Nga tuyên bố 'ăn miếng trả miếng' với Mỹ và Canada
Nga sẽ thực hiện phương sách “ăn miếng trả miếng” trước lệnh trừng phạt mới từ cả Canada và Mỹ, Itar Tass dẫn lời tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga Alexander Lukashevich.
“Vẫn không thể chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea và Sevastopol, Mỹ và Canda vừa áp đặt lệnh trừng phạt mới lên nhiều quan chức các cấp và mở rộng lệnh cấm vận hợp tác kinh tế đối với nước Nga. Chúng tôi khuyên Washington và Ottawa suy nghĩ về hậu quả của các hành động thế này. Và chúng tôi có thể thực hiện các phương sách trả đũa tương tự”, Itar Tass dẫn lời Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga Alexander Lukashevich ngày 20.12.
Ông Lukashevich nói thêm rằng nước Nga cũng thất vọng trước việc phương Tây chọn cách giải quyết không màng đến lợi ích của mình khi tiếp tục lệnh trừng phạt lên nước này vì vấn đề Ukraine.
“Điều kiện tiên quyết ở đây là cuộc hội đàm mang tính xây dựng bao hàm cả Kiev, Donetsk và Lugansk, không phải là các lệnh trừng phạt chỉ nhằm mục đích phá vỡ tiến trình chính trị tích cực”, ông Lukashevich cho biết.
Trước đó vài giờ, Itar Tass dẫn lời Ngoại trưởng Canada John Braid cho hay nước này sắp tới sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga, cho rằng nước này không lựa chọn ngồi yên trước tình hình hiện tại.
Lệnh trừng phạt này sẽ hạn chế xuất khẩu vào Nga các công nghệ sử dụng trong ngành công nghiệp dầu khí, đồng thời mở rộng danh sách đen có tên 11 công dân Nga bị cấm vào lãnh thổ Canada. Tài khoản ngân hàng ở Canada của những người trong danh sách này cũng sẽ bị khoá.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua 19.12 đã ký một sắc lệnh nhằm áp đặt các trừng phạt kinh tế đối với Crimea, vùng lãnh thổ tuyên bố ly khai với Ukraine để sáp nhập vào Nga từ tháng 3, sau khi ký lệnh trừng phạt Nga một ngày trước đó. Ông Obama cho biết những biện pháp này là các bước bổ sung để giải quyết sự chiếm đóng của Nga tại Crimea, theo ABC News.
Cũng trong hôm qua, Liên minh châu Âu (EU) sau Hội nghị thượng đỉnh đã quyết định gia tăng trừng phạt đối với Crimea. Cụ thể, từ hôm nay, EU sẽ cấm các công ty châu Âu đặc biệt thuộc các lĩnh vực dầu khí và du lịch đầu tư vào bán đảo này.
-------------------------
Triều Tiên 'tăng cường sức mạnh hạt nhân gấp đôi'
Triều Tiên tuyên bố sẽ tăng cường tiềm lực quốc phòng, trong đó “sức mạnh hạt nhân” sẽ được tăng cường gấp đôi bằng mọi cách để đối phó với chính sách thù địch của chính quyền Mỹ, theo Reuters.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 20.12, khẳng định: “Hiện chính sách thù địch của Mỹ với mục tiêu nhằm xâm lược Triều Tiên dưới chiêu bài nhân quyền đã trở nên rõ ràng, ý tưởng về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã không còn giá trị”, theo Reuters.
“Nỗ lực của chúng tôi là nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng, trong đó sức mạnh hạt nhân sẽ được tăng cường gấp đôi bằng mọi cách”, Reuters ngày 20.12 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Triều Tiên cũng khẳng định cáo buộc của Mỹ rằng nước này có liên quan đến vụ tấn công mạng nhằm vào hãng Sony Pictures là "vô căn cứ" và mong muốn tiến hành cuộc điều tra chung với Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu Mỹ tiếp tục có những cáo buộc chống lại nước này. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng lên án và yêu cầu Liên Hiệp Quốc điều tra về sự tra tấn tù nhân của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Trước đó, ngày 19.12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo Washington sẽ "đáp trả" thích đáng vụ Bình Nhưỡng tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony Pictures, liên quan đến bộ phim hài có nội dung âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un của hãng này.
