Một quan chức cấp thấp ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã bị phát hiện cất giấu 37 kg vàng, gần 20 triệu USD và 68 giấy tờ nhà đất tại nhà riêng, theo cơ quan chống tham nhũng địa phương.
Theo một tuyên bố đưa ra ngày 12/11 của Ủy ban kiểm tra kỷ luật tỉnh Hà Bắc, giới chức kỷ luật Đảng đã phát hiện khối tài sản khổng lồ trong khi khám xét nhà của quan chức này.
Quan chức trên đã bị giới chức chống tham nhũng điều tra vì nghi ngờ tham nhũng, biển thủ, lạm dụng công quỹ, tuyên bố cho biết, nhưng không tiết lộ các thông tin chi tiết cũng như tên hoặc chức danh của vị quan chức.
Nhưng một nguồn tin chính phủ giấu tên biết về vụ việc cho biết quan chức bị nói tới là Ma Chaoqun, một giám đốc công ty cấp thoát nước thuộc sở hữu nhà nước tại quận Beidaihe thuộc thành phố Tân Hoàng Đảo.
Giới chức chống tham nhũng tại Trung Quốc đã điều tra một loạt vụ việc trong đó các quan chức cấp thấp đã tích lũy những khối tài sản khổng lồ nhờ tham nhũng, theo một tuyên bố của chính phủ.
Một số quan chức cấp làng xã đã nhận các khoản tiền hối lộ trị giá vài triệu nhân dân tệ trong khi xử lý các vụ thu giữ đất đai, và một số quan chức trong các cơ quan lý phương tiện đã nhận hối lộ hàng chục nghìn nhân dân tệ.
Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự bức xúc trước các vụ án tham nhũng trên mạng xã hội và kêu gọi có các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các quan chức tham nhũng.
"Nếu Mỹ không muốn Trung Quốc tham gia TPP, Trung Quốc sẽ tự thành lập một khối thương mại riêng của mình”, một nhà kinh tế Trung Quốc nhận định.
Theo AP, lãnh đạo các nền kinh tế APEC ngày 11/11 đã đồng ý thảo luận về việc chấp thuận một thỏa thuận thương mại tự do do Trung Quốc khởi xướng.
Trong tuyên bố chung của APEC được đưa ra cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý sẽ dành 2 năm nghiên cứu về đề xuất này của Trung Quốc.
“Đây là một bước tiến lịch sử theo hướng mở ra một khu vực tự do thương mại tại châu Á- Thái Bình Dương”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tại cuộc họp báo tại Hội nghị APEC.
Các nhà phân tích cho rằng, động thái này của Trung Quốc là nhằm đối trọng với Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng nhưng lại không có Trung Quốc.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo APEC cũng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ trong vấn đề phòng chống tham nhũng, một vấn đề rất được Bắc Kinh quan tâm trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực bắt giữ các quan chức đã trốn ra nước ngoài “ôm theo” một số lượng lớn tài sản công.
Các chuyên gia nhận định, APEC là sự kiện quốc tế quan trọng đầu tiên diễn ra tại Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và Hội nghị này sẽ tạo điều kiện để Bắc Kinh có thể “vận động hành lang” để giành được một vai trò quan trọng hơn trên tường quốc tế.
Trong đêm 10/11 tại Hội nghị APEC, Bắc Kinh đã công bố thỏa thuận tự do thương mại với Hàn Quốc. Trước đó, cùng ngày, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng phê chuẩn việc mở cửa thị trường chứng khoán Trung Quốc cho các nhà đầu tư nước ngoài bằng việc kết nối các thị trường chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải.
Trước đó, vào cuối tuần qua, Trung Quốc cũng tuyên bố thành lập Quỹ Con đường Tơ lụa và đóng góp số tiền lên đến 40 tỷ USD để thúc đẩy kết nối thương mại giữa các nền kinh tế châu Á.
