Tổng thống Philippines quyết theo đuổi vụ kiện Biển Đông
Tổng thống Philippines khẳng định phương thức duy nhất để giải quyết hòa bình các tranh chấp Biển Đông là qua tòa án trọng tài, và xây dựng bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc.
Phát biểu tại một diễn đàn có các phóng viên quốc tế, Tổng thống Benigno Aquino cho hay Philippines đang tìm kiếm một phương thức dàn xếp tranh chấp trên Biển Đông được quốc tế công nhận. Các nước trong khu vực và cả các nước đang sử dụng tuyến đường biển này đều lo ngại các mâu thuẫn có thể leo thang thành bạo lực.
"Điều này ảnh hưởng đến không chỉ các nước trong khu vực mà còn cả các nước phải lưu thông qua vùng biển đặc biệt này", AP dẫn lời ông nói.
Philippines đã đệ đơn kiện lên tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan, về tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông nhưng Bắc Kinh từ chối ra tòa. Trung Quốc cảnh báo hành động của Philippines có thể gây tổn hại đến quan hệ hai nước và muốn giải quyết bất đồng một cách song phương.
Philippines và các nước trong ASEAN cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về mặt pháp lý, tiếp sau Tuyên bố về Nguyên tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002.
"Ngoài ra, tôi không biết chúng tôi có thể làm gì khác", ông Aquino nói. "Trọng tâm là đạt được một thỏa thuận thông qua các biện pháp hòa bình tuân theo luật pháp quốc tế".
Tổng thống Aquino cáo buộc Trung Quốc đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của nước này, trong đó việc triển khai hai tàu thủy văn gần một giếng dầu trên biển Philippines hồi tháng 6. Ông cho hay mục đích hiện diện của các tàu này là gì hiện vẫn chưa rõ.
Aquino cũng nhận định việc nếu việc Bắc Kinh cải tạo đất tại quần đảo Trường Sa là nhằm mục đích quân sự thì đây có thể là một "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong việc giải quyết các tranh chấp sau này.
"Chúng ta có các vấn đề về cải tạo đất, về các đá, đến nay đá đang bị biến thành đảo", ông nói, nhắc đến hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở ít nhất ba rạn san hô của quần đảo Trường Sa. "Rõ ràng đó là một yếu tố thay đổi cuộc chơi", ông trả lời trước câu hỏi liệu diện tích được cải tạo để đặt các cơ sở quân sự có gây ra mối đe dọa an ninh với Philippines hay không.
Tổng thống Aquino tái khẳng định các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là "không phù hợp" với thỏa thuận với DOC, trong đó yêu cầu các bên không làm trầm trọng thêm các tranh chấp. Giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi hiện trạng trên thực địa của các đá ở Trường Sa để gây khó khăn cho tòa án quốc tế và thậm chí là khiến họ không thể đưa ra phán quyết về hiện trạng ban đầu của các thực thể này.
Trước các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
-------------------------
Tân bộ trưởng Nhật dính bê bối với câu lạc bộ sex
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa đối mặt với thêm một bê bối mới khi tân bộ trưởng thương mại thừa nhận các nhân viên của ông đã sử dụng công quỹ để ăn chơi tại một câu lạc bộ tình dục.
Tân bộ trưởng Thương mại Yoichi Miyazawa thừa nhận các thành viên trong một nhóm chính trị ủng hộ ông hồi năm 2010 chi hơn 18.000 yen (170 USD) vào câu lạc bộ tình dục ở Hiroshima. Khoản chi này được kê khai là "chi phí giải trí" trong quỹ của nhóm này.
Theo BBC, câu lạc bộ ở quê nhà của ông Miyazawa là nơi trình diễn các màn bạo dâm, trong đó các cô gái chỉ mặc đồ lót, bị trói, bị đánh và đổ sáp nến lên người. Tuy nhiên, Miyazawa khẳng định ông không tham gia cuộc vui trên.
