Mất hàng trăm triệu USD mỗi năm do chủ tàu ngoại áp phí vô lý
Theo thống kê của Cục Hàng hải, hiện có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại VN, đảm nhận khoảng 88% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).
Vì phụ thuộc quá lớn vào các hãng tàu nước ngoài nên các chủ hàng VN bị áp đặt thu nhiều loại phí, phụ phí. Trong đó, một số loại phí chẳng những không đúng quy định VN, mà còn không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ tình trạng các hãng tàu nước ngoài thu phí, phụ phí bất hợp lý do Bộ GTVT tổ chức hôm qua 22.10, ông Chu Hữu Nghị, Giám đốc điều hành Tổng công ty may Hưng Yên, cho biết theo quy định của Bộ GTVT, phí tại cảng chủ hàng phải nộp là 60 USD/container 20 feet, 80 USD/container 40 feet, nhưng hiện nay doanh nghiệp (DN) này phải nộp 90 USD/container 20 feet và 140/container 40 feet. Mỗi hãng tàu lại thu một mức khác nhau. Mỗi năm, DN phải trả cho các loại phí vô lý hơn 9 tỉ đồng, chiếm hơn 3% doanh thu.
Phó cục trưởng Cục Hàng hải Bùi Thiên Thu nhìn nhận, do chưa có văn bản quản lý, giám sát việc thu phụ phí, nên các chủ hàng thường không được bảo vệ quyền lợi khi các chủ tàu ngoại lạm thu. Điển hình như việc các chủ tàu nước ngoài đã thu thêm phí tắc nghẽn hàng hóa khi cảng Cát Lái xảy ra tình trạng ùn tắc. Đến lúc Tổng công ty Tân Cảng thông báo cảng đã hoạt động ổn định, các hãng tàu vẫn tiếp tục thu và chỉ chấm dứt khi Cục có văn bản đề nghị ngừng thu.
Theo ông Thu, rất nhiều khoản phí vô lý khác chủ hàng trong nước phải gánh chịu như phí vệ sinh container, phí sửa chữa container, trong khi các loại phí này đã được tính vào khấu hao trong quá trình kinh doanh và thuộc trách nhiệm của chủ tàu. Ước tính, những loại phí vô lý này gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho các DN XNK, trong đó riêng ngành da giày mỗi năm tốn khoảng 110 triệu USD.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng VN Phan Thông, các hiệp hội ngành hàng, các đơn vị chủ hàng đã nỗ lực làm việc với các hãng tàu, nhưng do không có cơ sở để tranh luận đúng sai, lại lệ thuộc nên DN trong nước thường bị bất lợi. Mới đây, Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác liên ngành về việc các hãng tàu biển nước ngoài thu phí, phụ phí bất hợp lý đối với hàng hóa XNK của VN. Tổ công tác được quyền yêu cầu các hãng tàu dừng thu các loại phí bất hợp lý.
-------------------------
Bộ GTVT khẳng định Tập đoàn ADP cam kết cấp 2 tỉ USD cho sân bay Long Thành
Liên quan đến thông tin Công ty ADPi (Pháp) khẳng định chưa cam kết đầu tư 2 tỉ USD vào sân bay Long Thành, tối qua 22.10, Bộ GTVT có thông cáo khẳng định, thông tin trên là không chính xác. Bộ GTVT không biết Công ty ADPi và cũng chưa từng làm việc với ADPi về vấn đề này.
Theo Bộ, Công ty Aeroports de Paris Management (ADPM) là công ty chuyên vận hành, phát triển và đầu tư hàng không ngoài nước trực thuộc Tập đoàn Aeroports de Paris (ADP) của Pháp đã có thư ngỏ vào tháng 1.2013 bày tỏ sự quan tâm với dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
ADPM cũng đã có thư gửi Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết Tập đoàn ADP sẽ cung cấp một khoản đóng góp và cùng với các đối tác là ngân hàng thương mại quốc tế, tổ chức tín dụng xuất khẩu... cung cấp thêm khoảng 1,5 tỉ USD cho dự án Long Thành.
Ngày 17.9.2014, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có buổi làm việc trực tiếp và ông Frederic Dupeyron, Tổng giám đốc ADPM đã thông báo Tập đoàn ADP dự kiến sẽ cùng các đối tác tài chính của mình cung cấp khoản tín dụng 2 tỉ USD cho dự án xây dựng Long Thành nếu được Quốc hội thông qua.
