 đồng. Đây là mức siêu lợi nhuận bởi người nuôi heo sạch cả 7 - 8 tháng cũng chỉ lời được bằng đó là tối đa. Trong khi đó ở khu chuyên nuôi “heo thuốc' này có cả ngàn con như thế. Nhẩm tính cũng có thể thấy ngay họ lời được 800 triệu đồng chỉ trong vòng 1 tháng.
Hành vi vô đạo đức
Cánh thương lái cho biết, hiện thuốc cấm Salbutamol rất dễ dàng mua ở Đồng Nai, theo các đường dây mua bán thuốc thú y và thức ăn cho heo. Thuốc này được mua từ Trung Quốc với giá khoảng 1,5 triệu đồng/kg. Khi qua tới cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) là 6 triệu đồng/kg. Về tới Đồng Nai, giá bán sỉ là 11 - 12 triệu đồng/kg, còn giá bán lẻ là 15 - 17 triệu đồng/kg. Thuốc được trộn vào cám, thức ăn cho heo ăn với liều lượng khoảng 100 gram trộn cho 8 - 10 tấn cám.
Đó là một liều thuốc rất nặng để có thể vỗ béo heo lên 25 - 30 kg/con trong vòng có 4 tuần, nhiều gấp mấy lần so với cách nuôi trộn thuốc vào khi con heo còn nhỏ.
“Vì khi đó thuốc còn có thời gian phân hủy và đào thải ra khỏi cơ thể heo. Còn cho thuốc vào trong giai đoạn heo thương phẩm ngắn như vậy, chắc chắn thuốc vẫn còn gần như y nguyên trong thịt heo, người tiêu dùng ăn thịt cứ như rằng ăn cả cục thuốc độc rồi. Làm ăn kiểu này thất đức quá, hại đến tính mạng người chứ chẳng chơi. Tôi nhất quyết không bao giờ mua loại heo này”, một thương lái cho biết.
Theo các nhà khoa học, Salbutamol là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thuộc nhóm Beta-agonist, thường sử dụng để kích thích tăng trọng, “bung đùi”, “nở mông” tăng tỷ lệ nạc, thịt màu sắc đỏ hơn… Đối với người tiêu dùng, sử dụng thịt tồn dư Beta - agonist về lâu dài có thể gây các tổn hại lên hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp và bị ung thư, thậm chí có thể gây tử vong cho người có bệnh về tim mạch, huyết áp.
Trên đường đến “khu đất mới” (phường Long Bình, TP. Biên Hòa), khu vực tập trung chăn nuôi heo tự phát của những người ở các tỉnh miền Bắc vào, chúng tôi hỏi một lái heo lâu năm ở quận 2, TP.HCM về những “cáo buộc” của các cơ quan chức năng và giới nuôi heo cho rằng nhiều năm qua tình trạng tràn lan người nuôi heo dùng chất tạo nạc khi chăn nuôi là do lái heo “đầu têu”.
Thương lái này cười ruồi: “Quy luật làm ăn mà thôi. Trại nuôi heo nào cũng muốn hét giá heo cao. Muốn giá cao, dễ bán, tiền tươi... thì phải nuôi heo cho đẹp. Bọn tui cũng muốn mua heo đẹp để bán cho các lò làm heo được dễ dàng. Vậy thì để đáp ứng quyền lợi cho các bên không cách nào khác người nuôi heo phải cho tí thuốc tạo nạc để heo được đẹp”.
Anh ta cho biết thêm, theo kinh nghiệm làm lái heo hơn chục năm, thời điểm lý tưởng nhất để bán heo là khi trọng lượng heo từ 95 - 110 kg. Khi heo vượt qua giới hạn 120 kg thì bắt đầu mỡ xuất hiện rất nhiều mà chỉ có chất tạo nạc mới cứu chủ nuôi heo phá sản”.
Một lái heo khác ở Đồng Nai tiết lộ Khoảng 20 năm nay chất tạo nạc là “bửu bối” cho người chăn nuôi để tạo heo đẹp. Khi thấy đàn heo của “mối” mình có dấu hiệu quá xấu, lái heo sẽ đưa chất tạo nạc cho chủ nuôi heo để “nhồi” đàn heo trong vòng 7 - 10 ngày trước khi xuất chuồng.
------------------------
Phát hiện nhóm nghi phạm công nghệ cao người nước ngoài
Công an bắt quả tang một nhóm người Trung Quốc sử dụng dữ liệu tài khoản cá nhân ăn cắp từ các máy rút tiền tự động ở nước ngoài để chuyển tiền lấy được vào tài khoản của chúng.
