Nga “trả miếng” Mỹ trong lĩnh vực giải trí
Một thành viên trong Ủy ban Văn hóa Quốc hội Nga đã đề nghị cấm các bộ phim nước ngoài (trong đó có phim Mỹ) “nói xấu nước Nga và người Nga” được chiếu tại nước này.
Sau một loạt bộ phim Mỹ gần đây có xây dựng các nhân vật phản diện là người Nga như The avengers, Jack Ryan: Shadow recruit và A good day to die hard, một thành viên trong Ủy ban Văn hóa Quốc hội Nga đã đề nghị cấm các bộ phim nước ngoài “nói xấu nước Nga và người Nga” được chiếu tại nước này.
Theo Hollywood Reporter, đạo diễn hàng đầu Nga Yuri Kara còn kêu gọi chính phủ duy trì lệnh cấm với phim Mỹ cho tới khi chính quyền ông Obama bỏ những lệnh trừng phạt Nga sau vụ sáp nhập Crimea.
Ông Kara nói: “Hollywood sẽ gây áp lực với ông Obama và ông ta sẽ phải gỡ bỏ các lệnh trừng phạt”.
Chưa nói đến khía cạnh trừng phạt, nhưng Bộ trưởng Văn hóa Nga Vladimir Medinsky không tán thành phương án giới hạn quota với phim Mỹ. Theo ông, giải pháp đánh thuế nhập khẩu cao với phim nước ngoài (trong đó có phim Mỹ) sẽ hỗ trợ điện ảnh trong nước tốt hơn.
Trên thực tế, thị phần phim Nga năm ngoái chỉ còn 15%, giảm một nửa so với mức 30% của vài năm trước đó.
Dù biện pháp trừng phạt nào được triển khai thì điện ảnh Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Năm 2013, doanh thu Hollywood tại các phòng vé ở Nga đạt mức “khủng”: 1,3 tỉ USD, biến Nga thành thị trường điện ảnh lớn thứ 6 thế giới.
Doanh thu từ phim Mỹ chiếm tới 75% tổng doanh thu của thị trường điện ảnh Nga.
Để bù đắp cho việc cắt giảm phim Mỹ, cơ quan hữu trách của Nga cho biết sẽ xem xét việc đề xuất mức quota 40% cho việc phát hành phim Nga.
Dù thế, phim Nga cũng không thể khỏa lấp được hết chỗ trống của phim Mỹ khi ngành công nghiệp phim nước này chỉ sản xuất được khoảng 60 bộ phim mỗi năm.
Do đó, Nga sẽ lựa chọn phim từ các “quốc gia có nền điện ảnh phong phú” như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản cũng như phim của các nước châu Âu để phát hành.
Việc cắt giảm phim Hollywood có thể là động thái “trả miếng” đáng kể của Nga trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng với nhiều người dân Nga, họ không thoải mái lắm.
Ông Alexander Akopov, giám đốc Công ty Amedia của Nga, nói: “Các bộ phim Hollywood đã tạo ra lượng khán giả lớn, ổn định trong nước, giúp nhiều rạp chiếu phim mở cửa trong nước, đó là thực tế sẽ hỗ trợ các bộ phim khác của người Nga”.
Bên cạnh việc cắt giảm phim Mỹ, ngày 26-9 Hạ viện Nga cũng đã họp hai phiên, thông qua đại cương và chi tiết dự thảo luật quy định tới năm 2016, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ được nắm giữ 20% vốn tại các công ty truyền thông giải trí ở nước này.
Để chính thức thành luật, dự thảo này phải được thông qua tại Thượng viện và có ký duyệt của tổng thống Nga. Nhiều người Nga hi vọng sẽ có những thay đổi khác đi, nhưng theo Hollywood Reporter, dự luật này có thể sẽ mau chóng được thông qua.
-----------------------
Catalonia kêu gọi trưng cầu dân ý việc rời Tây Ban Nha
Ngày 27-9, nhà lãnh đạo chính quyền xứ Catalonia Artur Mas ký sắc lệnh kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha vào ngày 9-11 tới.
Catalonia muốn nói lên tiếng nói của mình, muốn được lắng nghe và muốn được bỏ phiếu”, ông Mas tuyên bố, theo Reuters.
Những người ủng hộ độc lập ở Catalonia chỉ trích chính quyền Tây Ban Nha thu quá nhiều tiền thuế của vùng này mà không thực hiện các chính sách quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Catalonia. Phản ứng lại, Madrid khẳng định Catalonia được hưởng rất nhiều ưu đãi với tư cách là một phần của Tây Ban Nha trong khi vẫn có quyền tự trị.
Hiện chính quyền Catalonia đã thực hiện các bước chuẩn bị cho kế hoạch trưng cầu dân ý. Ít nhất 600 cơ quan chính quyền cấp địa phương ở Catalonia cho biết sẽ lập các điểm bỏ phiếu.
Các phong trào đòi độc lập ở Catalonia cũng đang vận động 100.000 người tình nguyện đến từng nhà ở vùng tự trị này. Mục tiêu là kêu gọi người dân bỏ phiếu ủng hộ việc tách khỏi đất nước Tây Ban Nha, trở thành quốc gia độc lập.
