Đài Loan bác đề nghị “1 nước 2 chế độ” của Tập Cận Bình
“Tái thống nhất một cách hòa bình và 1 quốc gia, 2 chế độ là nguyên tắc chỉ dẫn của chúng ta trong giải quyết vấn đề Đài Loan” và là “cách tốt nhất để hiện thực hóa tái thống nhất dân tộc” - ông Tập Cận Bình cho biết trong cuộc gặp với phái đoàn của ông Úc Mộ Minh - chủ tịch Tân Đảng, vốn ủng hộ tái thống nhất.
Ông Tập Cận Bình cho rằng khi áp dụng “công thức” sẽ “xem xét kỹ lưỡng tình hình thực tế ở Đài Loan và lắng nghe các ý kiến, gợi ý từ cả hai bờ eo biển”.
Đây được cho là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình công khai đề xuất công thức “1 nước 2 chế độ” đối với Đài Loan kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012.
Bắc Kinh đã áp dụng “công thức” trên với Hồng Kông và đây cũng là điều Trung Quốc muốn thực hiện kể từ khi lãnh đạo Đặng Tiểu Bình lần đầu đưa ra ý tưởng vào những năm 1980. Tuy nhiên, phần lớn người dân Đài Loan không ủng hộ ý tưởng tái thống nhất với Trung Quốc hay "1 nước 2 chế độ".
Vài giờ sau tuyên bố của ông Tập, nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu tuyên bố Đài Loan là Trung Hoa Dân quốc, có chủ quyền kéo dài 103 năm. Chính quyền Đài Loan duy trì nguyên tắc 3 không: không lệ thuộc, không tái thống nhất, không sử dụng vũ lực.
Theo người phát ngôn của Văn phòng nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu, ông này đã nhiều lần phản đối công thức “1 nước 2 chế độ” của Bắc Kinh, khẳng định việc đó sẽ không được chính quyền và nhân dân Đài Loan chấp thuận.
-----------------------
Núi lửa Nhật Bản phun, 8 du khách bị thương
Ngày 27-9, núi lửa Ontake ở miền trung Nhật Bản đã phun tro và khói dày đặc khiến 8 du khách bị thương.
Đài NHK dẫn thông tin từ Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết vụ phun trào diễn ra khoảng giữa trưa.
Cơ quan này đã nâng mức cảnh báo lên cấp 3 trong thang cảnh báo gồm 5 cấp, đồng thời kêu gọi mọi người không đến gần núi lửa.
Theo Sở cứu hỏa địa phương, họ đã nhận được nhiều cuộc gọi khẩn cấp thông báo có nhiều người leo núi bị thương, trong khi một quan chức địa phương nói có ít nhất 8 người bị thương.
Phía cảnh sát Nagano cho hay đang có thông tin chưa được xác nhận rằng một số người leo núi đã bị chôn vùi trong tro bụi núi lửa.
Japan Times đưa tin tại Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm khẩn cấp và chỉ đạo các cơ quan có liên quan giải quyết tình hình và đẩy nhanh hoạt động cứu hộ những người bị mắc kẹt.
JMA dự báo núi lửa sẽ còn tiếp tục phun và có thể ảnh hưởng đến người dân gần đó. Cơ quan này cũng cảnh báo tro núi lửa có thể rơi xuống khu vực trong phạm vi bán kính 4 km từ miệng núi lửa.
Núi lửa Ontake cao 3.067m, thuộc địa phận hai tỉnh Nagano và Gifu. Lần phun trào gần đây nhất của núi lửa này là vào năm 1979, khi nó phun ra hơn 200.000 tấn tro. Nó cũng có một vụ phun trào nhỏ vào năm 1991 và gây ra nhiều trận động đất núi lửa vào năm 2007.
-----------------------
Mỹ đưa binh sĩ, xe tăng tới châu Âu tập trận
Gần 600 binh sĩ Mỹ cùng các xe tăng và các phương tiện khác sẽ tới Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic là Latvia, Lithuania và Estonia vào cuối tuần này để tham gia các cuộc tập trận quân sự.
