Kiến nghị tịch thu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy nếu vi phạm nồng độ cồn và điều khiển xe đi vào đường cao tốc của Ủy ban ATGT Quốc gia đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều về tính pháp lý, tính răn đe, hiệu ứng xã hội...
Có tính giáo dục hay “nặng” cưỡng chế?
Trao đổi với PVDân trí Luật sư Lưu Văn Quang - Công ty Luật Nelson và Cộng sự - cho rằng, biện pháp xử lý là tịch thu phương tiện có thể là biện pháp khả thi và có thể có hiệu quả cao, nhưng để đưa biện pháp này vào thực tế thì chính những người ban hành phải xem xét dưới nhiều góc độ, nhằm đảm bảo được quyền lợi của người dân đi đôi với mục đích của nhà quản lý.
Nói về góc độ pháp lý, Luật sư Quang nhấn mạnh đến việc ban hành các quy định về tịch thu xe phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hợp pháp. Hợp pháp đây được hiểu là các văn bản pháp luật được ban hành đúng thẩm quyền, các nội dung của văn bản đó không trái với các quy định đã ban hành, việc áp dụng các quy định xử phạt phải phù hợp với hiến pháp và pháp luật...
“Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải - trực tiếp ở đây là các vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ được áp dụng theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật giao thông đường bộ năm 2008; và trực tiếp nhất là Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, các phương tiện là mô tô, xe gắn máy đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều” đều không phải chịu chế tài là tịch thu phương tiện”. Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định, quy định xử phạt... cũng không áp dụng việc tịch thu phương tiện của người tham gia giao thông vi phạm" - Luật sư Quang dẫn chứng.
Do vậy, vấn đề đặt ra là muốn đưa các quy định về tịch thu xe phải được luật hóa. Điều này đồng nghĩa với việc sửa đổi toàn bộ các văn bản có liên quan trước khi quy định đó được thi hành. Đây là một vấn đề phức tạp với nhiều thủ tục trình tự và do nhiều cơ quan ban hành chứ không chỉ đơn thuần là một văn bản do một cơ quan quản lý trực tiếp ban hành và thực thi.
Đề cập tới góc độ đời sống xã hội, theo Luật sư Quang, ở nước ta, mô tô, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chiếm đa số, nó không đơn thuần chỉ là phương tiện di chuyển, đi lại mà nó còn là phương tiện mưu sinh kiếm sống của rất nhiều người dân. Việc tịch thu xe rồi thực hiện đấu giá để sung công quỹ nhà nước đối với các trường hợp đương nhiên phải thu là một lẽ khác, còn đối với những trường hợp không cố ý hoặc vi phạm lần đầu thì có quá nghiêm khắc không?
“Tịch thu xe liệu đã có tính chất giáo dục không hay đơn thuần chỉ mang tính cưỡng chế? Tất nhiên an toàn phải là trên hết, nhưng pháp luật cũng phải nhìn nhận ở góc độ đạo đức, nếu chỉ vì để hạn chế tai nạn giao thông mà tước đoạt cả một gia tài hay phượng tiện nuôi sống gia đình họ thì có nên hay không? Hoặc nếu xe ô tô bị tịch thu là xe mượn. Người mượn lái xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định thì không thể bắt người cho mượn xe chịu trách nhiệm liên đới, tức là chỉ có thể phạt người vi phạm chứ không thể phạt người không vi phạm (chủ xe).
Mặt khác, trong mỗi quy định về xử phạt hiện hành đều có quy định về mức độ xử phạt khác nhau nhằm cá thể hóa từng vụ việc, từng hành vi nhất định nhằm đưa ra mức hình phạt có tính chất đúng người, đúng sai phạm, mang tính răn đe giáo dục. Nếu như cứ quy định vi phạm là tịch thu thì cũng lại làm khó người dân và khó cho chính nhà quản lý” - Luật sư Quang phân tích.