Mới đây, chính quyền Madrid tuyên bố sẽ nhanh chóng hành động để ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý. Madrid sẽ đưa vụ việc lên Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha. Khi Tòa án Hiến pháp đồng ý xét xử vụ việc, Catalonia sẽ bị cấm trưng cầu dân ý cho đến khi có phán quyết cuối cùng.
Quá trình này có thể kéo dài hàng tháng.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết ông sẽ mở cuộc họp khẩn với nội các vào ngày 29-9 tới để thảo luận về kế hoạch đòi ly khai của xứ Catalonia. Ông gửi lời nhắn tới ông Mas: “Thà quay đầu lại còn hơn lạc lối”.
Phó thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria khẳng định chính quyền Madrid sẽ hành động quyết liệt và nhanh chóng để ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý
-----------------------
Nga cáo buộc Mỹ đơn phương sử dụng vũ lực để bảo vệ lợi ích
Theo AFP, ngày 27/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc Mỹ dùng đến biện pháp "can thiệp quân sự" để bảo vệ những lợi ích của nước này, ám chỉ chiến dịch không kích của Washington tại Syria.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Lavrov nói: "Washington đã công khai quyền được đơn phương sử dụng vũ lực ở bất cứ đâu để bảo vệ lợi ích của chính họ. Can thiệp quân sự đã trở thành một thông lệ - thậm chí bất chấp cả hậu quả đáng buồn của tất cả các chiến dịch dùng vũ lực mà Mỹ đã tiến hành trong những năm gần đây".
Ngoại trưởng Nga viện dẫn chiến dịch không kích của NATO tại Nam Tư, cuộc chiến Iraq, chiến dịch ở Libya hay Afghanistan là những ví dụ của các hành động quân sự do Mỹ đứng đầu, mà theo ông đã dẫn đến "sự hỗn loạn và bất ổn".
Bên cạnh đó, ông Lavrov còn tiếp tục cáo buộc Mỹ và các đồng minh tự đóng vai những anh hùng đấu tranh cho dân chủ nhưng thực tế lại "tìm cách định đoạt cho mọi người cái gì xấu, cái gì tốt".
Ông cho biết Nga đã gửi "số lượng lớn trang thiết bị quân sự và vũ khí" tới Iraq, Syria và các nước Trung Đông khác và sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự.
Về tình hình Ukraine, Ngoại trưởng Lavrov cho hay nước này đã trở thành nạn nhân của "chính sách ngạo mạn" của Washington, đồng thời khẳng định rằng Mỹ và Liên minh châu Âu đã hậu thuẫn "cuộc đảo chính" từng lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hồi tháng 2 vừa qua.
-----------------------
74 sinh viên Hong Kong bị bắt giữ
Báo South China Morning Post (Hong Kong) cho biết các vụ bắt giữ diễn ra sau khi 150 sinh viên trèo qua hàng rào và xô xát với cảnh sát chống bạo động để xông vào khuôn viên của trụ sở chính quyền đặc khu Hong Kong vào khuya 26-9.
Cảnh sát đã xịt hơi cay để ngăn cản người biểu tình nhưng 50 người vẫn tràn được vào bên trong.
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, chính quyền Hong Kong bày tỏ lấy làm tiếc trước hành động xông vào trụ sở chính quyền của sinh viên. Tuyên bố cho biết những người bị thương trong vụ xô xát bao gồm năm cảnh sát, 10 nhân viên bảo vệ và một nhân viên chính quyền.
Cục An ninh Hong Kong khẳng định cảnh sát đã hành xử phù hợp và đã cảnh báo các sinh viên trước khi xịt hơi cay.
Liên đoàn Sinh viên Hong Kong thông báo tổng thư ký và phó tổng thư ký của liên đoàn nằm trong số những người bị bắt giữ.
-----------------------
Philippines mất khách Trung Quốc
Số liệu công bố hôm 23-9 cho thấy đợt hủy tour gây thiệt hại lớn cho khách sạn, hãng hàng không và công ty lữ hành của Manila. “Điều này rất nghiêm trọng. Các khách sạn chủ yếu dựa vào các khoản đặt phòng trước. Nó giống như tiền đã bốc hơi hết vậy” - lãnh đạo du lịch đảo Boracay, bà Helen Catablas, nói.
Khoảng 20.000 khách Trung Quốc hủy kế hoạch du lịch tại Boracay chỉ trong năm ngày, gây thiệt hại khoảng 11 triệu USD. Hãng dịch vụ xe buýt và phà địa phương cho biết lượng khách của họ đã giảm 1/3 trong thời gian qua.
“Chính phủ cần giải quyết lo ngại của Trung Quốc về an ninh và trấn an họ rằng sẽ không có vấn đề gì” - quản lý Công ty Southwest Bus Tours nói.
Trung Quốc mới đây đã cảnh báo công dân tránh du lịch đến Philippines do phát hiện một âm mưu đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila và sự nguy hiểm của các băng nhóm tội phạm.
Hãng hàng không giá rẻ Cebu Pacific xác nhận họ đã hủy 149 chuyến bay giữa Philippines và Trung Quốc từ nay đến cuối năm do nhu cầu giảm đột ngột. Hãng hàng không AirAsia cũng dừng khai thác các chuyến bay giữa sân bay Kalibo và Thượng Hải.
Trung Quốc là thị trường du lịch lớn thứ ba của Philippines sau Hàn Quốc và Mỹ