Mỹ “dè chừng” Nga hơn cả Nhà nước Hồi giáo
ộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho rằng, quân đội Mỹ có thể phải đối mặt với những mối đe dọa từ những kẻ khủng bố và quân nổi dậy, cũng như phải đối phó với sự hiện đại hóa và khả năng của quân đội Nga.
“Những yêu cầu cho quân đội sẽ ngày càng đa dạng và phức tạp hơn trong tương lai. Chúng ta sẽ còn phải đối mặt với những mối đe dọa từ những kẻ khủng bố và quân nổi dậy trong thời gian dài. Chúng ta cũng phải đối phó với một nước Nga theo chủ nghĩa xét lại với quân đội hiện đại, giàu tiềm lực, đang áp sát NATO”, ông Hagel cho biết tại Washington.
Đây không phải lần đầu tiên một lãnh đạo phương Tây đưa ra tuyên bố đầy hoài nghi về Nga trong những tháng gần đây.
Hôm 15.10, Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow so sánh những hành động của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) với nền chính trị của Nga trong khi phát biểu tại hội nghị an ninh Jam.
Tháng 9 vừa qua, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt Nga thứ hai trong danh sách các mối đe dọa quan trọng trên toàn cầu, chỉ sau sự lây lan của virus Ebola, và vị trí thứ ba là mối đe dọa từ IS.
Sau tuyên bố của ông Obama, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, “bài phát biểu của người gìn giữ hòa bình” không thuyết phục. Ông Lavrov nói thêm, Nga quan tâm đến việc giảm leo thang xung đột trên toàn thế giới thông qua đối thoại công bằng, dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Quan hệ giữa Nga và Mỹ trở nên xấu đi trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraina khi Washington tiếp tục đổ lỗi cho Mátxcơva can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraina.
Trong vài tháng qua, Mỹ đã công bố một số lệnh trừng phạt chống lại Nga, và thuyết phục các đồng minh của mình cô lập Mátxcơva.
-------------------------
Mức độ hài lòng của dân Nga với tổng thống Putin cao gần kỷ lục
Thăm dò của trung tâm nghiên cứu xã hội độc lập Levada vừa công bố cho biết, điểm ủng hộ trung bình của người Nga dành cho nhà lãnh đạo của họ đang tiến dần tới mức cao kỷ lục của năm 2008.
Hiện nay, số điểm này là 7,33/10. Chỉ có một lần đánh giá này cao hơn – mức điểm 7,49 đạt được vào tháng Giêng năm 2008 khi sắp kết thúc 2 nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Putin.
17% số người được hỏi cho rằng ông Putin xứng đáng điểm cao nhất 10/10 vì làm tốt chức trách của mình.
38% nói rằng vị nguyên thủ xứng đáng với niềm tin của họ vì ông đang thực hiện công việc một cách mạnh mẽ và thành công.
Đa số người được hỏi không nghĩ rằng sự ủng hộ dành cho ông Putin là sùng bái cá nhân. Chỉ có 19% nói họ nhận ra những yếu tố sùng bái cá nhân, so với tỷ lệ 27% một năm trước.
Kết quả này cũng khá phù hợp với xu hướng gần đây về tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục với oongPutin và các quan chức Nga khác. Giới nghiên cứu giải thích đây là nhờ lãnh đạo Nga đã tạo được sự huy động và đoàn kết trong xã hội để đối mặt với sự thù nghịch từ nước ngoài, và cũng nhờ những sự kiện như Crưm sáp nhập vào Nga.
Thăm dò giữa tháng 8 vừa qua, 52% người Nga nói với trung tâm thăm dò Levada rằng họ sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Putin nếu bầu cử tổng thống diễn ra vào cuối tuần gần nhất. Tháng Giêng năm 2014, tỷ lệ này mới là 29%, nghĩa là tỷ lệ ủng hộ quyền lãnh đạo của ông Putin đã tăng gần gấp đôi trong 7 tháng.
-------------------------
Cựu Tổng thống Gorbachev kêu gọi Nga và phương Tây chấm dứt chiến tranh trừng phạt
Hôm 15.10, cựu Tổng thống Mikhail Gorbachev nói việc phương tây đã từ chối xem xét quan điểm và lợi ích an ninh hợp pháp của Nga là một trong những lý do chính gây ra cuộc khủng hoảng trên chính trường toàn cầu hiện nay.
Ông cho rằng, các chính trị gia phương Tây thường khen ngợi Nga – đặc biệt dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, nhưng trên thực tế họ không quan tâm đến Nga và lợi ích của Nga.
Ông Gorbachev cho rằng, Nga, Tây ÂU và Mỹ cần từ bỏ cáo buộc lẫn nhau cũng như trừng phạt lẫn nhau.
“Tôi tin rằng Nga đã có bước đi đó khi Nga kiềm chế các biện pháp trả đũa sau loạt trừng phạt mới nhất của phương Tây. Giờ mọi chuyện phụ thuộc vào các đối tác của chúng tôi,” ông nói, và thêm rằng các bên cần bỏ trừng phạt nhằm vào các cá nhân trước tiên. “Làm sao có thể đối thoại khi ta trừng phạt những người có quyền lực và ảnh hưởng tới chính trị”.