Các binh sĩ Mỹ sẽ thay thế một đơn vị nhảy dù được vũ trạng hạng nhẹ hơn và sẽ tham gia và các cuộc tập trận luân phiên nhằm chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với các đồng minh ở phía đông châu Âu trong khối NATO, Bộ quốc phòng Ba Lan ngày 26/9 cho biết trong một tuyên bố.
Theo Bộ quốc phòng Ba Lan, mục đích của các cuộc tập trận, một phần trong chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương, là nhằm "đảm bảo an ninh của các đồng minh châu Âu trong khi phải đối mặt với sự gây hấn mới nhất của Nga tại Ukraine".
"Các binh sĩ Mỹ sẽ huấn luyện cho việc triển khai các lực lượng và hợp tác với các đồng minh", ông Artur Golawski, phát ngôn viên các lực lượng vũ trang Ba Lan, nói với hãng tin Reuters.
Ông Golawski cho biết, trong tổng số gần 600 binh sĩ Mỹ, 200 sẽ tới Ba Lan, cùng 12 xe tăng Abrams, 8 phương tiện chiến đấu bộ binh M2 Bradley và hàng chục phương tiện hỗ trợ.
"Sự xuất hiện của các đơn vị quân đội... là một minh chứng cho sức mạnh của quan hệ song phương Mỹ - Ba Lan và cam kết sau hiệp ước của NATO về phòng vệ tập thể", Bộ quốc phòng Ba Lan cho hay.
Ba Lan đã trở thành một trong những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất các hành động của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia đã thoát khỏi sự ảnh hưởng của Liên Xô cũ vào những năm 1990 và kể từ đó đã trở thành các thành viên của NATO và Liên minh châu Âu.
-----------------------
Ukraine sắp đóng cửa biên giới với Nga
Một sắc lệnh đăng trên trang web của ông Poroshenko chỉ đạo cho chính phủ giải quyết “đóng tất cả cửa khẩu trên biên giới Ukraine - Nga đối với các phương tiện trên bộ, trên biển và người đi bộ”. Ngoài ra, lệnh cấm có thể áp dụng đối với các phương tiện khác “nếu cần thiết”.
AFP dẫn lời một quan chức an ninh cao cấp Ukraine cho biết các biện pháp an ninh tăng cường tại khu vực biên giới nhằm ngăn chặn việc chuyển lậu vũ khí cho các nhóm ly khai. Cũng theo nguồn tin này, lệnh đóng cửa biên giới sẽ “sớm có hiệu lực”.
Các nhà quan sát lo ngại quyết định này sẽ đe dọa đến nền kinh tế đang đi đến bờ vực của Ukraine vì gây cản trở giao thương giữa hai nước, đó là chưa kể đến những biện pháp trả đũa Nga có thể áp dụng.
Bên cạnh đó, chưa rõ Kiev sẽ làm cách nào đối với đoạn biên giới tại hai vùng Donetsk và Lugansk hiện đang bị các nhóm ly khai kiểm soát.
Nga vẫn chưa có phản ứng gì trước dự định đóng cửa biên giới của Ukraine. Tuy nhiên, trước đó Kremlin đã chỉ trích đề án xây bức tường ngăn biên giới và cho rằng quan hệ hai nước sẽ không thể phục hồi.
Trong khi đó, đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexander Grushko cho biết khi xây dựng các kế hoạch an ninh quốc gia, Matxcơva sẽ cân nhắc tới hoạt động triển khai quân sự của tổ chức này.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh NATO gần đây tiến hành nhiều hoạt động quân sự gần khu vực biên giới của Nga.
Ngoài ra, ông Grushko cho rằng các quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh NATO mới đây ở Xứ Wales chứng tỏ “NATO đang hướng tới một kế hoạch an ninh của thời kỳ chiến tranh lạnh”.
Theo ông Grushko, để nối lại mối quan hệ hợp tác với Nga, NATO cần cân nhắc lại những quyết định đó vì lợi ích của chính tổ chức này và vì các vấn đề an ninh toàn cầu.
-----------------------
Tàu du lịch lật úp ở Paraguay, 8 người chết
Lực lượng cứu hộ Paraguay và Brazil ngày 26-9 cho biết đã tìm thấy 8 thi thể trên sông Paraguay, nơi một chiếc tàu du lịch bị lật úp do bão.
Chiếc tàu mang tên "Dream of the Pantanal" đang chở 11 người Paraguay và 16 du khách Brazil thì gặp nạn.
