Chế định của nhà nước về quyền lực hóa con dấu của doanh nghiệp đã tạo nên văn hóa tôn sùng con dấu mà bỏ qua việc xem xét bản chất của giao dịch.
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là một điển hình của việc chỉ xem xét đến yếu tố hình thức trong giao dịch mà bỏ qua những suy xét thấu đáo về hoạt động kinh doanh.
Con dấu "siêu quyền lực"
Con dấu biểu hiện cho quyền lực của nhà nước đã tồn tại rất lâu ở Việt Nam và nhiều nước khác. Hệ thống quan lại trong xã hội phong kiến sử dụng con dấu nhằm bảo đảm tính xác thực của văn bản; khẳng định quyền chủ sở hữu của văn bản và xác định niên đại văn bản.
Tư duy này được kế tục cho đến ngày nay khi mà con dấu “thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước”.
Con dấu được dùng trong DN kể từ khi chúng ta giành được chính quyền. Lúc đó, chủ yếu là DN nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế “theo chỉ tiêu pháp lệnh”. Hợp đồng kinh tế được coi là một văn bản có tính mệnh lệnh nhà nước nên phải đóng dấu của các cơ quan, xí nghiệp. Khi nền kinh tế chuyển đổi từ kế hoạch hóa với một thành phần kinh tế nhà nước sang nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động của DN đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Địa vị pháp lý ngang bằng nhau nhưng chế định về con dấu của DN vẫn không có những thay đổi cho phù hợp.
Nhìn ở khía cạnh văn hóa, việc dùng con dấu mang tính bắt buộc trong các giao dịch của DN là không tôn trọng doanh nhân tham gia vào các giao dịch đó khi mà chữ ký, hành vi của họ bị xem nhẹ. Con dấu từ một công cụ hỗ trợ con người lại trở nên thành một quyền lực áp đặt con người.
Không bắt buộc dùng con dấu
Trên thế giới, nhiều quốc gia theo hệ thống thông luật “án lệ” không quy định DN bắt buộc phải sử dụng và đăng ký con dấu, như ở Vương quốc Anh (một trong những quốc gia sử dụng con dấu trong giao dịch từ xa xưa), Hoa Kỳ, Ấn độ, Úc, Ireland, Hong kong, Malaysia, Singapore.
Con dấu tại các quốc gia này chỉ là một công cụ giúp cho DN xác thực vào văn bản thuận tiện hơn, như không phải trực tiếp ký trong những trường hợp chứng nhận bản sao của DN. Cơ quan tòa án khi xét xử chỉ xác định giá trị pháp lý của giao dịch là DN có ý chí tham gia hay không thông qua nội dung hợp đồng và cam kết của các cá nhân.
Tòa án không xem xét đến hợp đồng đó có đóng dấu DN hay không.
Tại các nước theo hệ thống dân luật, như Pháp, Đức, Bra-xin cũng không còn đòi hỏi DN buộc phải có con dấu. Một số DN chọn việc dùng dấu để thuận tiện trong việc phát hành cổ phiếu, chứng nhận vào các văn bản do DN phát hành. Tương tự như ở các nước án lệ, tòa án tại các quốc gia này cũng chỉ xem xét đến nội dung hợp đồng, bản chất của giao dịch mà không quan tâm tới yếu tố hợp đồng có được đóng dấu hay không.
Rà soát quy định pháp luật ở các quốc gia nêu trên, không thấy có quy định nào buộc DN phải dùng con dấu hay hạn chế DN chỉ có một con dấu. Con dấu là một lựa chọn của DN, có giá trị như một dấu hiệu nhận biết của DN.
Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đang là phương thức kinh doanh phổ biến và phát triển trên thế giới. Chữ ký điện tử, chứng thực số đang là những biện pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm tính chính xác của thông tin. Tòa án sẽ xem xét bản chất của giao dịch thông qua các hành vi của thương nhân hơn là các điều kiện về hình thức.