Ngoài ra, vào đầu năm 2014, Bắc Kinh đã khai trương một ngân hàng phát triển khu vực với sự tham gia của 20 quốc gia châu Á- Thái Bình Dương và đến tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi xây dựng một cấu trúc về an ninh mới tại châu Á với sự tham gia của một nhóm các quốc gia như Nga và Iran nhưng lại không có Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc cho rằng, họ hoàn toàn “vô tư” khi đưa ra đề xuất của mình, việc nền kinh tế của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ và trở thành đối tác thương mại hàng đầu với nhiều nước láng giềng như Hàn Quốc và Australia được coi là nhằm làm suy giảm sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Dù thỏa thuận thương mại tự do mới này được Ủy ban về Thương mại của APEC đề xuất nhưng Trung Quốc được cho nước đi đầu trong việc ủng hộ đề xuất này. Các chuyên gia nhận định, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đóng một vai trò quan trọng như vậy trong việc thúc đẩy các thỏa thuận thương mại đa quốc gia.
“TPP được Mỹ sử dụng để gạt Trung Quốc sang một bên và làm suy yếu sức mạnh kinh tế của Trung Quốc”, ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Mỹ thuộc Đại học Fudan, Thượng Hải cho biết.
Theo ông Wu, việc thúc đẩy sáng kiến mới này của Trung Quốc sẽ giúp “Trung Quốc có tiếng nói lớn hơn và một vị thế mới tại châu Á- Thái Bình Dương”.
Mỹ thận trọng trước sự “trỗi dậy” của Trung Quốc
Dù Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10/11 lên tiếng cho rằng Mỹ hoan nghênh việc Trung Quốc trỗi dậy trở thành một quốc gia thịnh vượng, hòa bình và ổn định, nhiều quan chức Mỹ vẫn nghi ngờ động thái ủng hộ thành lập khu vực tự do thương mại châu Á- Thái Bình Dương.
Các quan chức thương mại Mỹ cho biết những đề xuất của Trung Quốc có thể không phải là nhằm đối đầu với TPP của Mỹ nhưng họ vẫn muốn Bắc Kinh sớm hoàn tất hiệp định đầu tư Mỹ- Trung và một thỏa thuận khác giữa hai bên để có thể dỡ bỏ những rào cản về thương mại trong lĩnh vực công nghệ thông tin giữa hai nước.
Các quan chức Mỹ và nhiều nước khác đều cho rằng đề xuất của Trung Quốc sẽ khiến Hội nghị APEC đi chệch hướng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn coi đây là chủ đề trung tâm của Hội nghị.
Trong khi đó, lãnh đạo các quốc gia tham gia đàm phán TPP như Mỹ, Mexico, Nhật Bản và Australia đã gặp nhau ngày 10/11 và ra tuyên bố các cuộc đàm phán của họ đang tiến triển tốt đẹp dù nhiều vòng đàm phán đã bị trì hoãn do những tranh cãi về việc mở rộng thị trường tại các nước nói trên.
Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi đã yêu cầu các bộ trưởng và các nhân viên đàm phán của chúng tôi phải coi việc sớm hoàn tất TPP là ưu tiên hàng đầu”.
Trung Quốc không muốn bị “gạt sang một bên” bởi TPP?
Đề xuất về khu vực tự do thương mại tại châu Á- Thái Bình Dương do Trung Quốc khởi xướng được cho là sẽ không thể sớm hoàn tất như TPP nhưng được kỳ vọng là sẽ giúp làm giảm những tranh cãi liên quan đến nhiều thỏa thuận thương mại trong khu vực.
Ngoài ra, theo nhà kinh tế Li Wei thuộc trường Đại học Cheung Kong, Bắc Kinh, Trung Quốc, đây sẽ là một phản ứng logic khi Trung Quốc bị gạt ra khỏi việc tham gia vào TPP.
“Nếu Mỹ không muốn Trung Quốc tham gia TPP, Trung Quốc sẽ tự thành lập một khối thương mại riêng của mình”, ông Li nói.
Ngoài ra, ông Li cũng chỉ rõ nhiều trường hợp các công ty công nghệ của Trung Quốc như Huawei cũng không thể tham gia vào thị trường Mỹ.