Những tranh luận xung quanh sự phát triển hạt nhân của Triều Tiên đang nổi lên lại sau khi một nghị quyết của Liên Hợp quốc mới đây cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền và kêu gọi Hội đồng Bảo an đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra xét xử tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Tính đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ thử hạt nhân. Theo Reuters, Triều Tiên có thể có tiềm lực sản xuất khoảng một chục vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nước này đã đạt được công nghệ phát triển đầu đạn hạt nhân đủ để gắn vào tên lửa hay chưa.
-------------------------
Binh sĩ Ấn - Trung đối đầu tại vùng tranh chấp
Lính Trung Quốc lại bị cáo buộc “xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ” nhưng phải rút lui sau cuộc đối đầu kéo dài 3 giờ đồng hồ.
Vụ việc xảy ra vào ngày 16.12, nhưng đến hôm qua mới được truyền thông Ấn Độ công bố rộng rãi. Cụ thể, tờ The Times of India (TOI) dẫn một số nguồn tin từ Bộ Nội vụ Ấn Độ cho hay binh sĩ của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã xâm nhập khu Chushul thuộc vùng Ladakh đang do New Delhi kiểm soát. Khi nhận tin báo, các lực lượng Ấn Độ lập tức được triển khai đến Chushul và hai bên gườm nhau trong khoảng 3 giờ đồng hồ trước khi lính Trung Quốc rút lui.
“Tình hình khá căng thẳng, có thể nói hơi quá một chút là đạn đã lên nòng”, nguồn tin giấu tên cho biết. Theo nhận định của phía Ấn Độ, vụ xâm nhập lần này khởi phát tương tự lần giằng co hồi tháng 9.2014, khi người dân 2 bên giới tuyến tranh cãi về quyền sử dụng một vùng rộng khoảng 40 km2.
Sau đó, PLA “xua lính xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ” để ủng hộ người dân Trung Quốc, dẫn đến một giai đoạn căng thẳng dâng cao và khiến 2 bên tổ chức 4 cuộc họp khẩn và nhất trí giữ nguyên hiện trạng.
Ngoài ra, vụ việc hôm 16.12 xảy ra khi nhiệt độ ở Chushul đang ở mức -300C. Một quan chức Bộ Nội vụ Ấn Độ cho rằng “với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế mà lính Trung Quốc liên tục xâm nhập lãnh thổ. Điều này cho thấy họ cố tình chọc giận chúng ta”.
Theo TOI, Ấn Độ đang ra sức tăng cường khả năng ứng phó ở khu vực biên giới đang tranh chấp giữa lúc “Trung Quốc ngày càng hung hăng”. Tờ báo dẫn một số nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn cho hay các lực lượng của nước này được yêu cầu chủ động và cương quyết hơn khi đối đầu với PLA.
Do đó, các binh sĩ Ấn Độ đang tuần tra hằng ngày ở các địa điểm nhạy cảm và trong tư thế sẵn sàng nhanh chóng can thiệp khi cần. “Trước đây, lính Trung Quốc xâm nhập sâu vào lãnh thổ Ấn Độ mới bị đẩy lùi, còn bây giờ họ bị chặn ngay tại biên giới”, một quan chức cho biết.
Bắc Kinh chưa có phản ứng về các thông tin trên nhưng các chuyên gia nhận định cáo buộc mới từ New Delhi cho thấy căng thẳng Ấn - Trung vẫn chưa giảm bất chấp thỏa thuận hợp tác phòng thủ biên giới đã ký cuối năm ngoái.
-------------------------
Làm hòa với Cuba, Mỹ kiềm chế Nga
Với quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba, Mỹ có thể kiềm chế sức ảnh hưởng của Nga tại khu vực cửa ngõ của nước này, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trong vấn đề Ukraine ngày một gia tăng.
