Đi tù vẫn phải được hưởng lương hưu
Đề xuất khá bất ngờ này là của đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) tại nghị trường chiều 23-10, trong buổi thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đại biểu Cù Thị Hậu cho rằng quy định ngừng chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội đối với người phải chấp hành phạt tù là vô lý. Điều này vi phạm nguyên tắc: đóng - hưởng của bảo hiểm xã hội.
Theo đại biểu Cù Thị Hậu, đã đóng bảo hiểm thì đương nhiên phải được hưởng bảo hiểm chứ không thể cắt đi. Bởi lẽ lỗi dẫn đến việc bị phạt tù không phải là sai phạm trong quá trình đóng bảo hiểm mà do bản thân gây ra ở một lĩnh vực khác.
“Các đồng chí đều biết những gia đình, con cái có bố, mẹ bị nhận hình phạt tù đã phải đau đớn như thế nào? Gia đình lâm vào cảnh khó khăn, con cái có thể thất học. Do đó cắt đi lương hưu, cắt trợ cấp xã hội lại một lần nữa làm cho thân nhân thêm khó khăn” - Đại biểu Cù Thị Hậu nói.
Đại biểu Cù Thị Hậu đề nghị phải nghiên cứu lại quy định này trong Luật Bảo hiểm xã hội. Cần phải xem việc đi tù và hưởng lương hưu là hai việc khác nhau, tách bạch ra để có thể tồn tại song song với nhau. Bởi người đi tù đã thiệt hại nhiều về kinh tế, chính trị.
“Không thể tạm dừng một quyền lợi của một người vì một lỗi khác không liên quan của người đó” - Bà Hậu nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cũng đặt ra vấn đề pháp lý khá thực tế rằng những người bị kết án tù oan khi thụ án xong thì đã hết tuổi lao động, cần phải giải quyết như thế nào? Đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng đây là vấn đề cần phải giải thích rõ ràng, thấu đáo.
-------------------------
Máy hỏng từ tết vẫn chỉ định chụp chiếu
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê ngày 23-10 đã có văn bản yêu cầu Bệnh viện K trả lời khiếu nại của bệnh nhân Nguyễn Ngọc Ánh.
Theo bệnh nhân Ánh, sau khi làm thủ tục ban đầu, chị được chuyển đến khám với Phó trưởng khoa xạ trị 2 là bác sỹ Dũng (Bệnh viện K).
Chờ từ 15g đến 17g15 chiều 21-10, chị vẫn không được khám, đến 17g15 bác sỹ khóa cửa về thì chị được hẹn 8g sáng hôm sau quay lại.
“Sáng 22-10 chờ từ 8g sáng đến 11g18 phút được bác sỹ khám và yêu cầu cho chiếu chụp."
"Đến bộ phận chiếu chụp thì bộ phận chiếu chụp cho biết máy hỏng từ tết mà vì sao bác sỹ vẫn chỉ định."
"Người nhà to tiếng thì được hẹn sáng hôm sau đến, sáng 23-10 bệnh nhân đến lúc 9g thì được hẹn lại 15g chiều”- gia đình chị Ánh cho biết.
Theo ông Khuê, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện K kiểm tra và trả lời người bệnh, Bộ Y tế trước 27-10.
-------------------------
Chủ tịch phường chịu trách nhiệm về trật tự vỉa hè
Đó là yêu cầu của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng tại hội nghị sơ kết chín tháng đầu năm 2014 của Ban chỉ đạo 197 TP sáng 22-10.
“Tôi đề nghị các quận huyện phải làm quyết liệt, phải yêu cầu chủ tịch phường chịu trách nhiệm về trật tự vỉa hè, phải kết hợp vừa xử lý nghiêm vừa tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu” - ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng không thể vì quyền lợi của một vài hộ kinh doanh mà buộc cả xã hội, nhiều người dân khác phải gánh chịu.
Ông dẫn chứng tình trạng tại khu vực phố cổ bày bán hàng ăn uống tràn lan ra vỉa hè, xe dựng giữa lòng đường, xào nấu, quạt than tổ ong khói mù mịt cả một góc phố... gây bức xúc cho người dân.
“Như ở khu gần nhà tôi việc buôn bán trên vỉa hè bao nhiêu lâu nay lộn xộn, dân nói là phó chủ tịch TP mà không chỉ đạo giải quyết được thì còn nói được ai. Vừa rồi tôi làm quyết liệt là dẹp được ngay... Tôi đề nghị phải tăng cường các tổ công tác liên ngành của TP về tận địa bàn giải quyết vấn đề này” - ông Hùng nói.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo 197, trong chín tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 4.600 vụ phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội, tăng gần 400 vụ so với năm trước.
