Nhân sự lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc khóa 8
Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban T.Ư MTTQ VN khoá 8 đã hiệp thương cử Chủ tịch, các Phó chủ tịch chuyên trách và không chuyên trách Ủy ban T.Ư MTTQ VN khóa 8. Cụ thể :
* Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN khóa 7 tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN khóa 8.
* Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ VN khóa 7 tiếp tục giữ chức vụ Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ VN khóa 8.
* Các ông, bà: Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Văn Pha, Bùi Thị Thanh, Lê Bá Trình, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN khóa 7 tiếp tục giữ chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN khóa 8.
Các Phó chủ tịch không chuyên trách:
* Ông Đào Văn Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN thành phố Hà Nội.
* Linh mục Nguyễn Công Danh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
* Bà Võ Thị Dung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM.
* Ông Phạm Xuân Hằng.
* Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN.
* Ông Tráng A Pao.
-----------------------
Bí thư Thành ủy Biên Hòa trúng cử Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai
Sáng ngày 27.9, kỳ họp thứ 11 (kỳ họp bất thường) HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VIII đã tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm và bầu các chức danh Phó chủ tịch HĐND và Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Thành ủy TP.Biên Hòa, trúng cử Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Hồ Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tài chính, trúng cử Phó chủ tịch HĐND tỉnh.
HĐND cũng đã miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh để đảm nhiệm chức danh Phó bí thư Tỉnh ủy. Miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch HĐND tỉnh đối với bà Huỳnh Thị Nga để nghỉ hưu theo quy định.
-----------------------
Thận trọng khi cho nước ngoài nghiên cứu biển VN
Ngày 26-9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường thay mặt Chính phủ xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội về D.A. Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Theo Nguyễn Minh Quang bộ trưởng Bộ TN-MT, do hiện nay tài nguyên biển và hải đảo nước ta chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển.
Mặt khác, các hoạt động trên biển có mối liên hệ, tác động nhất định đến nhau, cùng với tính chất liên thông của biển thì trong một số trường hợp, quản lý theo ngành, lĩnh vực với đặc điểm luôn tối đa hóa lợi ích của ngành, lĩnh vực mình mà không xem xét vấn đề khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo một cách tổng thể đã làm hạn chế sự phát triển chung, làm suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo.
Góp ý cho dự thảo luật, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ việc cấp phép cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài vào nghiên cứu, khảo sát trong vùng biển thuộc chủ quyền VN, đặc biệt là các vùng biển, đảo gần bờ có vị trí trọng yếu về quốc phòng.
“Nếu mình cho các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài nghiên cứu, khảo sát gần bờ quá thì không được. Cần phải xem xét kỹ vùng biển nào được quyền nghiên cứu, khảo sát, đảo nào được khai khác, còn các vùng biển, các đảo nằm ở vị trí phòng thủ xung yếu thì phải hết sức thận trọng” - ông Sơn nói.
-----------------------
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chấp nhận những điểm khác nhau không trái lợi ích chung của dân tộc
“Mặt trận cần thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức Đảng và cơ quan chính quyền. Chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu như thế tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII diễn ra ngày 26-9.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Một trong những nhiệm vụ bao trùm quan trọng hàng đầu của Mặt trận trong những năm tới là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó hướng tới mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị-xã hội”.
Nhắc lại bài học sâu sắc về đoàn kết, Tổng Bí thư lưu ý Mặt trận cần phát huy dân chủ đồng thời xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc.
“Làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu. Tổng Bí thư cũng bày tỏ mong muốn Mặt trận cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật thiết thực, hiệu quả, tránh hành chính hóa. Các phong trào cần chú ý đáp ứng đúng những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân, giải quyết những vấn đề sát sườn của dân.
Trong phát biểu khai mạc đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Trong bối cảnh tình hình mới của thế giới và trong nước hiện nay đòi hỏi Mặt trận phải tự đổi mới mạnh mẽ, xác định rõ mục tiêu và chương trình hành động, đáp ứng yêu cầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, đại hội lần này chính là đại hội của “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vì dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - ông Nhân nhấn mạnh.