Theo vị Luật sư này, đây là vi phạm hành chính và xử phạt hành chính nên nếu tăng nặng mức tiền phạt theo hướng tăng chế tài xử phạt, tăng thời gian tước giấy phép lái xe hoặc cấm lái xe trong một thời gian nhất định thì hiệu quả xử lý vi phạm sẽ tốt hơn là áp dụng biện pháp tịch thu xe. Nếu quyết tâm áp dụng biện pháp tịch thu xe thì cơ quan kiến nghị phải nghiên cứu kỹ nhằm đảm bảo tính chất răn đe, đồng thời giải pháp như đề xuất phải được luật hóa nhằm tránh việc quy định chưa đi vào thực thi đã bị “tuýt còi”.
Ở nhiều nước, lái xe vi phạm nồng độ cồn bị phạt tù
Nêu quan điểm về biện pháp tịch thu phương tiện, Tiến sĩ Trần Hữu Minh - Chuyên gia đánh giá tác động giao thông vận tải, Trường ĐH Giao thông Vận tải - cho biết, ý thức nói chung và ý thức hành vi tham gia giao thông nói riêng đến từ nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là giáo dục và sự nghiêm minh của pháp luật. Hai yếu tố này phải cùng tồn tại. Chỉ giáo dục tuyên truyền thôi sẽ không bao giờ đủ, vì nếu làm sai mà không bị xử lý thì sẽ có rất nhiều trường hợp vi phạm.
“Cần nhấn mạnh rằng, trong một hệ thống tốt, giáo dục tuyên truyền phải đi trước một cách hiệu quả và sâu rộng, khi thông điệp thông tin đã đến được với từng người dân mà vẫn xảy ra vi phạm thì đó là thời điểm thích hợp để cơ quan quản lý triển khai nghiêm khắc xử lý vi phạm. Bởi vậy lộ trình triển khai cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng” - ông Minh cho hay.
Ông Minh cho rằng, giải pháp trên có thể phát huy tối đa hiệu quả khi phối hợp với một loạt các giải pháp khác như: Phát triển hệ dữ liệu quốc gia về vi phạm an toàn giao thông, phát triển thị trường bảo hiểm: liên kết với hệ dữ liệu vi phạm an toàn giao thông, tăng mức bảo hiểm đáng kể với những người vi phạm, phối hợp đối chiếu với kiểm định kỹ thuật với toàn bộ xe cơ giới và quá trình đóng phí bảo trì.
Kinh nghiệm trên thế giới trong vấn đề này là cần tách bạch rõ ràng hai phạm trù người sở hữu và người sử dụng, thể chế hóa trách nhiệm của từng đối tượng (nếu cần) sẽ giúp làm rõ tính pháp lý của giải pháp.
Hiệu ứng xã hội phụ thuộc vào việc giải pháp sẽ được tiến hành như thế nào, nếu công tác truyền thông tốt, sâu rộng đến được với từng người dân, có lộ trình hợp lý (tuyên truyền - xử phạt điển hình - truyền thông - xử phạt nghiêm), và cung cấp được những trường hợp sai phạm đầu tiên đến với đông đảo công chúng, chắc chắn giải pháp sẽ có tác động sâu rộng tích cực trong xã hội.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Minh, nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Anh... xử phạt rất nặng trường hợp vi phạm nồng độ cồn quá mức cho phép, thậm chí là bị phạt tù.
Cụ thể như tại Anh Quốc, nếu bị phát hiện điều khiển phương tiện với nồng độ cồn quá mức cho phép thì mức phạt có thể lên tới 6 tháng tù giam, đóng 5.000 bảng và bị cấm lái xe trong vòng 1 năm. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng uống rượu bia lái xe dẫn đến chết người, mức phạt có thể lên tới 14 năm tù giam, phạt tiền không giới hạn (các công ty bảo hiểm phải trả), cấm lái xe từ 2 năm đến vĩnh viễn, và phải trải qua một cuộc sát hạch rất nghiêm khắc và chặt chẽ hơn bài kiểm tra lái tiêu chuẩn để có thể lấy lại bằng lái xe.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho biết: “Trong Nghị định 171 không quy định tịch thu phương tiện nên chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định để có cơ sở thực hiện biện pháp này.