Ở VN, giao dịch TMĐT cũng đang trên đà phát triển. Các DN Việt đang cố gắng tham gia vào thị trường toàn cầu. DN Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn về vốn, công nghệ, kinh nghiệm thị trường và cả những khó khăn về thủ tục hành chính trong đó có chế định về con dấu.
Pháp luật VN hiện nay quy định con dấu “thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước. Việc đóng dấu vào các loại văn bản giấy tờ phải theo đúng quy định của pháp luật. Con dấu phải được để tại trụ sở cơ quan, tổ chức và phải được quản lý chặt chẽ và chỉ được sử dụng một con dấu” đã gây rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh".
Do quy định nêu trên, mọi văn bản giấy tờ của DN đều phải được đóng dấu trong khi DN chỉ có một con dấu và phải để tại trụ sở cơ quan. Mọi văn bản được tập trung tại một địa điểm để đóng dấu sẽ không thuận tiện cho những DN có nhiều địa điểm kinh doanh, sản xuất khác nhau.
Đã có trường hợp, một DN có trụ sở chính để giao dịch tại trung tâm Hà Nội nhưng nhà máy lại ở một KCN ngoại thành. Các hoá đơn, phiếu xuất kho, phiếu biên nhận hàng hóa giao dịch thường xuyên tại nhà máy nhưng ở trụ sở chính cũng có nhiều các thư từ, hợp đồng cần đóng dấu để giao dịch. Dẫn đến DN phải thường xuyên vận chuyển con dấu từ nơi này sang nơi khác để đóng dấu. Việc này tác động vào chi phí kinh doanh và gây phiền toái đáng kể. Phương án đóng dấu khống lên các văn bản, giấy tờ được một số DN lựa chọn nhưng lại là một giải pháp đầy rủi ro pháp lý. Việc chỉ có một con dấu cũng gây khó khăn cho các DN ký kết hợp đồng ở ngoài trụ sở, như ký ở nước ngoài.
Chế định của nhà nước về quyền lực hóa con dấu của DN đã tạo nên văn hóa tôn sùng con dấu mà bỏ qua việc xem xét bản chất của giao dịch. Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là một điển hình của việc chỉ xem xét đến yếu tố hình thức trong giao dịch mà bỏ qua những suy xét thấu đáo về hoạt động kinh doanh khi Huyền Như đã làm giả tới 8 con dấu đóng vào các giấy tờ để chiếm đoạt đến 4.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tranh chấp nội bộ, một cá nhân đã chiếm đoạt con dấu của DN dẫn đến tê liệt kinh doanh. Điển hình như các vụ án của Công ty cổ phần thương mại Đay Sài Gòn, Công ty cổ phần Hữu Nghị, ĐH Hùng Vương… Con dấu từ một công cụ hỗ trợ hoạt động của DN đã trở nên một chế định ràng buộc và tạo rủi ro.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng chưa nên loại bỏ hoàn toàn con dấu trong hoạt động DN hiện nay như một số ý kiến.
Việc loại bỏ hoàn toàn con dấu thì lại trở nên một hành vi cấm đoán hoạt động của DN. Một số các giao dịch của DN mang tính thường xuyên, như giấy giới thiệu, giấy ủy quyền, giấy mời họp, cổ phiếu… vẫn cần đến tính xác thực của con dấu để đơn giản thủ tục ủy quyền nội bộ, chứng nhận giấy tờ.
Hãy để DN được lựa chọn, quyết định việc sử dụng con dấu, mẫu dấu, số lượng con dấu và tính pháp lý về con dấu của mình thông qua điều lệ của DN.
Con dấu không phải là “thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ” mà khi đó hoàn toàn là công cụ để xác định dấu hiệu nhận biết của DN, như biểu trưng (logo), tên DN, nhãn hiệu hàng hóa... Nếu thay đổi như vậy, người dân, DN sẽ tự chủ động trong việc xem xét bản chất pháp lý của giao dịch và con dấu thay vì chỉ trông cậy vào con dấu.
Đề xuất này mong được chấp nhận khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này để DN hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam được tương tự như ở các môi trường kinh doanh khác.
