Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tối 4/3 tuyên bố Myanmar cần đảm bảo hạ nhiệt căng thẳng dọc biên giới với Trung Quốc và tất cả bên phải kiềm chế sau các vụ đụng độ đã buộc hàng nghìn người tị nạn chạy sang tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc.
Trong một tuyên bố khi hội đàm với phái viên Myanmar, ông Lưu Chấn Minh nói rằng Trung Quốc "kiên định tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Myanmar."
Trung Quốc "hy vọng các bên liên quan kiềm chế và hạ nhiệt căng thẳng sớm nhất có thể ở miền Bắc Myanmar, đồng thời nghiêm túc duy trì sự ổn định ở khu vực biên giới Trung Quốc - Myanmar."
Giao tranh bùng phát hồi tháng trước giữa quân đội Myanmar và Quân đội Liên minh Dân chủ Dân tộc Kokang ở Myanmar (MNDAA).
Chính phủ Myanmar tố cáo lính đánh thuê Trung Quốc đang chiến đấu cùng lực lượng phiến quân người Hoa chống lại chính quyền khu vực Kokang, miền Bắc Myanmar và Naypyidaw từng tìm kiếm sự hợp tác của Bắc Kinh để ngăn chặn "các cuộc tấn công khủng bố" được tiến hành từ lãnh thổ nước này./.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 5/3 đã kịch liệt lên án một vụ tấn công bằng dao nhằm vào Đại sứ Mỹ tại thủ đô Seoul, nói rằng đó là một cuộc tấn công chống lại liên minh song phương và không thể dung thứ.
Một nhà hoạt động 55 tuổi, Kim Ki-jong, đã dùng một con dao dài 25 cm tấn công Đại sứ Mark Lippert vào sáng nay khi ông đang chuẩn bị có bài phát biểu tại một bữa sáng làm việc ở trung tâm Seoul.
Kẻ tấn công, hô các khẩu hiệu phản đối chiến tranh, đã bị bắt ngay tức thì trong khi ông Lippert, bị chảy máu ở mặt và tay, ngay lập tức được đưa tới bệnh viện gần đó. Đại sứ quán Mỹ cho hay các vết thương của ông Lippert không đe dọa tới tính mạng và kịch liệt lên án vụ tấn công.
“Vụ việc mới nhất không chỉ là một hành động bạo lực thể chất nhằm vào Đại sứ Mỹ tại Seoul, mà còn là một cuộc tấn công vào liên minh Mỹ-Hàn, điều không thể dung thứ”, ông Ju Chul-ki, thư ký cấp cao của Tổng thống Park Geun-hye về đối ngoại và an ninh quốc gia, dẫn lời bà Park.
Tổng thống Park đang có mặt tại Abu Dhabi, chặng dừng chân thứ 3 trong chuyến công du 4 nước tại khu vực Trung Đông.
Bà Park đã được thông báo về vụ việc ngay sau khi nó xảy ra và bị sốc, ông Ju cho hay.
Tổng thống Park đã gửi lời chia buồn tới gia đình Đại sứ Lippert cũng như chính phủ Mỹ và Tổng thống Barack Obama, ông Ju cho biết, và nói thêm rằng: “Các bước đi cần thiết đang được thực hiện (liên quan tới vụ tấn công), bao gồm một cuộc điều tra kỹ lưỡng và các biện pháp tăng cường an ninh”.
Seoul sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ để giải quyết hậu quả của vụ việc, ông Ju nói.
Hàn Quốc bị sốc sau vụ tấn công
Hàn Quốc đã bày tỏ cú sốc và lấy làm tiếc về vụ tấn công bằng dao nhằm vào Đại sứ Mỹ Mark Lippert, đồng thời cam kết sẽ tăng cường bảo vệ an ninh cho các nhà ngoại giao nước ngoài và các đại sứ quán tại đây.
“Chính phủ không thể kìm nén cú sốc đối với hành động bạo lực nhằm vào Đại sứ Lippert và cảm thấy rất lấy làm tiếc”, Noh Kwang-il, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hàn Quốc, cho biết trong một tuyên bố.
Hành động bạo lực nhằm vào các nhà ngoại giao nước ngoài không bao giờ có thể tha thứ được và chính phủ xem vụ tấn công nhằm vào Đại sứ Mỹ, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc, là nghiêm trọng, ông Noh nói thêm.
Chính phủ sẽ điều tra kỹ lưỡng về vụ tấn công và có hành động nghiêm khắc, phát ngôn viên cho biết, nói thêm rằng “chính phủ sẽ thực hiện tất cả các nỗ lực để đảm bảo sự an toàn cho các nhà ngoại giao nước ngoài và các tòa đại sứ quán”.
Ông Noh cũng gửi lời chia buồn tới gia đình Đại sứ và mong ông mau chóng bình phục.
Các chuyên gia cho rằng vụ tấn công không gây ảnh hưởng tức thì đối với quan hệ Mỹ-Hàn, mặc dù Hàn Quốc lo ngại rằng hình ảnh này bị xấu đi tại Mỹ.