Trình bày báo cáo chính trị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cũng cho rằng bên cạnh những thành tựu phát triển đất nước trong thời gian qua nhân dân còn nhiều băn khoăn, bức xúc trước những yếu kém, tiêu cực kéo dài. Điển hình là tình trạng tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; khoảng cách giàu nghèo chậm được thu hẹp; tệ nạn xã hội gia tăng; ô nhiễm môi trường… Việc chủ quyền quốc gia trên biển Đông bị xâm phạm nghiêm trọng trong thời gian gần đây khiến nhân dân rất bất bình và quyết tâm đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
-----------------------
Hà Nội muốn tăng trợ giá xe buýt lên gần 1.400 tỷ
Ngành giao thông Thủ đô muốn thành phố chấp thuận cho mở rộng các tuyến xe buýt được trợ giá và nâng số tiền trợ giá bằng ngân sách thêm khoảng 400 tỷ.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đưa ra kiến nghị với UBND thành phố về cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2015.
Theo đó, Sở này đề xuất thành phố chấp thuận được tiếp tục đặt hàng trong năm 2015 với 49 tuyến của Tổng công ty vận tải Hà Nội. 16 tuyến buýt xã hội hóa cũng được đề nghị chuyển đổi từ hình thức đấu thầu sang đặt hàng và trợ giá chính thức với tuyến 74 đang được thí điểm.
Ngành giao thông cũng đề nghị thành phố phê duyệt danh mục các tuyến và thời gian lựa chọn nhà thầu để mở tuyến mới trong năm 2015 (8 tuyến) và 2016 (4 tuyến).
Số tiền ngân sách được Sở đề xuất thành phố phê duyệt trợ giá xe buýt năm 2015 là 1.389 tỷ đồng (tăng so với năm 2014 gần 400 tỷ). Trong đó, trên 230 tỷ chuyển tiếp từ 2014 sang 2015, 74 tỷ dùng cho đấu thầu mở mới 8 tuyến và hơn 1.000 tỷ chi cho 71 tuyến trợ giá.
Trước đó (ngày 18/3), tại buổi họp giao ban báo chí thành ủy Hà Nội, khi lý giải cho đề xuất tăng giá vé xe buýt có trợ giá từ 1/5, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Hoàng Linh cho rằng một trong những mục tiêu của tăng giá vé “nhằm từng bước giảm bớt sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên, sau 4 tháng vé xe buýt được điều chỉnh tăng, ngành giao thông đã đề xuất tăng thêm gần 400 tỷ cho trợ giá xe buýt.
Số liệu của Sở Giao thông Hà Nội cho thấy, địa bàn thành phố hiện có 89 tuyến xe buýt với 1.189 phương tiện, gồm 71 tuyến xe buýt có trợ giá, 11 tuyến không trợ giá và 7 tuyến buýt kế cận. Toàn thành phố có hơn 1.900 điểm dừng đỗ, 383 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 76 điểm đầu cuối, 2 làn đường dành riêng cho xe buýt.
-----------------------
Tăng tiến độ hợp tác năng lượng Việt- Lào
Sáng 27.9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tiếp Phó Thủ tướng Lào Somsavath Lengsavad đang có chuyến thăm và làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Phó Thủ tướng Somsavath Lengsavad khẳng định thế giới có biến đổi, nhưng quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước không bao giờ thay đổi, đồng thời mong muốn chuyến làm việc sẽ giúp thúc đẩy tiến độ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và dầu mỏ với Việt Nam, trong đó có việc khai thác tiềm năng sông, hồ của Lào để xây dựng các công trình thủy điện.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao kết quả hợp tác toàn diện giữa hai nước, gần đây là những nỗ lực thực hiện các cam kết để hướng tới tổ chức thành công Kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ lần thứ 37 cuối năm nay và đàm phán Hiệp định thương mại mới giữa hai nước.
Về hợp tác năng lượng, hai nước đang triển khai một số dự án hợp tác quan trọng, như Dự án kho chứa dầu và đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La, Quảng Bình đến tỉnh Khammuon của Lào; Dự án đường dây 500kV từ Hatxan đi Pleiku…
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Chính phủ Lào tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Lào, trong đó có Dự án Thủy điện Luongphabang của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam chỉ đạo ngành Dầu khí tiếp tục đầu tư dự án này như đã cam kết với Chính phủ Lào, nếu nghiên cứu, đánh giá của Ủy hội sông Mekong cho thấy dự án không gây tác động đáng kể đến môi trường và nguồn nước sông Mekong.
“Mục đích chung của hai nước là hợp tác khai thác hợp lý các nguồn lợi thiên nhiên, phát triển bền vững, bảo đảm lợi ích cả hai bên”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.