Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cho biết dự kiến ngày 20-10, Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) sẽ sang Việt Nam đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh thủy sản của một số doanh nghiệp (DN).
Đây là các DN có nhu cầu xuất khẩu vào Nga và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan).
Đối với 25 DN đang được phép xuất khẩu và 41 DN đã đăng ký nhu cầu xuất khẩu vào thị trường này cần tiếp tục duy trì điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ sản xuất. Các DN cần tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm. Đồng thời báo cáo điều tra nguyên nhân, biện pháp khắc phục các lô hàng bị cảnh báo... DN phải đáp ứng các điều kiện như có đầm nuôi riêng, hợp đồng ràng buộc với cơ sở nuôi và hợp đồng còn hiệu lực với nhà nhập khẩu Nga, phù hợp với công suất sản xuất; kho lạnh bảo quản phù hợp với công suất.
Sáng 16/10, tổ công tác của Cục C45, Bộ Công an đã vào cuộc khám nghiệm điều tra lại từ đầu vụ tàu Sunrise 689 trình báo bị cướp biển tấn công, giam giữ 6 ngày đêm…
Ngày 16/10, liên quan đến vụ 18 thuyền viên tàu Sunrise 689 trình báo bị cướp biển tấn công, giam giữ 6 ngày đêm (từ ngày 4 đến ngày 9/10), diễn biến mới nhất, Cục cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an đã vào cuộc điều tra lại từ đầu.
Theo đó, Cục C45 sẽ tiến hành khám nghiệm lại hiện trường tàu Sunrise 689, đồng thời lấy lời khai lại 18 thuyền viên…
Trước đó, khi tàu Sunrise 689 được lai dẫn vào sát bờ Vũng Tàu, các cơ quan như: cảnh sát biển, công an, Viện KSND, Bộ đội Biên phòng…đã vào cuộc điều tra.
Tuy nhiên do tính chất phức tạp của vụ việc, thông tin thuyền viên tàu trình báo bị cướp biển nằm ngoài lãnh hải Việt Nam nên các cơ quan trên đã chuyển hồ sơ qua nhiều đơn vị và đến nay là Cục C45, Bộ Công an để điều tra, tra lý theo thẩm quyền.
Theo dự kiến, tàu Sunrise 689 đã có thể rời Vũng Tàu vào ngày 15/10 để về cảng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) giao hàng. Tuy nhiên vì phục vụ điều tra nên việc khởi hành như dự kiến của tàu và thuỷ thủ đoàn vẫn chưa biết khi nào diễn ra.
Hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào mang tính chất khẳng định liên quan đến vụ thuỷ thủ đoàn tàu Sunrise 689 trình báo bị cướp biển.
Liên hệ với thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng, ông này vẫn xác nhận tàu bị cướp như những lần trao đổi trước.
“Nhiều ngày qua anh em chúng tôi rất mệt mỏi với những thông tin đồn đoán hay suy diễn; nhưng tất cả phải chờ kết luận từ các cơ quan chức năng. Tất cả sẽ rõ ràng hết…”.
Hiện phía công ty CP đóng tàu thuỷ sản Hải Phòng đã cung cấp những vận đơn liên quan đến số hàng hoá, là dầu D.O mà thuỷ thủ đoàn tàu Sunrise 689 trình báo bị cướp. Phía đơn vì này đang chờ kết luận chính thức về thiệt hại từ cơ quan điều tra để có căn cứ làm việc với đơn vị bảo hiểm.
Như VietNamNet đã thông tin, thuỷ thủ đoàn tàu Sunrise 689 đã trình báo bị cướp biển gồm hơn 10 người bịt mặt, dùng súng, dao tấn công khi tàu di chuyển cách cảng Singapore 120 hải lý. Giam giữ 18 thuyền viên suốt 6 ngày đêm, nhóm cướp biển hút đi lượng lớn dầu khoảng 1.400 tấn, rồi tẩu thoát.
----------------------
VATA bị phản pháo vì tố cáo Công an Hải Phòng 'bảo kê' xe quá tải
Hôm qua, Công ty TNHH Trung Thành (Hải Phòng) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ GTVT, Hiệp hội Vận tải ô tô VN (VATA)... đề nghị xem xét lại “nội dung quy chụp Trung Thành tranh cướp hàng, được Công an Hải Phòng bảo kê xe quá tải” của VATA.
Theo Công ty Trung Thành, khoảng một năm qua, phương tiện của công ty này hầu như không hoạt động tại Hải Phòng.
Trước đó, ngày 9.10, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch VATA, đã có văn bản gửi Chính phủ, Bộ GTVT cho biết sau khi tìm hiểu thực tế, theo phản ánh của các đơn vị vận tải hàng hóa tại Hải Phòng, VATA nhận thấy Công ty Trung Thành cạnh tranh không lành mạnh, có biểu hiện tranh cướp chủ hàng, coi thường các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ trên đường, thường xuyên chở quá tải, tổ chức chống đối các lực lượng thực thi pháp luật.
Văn bản được đăng tải trên trang mạng của VATA còn cho rằng: “Theo dư luận từ Hải Phòng, Công ty Trung Thành lộng hành như vậy là do có sự bảo kê từ các cơ quan chức năng, trong đó có Công an TP.Hải Phòng”. Vì thế, VATA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an lập chuyên án để điều tra làm rõ cơ quan “bảo kê” cho Công ty Trung Thành.
Cho biết chưa nhận được văn bản của VATA, nhưng đại tá Phạm Duy Diên, Trưởng phòng Tham mưu - Công an TP.Hải Phòng, khẳng định công an thành phố sẽ xác minh, làm rõ thông tin “bảo kê”.
Ngoài ra, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, cho biết: “Đến thời điểm này chúng tôi chưa thấy có bất cứ phản ánh nào về việc cạnh tranh không lành mạnh hay có bảo kê của công an từ doanh nghiệp thành viên của hiệp hội”.
Liên quan đến kiểm soát tải trọng tại Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, cho biết chưa nhận được thông tin phản ánh hiện tượng “bảo kê” xe quá tải tại Hải Phòng.
-----------------------
Cảnh báo về nước xốt chứa chất gây dị ứng
Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế ngày 16.10 cho biết đã nhận được thông báo của Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) thu hồi các sản phẩm: nước xốt nhãn hiệu Suk Chuen, Chi Yum Yun Fai, Gingseng BamBoo có chứa chất sulphite gây dị ứng mà không được công bố trên nhãn.
Ngoài ra, Cục cũng nhận được thông báo thu hồi các sản phẩm của hai hãng Chi Mei và Sheng Hsiang Jen từ Đài Loan do sự cố “dầu bẩn” của Cơ quan Nông nghiệp - thực phẩm và thú y Singapore (AVA); thông báo của Trung tâm an toàn thực phẩm Hồng Kông về dừng tiêu thụ sản phẩm mì truyền thống Tiny, há cảo thịt heo đã qua chế biến có xuất xứ Đài Loan.
Sau khi rà soát việc nhập khẩu các sản phẩm trên, khẳng định từ tháng 1.2012 đến nay, Cục chưa cấp chứng nhận công bố phù hợp quy định ATTP cho các sản phẩm nêu trên; chưa đủ điều kiện nhập khẩu chính thức vào VN.
-----------------------