------------------------
Điều tra bổ sung vụ Cát Tường có sáng tỏ mọi điều?
Cáo trạng lần này, VKS đã đưa vào khá nhiều nội dung về các phần trả lời của Sở Y tế Hà Nội và kết luận của Phòng kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội...
Sở Y tế Hà Nội nói gì?
Ngày 14/4, TAND TP Hà Nội đưa vụ án TMV Cát Tường ra xét xử. Trong phần trả lời thẩm vấn, bác sỹ Tường khai: "Bị cáo hút mỡ nạn nhân ra vào khoảng 11 xi lanh, loại xi lanh 50ml. Quá trình hút mỡ kéo dài từ 1-2 tiếng.
Xi lanh hút trước, mỡ sẽ lắng xuống, dịch ở trên. Bị cáo bỏ phần dịch đi. Bị cáo có học và cập nhật liên tục các kiến thức của các chuyên gia Hàn Quốc thì chỉ cần chờ cho mỡ lắng xuống là có thể dùng được. Đây là phương pháp mới, không cần dùng ly tâm...".
Sau phần thẩm vấn, cho rằng còn một số vấn đề chuyên môn mà tòa chưa xác định được, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ vụ án để làm rõ.
Sau khi hồ sợ vụ án được trả để điều tra bổ sung, ngày 22/4, Công an Hà Nội có Công văn đề nghị Sở Y tế TP Hà Nội cung cấp thông tin: những loại thuốc, công thức pha, liều dùng trong quá trình phẫu thuật phương pháp để cho mỡ lắng không qua ly tâm, được bác sỹ Tường áp dụng trong quá trình phẫu thuật cho chị Huyền có đúng không?
Loại thuốc, phương pháp cấp cứu trong quá trình cấp cứu cho chị Huyền có đúng quy trình không? Qúa trình phẫu thuật cho chị Huyền có biểu hiện co giật, bác sỹ Tường đã tiêm 2 ống Dimedro, cử nhân viên đi mua thuốc động kinh nhưng không được, nhưng bác sỹ Tường vẫn tiến hành phẫu thuật và chỉ phẫu thuật trong thời gian 2 giờ 30 phút (rút ngắn thời gian phẫu thuật). Việc làm đó có được phép hay không? Có nguy hiểm đến tính mạng không?
Ngày 16/5, Sở Y tế Hà Nội có công văn trả lời cơ quan điều tra, nêu rõ: Những loại thuốc pha thành dung dịch là phù hợp với công thức chuẩn dùng trong kỹ thuật hút mỡ bụng; Gentamicin và Vitamin C pha vào dung dịch này là không phù hợp với công thức chuẩn cho dung dịch dùng trong kỹ thuật hút mỡ.
Lượng Lidocain đã được dùng cho chị Huyền là quá cao (hơn 1,5 lần so với chuẩn quốc tế).
Phương pháp để cho lắng mỡ không qua ly tâm, được bác sỹ Tường áp dụng trong quá trình phẫu thuật không đúng với quy trình chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng mô ghép về sau.
Khi phát hiện thấy chị Huyền có biểu hiện co giật, việc sử dụng Diazepam cắt cơn co giật là đúng, không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng quy trình cấp cứu co giật phải tiếp tục tìm và giải quyết nguyên nhân.
Việc cấp cứu khi bệnh nhân ngừng tim, bao gồm các bước như đặt nội khí quản, bóp bóng, ép tim, tiêm Adrennaline là đúng thuốc, đúng quy trình.
"Không đủ thông tin để trả lời việc xử trí bệnh nhân có biểu hiện co giật trong khi phẫu thuật. Thời gian phẫu thuật như công văn nêu trên không có ý nghĩa, không ảnh hưởng gì đến kết quả phẫu thuật" - công văn của Sở Y tế HN nêu.
Ngày 10/7, Công an Hà Nội tiếp tục có công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội cung cấp thông tin: Việc hút mỡ, bơm ngực mà bác sỹ Tường thực hiện có nằm trong danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc dịch vụ y tế khác (dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ) không?
