ASEAN và Trung Quốc sắp thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và các nhà ngoại giao ASEAN sẽ gặp gỡ tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) vào cuối tháng 10.2014 để thảo luận về việc thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tổ chức Cuộc họp các quan chức cấp cao lần thứ 8 về việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) tại Thái Lan từ ngày 28-29.10, Tân Hoa xã dẫn lời nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 23.10 cho biết.
Các bên sẽ thảo luận về việc thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, xúc tiến hợp tác hàng hải và thiết lập COC trong khuôn khổ DOC, bà Hoa cho hay.
Trước cuộc họp ở Bangkok, Trung Quốc và ASEAN sẽ tổ chức cuộc họp của Nhóm làm việc chung lần thứ 12 về việc thực hiện DOC, theo bà Hoa.
-------------------------
Hàn Quốc hạ thủy tàu hộ vệ thế hệ mới
Hải quân Hàn Quốc hôm nay 23.10 hạ thủy một tàu hộ vệ mới 2.300 tấn mang tên Chungbuk tại thành phố Changwon, miền nam nước này.
Hãng tin Yonhap dẫn thông báo từ Hải quân Hàn Quốc cho hay tàu Chungbuk có chiều dài 114 m, vận tốc tối đa 55,5 km/giờ và có thể chở 120 quân nhân.
Tàu được trang bị radar quét 3 chiều, hệ thống phát hiện ngư lôi cùng tên lửa chống máy bay và chống tàu. Chungbuk sẽ chính thức gia nhập hạm đội của Hải quân Hàn Quốc vào năm 2016.
Đây là chiếc thứ 5 trong dự án của Hải quân Hàn Quốc đóng 20 tàu hộ tống thế hệ mới tới năm 2020. Chiếc đầu tiên mang tên Incheon được hạ thủy hồi năm 2011.
Loại tàu hộ vệ mới được cho là sẽ thay thế các khinh hạm lớp Pohang và tàu hộ vệ lớp Ulsan “đang lão hóa” của Hàn Quốc để thực hiện nhiều sứ mệnh như tuần tra, chống tàu ngầm…
-------------------------
Kim Jong-un cho xử tử 12 quan chức Triều Tiên?
Theo báo Nhật Bản Sankei Shimbun, trong thời gian dưỡng bệnh vừa qua, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã cho hành quyết 12 quan chức giữ các chức vụ cao.
Theo báo Sankei Shimbun, bắt đầu từ ngày 6-10, Triều Tiên liên tục hành quyết 12 quan chức nước này, bao gồm 10 quan chức tình báo và hai bí thư của đảng Lao Động Triều Tiên.
Tờ báo dẫn nguồn tin nội bộ cho biết các vụ xử bắn ngày 6-10 diễn ra ở một trường quân sự ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng. Các đặc vụ thuộc cục An ninh quốc gia đã hành hình 10 người, trong đó có quan chức thuộc trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên.
Ngày 11-10, Triều Tiên hành hình tiếp 2 quan chức khác thuộc thành phố Haeju (tỉnh Hwanghae-namdo).
Nguồn tin giấu tên còn tiết lộ việc hành quyết này nối tiếp như sự kiện lãnh đạo Kim Jong-un cho hành quyết dượng của mình là Jang Song-thaek hồi tháng 12-2013. Những người bị hành quyết lần này cũng có tội danh tương tự ông Jang.
Nguồn tin trên còn tiết lộ rằng, trong thời gian qua, Triều Tiên đã mua nhiều thiết bị nghe lén từ Đức nhằm theo dõi nhiều quan chức chính quyền.
Để minh chứng cho thông tin lần này, nguồn tin của báo Nhật cho biết vào tháng 6-2012, lãnh đạo Kim Jong-un đã từng “biến mất” trong 23 ngày. Trong thời gian đó ông Ri Yong-ho - tổng tham mưu trưởng kỳ cựu của quân đội Triều Tiên - bị cách chức.
Theo tờ báo Nhật, hai cựu lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il cũng từng có những động thái tương tự khi còn nắm quyền.
Do đó, khoảng thời gian 40 ngày mà lãnh đạo Kim Jong-un biến mất rất có thể nhằm mục đích dưỡng bệnh và củng cố quyền lực của chính quyền.
-------------------------
Trung Quốc đẩy mạnh tham vọng quyền lực trên vũ trụ
Trong hôm nay (23/10) hoặc ngày mai, Trung Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ không người lái lên quỹ đạo Mặt trăng. Họ đặt mục tiêu đặt chân lên mặt trăng vào năm 2017.