Bộ ngoại giao Hàn Quốc cho hay Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí không để vụ việc trên làm tổn hại tới liên minh giữa hai nước.
Ông Curtis Scaparrotti, tư lệnh các lực lượng chung Mỹ và Hàn Quốc, nói với báo giới rằng cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn, bắt đầu hôm 2/3, sẽ tiếp tục theo kế hoạch.
Cảnh sát cho biết họ sẽ tăng cường an ninh quanh các tòa nhà và các nhân viên liên quan tới Mỹ để ngăn ngừa các vụ tấn công tương tự.
-------------------------
Cuộc khủng hoảng Ukraine: Thoả thuận mong manh
Chỉ trong một tuần vừa qua, giữa nga và ukraine cùng các bên liên quan đã đạt được một số thỏa thuận tích cực. Tuy nhiên, không ai dám chắc các thỏa thuận này sẽ được duy trì trong bao lâu.
Những tín hiệu lành
Trong bối cảnh Ukraine sắp đến hạn trả trước tiền mua khí đốt cho Nga theo hợp đồng, nếu Kiev không thanh toán đúng hạn, Moscow sẽ ngừng cung cấp khí đốt sang Ukraine, gây ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt sang châu Âu; ngày 3/3, một thoả thuận cung cấp khí đốt tới cuối tháng Ba nhằm bảo đảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu giữa Nga và Ukraine được ký kết đã phần nào làm dịu đi căng thẳng trong quan hệ giữa hai quốc gia này.
Thoả thuận không chỉ “đáp ứng nhu cầu về khí đốt tại Ukraine” theo như lời Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng Maros Sefcovic khẳng định mà nó còn giúp EU thở phào nhẹ nhõm khi tránh khỏi kịch bản đã từng xảy ra năm 2009 khiến một bộ phận người dân châu Âu không có khí đốt sưởi ấm ngay giữa tiết trời lạnh giá.
Liên quan việc thực hiện thỏa thuận Minsk, khoảng hai tuần sau khi thoả thuận Minsk II bao gồm 13 điểm chính thức có hiệu lực, những xung đột tại miền đông Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu mà nguy cơ xung đột vũ trang tại Mariupol lại bùng phát.
Nhưng cho tới những ngày đầu tháng Ba đã có sự chuyển biến khi lãnh đạo nhóm Bộ tứ Normandy gồm nguyên thủ các nước Nga, Đức, Pháp, Ukraine đã có cuộc điện đàm hoan nghênh tiến bộ đạt được trong việc tuân thủ lệnh ngừng bắn và quá trình rút vũ khí hạng nặng ở miền đông Ukraine, đồng thời nhấn mạnh các bên cần tiếp tục tuân thủ chặt chẽ lệnh ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc trao đổi tù binh giữa hai bên xung đột ở Ukraine và bảo đảm cứu trợ nhân đạo cho người dân vùng Donbass. Nhóm Bộ tứ sẽ tổ chức cuộc tham vấn cấp Thứ trưởng Ngoại giao vào ngày 6/3 để thảo luận vấn đề phái bộ hòa bình tại Ukraine.
Những dấu hiệu tích cực trong việc ký kết thoả thuận khí đốt và triển khai thoả thuận Minsk II nêu trên cho thấy nỗ lực của các nhà lãnh đạo nhằm đem lại sự ổn định cho miền Đông Ukraine dù cho những gì đạt được đều chỉ là bước đầu còn rất mong manh.
Thoả thuận Minsk vẫn là chìa khoá
Trong các cuộc xung đột đẫm máu đã và đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, các bên liên quan dường như khó có thể đặt niềm tin vào đối phương và dễ dàng bị kích động. Các thoả thuận ngừng bắn bất cứ lúc nào cũng có thể bị vi phạm thậm chí bị phá bỏ nếu một trong các bên có động thái tỏ ra không thiện chí.
Tuy nhiên, các lệnh ngừng bắn lại luôn là bước khởi đầu cần thiết để tiến tới thiết lập một nền hoà bình lâu dài hơn, là chiếc chìa khoá cho bất cứ cuộc giao tranh đẫm máu nào. Trong trường hợp của Ukraine hiện nay, chiếc chìa khoá ấy chính là thoả thuận Minsk II.
“Nếu thỏa thuận Minsk được triển khai, tôi chắc rằng tình hình sẽ dần trở lại bình thường. Không ai cần xung đột, đặc biệt là xung đột vũ trang”, lời nhận định của Tổng thống Putin trong cuộc phỏng vấn trên kênh Russia-1.
Thoả thuận Minsk II kể từ khi có hiệu lực từ ngày 15/2 đã nhen nhóm những dấu hiệu tích cực. Nhưng chiếc chìa khoá này có thể mở ra một cánh cửa mới cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine hay không còn phụ thuộc vào nhận thức của hai bên như thế nào về những lợi ích mà thoả thuận này mang lại dẫn tới những thái độ và động thái hợp tác nhiều hơn.