Ông cho rằng Nga và EU sẽ tìm thấy điểm hội tụ chừng nào khôi phục quan hệ. “Sự không thống nhất giữa Nga và EU làm tổn hại đến tất cả. Nó làm suy yếu Châu Âu vào thời điểm mà sự cạnh tranh toàn cầu đang tăng lên và khi các trung tâm hấp dẫn khác của chính trường thế giới trở nên mạnh mẽ hơn”.
Cựu lãnh đạo Liên Xô đã thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới chớ bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. “Các mối đe dọa an ninh chung của chúng ta chưa biến mất. Các phong trào cực đoan nguy hiểm mới xuất hiện như Nhà nước Hồi giáo đã nổi lên trong những năm gần đây. Các vấn đề như môi trường, đói nghèo, di cư, dịch bệnh cũng gia tăng”. Ông kêu gọi hai bên phải tìm được nền tảng chung để đối phó với các thách thức mới.
-----------------------
Ukraine: Thủ lĩnh lực lượng chống đối miền Đông bị ám sát
Theo tin từ hãng UPI, chiếc xe chở thủ lĩnh lực lượng chống đối miền Đông Ukraine Pavel Gubarev đã bị tấn công hôm 13/10. Ngay sau đó, ông Pavel Gubarev đã được đưa vào bệnh viện để cấp cứu và giờ hiện chưa rõ tình trạng sức khỏe ra sao.
Trong khi đó, hãng Ria Novosti thì dẫn nguồn tin là những dòng cảm xúc được viết trên Facebook của vợ ông Pavel Gubarev là bà Ekaterina. Bà này cho biết, ông Pavel Gubarev đang đi trên đường từ Rostov-on-Don ở Nga về Donetsk thì bị một chiếc xe chạy cắt qua đầu xe của ông và nổ súng khiến người lái xe mất lái đâm vào một cột bê tông ngang đường. Ông Pavel Gubarev đã bị hôn mê và hiện vẫn chưa tỉnh lại.
Hãng này cũng khẳng định, ông Pavel Gubarev là người đã dẫn đầu đoàn người biểu tình đánh chiếm tòa nhà chính quyền ở Donetsk hồi tháng 2 để thành lập nên nước CHND Donetsk. Hồi tuần trước, đảng chính trị của ông Pavel Gubarev đã bị tước quyền tham gia cuộc bầu cử Tổng thống của nước CHND Donetsk và ông Gubarev bị vướng vào một cuộc tranh giành quyền lực trong đảng.
Chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ ám sát nay nhưng lực lượng đối lập miền Đông lại cáo buộc quân đội chính phủ đã tiến hành. Được biết, đây là vụ ám sát thứ 2 nhằm vào ông Pavel Gubarev. Trước đó, một quả rocket đã bắn trúng văn phòng của ông tại tầng 9 của một tòa nhà ở trung tâm thành phố Donetsk
-------------------------
Nga-Ukraine hội đàm: mùa đông châu Âu không thành 'cơn ác mộng'?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko sẽ tìm cách giải quyết mâu thuẫn trong vấn đề cung ứng khí đốt, hướng đến việc chấm dứt tình trạng xung đột ở phía đông Ukraine. Cuộc gặp mặt cấp cao lần này sẽ diễn ra tại Ý vào thứ Sáu tuần này.
Động thái trên được xem là một dấu hiệu tích cực kéo Moscow, Kiev và Brussels lại gần nhau hơn trong bối cảnh các nước nghi ngại Nga có ý định cắt nguồn khí đốt đối với Ukraine vì khoảng nợ mà Kiev chưa thanh toán cho Moscow. Nếu điều tồi tệ này diễn ra thì mùa đông châu Âu năm nay sẽ thật sự là một cơn ác mộng.
Các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng cuộc gặp mặt lần thứ ba của tổng thống hai nước kể từ khi Poroshenko nhậm chức vào tháng 5-2014 có thể giúp các bên đi đến một thoả thuận mới hiệu quả và tích cực hơn so với thoả thuận ngừng bắn hôm 5-9 vốn đã bị “phá sản”.
Vygaudas Usackas, đại sứ của Liên minh châu Âu tại Nga cho biết "Tôi nghĩ mọi chuyện đã có chuyển biến tích cực. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới đầy hứa hẹn với những nỗ lực giải quyết khủng hoảng tại Ukraine." Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng điều quan trọng là các nỗ lực từ các bên phải thật sự hiệu quả, và mang về những kết quả cụ thể.
Mặc dù Tổng thống Nga Putin vừa qua đã lệnh cho quân đội Nga ngừng tập trận gần biên giới với Ukraine, nhưng các quan chức phương Tây dường như vẫn muốn Moscow rút quân và vũ khí quân sự ra khỏimiền đông Ukraine. Trong khi đó, Moscow trong thời gian qua lien tục bác bỏ cáo buộc can thiệp Ukraine từ phương Tây, và khẳng định Nga không liên quan đến quân ly khai.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin và Poroshenko đã có cuộc thảo luận qua điện thoại vào hôm thứ Ba vừa qua nhằm tìm kiếm thoả thuận hòa bình.
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Putin và Poroshenko lần này diễn ra tại một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Á. Tổng thống Ukraine Poroshenko cho biết cả thế giới đang rất kỳ vọng về cuộc hội đàm giữa ông và Tổng thống Putin lần này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron cũng như Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng sẽ tham gia hội nghị lần này.
Trợ lý của Tổng thống Putin, Yuri Ushakov cho biết không loại trừ khả năng sẽ có cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Đức Merkel.
------------------------