“Thế giới do Mỹ dẫn đầu đang lẩn tránh việc tiến hành tự do thương mại và xích lại gần với việc bảo hộ hàng hóa trong nước. Nếu Mỹ tuyên bố Mỹ phải thận trọng khi tiến hành các thỏa thuận thương mại tự do với một nước nào đó thì Trung Quốc sẽ đóng vai trò cởi mở hơn”, ông Li khẳng định./.
-----------------------------
Mục tiêu "khó nói" của ông Obama tại Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành cuộc gặp song phương hôm 12/11 bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Bắc Kinh...
... Nhằm thảo luận về các vấn đề “nóng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên sự kiện này cũng bao hàm cả mục tiêu được cho là "khó nói" của ông Obama.
Theo đó, sau khi đảng Dân Chủ của ông Obama thất thế trước đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, chuyến thăm tới 3 nước châu Á là Trung Quốc, Myanmar và Australia để tham dự APEC và hội nghị thượng đỉnh G20 đồng thời cũng là "liều thuốc thử" cho vai trò của ông Obama trên trường quốc tế trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của vị tổng thống 53 tuổi.
Ernest Bower, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington thẳng thắn nói: "Đây sẽ là một chuyến đi khó khăn của ngài Tổng thống". Ông Bower cho biết các nhà lãnh đạo châu Á có thể nhìn nhận chuyến đi của ông Obama với câu hỏi: "Ông Obama sẽ là ai sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ?".
James Goldgeier, hiệu trưởng trường Dịch vụ quốc tế thuộc Đại học Hoa Kỳ nhận định: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất trong chuyến thăm 3 nước châu Á với chặng dừng chân đầu tiên là Bắc Kinh của ông Obama cũng nhằm thể hiện với mọi người rằng ông ấy vẫn là Tổng thống Mỹ. Ông ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cường quốc số một thế giới và muốn có cơ hội để nhắc nhở tất cả mọi người về điều này”.
Chuyến công du châu Á của ông Obama được công bố rõ ràng mục đích là nhằm đạt được thỏa thuận tự do thương mại. Tuy nhiên nhiều người nhìn nhận mục đích của chuyến thăm là nhằm cho thấy chiến lược "xoay trục sang châu Á” của Mỹ được công bố năm 2012 không hề bị bỏ ra bên lề bởi tình hình chiến sự ở Ukraine, cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng hay đại dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi.
Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice từng phân tích: "Ngài Tổng thống vẫn duy trì cam kết với chiến lược tái cân bằng với châu Á và điều đó vẫn là trọng tâm trong suốt nhiệm kỳ thứ hai của ông".
Hôm 11/11, trong bữa tối riêng kéo dài 5 tiếng (vượt 2 giờ so với dự định ban đầu) với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Obama đã bày tỏ rằng ông muốn nâng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ “lên một tầm cao mới”. Ông Obama nêu rõ: “Khi Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác hiệu quả cùng nhau thì cả thế giới sẽ được hưởng lợi”.
Nhưng Bắc Kinh vẫn luôn hoài nghi về ý định của ông Obama tại châu Á, khi chứng kiến việc ông dành nhiều nỗ lực để tăng cường quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á như một cách để đối trọng với sự tăng trưởng không ngừng của kinh tế Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, Michael Green, nhà phân tích châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến thuật và quốc tế nhìn nhận: “Tôi cho rằng sẽ có thêm căng thẳng với Trung Quốc trong những năm tới". Ông Green cũng bổ sung rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể “cứng rắn hơn dự đoán" đối với Mỹ.
-----------------------------
Mỹ - Trung bắt tay để lãnh đạo thế giới?
Trong những ngày qua, lãnh đạo hai nước Mỹ - Trung đã có những cuộc tiếp xúc và ký hàng loạt thỏa thuận quan trọng. Nhưng đáng chú ý hơn, sự thân thiết bất ngờ của các cuộc gặp này khiến người ta tin rằng hai nước đang bắt tay để lãnh đạo thế giới.