Chúng ta đã tuyên truyền rất nhiều nhưng nhiều người ý thức tham gia giao thông không cao nên vẫn vi phạm và hậu quả đáng tiếc là xảy ra tai nạn giao thông gây chết người, vì thế cần một biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để xử lý nghiêm tình trạng vi phạm và ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông”.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh, biện pháp tịch thu phương tiện thể hiện thông điệp giáo dục và đảm bảo an toàn tính mạng cho người điều khiển phương tiện. Bởi, sự thiệt hại về tính mạng con người là điều có thể nhìn thấy nếu cố tình tham gia giao thông trên đường cấm (xe máy đi vào đường cao tốc) và điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia. Biện pháp tịch thu phương tiện cũng là sự cảnh báo nguy hiểm và nâng cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông của người tham gia giao thông...
----------------------
Sẽ không có 'vùng cấm' trong điều tra, xử lý 'than tặc'
Mặc dù đã có nhiều giải pháp tích cực và sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương, tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt là từ sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, tình trạng khai thác than trái phép ở một số địa bàn của tỉnh Quảng Ninh lại tiếp tục bùng phát với tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn.
Huy động cả dàn xe vận tải cỡ lớn chở than trái phép
Cảng Đôi Cây thuộc dự án Khu đô thị Hà Khánh D, phường Hà Khánh, TP Hạ Long, từ lâu được biết đến là một trong những điểm chuyên tập kết và tiêu thụ than trái phép thuộc TP Hạ Long. Nơi đây có vị trí thuận lợi, ít người qua lại, nằm sát bờ biển, mặt bằng rộng và rất gần khai trường khai thác than của các Công ty Than Hà Tu, Than Hòn Gai và các tụ điểm khai thác than trái phép của Huyện Hoành Bồ, TP Hạ Long và khu vực phía Tây Cẩm Phả.
Vào khoảng 1h ngày 3/3, trên con đường vào cảng, tổ công tác của UBND TP Hạ Long cùng với các lực lượng Công an thành phố, Ban Chỉ huy Quân sự TP Hạ Long đã phối hợp kiểm tra, bắt giữ 9 chiếc xe tải loại lớn, trong đó có 6 xe chở đầy than với tổng khối lượng là 142,81m3, 3 xe còn lại vừa đổ than từ cảng Đôi Cây đang trên đường quay ra.
Điều đáng chú ý, các xe bị bắt giữ đều là xe có trọng tải từ 20-30 tấn của nhiều chủ, mang tên của nhiều công ty khác nhau, trong đó có những xe in logo của một số công ty thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Tổ công tác tiếp tục kiểm tra tại khu bãi đất thuộc cảng Đôi Cây, cách nơi bắt giữ các xe chở than khoảng 400m, đã phát hiện 2 đống than lớn có tổng khối lượng là 482,37m3 và 3 máy xúc, 1 ôtô 4 chỗ. Như vậy, tổng số than thu được tại các xe và trong khu vực cảng là 625,18m3, với tổng trọng lượng lên tới trên 700 tấn.
Tại thời điểm kiểm tra, các lái xe và đối tượng đi theo xe đều không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc và số lượng than chở trên xe, Công an thành phố Hạ Long đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ phương tiện cùng tang vật là số than chở trên xe và số lượng than tại các bãi than trong khu vực cảng.
Cùng với việc tạm giữ các tang chứng, vật chứng, lực lượng Công an cũng đã tạm giữ 13 xe ôtô, máy xúc, 11 lái xe và 2 đối tượng đi theo xe để phục vụ cho công tác điều tra. Đồng thời, yêu cầu Công ty Than Hòn Gai tạm đình chỉ công tác đối với 1 phó giám đốc công ty, 1 tổ trưởng và 2 nhân viên bảo vệ thuộc Xí Nghiệp Than 917, Công ty Than Hòn Gai, là những đối tượng bước đầu được xác định là có trách nhiệm liên quan trong vụ án.
