Trong khi biệt thự của thiếu tướng Phan Như Thạch đã tháo dỡ gần xong, thì khu dinh thự của đại gia Quang vẫn còn nguyên, dù đã qua thời hạn chính quyền đặt ra.
Ngày 18/3, các hạng mục trong khu biệt thự của gia đình thiếu tướng Phan Như Thạch (nguyên giám đốc công an tỉnh Quảng Nam) xây dựng trái phép trên núi Hải Vân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã được tháo dỡ gần xong.
Theo quan sát của phóng viên, hàng chục công nhân đang đập bỏ các bức tường cuối cùng. Một công nhân cho biết, những ngày tới sẽ tiến hành tháo dỡ hàng rào bao quanh khu biệt thự. "Hết tuần này, chúng tôi sẽ tháo xong toàn bộ dinh thự", công nhân này nói.
Người dân sống ở gần khu vực cho biết, sau khi UBND quận Liên Chiểu có quyết định xử phạt, gia đình ông Thạch đã nghiêm túc thực hiện.
"Các công nhân làm việc liên tục nhiều ngày qua. Họ đã đập xong hầu hết các bức tường, phá bỏ xong kết cấu. Khu biệt thự hoành tráng như vậy, đập đi cũng lãng phí. Nhưng gia đình ông ấy đã sai nên việc tháo dỡ, trả lại nguyên trạng đất rừng là hợp tình, hợp lý", một người dân bày tỏ.
Trong khi đó, khu biệt thự của ông Ngô Văn Quang (giám đốc công ty vàng ở Quảng Nam) xây dựng trái phép trên đồi Chim Chim (tiểu khu 11, rừng đặc dụng Nam Hải Vân, quận Liên Chiểu) vẫn còn nguyên.
Phía ngoài, cánh cửa bằng gỗ vẫn đóng chặt như mọi hôm. Bên trong, người nhà ông Quang vẫn tưới cây, quét dọn bình thường.
Ông Ông Văn Dũng - Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu cho biết, ông Ngô Văn Quang đã tháo dỡ công trình nhà 2 tầng xây trái phép. Còn khu nhà rường và một số hạng mục khác vẫn còn nguyên. Lý do là ông này đang có đơn xin giữ lại một số hạng mục để phát triển du lịch sinh thái.
"Sau khi nhận được đơn của ông Quang, UBND quận đã có đơn xin ý kiến của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng. Đến nay, lãnh đạo TP chưa có ý kiến, nên chúng tôi vẫn đang giám sát chặt chẽ trường hợp này", ông Dũng nói.
Liên quan đến thời gian hiệu lực của quyết định xử phạt, ông Dũng lý giải: Theo luật, quyết định xử lý hành chính có hiệu lực 12 tháng. Cả ông Quang và ông Thạch còn 9 tháng nữa. Trong quyết định xử phạt của UBND quận Liên Chiểu ghi 35 ngày (hết hạn ngày 10/3) là để ông Quang tự giác thực hiện trước.
"Bây giờ, ông ấy có đơn xin làm du lịch sinh thái thì phải chờ TP có đồng ý hay không. Nếu hết 12 tháng, lãnh đạo Đà Nẵng không đồng ý với đơn kiến nghị, thì chúng tôi tiến hành xử lý theo quyết định đã ban hành", vị Chánh văn phòng quận nói.
Cũng theo ông Dũng, đề xuất xin giữ lại khu biệt phủ của ông Quang để phát triển du lịch sinh thái là hợp lý. Bởi đối với các khu vực rừng đặc dụng, theo Nghị định 127 của Chính phủ vẫn được phép kinh doanh, lập khu du lịch sinh thái.
“Giữ lại biệt phủ làm du lịch sẽ tạo thêm một điểm tham quan nghỉ dưỡng mới cho TP, vừa tạo thêm thu nhập cho địa phương", ông Dũng bày tỏ.
-----------------------
Đoàn xe quá tải đồng loạt đánh võng, vượt trạm cân
Khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe để vào kiểm tra trọng tải, tài xế không chấp hành mà còn đồng loạt đánh võng, phóng nhanh qua khu vực trạm cân.
Lúc 3h ngày 18/3, một đoàn xe gồm 3 chiếc từ hướng Ninh Thuận chạy vào địa bàn tỉnh Bình Thuận về Đồng Nai, khi đến trạm cân trọng tải trên quốc lộ 1 thuộc TP Phan Thiết (Bình Thuận) thì tổ chức vượt trạm.
Khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe vào trạm cân kiểm tra trọng tải, những chiếc xe này không chấp hành mà phóng nhanh qua khu vực trạm cân, chạy về hướng huyện Hàm Thuận Nam.