Theo Tân Hoa Xã, dự án phóng tàu lên quỹ đạo mặt trăng này hiện vẫn chưa được tiết lộ tên và chính xác giờ phóng. Nhưng đây hứa hẹn là một bước tiến mới của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc. Lần đầu tiên, họ sẽ đưa tàu lên quỹ đạo mặt trăng và quay trở về Trái đất.
Đây là một phần trong dự án Chang'e-5, dự án đưa tàu lên bề mặt Mặt trăng vào năm 2017. Các công nghệ ứng dụng trong lần phóng tàu này sẽ phục vụ cho mục đích đưa tàu Trung Quốc hạ cánh an toàn xuống vệ tinh của Trái đất.
Trung Quốc đã từng đưa được tàu hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng vào năm ngoái, và là nước thứ 3 trong lịch sử làm được điều này, sau Liên Xô và Mỹ. Nhật Bản và Ấn Độ đều mới chỉ dừng lại ở mức cho tàu bay vòng quanh quỹ đạo và tự hủy bằng cách rơi xuống Mặt trăng.
Các nguồn tin từ Mỹ khẳng định rằng các chương trình vũ trụ của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho khoa học. Mỹ tin rằng Trung Quốc đang phát triển vũ khí không gian, với các tên lửa có khả năng bắn hạ vệ tinh từ mặt đất và các vệ tinh có khả năng tấn công các vệ tinh khác.
Năm 2007, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tên lửa có khả năng bắn hạ vệ tinh trên quỹ đạo.
Cuộc cạnh tranh trên không gian hiện đang là "chiếc bánh" của 3 nước Trung Quốc, Nga và Mỹ. Các nhà phân tích thậm chí đã đề ra khả năng những nước này có thể phát triển được các tên lửa "lai" với vệ tinh, bay quanh quỹ đạo rồi sau đó tự phóng xuống địa điểm được ấn định.
Có một điều đáng lưu ý là Trung Quốc và Nga đều tỏ ra rất hăng hái trong việc đề xuất hiệp định cấm phát triển vũ khí không gian - một thứ mà phía Mỹ ra sức phản đối, cho rằng để "cầm chân" họ trong khi hai nước này theo đuổi các dự án bí mật.
-------------------------
Liên quân “xa luân chiến”, nhiều phiến quân IS bị tiêu diệt
Theo người dân địa phương chia sẻ với Reuters, các loạt bom đã dội xuống vào sáng sớm ngày 22.10 nhằm vào thị trấn al-Siniya, phía tây thành phố Baiji-một thành phố chiến lược liền kề nhà máy lọc dầu lớn nhất nhất đất nước, một phần trong nỗ lực đa quốc gia để ngăn chặn bước tiến của tổ chức Hồi giáo cực đoan nguy hiểm nhất hiện nay.
Các xe tăng và xe bọc thép của quân đội Iraq trong cùng ngày cũng chiến đấu ngăn chặn bước tiến của IS ở thị trấn Amiriya Fallujah -khu vực chịu sự bao vây của IS trong tháng này và là thị trấn cuối cùng mà lực lượng chính phủ còn kiểm soát- các nguồn tin quân sự cho hay.
Các binh sĩ đã phá hủy 5 xe vận tải của lực lượng phiến quân theo một nguồn tin an ninh. Hiện chưa có báo cáo về thương vong trong cuộc đối đầu này nhưng bước tiến của phiến quân dường như đã bị ngăn chặn.
Các nguồn tin trên cho biết thêm, khoảng 400 binh lính được tập hợp ở các thị trấn Fallujah và Karma từ trước đó, gia tăng áp lực lên sườn phía tây của thủ đô.
Một trận chiến khác nổ ra ở xung quanh khu vực thị trấn Hit, phía tây tỉnh Anbar, bị IS chiếm giữ từ đầu tháng 10, nhưng chưa rõ kết quả ra sao.
Mỹ và các quốc gia trong liên minh quân sự chống IS đã nhiều lần dội bom vào các cứ điểm của nhóm thánh chiến người Sunni tại Iraq, bao gồm cả khu vực Fallujah trong ngày 22.10 và các nền quân chủ ở vùng Vịnh cũng tham gia các cuộc không kích chống lại IS ở Syria bắt đầu từ tháng trước.
-------------------------