Nhất trí lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội nhưng không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội. Đây là chức danh mới để phù hợp với thông lệ quốc tế và nhiệm vụ mới của Quốc hội.
Sáng 22.10, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về dự án Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi. Nhiều đại biểu tán thành quy định lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội như dự thảo Luật.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là chức danh mới cho phù hợp với thông lệ quốc tế và nhiệm vụ mới của Quốc hội.
Trên cơ sở đánh giá hoạt động của Đoàn Thư ký kỳ họp hiện nay cũng như tham khảo kinh nghiệm của quốc tế trong tổ chức hoạt động của Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng chức danh Tổng Thư ký là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, do Quốc hội bầu, nhiễm nhiệm, cách chức, đồng thời cũng quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tổng hợp, tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) đồng tình với quy định lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội, đứng đầu Văn phòng Quốc hội nhưng không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội, vì theo ông Trần Ngọc Vinh, người nào hội tụ đủ các điều kiện thì được Quốc hội bầu để thực hiện chức năng nhiệm vụ quy định.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng lập chức danh Tổng Thư ký là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quốc hội nhưng cần quy định cụ thể hơn quyền hạn, nhiệm vụ của Tổng Thư ký. Đại biểu Tám cũng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung chức danh Phó Tổng Thư ký Quốc hội giúp việc Tổng Thư ký, nhất là thực hiện nhiệm vụ khi Tổng Thư ký ốm đau, công tác vắng… Tuy nhiên cũng cần làm rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm và quyền hạn của Tổng Thư ký Quốc hội và vai trò của Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính hay cơ quan tham mưu giúp việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Định) đặt vấn đề: Tổng Thư ký Quốc hội không nhất thiết phải chọn trong số các đại biểu Quốc hội và cũng phải làm việc theo nhiệm kỳ nhằm tạo sự linh hoạt trong lựa chọn ứng viên cho vị trí này.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều đại biểu tán thành quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội nhưng cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm, quyền hạn, tính độc lập của đại biểu, hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của đại biểu.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (tỉnh Bình Phước) kiến nghị cần xác định rõ hơn vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, nhất là trong xây dựng luật.
Tán thành với đại biểu Hùng, các đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình), Nguyễn Thanh Sơn (tỉnh Nam Định) nêu quan điểm: Cần xác định rõ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; tiêu chuẩn và chất lượng của đại biểu phải được quy định chặt chẽ, lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, xuất sắc, bản lĩnh, trí tuệ, có ảnh hưởng và uy tín tốt trong nhân dân để bầu vào Quốc hội nhằm thể hiện và thực hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Đồng thời, nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 50%.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định về đại biểu chuyên trách, nhất là ở địa phương để cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của đại biểu chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
-------------------------
Kiên Giang thay một phó chủ tịch tỉnh
Ngày 22-10, tại kỳ họp thứ 13 (kỳ họp bất thường) HĐND tỉnh Kiên Giang khoá VIII đã thông qua đề án thành lập 2 huyện mới là Thổ Châu (tách ra từ huyện đảo Phú Quốc) và Sơn Thành (tách ra từ huyện Hòn Đất).
Kỳ họp này cũng tiến hành bãi nhiệm chức Phó chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Lâm Hoàng Sa. Trước đó ông Sa được phân công giữ chức Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Kiên Giang.
Kỳ họp bầu ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở NN&PTNT, giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Châu Hồng Phúc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đồng Tháp.
Ông Châu Hồng Phúc sinh năm 1962, quê tại xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế. Trước khi được phê chuẩn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Châu Hồng Phúc từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài chính, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính.
-------------------------
Đầu tư 64.000 tỷ làm cao tốc Dầu Giây - Liên Khương
Ngày 22-10, ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cho biết thông tin trên.
Theo đó, giai đoạn đầu tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được đầu tư 2 làn đường, mức đầu tư khoảng 32 nghìn tỉ đồng.
Ban đầu dự án được đưa ra gồm 4 làn đường, chiều rộng mặt đường 25,5 m, tổng đầu tư 64.000n tỉ đồng.
Sau khi tính toán về tính hiệu quả của tuyến cao tốc, Bộ GTVT đã phân dự án thành hai giai đoạn và phê duyệt giai đoạn đầu.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được quy hoạch đấu nối vào tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo ông Hiệp, dự kiến trong năm 2015 dự án sẽ khởi động và hoàn thành vào năm 2018, hiện các hoạt động kêu gọi đầu tư cho dự án đã được tiến hành.
Đây là dự án giải quyết quá tải giao thông trên quốc lộ 20.
Theo tính toán của Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, quốc lộ 20 sẽ quá tải vào năm 2020 khi lưu lượng xe tăng lên 30.000 lượt/ngày (lưu lượng xe hiện nay 20 nghìn lượt/ngày).
-------------------------
TP.HCM kiểm nghiệm chất lượng 332 thuốc trúng thầu
Sở Y tế TP.HCM vừa chỉ đạo kiểm tra chất lượng 332 thuốc trong tổng số 1.193 thuốc trúng thầu đợt 1 năm 2014 đang sử dụng tại các bệnh viện.
Tăng cường lấy mẫu và kiểm tra chất lượng thuốc trúng thầu đợt 1 năm 2014 đang sử dụng tại các bệnh viện, đặc biệt là tất cả thuốc có số đăng ký trong năm 2013, thuốc mới trúng thầu lần đầu, thuốc nhập chuyến và thuốc có phản ánh về chất lượng qua quá trình sử dụng tại bệnh viện.
Đó là nội dung chỉ đạo của giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, được ông Lê Anh Tuấn - chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết ngày 22-10.
Theo chỉ đạo này, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm (thuộc Sở Y tế) sẽ lấy mẫu 332 thuốc trong tổng số 1.193 thuốc trúng thầu để kiểm nghiệm chất lượng.
Ngoài ra, Sở Y tế còn kiểm tra đối chiếu kết quả đấu thầu đợt 1 với kết quả đấu thầu riêng lẻ tại các bệnh viện trong năm 2012 (so sánh về giá và tỷ lệ thuốc trúng thầu theo nước sản xuất).
Để giải đáp dư luận về chất lượng thuốc nội có giá trúng thầu thấp, Sở sẽ kiểm tra hậu kiểm việc tuân thủ và thực hiện các nguyên tắc, quy định về thực hành tốt sản xuất của tất cả nhà máy sản xuất thuốc trên địa bàn TP. Đồng thời sẽ cử đoàn đi khảo sát thực tế tại các nhà máy ở địa phương khác.
-------------------------
Rét đậm, rét hại có khả năng đến sớm
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, nhiều khả năng, những đợt không khí lạnh mạnh sẽ hoạt động sớm hơn so với trung bình nhiều năm.
Đợt rét đậm, rét hại đầu tiên ở đồng bằng Bắc Bộ có thể sẽ xảy ra trong nửa đầu tháng 12/2014, sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Nền nhiệt độ toàn mùa đông của khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C.
Dự báo từ nay đến hết mùa mưa bão năm 2014 có thể còn 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và trong đó khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tổng lượng mưa toàn mùa đông xuân 2014-2015 tại Bắc Bộ có khả năng thiếu hụt từ 15-30% so với trung bình nhiều năm, ở Trung Bộ thiếu hụt khoảng 10-40%, ở khu vực Tây Nguyên sẽ ở mức xấp xỉ và mùa mưa ở Nam Bộ sẽ kết thúc sớm, lượng mưa sẽ ít hơn so với trung bình nhiều năm. Do vậy, nhiều nơi sẽ xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước
-------------------------