Tổ tuần tra của trạm cân đã đuổi theo. Các tài xế xe tải liên tục đánh võng khi bị truy đuổi, chạy với tốc độ cao. Khi đến khu công nghiệp Hàm Kiệm (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam), một xe tải chạy vào để trốn, tài xế khóa kín cabin bỏ đi.
Hai chiếc xe tải còn lại chạy đến trạm thu phí Sông Phan (Km 20, huyện Hàm Thuận Nam) thì bị lực lượng tuần tra chặn bắt, đưa trở lại trạm cân trọng tải ở TP Phan Thiết để xử lý.
Tại trạm cân, xe tải biển số 77C-01813 (doanh nghiệp vận tải Tư Thanh) qua kiểm tra đã quá tải 149,3%. Tài xế xe là Hồ Quang Hiếu (ngụ Quy Nhơn, Bình Định) không xuất trình được giấy phép lái xe.
Sáng 18/3, tài xế và nhà xe đã bị lập biên bản xử phạt trên 40 triệu đồng do không chấp hành, chở quá tải, không có bằng lái, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe. Đồng thời xe tải này cũng bị yêu cầu hạ tải, tạm giữ xe trong vòng 7 ngày.
Ông Mai Ngọc Bình, trạm trưởng trạm cân trọng tải Bình Thuận cho biết xe 77C-01813 đã từng bị xử phạt trên 46 triệu đồng vào đầu năm 2015 do bị phát hiện chở quá tải ở Bình Thuận. Nhà xe này không thay đổi cung cách vận chuyển mà lại tiếp tục vi phạm theo chiều hướng nặng hơn.
Chiếc xe còn lại được đưa vào trạm cân là xe đầu kéo của Công ty Kim Thương, quá tải 86,1%. Tài xế xe không hợp tác nên lực lượng chức năng chưa xác định được danh tính và đang lập hồ sơ xử lý.
Riêng chiếc xe trốn ở khu công nghiệp Hàm Kiệm, lực lượng chức năng đang cho người theo dõi, đồng thời tìm phương án kéo chiếc xe này về trạm cân để xử lý.
Sau khi hàng loạt xe quá tải phía trước bị chặn bắt, một chiếc xe tải khác của nhà xe Tư Thanh đã chạy vào cây xăng Thanh Thùy (huyện Hàm Thuận Bắc) nằm chờ đó. Chiếc xe này có dấu hiệu chở quá tải nên lực lượng tuần tra trạm cân đang theo dõi.
Trước đó vào đêm 10/3, 2 xe tải gắn biển đỏ (biển số quân sự) giả chở quá tải cũng bị lực lượng chức năng trạm cân Bình Thuận bắt được.
------------------------
Công an xác minh nhóm người ngăn tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma
Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, công an Hà Nội đang điều tra, xác minh về lực lượng mặc áo đỏ có in logo DLV gây mất trật tự tại hồ Hoàn Kiếm.
Chiều 17/3, tại cuộc họp báo của Thành ủy Hà Nội, phóng viên đặt câu hỏi về việc, trong ngày 14/3, một số người dân yêu nước đến đặt hoa tại tượng đài Lý Thái Tổ và tượng đài Tổ quốc quyết sinh ở khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Tuy nhiên, sau đó một nhóm thanh niên mặc quần áo với logo DLV đã đến và có những hành động ngăn cản thiếu văn hóa. Lực lượng này thuộc cơ quan nào?
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định, luôn luôn tôn trọng các hoạt động tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ bảo vệ chủ quyền đất nước của người dân.
Ông Chung cho biết, ngày 14/3, một số người yêu nước đã đặt hoa tưởng niệm tại tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Sự có mặt của lực lượng công an là để đảm bảo an toàn, trật tự cho người dân bày tỏ lòng yêu nước.
Về lực lượng thanh niên mặc áo in logo DLV, thiếu tướng Chung khẳng định họ không thuộc quản lý của Công an Hà Nội hay Sở Thông tin và Truyền thông. “Đây có thể là lực lượng tự phát”, Giám đốc Công an Hà Nội nói.
Cũng theo ông Chung, về sự việc xảy ra ngày 14/3, ông đã trực tiếp theo dõi và yêu cầu nhóm người tự xưng là "DLV" giải tán ngay.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, công an Hà Nội đang điều tra về lực lượng này. Công an Hà Nội sẽ thông báo cụ thể tại cuộc họp báo giao ban Thành ủy Hà Nội tuần sau.
Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cũng giải thích, cộng tác viên dư luận của Ban Tuyên giáo là đại diện cho các tầng lớp nhân dân từ cựu chiến binh tới học sinh, sinh viên...
Lực lượng được tổ chức để nắm thông tin về sự quan tâm của dư luận về các chủ trương và chính sách của TP Hà Nội. “Lực lượng này không bao giờ xuống đường”, Phó Ban Tuyên giáo Hà Nội nói.
-----------------------