Trong đó có 128 vụ trọng án, xuất hiện nhiều vụ giết người thân trong gia đình, giết người do mâu thuẫn vay nợ, tình ái... báo động sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức gia đình.
Lực lượng chức năng cũng đã triệt phá hơn 1.000 ổ nhóm hình sự lưu manh, chuyên nghiệp, bắt giữ trên 3.000 đối tượng.
Theo đánh giá của ban chỉ đạo, toàn TP hiện còn 30 ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức với 154 đối tượng nguy hiểm.
-------------------------
Hiệu trưởng CĐ Y tế Hà Nam giải trình vụ bán bằng
Ngày 23-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trần Thanh- chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nam- cho biết như trên.
Theo ông Thanh, UBND yêu cầu Sở Y tế và tổ công tác lên kế hoạch để gặp và làm việc với người tố cáo để nắm thêm thông tin cụ thể.
Sau đó, tổ xác minh sẽ làm việc với nhà trường, đặc biệt là làm việc cụ thể với hai người bị tố cáo là ông Trần Văn Đàn- hiệu trưởng và ông Vũ Hữu Ý- trưởng phòng tổ chức hành chính quản trị kiêm phó phòng công tác học sinh sinh viên Trường CĐ Y tế Hà Nam.
Theo đó, tổ xác minh sẽ yêu cầu ông Đàn và ông Ý làm bản giải trình các nội dung liên quan đến vụ việc, đồng thời yêu cầu cả hai phải chuẩn bị những hồ sơ cụ thể liên quan đến nội dung đơn.
Ông Thanh cũng cho biết Sở Y tế Hà Nam sẽ làm hết trách nhiệm để xác minh vụ việc.
Sau khi có kết quả xác minh, sở sẽ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Trường hợp vụ việc quá phức tạp, hồ sơ vụ việc có thể chuyển sang cơ quan điều tra hoặc Ban Nội chính.
-------------------------
1 triệu bản kê khai tài sản, chỉ 5 trường hợp được xác minh
Trước sự việc có 1 triệu bản kê khai tài sản nhưng chỉ có 5 trường hợp được xác minh, 1 trường hợp bị xử lý vì không trung thực, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, biện pháp này thuộc diện hiệu quả thấp trong phòng, chống tham nhũng.
Theo ông Phí Ngọc Tuyển, Phó cục trưởng Cục Phòng chống Tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), tính hiệu quả của kê khai tài sản đối với phòng, chống tham nhũng đã được đặt ra từ lâu. “Nếu hỏi số liệu trong kê khai tài sản đã trung thực hay chưa? Theo tôi là chưa thực sự trung thực nên vẫn còn nhiều việc phải làm”, ông Tuyển nói.
Để biết rõ hiệu quả của kê khai tài sản trong phòng, chống tham nhũng, ông Tuyển cho hay, hiện nay đang chia làm 3 nhóm giải pháp: Nhóm tương đối hiệu quả, nhóm trung bình và nhóm hiệu quả thấp. Kê khai tài sản được xếp vào nhóm có hiệu quả thấp.
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Trần Đức Lượng - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - cho biết, kê khai tài sản là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng được nhiều nước áp dụng nhưng cũng có nhiều nước không đánh giá cao biện pháp này. Ở Việt Nam, kê khai tài sản không phải là vấn đề mới. Đối với cán bộ, công chức, ngay từ khi kê khai lý lịch đã có nội dung đề cập đền hoàn cảnh kinh tế.
Nhưng đến năm 1998, khi có Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng mới quy định thành quy phạm pháp luật, xác định rõ đối tượng, chủ thể phải kê khai, nội dung phải kê khai và quản lý như thế nào. Đến khi có Luật Phòng chống tham nhũng và gần đây là Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Việt Nam tiến thêm một bước nữa là phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.
Theo ông Lượng nhiều chuyên gia đưa ra khuyến nghị thu hẹp lại đối tượng và công khai rộng rãi hơn. Còn nếu càng nhiều đối tượng phải kê khai thì càng khó quản lý.
Về hiệu quả của kê khai tài sản trong phòng, chống tham nhũng, Phó Tổng thanh tra Chính phủ cũng cho biết, biện pháp này thuộc nhóm hiệu quả thấp. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc này.
Ông Lượng cũng cho biết, đơn vị này cũng rất băn khoăn vì trong 1 triệu bản kê khai tài sản mà chỉ có 5 trường hợp được xác minh, 1 trường hợp bị xử lý vì không trung thực. Tuy nhiên, cái khó của thanh tra là không có thẩm quyền trực tiếp xác minh. “Vì không có thẩm quyền xác minh nên chúng tôi cũng không dám khẳng định các bản kê khai đó là trung thực hết”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nói.
---------------------------