Sở Y tế đã có Công văn trả lời nêu: Tại thời điểm xảy ra vụ án là ngày 19/10/2003, các kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc quy định- Không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu nhỏ thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể.
Không làm rõ được nguyên nhân chết
Trong quá trình điều tra bổ sung vụ Cát Tường, cơ quan điều tra tiếp tục huy động nhiều lực lượng để tìm kiếm xác nạn nhân.
Ngày 18/7, người dân phát hiện xác chị Huyền nổi ở ven sông Hồng, trong tình trạng đang phân hủy thối rữa, bị thiếu đầu, 6 đốt sống cổ, tay phải và tay trái, mất toàn bộ cẳng tay và bàn tay, hai chân mất cẳng chân và toàn bộ xương bàn chân.
Ngày 14/8, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội đã có biên bản giám định số 4743, kết luận: Thời gian chết đến khi giám định khoảng trên 8 tháng. Tổ chức phần mềm và xương còn nhận biết được không phát hiện thấy tổn thương.
Các đầu khớp và xương còn nhận biết được không phát hiện thấy dấu vết thương tích. Trong mẫu phủ tạng nạn nhân không tìm thấy các chất độc thường gặp.
Do tử thi không có phần đầu, các đốt sống cổ, hai xương cẳng tay phải, các xương cổ tay và xương bàn ngón tay hai bên, xương bàn ngón chân hai bên; phần còn lại của tử thi trong giai đoạn phân hủy mạnh, do đó không đủ cở sở xác định nguyên nhân chết của nạn nhân.
------------------------
Cơ quan chức năng Việt truy tìm nguồn gốc thật của dầu bẩn Đài Loan
FICA - Sau khi Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA) phát hiện Công ty Dầu công nghiệp Đỉnh Tân có liên quan đến sự việc bê bối dầu “bẩn”
Trước những thông tin về việc bán nguyên liệu dầu mỡ cho Công ty Dầu công nghiệp Đỉnh Tân (Đài Loan) sản xuất dầu bẩn, Công ty TNHH Đại Hạnh Phúc (Việt Nam) khẳng định, sau khi mua dầu cá của Đại Hạnh Phúc, Công ty Đỉnh Tân làm gì thì họ không hay biết.
Sau khi Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA) phát hiện Công ty Dầu công nghiệp Đỉnh Tân (Ting Hsin Oil and Fat Industrial Co) có liên quan đến sự việc bê bối dầu “bẩn” và nghi ngờ công ty này đã nhập dầu mỡ nguyên liệu từ công ty TNHH Đại Hạnh Phúc Việt Nam (đóng tại huyện Hóc Môn, TP.HCM), FDA Đài Loan đã thông qua Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Đài Bắc tại Hà Nội để liên hệ với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm xác minh sự việc trên.
FDA Đài Loan cũng đã tạm dừng tiếp nhận kiểm tra các sản phẩm dầu, mỡ lợn, bò từ Việt Nam đồng thời đình chỉ việc mua bán sản phẩm dầu, mỡ lợn, bò nhập khẩu từ Việt Nam của công ty Dầu Công nghiệp Đỉnh Tân.
Ngay sau khi có thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã có Công văn số gửi Vụ Khoa học- Công nghệ, Bộ Công thương và Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thông báo, đề nghị xem xét xác minh thông tin và có phương án giải quyết sự việc nêu trên.
Theo bà Trần Việt Nga, Trưởng Phòng pháp chế - Hội nhập, Cục vệ sinh An toàn thực phẩm Bộ Y tế, ngay khi tiếp nhận thông tin, Bộ Công thương đã có đoàn kiểm tra đến công ty Đại Hạnh Phúc để xác minh. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, công ty Đại Hạnh Phúc sản xuất rất nhiều mặt hàng, trong đó có dầu ăn dành cho gia súc, dầu dừa, các mặt hàng nông sản…do vậy Bộ Công thương đang lên kế hoạch tổ chức một đoàn kiểm tra gồm ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục làm rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương đang tập trung làm việc với các bên liên quan như Hải Quan, Doanh nghiệp, đơn vị trực tiếp giám định những lô hàng xuất khẩu xem có đạt chất lượng hay không, cũng như phía công ty Đại Hạnh Phúc có xuất đúng mặt hàng đã được ký kết với phía Đài Loan hay không. Dự kiến cuối tuần này, Đoàn kiểm tra sẽ có văn trả lời chính thức phía Đài Loan.