Theo Đại tá Hầu Văn Lý, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang, qua điều tra ban đầu, công an xác định nhóm người trên câu kết với nhóm khác ở nước ngoài sử dụng dữ liệu tài khoản cá nhân ăn cắp từ các máy rút tiền tự động ở nước ngoài. Sau đó, bọn chúng thông tin cho nhóm người ở Hà Giang tiến hành làm thẻ giả quẹt qua máy POS để chuyển tiền lấy được từ các thẻ tín dụng của người ở nước ngoài vào tài khoản của bọn chúng.
Nhóm ở Hà Giang mở tài khoản tại các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, đồng thời từ các hợp đồng mua bán hàng hóa tiến hành rút tiền từ Ngân hàng hoặc các máy rút tiền tự động. Bằng thủ đoạn này, nhóm người Trung Quốc đã chiếm đoạt số tiền lớn từ các Ngân hàng.
Căn cứ hành vi vi phạm trên, Công an tỉnh Hà Giang đã bắt khẩn cấp nhóm người mang quốc tịch Trung Quốc và khám xét khẩn cấp chỗ nghỉ của họ tại một nhà nghỉ trên địa bàn xã Phương Thiện, TP Hà Giang.
Công an đã thu giữ một số tài liệu, đồ vật liên quan đến hành vi phạm tội như: Máy quẹt thẻ POS, máy điện thoại; một số hợp đồng, hóa đơn liên quan đến việc thanh toán qua máy quẹt thẻ POS; một số thẻ tín dụng và thu giữ trên 400 triệu đồng gồm tiền Việt Nam và Nhân dân tệ.
-----------------------
Sẽ khởi tố vụ nổ tại Sài Gòn làm 3 người tử vong
Theo cơ quan điều tra, vụ nổ tại công ty Đặng Huỳnh làm 3 người tử vong có thể do các công nhân trong quá trình sản xuất phân bón bất cẩn đã làm nổ các hoá chất.
Ngày 20/10, Phòng cảnh sát PCCC TP.HCM đã có kết luận sợ bộ về vụ nổ tại công ty Đặng Huỳnh trên đường Lê Thị Riêng (quận 12) làm 3 người chết, 5 bị thương và hư hỏng hơn 40 căn nhà.
Theo đó, công ty do ông Nguyễn Văn Hải (44 tuổi, quê Đồng Tháp) làm giám đốc, chuyên sản xuất kinh doanh phân bón nhưng không có giấy phép sản xuất tại trụ sở. Để làm ra phân bón lá và thuốc bảo vệ hoa, công ty dùng các chất Kali Nitrat (KHNO3), Kali clorat (KCLO3), Amoniac (NH3) và một số đơn chất hoá học như lưu huỳnh (S), kẽm (Zn), Canxi (Ca)… Đây cũng là các tiền chất để tạo thuốc nổ.
Mỗi ngày có 3 công nhân làm việc từ 7h - 17h trong khu xưởng có diện tích 18 x 24 m. Những người này cân các chất hoá học theo một lượng nhất định rồi dùng tay trộn, cho vào chai đậy nắp lại. Sau đó tiếp tục dùng bếp gas mini đun sôi nước, nhúng miếng nylon bọc nắp lại (màng co) sau đó dán nhãn.
Thời điểm trước vụ nổ, công ty cất giữ 320 kg các hoá chất trên, đựng trong bao xếp thành đống trước phòng điều chế phân bón. Ngoài ra còn một số can, thùng phuy dung dịch Ca, Mg, S bên cạnh.
Khoảng 15h45 ngày 17/10, trong lúc các công nhân gồm Huỳnh Thị Tâm (36 tuổi), Nguyễn Thị Cẩm Tú (19 tuổi, con ruột chị Tâm) và Nguyễn Thị Ngọc Thanh (30 tuổi) đang làm việc thì xưởng phát nổ.
Theo cơ quan điều tra, toàn bộ tường bao, tường ngăn của nhà xưởng bị sập. Nhiều can, phuy nhựa rơi vỡ. Tại vị trí gần tường phía sau xuất hiện một hố hình phễu đường kính 4,9 m, sâu 1,2 m.
Cách đó khoảng 15 m có một bếp gas mini bị biến dạng, xé thành nhiều mảnh cùng 2 vỏ bình bị nổ bung thân và biến dạng. Tại vị trí cửa ra vào công ty, có các dây dẫn điện lẫn trong các tấm tôn không bị cháy, không phát hiện dấu vết chạm chập.
Căn cứ các kết luận trên, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ (PC46) công an TP.HCM cho biết sẽ xem xét khởi tố vụ án để điều tra, xử lý theo pháp luật.
----------------------
Nhiều dự án treo ở Nam Từ Liêm biến thành nơi đổ phế thải
Tình trạng một loạt dự án như trường học, công viên cây xanh bị biến thành khu đổ rác thải đang diễn ra khá phổ biến tại quận Nam Từ Liêm.
