3 nước châu Á có nguy cơ khủng bố cao
Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka là 3 nước châu Á có nguy khủng bố cao theo báo cáo của Cơ sở dữ liệu chống khủng bố toàn cầu (GTI). Việt Nam hầu như không có nguy cơ khủng bố trong những năm gần đây.
Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka rất yếu về những vấn đề như quan hệ cộng đồng, tiếp nhận và tự do thông tin. Dẫn đến việc ba nước này có nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố cao trong những năm tới.
Báo cáo được công bố bởi Viện kinh tế và Hòa bình ở Úc. Cơ sở dữ liệu cho thấy đến 82% các cuộc khủng bố xảy ra ở 5 quốc gia là Nigeria, Afghanistan, Pakistan, Iraq và Syria.
Trong đó, 3 nước châu Á là Thái Lan, Ấn Độ và Philippines cũng có nguy cơ khủng bố nhưng chủ yếu đến từ các phe nhóm ly khai ở các nước này. Riêng Singapore và Việt Nam hầu như không có nguy cơ khủng bố trong những năm gần đây.
Các chuyên gia cảnh báo trong Cơ sở dữ liệu GTI rằng khủng bố đang là một hiện tượng toàn cầu cũng như ở các khu vực nóng.
“Hãy nhận thức được rằng chủ nghĩa khủng bố đang gia tăng trên phạm vi toàn thế giới và số các vụ giết người đã tăng gấp 40 lần so với năm 2013” , Giáo sư Dan Erickson Đại học Colorado (Mỹ) phát biểu.
“Tôi nghĩ các con số không kích động chủ nghĩa khủng bố mà giúp nâng cao nhận thức con người về vấn nạn bạo động. Các cuộc khủng bố đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều mặt trong đời sống xã hội”, ông cho biết thêm.
Thông báo nêu rõ hầu hết các vụ tấn công khủng bố đều không gây thương vong lớn và có sự thay đổi hình thức tấn công.
Trước đây, các vụ khủng bố thường nhắm vào các phong trào chủ nghĩa dân tộc và các phong trào ly khai. Bây giờ là tôn giáo như vụ khủng bố gần đây tại Jerusalem làm chết 5 người.
Tôn giáo là nguyên nhân chính của các vụ khủng bố bạo lực tại Iraq và Syria. Theo GTI cảnh báo, việc tôn giáo hóa các phong trào cực đoan nên được quan tâm nhiều hơn, đồng thời nâng cao lòng bao dung và lẽ phải như một cách để giảm nguy cơ tấn công trong tương lai.
Cơ sở dữ liệu khủng bố toàn cầu (GTI - Global Terrorism Index) là chỉ số đầu tiên xếp hạng và so sách các quốc gia dựa theo tác động của chủ nghĩa khủng bố. GTI sử dụng 4 chỉ số để đo lường như số vụ tấn công, số thương vong, số người chết và độ thiệt hại.
Số điểm đánh giá cho từng quốc gia sẽ là mức độ ảnh hưởng của các vụ khủng bố trong đời sống xã hội, sự sợ hãi của người dân cũng như phản ứng quyết liệt từ các cơ quan an ninh.
Danh sách 13 quốc gia có nguy cơ khủng bố cao là: Angola, Bangladesh, Burundi, Cộng hoà Trung Phi, Bờ Biển Ngà, Ethiopia, Iran, Israel, Mali, Mexico, Myanmar, Sri Lanka và Uganda.
-------------------------
'Philippines sẽ không kiện Trung Quốc nếu có COC'
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết việc Manila kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là không cần thiết nếu có một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Trả lời phỏng vấn tờ The Straits Times (Singapore) ngày 19.11, ông Aquino cho biết: “Nếu có một COC, thì có thể không cần một phiên tòa phân xử”.
Tuy nhiên, ông Aquino nói hiện vẫn chưa có COC nên Philippines vẫn kiên quyết tiếp tục theo đuổi vụ kiện phản đối tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, nuốt trọn gần cả biển Đông. Manila chính thức đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa án Liên Hiệp Quốc về luật Biển (ITLOS) vào năm 2013.