Ngày 17/12, Tổng thống Barack Obama tuyên bố khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước cựu thù hơn 50 năm qua. Các nhà phân tích cho rằng, sự kiện này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trên bình diện quan hệ song phương, mà còn tạo ra tác động chiến lược mang tầm quốc tế, đặc biệt là trong tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Cuba.
"Hàng động này của Nhà Trắng sẽ kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga tại Cuba, nơi Moscow trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh từng chứng tỏ sức mạnh quân sự và kinh tế của mình", nhà báo Mỹ Aaron Klein viết trong một bài bình luận đăng trên báo Jerusalem Post. "Nơi đây chỉ cách Mỹ 90 dặm (140 km), là sự thách thức công khai với an ninh quốc gia".
Mâu thuẫn Mỹ - Cuba bắt nguồn từ năm cuộc Cách mạng Cuba năm 1959, khi ông Fidel Castro cùng quân cách mạng lật đổ nhà độc tài thân Mỹ Fulgencio Batista. Năm 1960, Tổng thống Dwight Eisenhower ban bố lệnh cấm vận với Cuba và đoạt tuyệt quan hệ ngoại giao một năm sau đó.
Tuy nhiên, sự kiện Vịnh Con Lợn là nguyên nhân trực tiếp đưa Cuba xích lại gần Liên Xô. Tháng 4/1961, Tổng thống John Kennedy ra lệnh hành động lật đổ chính quyền Castro nhưng thất bại. Havana đã liên minh với Moscow để tìm kiếm sự bảo vệ. Một năm sau, cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba nổ ra, kéo sâu quan hệ hai nước đi vào bế tắc.
Theo các nhà quan sát, cùng với căng thẳng Nga - Mỹ trên vấn đề Ukraine không ngừng tăng cao, Moscow có ý định tái vận dụng sách lược của Liên Xô, thiết lập quan hệ chặt chẽ với Havana nhằm đối phó với Washington.
Báo Guardian cho biết, trong tháng 7, Nga và Cuba đã đạt được thỏa thuận ngầm về việc tái thiết lập căn cứ quân sự Lourdes, nhân chuyến công du của Tổng thống Vladimir Putin. Đây từng là căn cứ quân sự và tình báo ở nước ngoài lớn nhất của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Moscow đã phủ nhận tính xác thực của thông tin trên.
Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng cho dù sự việc này là có thật, thì cũng chỉ mang tính tượng trưng. "Việc tái lập căn cứ tình báo chỉ là hành động nhằm hăm dọa Washington, bởi công nghệ tình báo thời nay đã tiên tiến hơn nhiều", chuyên gia quân sự Pavel Felgenhauer cho biết.
Cùng chung nhận định trên, Giáo sư Stephen Cohen của Đại học Princeton cho biết, chuyến thăm của ông Putin nhằm gửi đến Tổng thống Obama thông điệp rằng, Nga có thể bị cô lập, nhưng "chúng tôi đang trở lại nơi chỉ cách các anh 90 dặm trong sự đón tiếp nồng nhiệt".
Sau khi Liên Xô sụp đổ, sự hiện diện quân sự của Moscow suy giảm nhiều, nhưng đã có dấu hiệu tăng trở lại trong những năm gần đây. Tháng 4/2013, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov đã có chuyến thăm các căn cứ tình báo và quân sự chính của Cuba. Bốn tháng sau, một tàu chiến tên lửa thuộc Hạm đội Biển Đen đã chạy dọc bờ biển Cuba và cập cảng tại một số nướcTrung và Nam Mỹ.
Tháng 2/2014, cũng có tin một tàu chiến khác của Nga, Viktor Leonov CCB-175, cập cảng Cuba. Những động thái này, có thể mang theo hàng ngàn binh sỹ Nga tới Cuba trong tương lai, phần nào lý giải cách tiếp cận mới của chính quyền Obama với Cuba. Nhà Trắng cho biết họ rất mong chờ tái mở sứ quán Mỹ trên đất Cuba.
"Nhà Trắng rất mong muốn thành lập đại sứ quán tại Cuba, bởi muốn đối trọng sức ảnh hưởng của Nga tại đây", nhà báo Klein cho biết. Hiện nay, Washington chỉ có cơ quan đại diện quyền lợi tại Havana, cấp cơ quan ngoại giao rất thấp.
