Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt dự án “Rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn và Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Dự án được thực hiện trong 25 tháng với kinh phí gần 4 triệu USD. Dự án sẽ làm sạch bom mìn, vật nổ trên diện tích 2.550ha thuộc 3 huyện trên với độ sâu dò tìm đến 5m.
Theo thống kê, hiện cả nước còn khoảng 6 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn, với số lượng khoảng 800.000 tấn bom mìn.
Các địa phương có bom mìn sót lại nhiều nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Hãng hàng không tư nhân Vietjet Air vừa tiếp tục gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhượng quyền khai thác toàn bộ nhà ga quốc nội T1 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, chứ không chỉ phần sảnh E mới mở rộng.
Vietjet Air đề nghị Bộ GTVT cho phép hãng cùng với một số đối tác là các nhà đầu tư Việt Nam có năng lực và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực hàng không tham gia nhượng quyền, quản lý và khai thác toàn bộ nhà ga T1 - Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.
Hãng hàng không tư nhân này cho biết đang tích cực xây dựng Đề án “Nhượng quyền khai thác nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài” để trình Bộ GTVT trong thời gian sớm nhất, và đề nghị được tiếp xúc, làm việc, thu thập thông tin với các cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Đề nghị trước đó được Vietjet Air gửi lên Bộ GTVT vào đầu tháng 2, Vietjet Air đề nghị Bộ GTVT nhượng quyền khai thác toàn bộ Nhà ga hành khách T1 trong thời gian 20 năm.
Tuy nhiên, tại cuộc họp triển khai thực hiện Đề án Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không hôm 25/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam xây dựng phương án thí điểm nhượng quyền khai thác thương mại sảnh E (nhà ga T1) của Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài cho Vietjet Air.
Ngoài Vietjet, Vietnam Airlines cũng đề nghị được mua lại nhà ga quốc nội T1 (không bao gồm phần mở rộng mới - sảnh E) tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài để trực tiếp quản lý điều hành, sử dụng phục vụ cho hành khách và các chuyến bay nội địa của hãng đến và đi từ sân bay Nội Bài.
Nhà ga T1 Nội Bài được khởi công xây dựng năm 1995, hoàn thành vào năm 2001, với tổng mức đầu tư 989 tỷ đồng. Nhà ga T1 có diện tích 115.000 m2, công suất phục vụ 9 triệu hành khách/năm, gồm 19 cửa ra máy bay, 100 quầy thủ tục, 6 băng chuyền hành lý đến... Hiện nay, ga T1 chỉ phục vụ các đường bay quốc nội.
Được biết, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đang có 36 hãng hàng không trong nước và quốc tế khai thác bay, với trung bình 340 chuyến bay/ngày.
--------------------------
Bàn giải pháp mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng
Ngày 17/3 tại Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT và địa phương đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp mở rộng diện tích sân bay và bổ sung các ống lồng nhằm phục vụ hành khách tốt hơn vì sân bay Đà Nẵng đã có dấu hiệu quá tải.
Tháng 11/2014, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có công văn gởi Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT đề nghị mở diện tích sân bay và bổ sung các ống lồng. Theo công văn này, cuối năm 2012, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được mở rộng và đưa vào khai thác nhưng với tốc độ tăng trưởng 15%/năm với 16 đường bay quốc tế của 11 hãng hàng không đang khai thác nên sân bay Đà Nẵng bắt đầu có dấu quá tải.
Hiện tại, sân bay quốc tế Đà Nẵng có 5 ống lồng dẫn khách, không đủ để phục vụ số lượng khách đến sân bay, đặc biệt là thiếu ống lồng tại ga đi các đường bay quốc tế. Với lưu lượng khách đến qua các đường bay, nhất là trong thời điểm có nhiều chuyến bay đến cùng lúc, diện tích khu vực nhà ga đến quốc tế không thể đáp ứng đủ. Việc thiếu ống lồng và thiếu diện tích tại nhà ga đến đã gây khó khăn cho các hãng hàng không trong việc phục vụ khách đi và đến.