Trật tự thế giới hai cực, hay G2 đã trở lại, đó là nhận định của tiến sỹ Ramon Pacheco Pardo, giảng viên khoa quan hệ quốc tế, đại học King's College tại London trong bài viết mới đây trên tờ Telegraph, khi nhận định về các cuộc tiếp xúc thượng đỉnh Trung-Mỹ vừa qua. Dân Trí xin trích đăng.
“Cắt giảm phát thải khí nhà kính, thông báo cho nhau về các hoạt động quân sự và chuyển giao các sản phẩm công nghệ thông tin chỉ là 3 trong số nhiều lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí cùng hợp tác.
Trên bình diện rộng hơn, cuộc gặp thượng đỉnh nồng ấm một cách bất ngờ giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng phát triển thành vai trò lãnh đạo của G2 trên phạm vi toàn cầu”, tác giả khẳng định.
Hãy cùng sánh bước
Có 3 yếu tố khác khiến Washington và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn. Thứ nhất đó là trong ngắn hạn, ông Obama chỉ còn 2 năm cuối nhiệm kỳ. Do đó không có gì ngạc nhiên khi vị Tổng thống Mỹ muốn tạo ra một di sản của riêng mình, trong khi kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã khiến những kế hoạch hành động của ông nay trở nên khó khăn hơn.
Do vậy, việc củng cố quan hệ song phương với Bắc Kinh có thể sẽ là một lời giải. Đằng sau chiêu bài công kích Trung Quốc, vốn chắc chắn sẽ còn tăng khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đến gần, thực chất cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều muốn có quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh.
Cần nhớ rằng, chính cựu Tổng thống George W. Bush, một người của đảng Cộng hòa, đã đưa ra sáng kiến đối thoại song phương, mà trên cơ sở đó những cuộc gặp gỡ thượng đỉnh của người kế nhiệm ông được tiến hành.
Một yếu tố khác đằng sau quan hệ hợp tác Trung – Mỹ liên quan tới các mục tiêu quan trọng nhất của Bắc Kinh, đó là tăng trưởng kinh tế và việc làm. Chính quyền của ông Tập đã khẳng định rõ ràng rằng đây là hai ưu tiên hàng đầu.
Việc có khúc mắc với Washington, dẫn tới suy giảm kinh tế, thất nghiệp tăng, nhất là tại các khu vực đô thị là điều Bắc Kinh luôn muốn tránh.Trong bối cảnh đó, hoàn toàn hợp lý khi Bắc Kinh tìm cách đạt được những thỏa thuận chắc chắc, tạo ra những quy định về thương mại và đầu tư rõ ràng hơn.
Tương tự, cũng logic khi chính quyền của ông Tập tránh những cuộc đối đầu quân sự và chạy đua vũ trang mà họ không thể thắng. Liên Xô cũ đã thua trong Chiến tranh lạnh, một phần do cố gắng chạy đua với sức mạnh quân sự Mỹ. Trung Quốc đã rút ra bài học này và muốn tránh đi vào vết xe đổ năm xưa.
Yếu tố thứ ba khiến Washington và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn là do cấu trúc. Ngày nay, những mối đe dọa an ninh nguy hiểm nhất đều mang tính xuyên quốc gia. Từ biến đổi khí hậu tới chủ nghĩa khủng bố đều không giới hạn trong bất kỳ biên giới nước nào. Do đó, một điều rất cơ bản đó là Mỹ và Trung Quốc cần phải phối hợp cùng nhau để xử lý. Việc này giúp họ học hỏi được từ nhau đồng thời giúp hạ thấp chi phí.
Ai sẽ lãnh đạo thế giới?
Những cái bắt tay trên dẫn tới một câu hỏi rất được quan tâm, liệu Mỹ và Trung Quốc có lãnh đạo được phần còn lại của thế giới không?
Một điều rõ ràng rằng không có thỏa thuận mang tính toàn cầu nào có thể thành công nếu không só sự cam kết của hai cường quốc này. Đơn cử như các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu dường như luôn phải xoay quanh các thỏa thuận Trung – Mỹ.