Trước hết, các điều khoản của Minsk II có nhiều điểm có lợi cho Nga. Quân đội Nga mạnh hơn nhiều so với của Ukraine, còn phương Tây thì không sẵn sàng dùng quân sự để giúp Ukraine thay đổi cán cân đó.
Không có gì ngạc nhiên khi Minsk II không nhằm trực tiếp vào việc phục hồi toàn vẹn lãnh thổ Ukraine mà yêu cầu đưa biên giới trở về tay chính phủ Kiev với điều kiện Kiev phải tiến hành những cải cách Hiến pháp. Ukraine phải lựa chọn chấp nhận hoặc lãnh thổ ly khai kiểm soát sẽ ngày càng bị nới rộng hoặc chấp nhận một Hiến pháp mới mà theo đó Nga sẽ vẫn có một tầm ảnh hưởng đáng kể đối với tương lai của Kiev.
Dù thế nào đi nữa, Nga vẫn cứ đạt được mục tiêu đưa Ukraine quay trở lại phạm vi ảnh hưởng của mình.
Nhưng mặt khác, thoả thuận này cũng đem lại nhiều cái lợi cho Ukraine hơn là tiếp tục giao tranh. Rõ ràng, cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng khiến cho Nga gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là nền kinh tế Nga đang bị tổn thất nặng nề do giá dầu giảm.
Nếu thoả thuận Minsk II có hiệu quả, Ukraine có thể tái tập trung năng lượng vào việc giải quyết những thách thức lớn nhất trong nước, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng các tổ chức nhà nước phù hợp. Ukraine chỉ có thể đối đầu với Nga khi thực lực của quốc gia này được củng cố hơn.
Ít nhất thì sự “có lợi cho các bên” mà thỏa thuận Minsk mang lại vẫn đang là niềm hy vọng đem tới sự ổn định cho miền Đông Ukraine. Tất nhiên, để duy trì nó đòi hỏi nhiều kiềm chế, kiên nhẫn và nỗ lực hơn nữa từ các bên liên quan.
----------------------
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bị gọi hầu tòa
Ngày 4/3, một Ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát đã gửi trát hầu tòa yêu cầu cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phải cung cấp tất cả các thư điện tử cá nhân trong thời gian đương nhiệm (2009 - 2013).
Đây được cho là động thái nhằm hạ uy tín của nữ chính trị gia này trước thời điểm diễn ra cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Trát hầu tòa được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban đặc biệt của Hạ viện Mỹ đang tiến hành điều tra vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Lybia hồi tháng 9/2012 làm Đại sứ Mỹ cùng 3 quan chức ngoại giao dưới quyền thiệt mạng.
"Trong vòng hai tuần, bà Hillary sẽ phải giao nộp mọi thông tin trong hòm thư điện tử liên quan đến vụ việc tại Lybia khi bà đang giữ chức ngoại trưởng vào thời điểm đó", Giám đốc truyền thông của Ủy ban điều tra Jamal Ware cho biết.
Ngoài việc "chĩa mũi dùi" vào bà Hillary, Ủy ban điều tra cũng yêu cầu tất cả các cá nhân liên quan khác phải cung cấp những thông tin cần thiết, đồng thời đề nghị các công ty Internet bảo mật mọi tài liệu liên quan đến cuộc điều tra.
Trước đó, hàng loạt tờ báo Mỹ đã cho đăng tải thông tin về việc bà Hillary đã dùng tài khoản cá nhân để xử lý việc công trong suốt 4 năm giữ cương vị Ngoại trưởng Mỹ, thay vì phải dùng tài khoản email chính thức do chính phủ cấp theo luật định.
Tờ New York Times cho rằng nữ chính khách này có thể đã vi phạm Luật dự trữ liên bang vì hành động trên.
Tờ báo cũng cho biết trợ lý của bà Hillary không hề có các biện pháp bảo mật email của bà Hillary trong hệ thống máy chủ của Bộ Ngoại giao Mỹ, một yêu cầu bắt buộc trong Luật dự trữ liên bang.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã lên tiếng bảo vệ bà Hillary.
“Không hề có điều khoản nào cấm sử dụng tài khoản cá nhân để xử lý các công việc chính phủ, miễn là mọi thông tin đều được bảo mật”, bà Marie Harf khẳng định.
Các nhà lập pháp Mỹ và những người trung thành với đảng Dân chủ cũng cố gắng chứng minh hành động của bà Hillary không có gì bất bình thường.
Theo họ, một trong những người tiền nhiệm của bà Hillary là ông Colin Powell cũng từng dùng tài khoản email cá nhân để xử lý việc công. Hay cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng không dùng tài khoản chính thức trong thời gian đương chức của mình.
Bà Hillary chưa đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến vụ việc.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định vụ việc có thể khiến nữ chính khách này gặp nhiều khó khăn và thách thức khi tham gia tranh cử vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 2016.
Bà Hillary đang được coi là ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc bầu chọn vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ vào năm tới, thay Tổng thống Barack Obama sau hai nhiệm kỳ liên tiếp làm ông chủ Nhà Trắng.
----------------------