Theo lãnh đạo TP Đà Nẵng, vị trí ống lồng số 1 đã có trong thiết kế của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, tuy nhiên do phần đất này thuộc đơn vị bộ đội phòng không không quân thuộc Bộ Quốc phòng chưa được bàn giao nên chưa thể triển khai lắp đặt. Mặt khác, do hiện nay cảng hàng không đã gần quá tải so với công suất thiết kế, vì vậy cần phải mở rộng diện tích thêm để tăng tiện ích phục vụ hành khách trong thời gian đến. Do đó, TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT cho phép mở rộng diện tích để đặt ống lồng và tăng tiện ích phục vụ hành khách.
Ông Lê Xuân Tùng (Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam kiêm Giám đốc Công ty Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng) cho biết, nhà ga được thiết kế 4 triệu hành khách/năm nhưng năm 2014 lượng khách đã đạt 5 triệu.
Hiện tại sân đỗ tàu bay có 15 vị trí đỗ nhưng cao điểm khai thác đến 21 tàu bay nên một số tàu bay phải đỗ trên phần sân đỗ quân sự, có khi phải đỗ trên đường lăn không đủ điều kiện khai thác. Bên cạnh đó, từ năm 2015, Vietnam Airline và Vietjet Air chọn sân bay Đà Nẵng làm một trong những căn cứ chính để đổ qua đêm nên sân đỗ tàu bay hiện tại không đáp ứng yêu cầu khai thác.
“Với tốc độ tăng trưởng hành khách từ 12-15%/năm, dự báo đến năm 2020 lượng hành khách thông qua nhà ga Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt xấp xỉ 10 triệu hành khách/năm (trong đó khách quốc tế đạt 2 triệu khách/năm); vì vậy nhu cầu được nhận bàn giao đất 10ha phía Nam (theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt) để mở rộng nhà ga quốc tế và sân đỗ tàu bay là hết sức cần thiết”, ông Lê Xuân Tùng cho biết.
Ông Tùng cho biết, trường hợp năm 2015, Bộ Quốc phòng chưa bàn giao đất 10ha phía Nam nhà ga theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng kiến nghị phương án sử dụng chung hạ tầng.
Theo đó, trước mắt đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao một phần khu đất theo quy hoạch để hàng không dân dụng lắp cầu ống lồng và mở rộng ga quốc tế; sử dụng chung hạ tầng sân đỗ số 4 với diện tích 5,4ha.
“Trước mắt đề nghị quân đội cho phép sửa chữa nhỏ mặt sân, hệ thống thoát nước, sơn kẻ tín hiệu, lắp đặt chiếu sáng sân đỗ tàu bay để đảm bảo khai thác tàu bay có tải trọng tương đương A321 trở xuống. Lâu dài có kế hoạch đầu tư nâng cấp để khai thác các loại máy bay lớn hơn”, ông Lê Xuân Tùng đề nghị.
Đối với đề nghị của Đà Nẵng về việc mở rộng diện tích sân bay và bổ sung ống lồng, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - đã có công văn trả lời: “Việc tạo điều kiện mở rộng sân bay để phát triển dịch vụ hàng không là một trong những chủ trương của Bộ Quốc phòng; trong những năm qua, tại các sân bay có hoạt động hàng không dân dụng, Bộ Quốc phòng đã cơ bản thực hiện chuyển giao các khu đất quốc phòng cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam quy hoạch, mở rộng xây dựng hệ thống công trình sân bay, các cơ sở dịch vụ mặt đất đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành hàng không”.
Đối với khu đất mà TP Đà Nẵng đề nghị mở rộng diện tích sân bay và bổ sung ống lồng tại sân bay Đà Nẵng, hiện tại Sư đoàn Không quân 372 (thuộc Quân chủng Phòng không không quân), Lữ đoàn 954 (thuộc Quân chủng Hải quân) và Binh đoàn 18 (Bộ Quốc phòng) đang phối hợp khai thác, sử dụng. Khu đất này Bộ GTVT đã đưa vào quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và đề nghị Bộ Quốc phòng chuyển giao khoảng 9ha cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam để triển khai sân đỗ tàu bay dân dụng và lắp đặt ống lồng.
“Nếu vì sự cấp bách cho việc khai thác của ngành hàng không dân dụng, đề nghị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam phối hợp với quân sự cùng khai thác, sử dụng để bảo đảm vừa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng”, công văn của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nêu rõ.
-------------------------