"Đúng là có những khoản chi trên nhưng bản thân tôi không đi đến đó. Đó là sự thật", ông nói. "Đó không phải là sở thích của tôi".
Bộ trưởng Thương mại nói thêm rằng khoản tiền ăn chơi của các nhân viên đã bị "kê nhầm" vào báo cáo quỹ và lỗi này sẽ được sửa.
Ông Miyazawa, 64 tuổi, là cháu của cố thủ tướng Nhật Bản Kiichi Miyazawa và là anh em họ của Ngoại trưởng Fumio Kishida. Ông được bổ nhiệm vào nội các của Thủ tướng Abe đầu tuần này, sau khi người tiền nhiệm của ông, bà Yuko Obuchi, từ chức.
Bà Obuchi và cựu bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Midori Matsushima đều mất ghế vì bị cáo buộc sử dụng quỹ bầu cử để "hối lộ" các cử tri. Đây là hai trong số 5 nữ chính trị gia được ông Abe đưa vào nội các trong cuộc cải tổ đầu tháng 9.
-------------------------
Mỹ và đồng minh không kích tiêu diệt 521 phiến quân Hồi giáo
Thông tin trên do Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria hôm 23.5 công bố. Tổ chức này cho biết, trong số các trường hợp tử vong có tới 464 trường hợp là các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS)-một nhánh của al Qaeda-hiện đang chiếm đóng một khu vực lãnh thổ rộng lớn của Syria và quốc gia láng giềng Iraq.
Các cuộc tấn công cũng tiêu diệt 57 chiến binh của một nhóm khủng bố có mối liên hệ chặt chẽ với al-Qaeda là Nusra Front.
Trong số 32 dân thường thiệt mạng có 6 trẻ em và 5 phụ nữ, theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria.
Mỹ đã thực hiện các cuộc không kích chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq từ tháng 7 vừa qua và tại Syria bắt đầu hồi tháng 9 với sự giúp đỡ của các đồng minh Arab. Anh và Pháp cũng đã tiến hành không kích các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo tại Iraq.
Phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, Thiếu tá Patrick Ryder, cuối tuần qua cho biết, Washington đã đưa ra các báo cáo về thương vong của dân thường hoặc thiệt hại nghiêm trọng với các cơ sở dân sự và Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ đang tiến hành điều tra từng trường hợp vi phạm.
Đến nay, gần 200.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài suốt 3 năm qua tại Syria theo Liên Hợp Quốc. Các cuộc tấn công của liên quân đã nhằm vào các tỉnh Aleppo, Deir al-Zor, Idlib, Raqqa và al-Hassakah của Syria.
-------------------------
Báo Hàn Quốc: Ông Kim Jong-un 'ở ẩn' để tiến hành thanh trừng
Báo Hàn Quốc Korea JoongAng Ilbo ngày 23.10 đưa tin nhiều quan chức CHDCND Triều Tiên đã biến mất trên truyền thông nước này, gây đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đã tiến hành một cuộc thanh trừng hàng loạt trong thời gian “ở ẩn”.
Theo tờ báo, có đến 6 quan chức, bao gồm một tư lệnh không quân, bộ trưởng du lịch và viễn thông và một quan chức chủ chốt ngành thể thao đã không xuất hiện trong một loạt sự kiện quan trọng vào những tháng gần đây.
Korea JoongAng Ilbo dẫn nguồn thạo tin cho biết “6 quan chức cấp bộ trưởng đã bị xử tử”. Theo tờ báo, sau hơn 40 ngày ở ẩn “để giám sát cuộc thanh trừng lớn thứ 3 trong chưa đầy 3 năm cầm quyền”, nhà lãnh đạo Kim đã xuất hiện trở lại thông qua những cuộc thăm viếng các cơ sở quân sự và công trường xây dựng “nhằm khẳng định ông vẫn đang kiểm soát đất nước”.