-------------------------
Xuất khẩu gạo đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài
Doanh nghiệp xuất khẩu (XK) gạo được miễn thuế VAT, nhiều chi phí đầu tư không được tính vào giá thành sản phẩm. Điều này có ý nghĩa chính sách của VN đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chính sách (VERP), trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh nông nghiệp, đã đưa ra quan điểm như vậy tại hội thảo về chính sách XK gạo hiện nay và tương lai cho người sản xuất nhỏ ở VN, diễn ra ngày 21.10 tại Hà Nội.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ gạo ở thị trường trong nước đang phải chịu mức thuế VAT 5% trong khi doanh nghiệp XK thì không phải nộp, điều này đang tạo ra sự bất bình đẳng. Bên cạnh đó, ngành lúa gạo được hưởng quá nhiều các chính sách ưu đãi nên doanh nghiệp có xu hướng đẩy mạnh XK gia tăng về số lượng ở nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp. Đó là lý do giá XK cũng thấp. Mặt khác, nhiều chi phí đầu tư liên quan đến sản xuất như thủy lợi, hạ tầng chưa được tính đúng tính đủ vào giá thành sản phẩm, điều này có ý nghĩa các chính sách hỗ trợ ngành lúa gạo trong nước và người đóng thuế VN đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài trong sản phẩm gạo XK.
Chuyên gia về nông nghiệp, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, việc xác định và công bố giá sàn hiện nay do Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Lương thực VN thực hiện. Người nông dân trồng lúa hoàn toàn không có tiếng nói gì trong những quyết định này. Ông Xuân kiến nghị, cần sớm xây dựng cơ chế chính thức để nông dân được tham gia ấn định giá thu mua ở mỗi vụ qua các tổ chức đại diện cho mình.
Cùng quan điểm trên, theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, muốn bảo vệ quyền và lợi ích cho người trồng lúa, dù sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ thì phải để họ giữ vai trò trung tâm trong xây dựng giá thành sản phẩm, theo đó phải tăng quyền mặc cả của nông dân trong khâu định giá.
Cũng tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị nhà nước nới lỏng điều kiện trở thành doanh nghiệp XK gạo (Nghị định 109) bởi các điều kiện này không khiến cho chất lượng gạo của VN tốt lên hay có giá thành cao hơn mà khiến các doanh nghiệp XK gạo có thêm quyền lực áp đặt thị trường, đặt ra các điều kiện bất lợi cho nông dân và các chủ thể khác. Ngoài ra, nhóm cũng kiến nghị bãi bỏ thuế VAT 5% đối với các doanh nghiệp tiêu thụ và phân phối gạo ở thị trường trong nước, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng.
-------------------------
VN xếp hạng 3 châu Á về điểm đến lý tưởng cho các chuyên gia nước ngoài
Hôm qua, Ngân hàng HSBC công bố khảo sát HSBC Expat Explorer lần thứ 7, lấy ý kiến của 9.300 chuyên gia nước ngoài trên toàn cầu chia sẻ quan điểm về chất lượng cuộc sống, tình trạng tài chính và việc chăm sóc một gia đình khi sống ở nước ngoài.
Theo đó, VN xếp hạng 3 tại châu Á trong số những điểm đến lý tưởng cho các chuyên gia nước ngoài muốn cải thiện chất lượng cuộc sống. Cụ thể, có 62% người được khảo sát cho biết họ nghĩ VN là nơi có chất lượng sống cao. Hơn một nửa chuyên gia nước ngoài tại VN cho biết họ có thu nhập nhiều hơn tại đây so với tại nước họ, khi thu nhập sau thuế tăng cùng với giá cả mọi thứ thấp hơn, từ phương tiện di chuyển đến các hoạt động giải trí.
Theo khảo sát này, Thụy Sĩ đứng đầu trong số 34 nước trên toàn thế giới mà HSBC thực hiện khảo sát.
-------------------------
CPI tháng 10: Hà Nội tăng, TP.HCM giảm
Sau khi tăng mạnh vào tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của TP.HCM đã giảm 0,03% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng 2,96%.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, CPI tháng 10 giảm do có tới 5/11 nhóm hàng chính giảm giá so với tháng trước, trong đó có những nhóm hàng chiếm doanh số cao như ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, giá xăng dầu giảm liên tục trong thời gian qua giúp chỉ số giá nhóm giao thông cũng giảm 1,11%. Tuy nhiên, giá cước vận tải hành khách của các hãng taxi hay xe khách vẫn chưa có gì thay đổi.
Trước đó, Cục Thống kê Hà Nội cũng công bố chỉ số CPI tháng 10 tại Hà Nội tăng 0,04% so với tháng trước và có đến 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng. Tăng mạnh nhất là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,53%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,31%; nhà ở, điện nước, chất đốt tăng 0,04%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; bưu chính viễn thông tăng 0,02%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23%. Cục Thống kê Hà Nội đánh giá mức tăng này thấp hơn so với dự báo.
-------------------------