13 người đã xoay xở và bơi được vào bờ, trong khi 8 người chết và 6 người mất tích và được cho là đã chết.
Theo BBC, nhiều người trong số các nạn nhân là bạn bè ngụ cùng một thị trấn ở bang Parana, miền nam Brazil.
Họ thuê chiếc tàu này để đi tham quan và câu cá ở Pantanal, một trong những vùng đất ngập nước ngọt lớn nhất thế giới nằm trải dài qua địa phận Brazil, Paraguay và Bolivia và là điểm đến ưa thích của khách du lịch sinh thái.
Nhà chức trách cho biết chiếc tàu bị lật úp do bão lớn khi chỉ còn 2 ngày nữa là chuyến tham quan kết thúc.
Các nhóm người nhái hải quân Brazil và Paraguay đã tham gia cứu nạn, và họ tin vẫn còn nhiều thi thể khác vẫn mắc kẹt bên trong con tàu.
-----------------------
Nhóm khủng bố nguy hiểm hơn IS đe dọa hàng không thế giới
Nhóm khủng bố tại Syria có liên hệ với al-Qaida có tên Khorasan, được đánh giá là nguy hiểm hơn cả IS, là “một mối đe dọa hiện tại và rõ ràng” đối với các chuyến bay thương mại của Mỹ và châu Âu, lãnh đạo cơ quan an ninh hàng không Mỹ khẳng định.
Thông tin được ông John Pistole, giám đốc Cơ quan an ninh giao thông Mỹ (TSA) khẳng định tại một cuộc họp của Câu lạc bộ hàng không Washington hôm 26/9.
Theo vị quan chức này, mục tiêu các vụ không kích vừa qua của Mỹ và liên quân nhắm vào các cơ sở của nhóm này là nhằm ngăn chặn “một vụ tấn công sắp xảy ra, hoặc đang bước vào giai đoạn thực thi cuối cùng”.
Nhóm Khorasan đã nghiên cứu và thử nghiệm các thiết bị nổ thô sơ, được thiết kế để vượt qua các hệ thống an ninh sân bay, Pistole cho biết thêm.
Cho đến nay, phát biểu của ông Pistole chính là một trong những thông tin chi tiết nhất về mối đe dọa mà nhóm khủng bố này có thể gây ra cho thế giới. Trước đó hôm 18/9, chính quyền của Tổng thống Obama lần đầu công khai thừa nhận sự tồn tại của nhóm Khorasan, vốn bao gồm những thành viên kỳ cựu của al-Qaida.
“Những điều này là có thực và mối đe dọa ở mức cao”, Pistole nói. “Tôi xem Khorasan là một kẻ thù đầy năng lực và quyết tâm, những kẻ rất chú trọng vào việc đưa người hoặc một vật gì đó lên một máy bay tới châu Âu hoặc Mỹ”.
Mặc dù giới tình báo Mỹ đã biết về Khorasan từ lâu, cái tên này chỉ mới được công bố gần đây sau một loạt bài viết về những mối đe dọa mà nhóm này gây ra với nước Mỹ.
Tình báo Mỹ cũng đã biết từ nhiều tháng qua, Khorasan đã vạch kế hoạch với những kẻ chế tạo bom thuộc nhánh al-Qaida tại Yemen, nhằm tìm những cách thức mới đưa chất nổ lên máy bay. Kế hoạch này đã tiến được những bước dài, khiến TSA hồi tháng 7 vừa qua phải đưa vào áp dụng thêm các biện pháp an ninh tại một số sân bay ở nước ngoài có chuyến bay thẳng tới Mỹ.
Hành khách qua những sân bay này phải thực hiện nhiều thủ tục an ninh tăng cường, trong đó có việc phải khởi động máy tính xách tay, máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác mang theo người, Pistole nói.
Nhóm này cũng đã chiêu mộ những công dân phương Tây để mang chất nổ lên một máy bay, hoặc đưa chất nổ vào máy bay chở hàng. Theo thống kê của FBI, có khoảng 8.850 người có liên quan đến “các hoạt động của phần tử khủng bố nước ngoài” đang thuộc diện theo dõi và bị cấm bay đến và đi khỏi Mỹ.