ASEAN họp thiết lập “đường dây nóng” quốc phòng
Lãnh đạo quốc phòng các nước ASEAN ngày 21-10 đã bắt đầu cuộc gặp đầu tiêp về thiết lập Tuyến liên lạc trực tiếp (DCL) tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei.
Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ Quốc phòng Brunei cho biết cuộc họp diễn ra theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) hồi tháng 5-2013 tại Myanmar.
Tham dự cuộc họp có các đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN, Ban thư ký ASEAN cùng nhiều cơ quan và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng Brunei và Các Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Brunei.
Bộ Quốc phòng Brunei cho biết cuộc họp diễn ra trong ba ngày này là bước đi trong giai đoạn triển khai sáng kiến thành lập DCL tại hội nghị ADMM.
Cuộc họp sẽ tập trung vào các vấn đề kỹ thuật, các thông số an ninh và công nghệ của hệ thống DCL cũng như các bước phát triển tiếp theo.
Sáng kiến DCL nhằm tạo ra phương tiện liên lạc có tính bảo mật cao, tin cậy, nhanh chóng và lâu dài.
Nó cho phép bộ trưởng quốc phòng hai nước thành viên ASEAN có thể liên lạc trực tiếp, cùng phối hợp ra quyết định trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng, tình huống khẩn cấp, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải.
Theo bộ quốc phòng Brunei, mục đích của DCL không nhằm giải quyết các vấn đề hiện tại nhưng sẽ giúp quản lý và kềm chế căng thẳng trong trường hợp có nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự.
Việc triển khai DCL cũng nhằm ngăn ngừa hoặc giải tỏa nguy cơ hiểu nhầm và hiểu sai, do đó có thể tránh được leo thang căng thẳng, thúc đẩy hợp tác phản ứng nhanh chóng trong các tình huống khẩn cấp.
Dự kiến, DCL sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2015 tại Malaysia.
-------------------------
Xả súng trong tòa nhà quốc hội Canada
Ngày 22-10, thủ đô Ottawa của Canada náo động khi một người đàn ông cầm súng xông vào tòa nhà Quốc hội xả đạn.
Theo nhật báo Globe & Mail, các nhân chứng cho biết người đàn ông có mái tóc dài màu đen cầm một khẩu súng trường xả bốn phát đạn ở Đài Tưởng niệm chiến tranh quốc gia khiến một binh sĩ canh gác ở đó bị thương.
Sau đó, người này lao phía tòa nhà Quốc hội gần đó và xông vào. Cảnh sát đuổi theo sau và hét vang với mọi người “Hãy trốn đi”.
Ít nhất 30 tiếng súng đã vang lên bên trong tòa nhà. Lực lượng đặc nhiệm lập tức phong tỏa tòa nhà Quốc hội, đưa các nhà báo vào trong một căn phòng.
Giữa cuộc hỗn loạn, hàng loạt nghị sĩ Canada đã nháo nhào tìm chỗ trú ẩn. Nghị sĩ Michelle Rempel gửi tin nhắn lên trang mạng xã hội Twitter cho mẹ mình: “Mẹ ơi, con ổn cả, con đang trốn”.
Cũng trên Twitter, giám đốc truyền thông của Thủ tướng Canada Stephen Harper thông báo ông vẫn an toàn và đã rời tòa nhà Quốc hội.
Lực lượng an ninh yêu cầu người dân không tới gần khu vực tòa nhà Quốc hội hay Đài Tưởng niệm chiến tranh.
Vụ xả súng xảy ra chỉ hai ngày sau khi một kẻ Hồi giáo cực đoan lái xe đâm chết một binh sĩ Canada ở khu vực gần thành phố Montreal trước khi bị cảnh sát bắn chết.
-------------------------
Đàm phán khí đốt Nga - Ukraine bế tắc
Rạng sáng 22-10, Nga và Ukraine thất bại trong việc đạt một thỏa thuận về nguồn cung khí đốt cho Kiev trong mùa đông tới.
Theo Reuters, trong cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian ở Brussels (Bỉ), ba bên EU, Nga và Ukraine đồng ý rằng phía Kiev sẽ trả cho công ty năng lượng Nga Gazprom 385 USD/1.000 m3 khí đốt. Điều kiện là Kiev phải trả tiền trước khi nhận hàng.
Tuy nhiên Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết Matxcơva muốn Kiev phải giải thích rõ sẽ kiếm tiền ở đâu để trả cho Gazprom. Mới đây chính quyền Ukraine đã phải hỏi vay thêm EU 2 tỷ euro (2,55 tỷ USD) để tiếp tục cầm cự trong cơn khủng hoảng kinh tế.