Trước lo ngại của người tiêu dùng về việc có hay không những loại thực phẩm dính dầu bẩn bán tại thị trường Việt Nam?
Đại điện, Cục vệ sinh An toàn thực phẩm Bộ Y tế khẳng định chưa cấp giấy chứng nhận cho bất cứ sản phẩm nào của công ty Đại Hạnh Phúc để bán ra thị trường Việt Nam, đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước khác như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa cấp các giấy chứng nhận về sinh an toàn thực phẩm cho công ty Đại Hạnh Phúc để có thể sản xuất và bán các sản phẩm ra thị trường, đến thời điểm chưa phát hiện sản phẩm nào có dầu bẩn trên thị trường Việt Nam.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, Công ty TNHH Đại Hạnh Phúc (có địa chỉ tại số 38/7C đường Thới Tây 2, ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), trước những thông tin Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan nghi ngờ công ty Dầu công nghiệp Đỉnh Tân nhập dầu mỡ nguyên liệu từ công ty TNHH Đại Hạnh Phúc Việt Nam để chế tạo dầu bẩn, đại diện phía công ty Đại Hạnh Phúc khẳng định, công ty này chủ yếu thu mua dầu cá, các loại thức ăn dành cho gia súc từ các công ty ở miền Tây về để xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, chứ công ty không trực tiếp chế biến bất cứ sản phẩm nào để tung ra thị trường nước ngoài. Việc phía bên công ty Đài Loan làm gì sau khi mua dầu cá từ phía công ty Đại Hạnh Phúc thì phía công ty không hay biết, cũng như không có trách nhiệm.
------------------
Bộ GTVT kiểm tra 2 sân bay bị xếp hạng “tệ nhất châu Á”
Sau khi sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị xếp vào danh sách tệ nhất châu Á năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa yêu cầu cơ quan quản lý và khai thác kiểm tra chất lượng phục vụ hành khách tại 2 sân bay này.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo đơn vị khai thác cảng hàng không sân bay là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam khắc phục ngay những hạn chế theo tiêu chí đánh giá về chất lượng dịch vụ tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, như mức độ tiện nghi, vệ sinh, phục vụ hành khách, cơ sở vật chất…
Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Các đơn vị quản lý và khai thác phải khẩn trương thực hiện chỉ đạo và sớm báo cáo về Bộ GTVT.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, công tác kiểm tra sẽ bắt đầu từ thứ 2 tuần tới (27/10) tại sân bay quốc tế Nội Bài, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Qúy Tiêu sẽ trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra. Hoạt động kiểm tra đối với sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ diễn ra tiếp sau đó.
Như Dân trí đã đưa tin về trang mạng Sleepinginairports công bố bảng xếp hạng 10 sân bay tệ nhất châu Á năm 2014, trong đó có 2 sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam. Trong danh sách này, sân bay Nội Bài đứng ở vị trí thứ 5 và Tân Sơn Nhất đứng ở vị trí thứ 8.
Người đứng đầu ngành GTVT - Bộ trưởng Đinh La Thăng - đã ghi nhận xếp hạng này và tin rằng đó là những đánh giá khách quan của hành khách đi máy bay khi tới Việt Nam. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng thừa nhận hạ tầng, dịch vụ sân bay của Việt Nam hiện nay kém.
“Hạ tầng có thể đầu tư dần dần để nâng cấp và cải thiện, nhưng những việc không cần tiền vẫn có thể sớm làm tốt ngay đó là yếu tố con người và cung cách phục vụ” - Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ.
-----------------------------