Đối với vấn đề quản trị tài chính, Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới.
Trái lại, các hoạt động của Tòa hình sự quốc tế đang bị ảnh hưởng bởi thực tế rằng Washington vẫn chưa chịu phê chuẩn Quy chế Rome. Bắc Kinh thậm chí còn chưa ký vào bản thỏa ước này. Những ví dụ này cho thấy nếu không có 2 cường quốc này, việc quản trị toàn cầu một cách hiệu quả là khó, nếu không muốn nói là không thể đạt được.
Hiện có một khẳng định mạnh mẽ rằng, sự suy yếu tương đối của Mỹ đã tạo ra một khoảng trống quyền lực. Nhưng nghịch lý là điều này lại trao cơ hội để G2 có thể khẳng định vai trò lãnh đạo. Dù vậy sẽ khó có một nước nào có thể thay thế vai trò siêu cường của Mỹ trong nay mai. Các định chế và sáng kiến toàn cầu có thể đi xa tới đâu, sự sự tê liệt của vòng đám phán thương mại Doha chính là câu trả lời.
Vì thế việc Washington và Bắc Kinh tìm được tiếng nói chung sẽ là xuất phát điểm tuyệt vời cho vai trò lãnh đạo toàn cầu. Nó rõ ràng có thể dẫn dắt các cường quốc lớn khác cùng hợp tác, nhưng sẽ đòi hỏi hoạt động ngoại giao khéo léo để tránh khiến các nước khác cảm thấy bị loại khỏi tiến trình ra quyết định. Sự dẫn dắt của Washington và Bắc Kinh sẽ không thể thành công nếu không nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, tất cả những yếu tố trên không đồng nghĩa mọi yếu tố trong quan hệ Mỹ - Trung đều tốt đẹp. Những cáo buộc do thám điện tử lẫn nhau, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, và nỗ lực thúc đẩy dân chủ của ông Obama tại Myanmar là 3 vấn đề khác mà Washington và Bắc Kinh chưa thể thắng thắn với nhau. Ngoài ra còn có những cân nhắc trừu tượng khác liên quan tới những lợi ích địa chính trị ở những khu vực khác trên thế giới.
Nhưng trên tất cả, những thỏa thuận được ký hôm thứ Tư vừa qua cho thấy các mối lo ngại không thể khiến Mỹ và Trung Quốc ngừng hợp tác ở những vấn đề then chốt đối với hai nước cũng như toàn thế giới. Đây có thể là bước đi đầu tiên hướng tới sự lãnh đạo toàn cầu của G2.
---------------------------
Ukraina huy động lực lượng ồ ạt tới miền đông
Ukraina đang huy động quân đội và vũ khí ở phía đông đất nước để chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công mới có thể xảy ra của lực lượng ly khai, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina, ông Stepan Poltorak hôm 12.11 cho biết.
“Chúng tôi tái triển khai lực lượng vũ trang để chuẩn bị ứng phó với những hành động không thể lường trước của các nhóm vũ trang hoạt động trên các vùng lãnh thổ ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”, ông Poltorak nói tại 1 cuộc họp nội các. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina không tiết lộ chi tiết về các hoạt động chuyển quân.
Cũng theo ông Poltorak, quân đội Ukraina tăng cường khả năng và sự sẵn sàng chiến đấu để chuẩn bị cho những tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Ukraina đã ký các hợp đồng mua vũ khí và thiết bị quân sự trị giá khoảng 63,5 triệu USD.
Cuộc xung đột giữa lực lượng ly khai ở miền đông và quân đội chính phủ Ukraina bùng nổ từ thời điểm 15.4.2014. Một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký hôm 5.9 tại thủ đô Minsk của Belarus nhằm giảm leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, thỏa thuận này thường xuyên bị vi phạm.
Trong 24 giờ qua, 1 binh sĩ Ukraina đã thiệt mạng và 5 người khác bị thương, theo phát ngôn viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraina, ông Andriy Lysenko.
---------------------