Hồi giữa tháng 6, Nga cắt nguồn cung khí đốt sang Ukraine với lý do Kiev chưa trả nợ hơn 5 tỷ USD. Hiện hai nước đang giải quyết tranh chấp khí đốt ở tòa án quốc tế. EU lo ngại vụ tranh chấp này có thể sẽ làm gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga đi qua ngả Ukraine sang châu Âu.
EU nhập 1/3 nhu cầu khí đốt từ Nga. Khoảng 50% lượng khí đốt này chảy qua hệ thống đường ống ở Ukraine. Hai vụ tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ukraine hồi năm 2006 và 2009 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung khí đốt sang châu Âu.
Dự kiến Nga, Ukraine và EU sẽ lại đàm phán ở Brussels trong vòng một tuần nữa. EU ước tính Ukraine cần khoảng 4 tỷ m3 khí đốt từ Nga trong mùa đông này, nếu không sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng vô cùng trầm trọng.
Trước cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine ở Brussels, chiến sự tiếp tục nổ ra giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai ở miền đông. Đôi bên liên tiếp nã đạn pháo vào nhau ở vùng Donetsk. Hôm qua tổ chức Giám sát nhân quyền (HW) và báo New York Times cáo buộc quân đội Ukraine bắn bom chùm có độ sát thương cao vào trung tâm thành phố Donetsk hồi đầu tháng 10.
Phản ứng lại, người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko tuyên bố: “Chúng tôi không sử dụng bom chùm”. Một người phát ngôn khác mô tả cáo buộc này là “hoàn toàn vô lý”.
-------------------------
Indonesia điều chiến đấu cơ chặn máy bay Úc
Không quân Indonesia ngày 22.10 điều hai chiến đấu cơ chặn và buộc một máy bay dân sự cỡ nhỏ của Úc xâm phạm không phận nước này phải hạ cánh.
Chiến đấu cơ Su-27 và Su-30 của không quân Indonesia tập trận cùng chiến đấu cơ F/A-18 Hornet - Ảnh : Không quân Hoàng gia Úc
Một máy bay dân sự cỡ nhỏ Beechcraft trên đường bay từ thành phố Darwin (Úc) đến đảo Cebu (Philippines) thì bị hai chiến đấu cơ Sukhoi của Indonesia chặn lại, AFP dẫn lời ông Hadi Cahyanto, người phát ngôn Không quân Indonesia, ngày 22.10 cho biết.
Máy bay dân sự cỡ nhỏ này bị buộc phải hạ cánh xuống một sân bay ở thành phố Manado (Indonesia), ông Cahyanto nói. Trên máy bay chỉ có một cơ trưởng và một cơ phó người Úc. Các điều tra viên của quân đội Indonesia tiến hành thẩm vấn hai người này.
“Họ không có giấy phép để vào không phận của Indonesia. Nhưng bởi vì họ là dân thường và đây cũng không phải là máy bay quân sự, nên chúng tôi quyết định giao họ cho các quan chức sân bay tiến hành điều tra”, ông Cahyanto cho biết thêm.
Ông J.A. Barata, người phát ngôn Bộ Giao thông Indonesia, cho biết vẫn chưa thể công bố thông tin chính quyền Indonesia sẽ xử lý hai người Úc như thế nào bởi vì họ vẫn đang bị thẩm vấn.
-------------------------
Trung Quốc rải hàng loạt phao tại tây Thái Bình Dương
Trung Quốc đã rải 17 bộ phao dưới mặt nước tại “các khu vực hàng hải then chốt” ở tây Thái Bình Dương, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, AFP đưa tin ngày 22.10.
Tàu nghiên cứu mang tên Khoa Học của Trung Quốc đã rải số phao kể trên và đây là “lần đầu tiên Trung Quốc rải phao với quy mô lớn như vậy”, Tân Hoa xã cho biết.
“Các phao này sẽ cung cấp số liệu thống kê khoa học quan trọng về hải lưu và nhiệt độ nước biển”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Hu Dunxin, một học giả thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho hay.
Tàu Khoa Học dự kiến sẽ quay về Trung Quốc vào tháng 11 tới để “tiến hành một dự án nghiên cứu môi trường biển sâu".
AFP bình luận Bắc Kinh thường xuyên có những đụng độ về vấn đề chủ quyền với các nước láng giềng tại biển Đông và biển Hoa Đông, và hiện đang tăng cường mở rộng tầm với của hải quân ở Thái Bình Dương thông qua việc mở rộng các đội tàu.
Trung Quốc cũng đã ngang ngược khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông và liên tục có những hành động hung hăng với các nước lân cận, theo AFP.
-------------------------