Tướng không quân Ri Pyong-chol đã không xuất hiện kể từ cuối tháng 8 và sự vắng mặt của ông trở nên đáng ngờ trong sự kiện diễn ra vào ngày 19.10, khi ông Kim có buổi “chỉ đạo tại chỗ” cho giới chức cấp cao của Không quân Triều Tiên.
Ông Sim Chol-ho, Bộ trưởng Du lịch và Viễn thông từng được cho là thân tín của cố lãnh đạo Kim Jong-il, đã không dự họp với đại diện công ty Ai Cập cung cấp mạng lưới điện thoại di động cho Triều Tiên.
Một quan chức khác, ông Chang Ung, một trong những đại diện của Triều Tiên tại Ủy ban Olympic Quốc tế, cũng đã không được báo chí Triều Tiên đề cập từ nhiều tuần nay. Ông được cho là có quan hệ mật thiết với ông Jang Song-thaek, dượng của nhà lãnh đạo Kim, đã bị xử tử về tội phản quốc hồi cuối năm ngoái.
Cũng theo Korea JoongAng Ilbo, Hàn Quốc tin có một khuôn mẫu cho các cuộc thanh trừng do nhà lãnh đạo 31 tuổi xúc tiến. “Khi tiến hành một cuộc thanh trừng hàng loạt, ông ấy có xu hướng tránh khỏi tầm nhìn của công chúng trong một thời gian đáng kể”.
Phía Triều Tiên chưa có phản ứng gì với thông tin trên.
-------------------------
Nhà giàu Trung Quốc đua nhau di cư
Theo ChinaNews, môi trường trong lành và điều kiện giáo dục tốt là hai nguyên nhân chủ yếu khiến giới nhà giàu Trung Quốc đổ tiền mua bất động sản tại ngoại ô Melbourne, Australia.
"Tối qua tụ tập bạn bè mới biết, trừ tôi ra, mười mấy người đều đang hoặc đã làm xong thủ tục di dân. Việc này khiến tôi sốc vô vùng", đạo diễn nổi tiếng Cổ Chương Kha tiết lộ trên blog.
"Ông di dân chưa?", không biết từ bao giờ, đây là câu hỏi thường trực trên bàn nhậu của người Trung Quốc. Cứ 10 người giàu tại Đại Liên, thành phố đông bắc Trung Quốc, thì 3 người đã di dân, 3 người đang làm thủ tục di cư, và 3 người có ý định di cư, đây là câu cửa miệng của người dân địa phương.
Theo thống kê của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nước này hiện có hơn 45 triệu kiều dân, là nước có số lượng di dân lớn nhất thế giới.
Điều này khiến dư luận Trung Quốc đặt ra câu hỏi, tại sao mảnh đất nuôi dưỡng những con người trở thành triệu phú lại khiến họ phải ra đi.
"Để con cái có môi trường giáo dục tốt hơn", hơn 58% người di dân bày tỏ. Phụ huynh cho rằng, nhà trường và giáo viên chỉ biết có dạy học chứ không dạy làm người. Giáo viên mở lớp dạy ngoài giờ, dạy trước kiến thức, làm thui chột tính sáng tạo của học sinh.
Trong khi đó, ở phương Tây, giáo dục bậc mầm non và tiểu học rất chú trọng đến phát triển nhân sinh quan và giá trị quan của trẻ em, giúp các em có được tuổi thơ đúng nghĩa.
Tình tạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường nặng nề khiến giới nhàu giàu lo ngại. Hàng loạt vụ bê bối thực phẩm liên tiếp xảy ra như: sữa nhiễm melanime, dầu bẩn... khiến người dân mất lòng tin vào thực phẩm trong nước. Chính vì thế, họ chọn nước ngoài, nơi thực phẩm an toàn và hệ thống y tế tiên tiến làm mảnh đất "an dưỡng" cho gia đình.
Ngoài ra, môi trường đầu tư tại nước ngoài rõ ràng minh bạch, thuế suất thấp, thủ tục nhanh, tính an toàn cao... cũng là lý do khiến người giàu Trung Quốc quyết định di dân.
-------------------------