Ông Aquino khẳng định việc tiếp tục theo đuổi vụ kiện là nhiệm vụ của ông để "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và quyền của người dân Philippines”.
Tòa án Trọng tài Thường trực có trụ sở tại thành phố The Hague (Hà Lan) ra hạn chót là ngày 15.12 để Trung Quốc phản hồi vụ kiện này.
Nhưng Bắc Kinh đã nhiều bác bỏ đơn kiện của Philippines, tuyên bố không tham gia phiên phân xử, khẳng định chỉ thương lượng trực tiếp với Manila. Và Trung Quốc được cho là chiếm bãi cạn Scarborough (trên biển Đông) từ Philippines vào năm 2012, theo AFP.
Theo trang tin GMA News (Philippines), Manila thời gian qua tiếp tục nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ các nước trên thế giới đối với vụ kiện này. Mỹ, đồng minh của Philippines, đã từng lên tiếng ủng hộ Manila kiện Trung Quốc.
Mới đây, trong buổi gặp gỡ với ông Aquino, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 17.11 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ quyết định của Philippines trong việc kiện Bắc Kinh.
Vào ngày 18.11, trong một bài phát biểu tại Singapore, ông Aquino cũng đã bày tỏ kỳ vọng sẽ có một giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc trên biển Đông sau cuộc hội đàm giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC hồi tuần rồi.
Vào năm 2002, Trung Quốc và ASEAN từng ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) nhưng DOC không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.
COC là một bước tiếp theo của DOC, nhưng mãi đến nay Trung Quốc và ASEAN vẫn chưa thể thống nhất để đưa ra COC. Các chuyên gia từng nhận định Bắc Kinh đang cố tình trì hoãn đàm phán COC.
-------------------------
Mỹ chia rẽ vì chính sách 'cứu' người nhập cư lậu của Obama
Chính sách "ân xá" cho 2,5 đến 5 triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ sẽ được công bố trong bài phát biểu của Tổng thống Obama vào sáng nay 21.11 (giờ VN) đang gây chia rẽ trong lòng nước Mỹ.
Quyết định của Tổng thống Barack Obama sẽ được công bố trong bài phát biểu truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng vào sáng nay (giờ VN). Tuy nhiên, truyền thông Mỹ hôm qua dẫn lời các quan chức Nhà Trắng tiết lộ chính sách mới sẽ giúp từ 2,5 đến 5 triệu trong tổng số khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ tránh bị trục xuất.
Theo Reuters, ông sẽ mở rộng chương trình ngưng trục xuất đối với những người nhập cư lậu được mang vào nước Mỹ từ khi còn nhỏ, và đối với các đối tượng là cha mẹ có con cái là công dân Mỹ hoặc có thẻ xanh (thường trú nhân). Con số chính xác sẽ thay đổi tùy theo yêu cầu về số năm mà người nhập cư lậu sinh sống tại Mỹ.
Theo tờ Los Angeles Times, chính sách trên sẽ gây ảnh hưởng mạnh nhất đến tiểu bang California, nơi có khoảng 2,6 triệu người sống trong tình trạng nhập cư lậu, kế đến là Nevada. Tuy nhiên, theo tờ The New York Times, những người thuộc diện được “ân xá” sẽ không được hưởng các trợ cấp của chính phủ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Chính sách mới sẽ được ông Obama ban hành dưới dạng sắc lệnh hành pháp, vốn không cần thông qua Quốc hội, sau khi vấp phải sự chống đối từ đảng Cộng hòa đối với một chương trình cải tổ nhập cư sâu rộng hơn. Bằng việc này, ông Obama đã nhất quyết theo đuổi lập trường của mình bất chấp đề xuất của các nghị sĩ Cộng hòa, vốn yêu cầu hoãn đến năm sau, khi cuộc chuyển giao quyền lực tại Đồi Capitol hoàn tất.