Bãi đổ phế thải trên một dự án quy hoạch khu công viên xanh của quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã tồn tại trên 3 năm. Xe chở phế thải ngang nhiên chạy vào bãi đổ mà không có bất cứ dấu hiệu ngăn chặn của một cơ quan chức năng. Máy xúc, máy ủi nằm ngang nhiên trên bãi đổ. Một nhóm người dựng lều sinh sống để thu tô của những xe đến đây đổ phế thải.
Đại điện UBND phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm cho biết, do là quận mới và phần lớn lãnh đạo đều mới được bổ nhiệm nên không nắm được thực trạng này. Theo nhiều nguồn tin, các bãi rác trên đều có người đứng ra thu tô việc đổ tuy nhiên ai là người đứng sau các bãi rác này, chính quyền địa phương cũng chưa nắm được.
Phó chủ tịch UBND huyện Nam Từ Liêm thừa nhận đã nhìn thấy thực trạng nhưng cũng chỉ biết "bó tay". Bởi để di chuyển những núi rác khổng lồ ra khỏi dự án công viên này cần một nguồn kinh phí rất lớn mà không biết ai sẽ chịu trách nhiệm sau một thời gian dài buông lỏng quản lý.
----------------------
Người nhà vây bệnh viện vì cái chết bất thường của bé 11 tuổi
Sáng 21-10, tại bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai, Hà Nội, nhiều người dân vây kín bệnh viện yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết bất thường của bé gái N.T.H.N (11 tuổi, ở thôn 4, xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai).
Cha mẹ của cháu N. là vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tình (39 tuổi) đã khóc ngất trước cái chết quá đường đột của con. Nhiều người thân đứng ngoài hành lang búc xúc yêu cầu bệnh viện làm rõ cái chết của cháu N.
Bà Kiều Thị Chính (40 tuổi), bác ruột của bé N. cho biết, 7 giờ sáng 19-10, cháu N. có biểu hiện đau bụng buồn nôn, gia đình đã đưa cháu vào viện. Đến ngày 20-10, gia đình thấy cháu N. nôn khan nhiều lần đã đề nghị BV chuyển lên tuyến trên, tuy nhiên bác sĩ lại bảo để qua đêm theo dõi thêm.
“4 giờ sáng ngày 21-10, gia đình tôi nhận được tin cháu N. bị nặng hơn. Khi chúng tôi đến gọi y tá, bác sĩ thì mãi nửa tiếng sau họ mới đến. Đến khoảng 5 giờ 30, cháu N đã tử vong”- bà Chính đau xót kể lại.
Ông Đỗ Văn Vi, Giám đốc BV Đa khoa huyện Quốc Oai cho biết, bệnh nhân N. nằm điều trị tại khoa ngoại của BV. Buổi tối 20-10, có một bác sĩ và hai y tá trực. Đến khoảng 4 giờ 30 phút ngày 21-10, ông nhận được thông tin bệnh nhân N. bị nặng nên đã xuống xem.
“Khi xuống tôi thấy bệnh nhân N. đang trong tình trạng lơ mơ, nhịp thở chậm. Bác sĩ đã cho thở oxi, dùng thuốc trợ tim cấp cứu bệnh nhân. Tuy nhiên, không lâu sau bệnh nhân không qua khỏi đã tử vong”.
Theo ông Vi, hiện tại BV chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu N. Tuy nhiên, ông Vi nói thêm: “Cũng có khả năng trong buổi tối trực ngày 20-10, y tá không tiên lượng được bệnh tình của bệnh nhân nên không báo cho bác sĩ trực. Do vậy, mà dẫn đến cái chết của cháu N”.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, ban giám đốc BV Đa khoa Quốc Oai đã yêu cầu nhân viên y tế ca trực viết bản tường trình. Tại bản tường trình, điều dưỡng Nguyễn Phú Trung viết: “Ngày 20-10, tôi có tham gia ca trực từ 16 giờ 30 đến 19 giờ cùng ngày. Lúc này người nhà bệnh nhân yêu cầu được chuyển viện. Tôi có báo cáo nhân viên y tế đề nghị xem xét chuyển viện vì sức khỏe cháu bé không tiến triển, nhưng tôi đã giải thích với gia đình rằng để theo dõi thêm”.
“Tôi đã sai vì đã không báo cáo bác sỹ trực về việc người nhà đề xuất chuyển viện. Do bệnh nhân đông và phải tham ca gia mổ. Khoảng 4 giờ 20 phút ngày 21/10 gia đình thấy cháu bé lả đi nên có báo cáo với nhân viên y tế. Lúc đó tôi đang nghỉ ở buồng trực điều dưỡng, nên cùng với các y bác sỹ đã đến cứu chữa bệnh nhân nhưng không kịp”, điều dưỡng Trung viết.
Hiện cơ quan công an đang làm việc với bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai về nguyên nhân dẫn tới cái chết của cháu N. Gia đình cũng đưa thi thể nạn nhân N về nhà làm lễ an táng.
-----------------------