Theo Klein, bầu không khí Chiến tranh Lạnh còn được thấy trong một dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua hồi đầu tháng này, nhưng ít được báo chí quan tâm, trong đó kêu gọi Obama và các nước đồng minh có hành động quân sự với Nga.
Kinh tế cũng là quân bài chiến lược mà Nga sử dụng để lôi kéo Cuba. Trong chuyến thăm hồi tháng 7, ông Putin đã xóa 90% các khoản nợ của Cuba thời Liên Xô, có tổng trị giá lên đến 32 tỷ USD. Moscow còn ký với Havana một loạt thỏa thuận công nghiệp, kinh tế và thương mại, đặc biệt là dự án thăm dò khai thác dầu tại vùng biển của quốc gia Trung Mỹ này.
Cuba rất hoan nghênh các thỏa thuận trên, bởi nước này đang cần một lượng ngoại tệ lớn để phục vụ công cuộc cải cách. Từ khi kế nhiệm anh trai vào năm 2006, Chủ tịch Cuba Raul Castro ban hành một loạt các chính sách cải tổ kinh tế và xã hội, cho phép người dân nước này được quyền mua bán bất động sản, thành lập doanh nghiệp tư, thuê nhân công, đi du lịch nước ngoài dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc giá dầu liên tục giảm những tháng qua, khiến nền kinh tế Nga đứng trước bờ vực suy thoái lớn. "Cuba cần gấp nguồn ngoại tệ mạnh, trong khi Nga và Iran đang chịu các lệnh trừng phạt, còn Trung Quốc lại là một đối tác cứng rắn", AP dẫn lời ông Paul Webster Hare, cựu đại sứ Anh tại Cuba, bình luận. "Vì vậy, họ muốn nhanh chóng mở vòi nguồn cung ngoại tệ mới là Mỹ".
Aaron Klein cho rằng thời điểm Obama ra tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba không hề tình cờ. Một ngày trước đó, ông Obama cho biết dự kiến ký dự luật trừng phạt mới nhằm vào kinh tế Nga. Cùng ngày, đồng rúp của Nga đạt kỷ lục rớt giá mới.
Hệ tham chiếu mới
Việc bình thường hóa quan hệ với Cuba cũng cho thấy quyết tâm của Tổng thống Obama, vốn bị chỉ trích là "quá do dự" trên các vấn đề quốc tế gây tranh cãi. "Tổng thống Obama đang nỗ lực thoát khỏi hình tượng do dự, không quyết đoán trong 6 năm cầm quyền trước đây", bình luận viên Michael Shear thuộc tờ New York Times cho biết."Chính sách mới với Cuba là sự chuyển biến gây chấn động lớn nhất".
Ông Obama đã bước sang nửa cuối nhiệm kỳ thứ hai, không phải đối mặt với áp lực bầu cử nữa, vì vậy một quyết định gây tranh cãi như bình thường hóa quan hệ với Cuba được đặt lên vị trí hàng đầu trong nghị trình.
Các nhà phân tích cũng cho rằng vấn đề Cuba có thể trở thành hệ tham chiếu mới trong chính sách ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông và Bắc Phi. Ông chủ Nhà Trắng có thể sẽ thay đổi thái độ với chính phủ mới của tướng al-Sisi tại Ai Cập, nơi mà Nga đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống quyền lực khi Washington tự rời xa đồng minh cũ Cairo, sau sự kiện Mùa xuân Arab.
"Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn quá sớm để khẳng định, Obama sẽ thay đổi chính sách với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh khác của Nga, như đã làm với Cuba", ông Klein nói.
Mỹ từng chủ trương can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này, sau khi cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad dùng vũ khí hóa học với người dân. Nhưng, Tổng thống Putin đã thuyết phục Damascus thừa nhận sự tồn tại của các kho vũ khí hóa học và chấp thuận đặt chúng dưới sự kiểm soát quốc tế, đẩy lùi một cuộc tấn công quân sự chống Syria, từ đó củng cố ảnh hưởng chiến lược của Moscow tại đây.
(VNEX)
-------------------------