“Mọi người đều đồng ý hệ thống nhập cư của chúng ta đã vỡ. Không may là Washington đã để cho vấn đề mưng mủ quá lâu. Vậy nên những gì tôi sẽ làm là đưa ra những điều mà tôi có thể thực hiện với quyền hạn hợp pháp của tổng thống để làm cho hệ thống hoạt động tốt hơn”, ông Obama nói trong một đoạn clip giới thiệu về bài phát biểu được trông đợi.
Theo CNN, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Michael McCaul và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Bob Goodlatte thuộc Hạ viện lập tức kêu gọi tổng thống hoãn ngay kế hoạch, kèm theo lời cảnh báo rằng sẽ nỗ lực ngăn chặn ông Obama có thể thực hiện quyền hành pháp.
Trong khi đó, một số thống đốc có thế lực của đảng Cộng hòa gồm Rick Perry (Texas), Scott Walker (Wiscosin), Bobby Jindal (Louisiana) tuyên bố ông Obama vượt quá quyền hạn tổng thống và đe dọa sẽ kiện chủ nhân Nhà Trắng, theo tờ Politico. Một người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện John Boehner thậm chí gọi tổng thống Mỹ là “Hoàng đế Obama” trong một tuyên bố lên án “kế hoạch ân xá” nói trên.
Bất chấp cuộc tranh cãi tại Washington, các tổ chức luật sư bắt đầu bận rộn chuẩn bị dịch vụ hỗ trợ cho các công dân tương lai. Liên minh Quyền lợi của di dân tại Los Angeles, bang California, đang tiến hành thuê thêm nhân viên để hỗ trợ hàng trăm ngàn đối tượng trong khu vực này có khả năng nhập tịch.
Họ sẽ buộc phải nộp đơn đăng ký cho chính quyền và có thể phải chứng minh bằng các hóa đơn hoặc những giấy tờ hợp pháp cho thấy đã định cư trên đất Mỹ trong một thời gian nhất định, theo phát ngôn viên của tổ chức trên.
-------------------------
Thụy Điển quyết dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks
Một tòa án phúc thẩm của Thụy Điển hôm 20.11 vừa bác đơn xin miễn dẫn độ của Julian Assange – người bị cáo buộc hiếp dâm, CNN cho biết.
Julian Assange vẫn sẽ phải tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở Anh nếu muốn thoát án tử, vì mới đây một tòa phúc thẩm ở Thụy Điển tiếp tục từ chối bỏ lệnh bắt giữ ông này.
BBC dẫn một tuyên bố từ tòa án: "không có lý do gì để hủy lệnh giam giữ chỉ vì Julian Assange đang ở một đại sứ quán và lệnh tạm giam không thể thực thi vì điều đó".
Assange, nhà sáng lập mạng WikiLeaks, nơi rò rỉ tài liệu mật của Mỹ cũng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bị bắt tại Anh cách đây 4 năm do liên quan đến cáo buộc hiếp dâm 2 phụ nữ ở Thụy Điển.
Trong 2 năm qua, cựu nhà báo người Úc sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador đặt tại London để tránh dẫn độ. Nếu chấp nhận bị dẫn độ về Thụy Điển để thẩm vấn, nhiều khả năng Assange phải chịu án nặng nhất vì Thụy Điển sẽ cho phép cảnh sát dẫn độ ông ta về Mỹ, nơi án tử chờ ông vì tiết lộ bí mật quốc gia này, theo CNN.
Thời gian qua, Assange chống lại các công tố viên Thụy Điển bằng cách đòi được thẩm vấn trong Đại sứ quán Ecuador, thay vì phải về Thụy Điển như yêu cầu. Mặt khác, Assange liên tục bác bỏ cáo buộc hiếp dâm 2 người phụ nữ như lời tố cáo năm 2010, đồng thời quả quyết việc cảnh sát khăng khăng bắt ông có liên quan đến chính trị.
Cũng trong tuyên bố hôm 20.11, tòa án Thụy Điển chỉ trích các công tố viên vì đã “không tìm ra con đường khác” để bắt giữ Assange.
-------------------------