Kiên quyết bịt mọi “lỗ hổng”
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an TP Hạ Long đã tiến hành khởi tố vụ án về hành vi “Vi phạm các qui định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” tại Điều 172 Bộ luật Hình sự.
Theo báo cáo của Công an thành phố, khai nhận ban đầu của các lái xe cho biết, số than bị bắt giữ trên được các đối tượng vận chuyển trong đêm 2/3, rạng sáng 3/3 từ khu vực Đồng Ho (huyện Hoành Bồ) 1 chuyến và 10 chuyến từ khu vực xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ, số còn lại đều vận chuyển từ khu vực khai trường của Xí nghiệp Than 917, thuộc phường Hà Khánh, TP Hạ Long.
Sáng 4/3, có mặt tại khu vực khai trường của Xí nghiệp Than 917, Công ty Than Hòn Gai, chúng tôi nhận thấy, ngay tại cổng vào khai trường của Xí nghiệp Than 917 có 2 trạm gác của lực lượng bảo vệ mỏ, ở mỗi trạm gác đều có người làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, một số người dân quanh khu vực các trạm kiểm soát này cho biết, vào ban đêm, cần barie của các trạm gác vẫn mở bình thường để các xe tải chở than đi qua, dường như không hề có kiểm soát. Ngoài xe tải, còn có rất nhiều xe máy cũng chở than từ trong phía khai trường đi ra, sau đó rẽ vào đổ than tại các bãi than tư nhân trong khu dân cư.
Như vậy, có thể thấy, việc tổ chức khai thác, vận chuyển than trái phép ở đây vào những ngày đầu năm 2015 này đã có đã có những phương thức hoạt động trắng trợn và nghiêm trọng hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Công an nhân dân vào sáng 4/3, ông Phạm Văn Thi, Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Hòn Gai cho biết, việc xác định nguồn gốc số than bị bắt giữ vào rạng sáng 3/3 còn phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra, nhưng để khẳng định than của Xí nghiệp Than 917 có trong những xe bị bắt giữ là không có cơ sở và khó có thể xảy ra. Đây cũng là nội dung trả lời các cơ quan báo chí của Giám đốc Công ty Than Hòn Gai vào chiều 3/3.
Như vậy, việc xác định rõ có hay không việc bắt tay giữa các đối tượng để tuồn than từ “trong” ra “ngoài” còn chờ vào kết luận chính thức của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, để “bịt” những lỗ hổng trong công tác đấu tranh, quản lý, chống khai thác than trái phép trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo kiên quyết trên tinh thần không có “vùng cấm” trong công tác điều tra, xử lý.
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan tư pháp của tỉnh và Công ty Than Hòn Gai được tổ chức chiều 4/3, Thiếu tướng Vũ Chí Thực, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo điều tra, làm rõ vụ việc, nếu cần thiết sẽ mời cơ quan điều tra của Bộ Công an vào cuộc để đảm bảo tính khách quan. Quảng Ninh sẽ tập trung lực lượng cao nhất để lập lại trật tự trong vận chuyển, kinh doanh, chế biến và khai thác than trên địa bàn.
Tại buổi họp báo do UBND thành phố Hạ Long, Sở TTTT Quảng Ninh và Ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức vào chiều 4/3, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, bước đầu đã xác định phần lớn số than bị bắt giữ được vận chuyển từ trong khu vực khai trường đang khai thác của Xí nghiệp 917, Công ty Than Hòn Gai ra ngoài.
Theo qui định, tại các khai trường đang khai thác của các đơn vị trong ngành Than, việc bảo vệ phải được tăng cường giám sát, tuyệt đối không để người và các phương tiện từ bên ngoài vào hoạt động. Việc để hàng trăm tấn than từ trong khai trường ra ngoài, trách nhiệm trước hết thuộc về Xí nghiệp 917, Công ty Than Hòn Gai.
------------------------