Tin Pháp luật sớm 14-11-2014: Tranh chấp karaoke nhạc Việt tại Đài Loan - Vì đâu những “quả bom gas” lậu vẫn hoành hành?

  • Cập nhật : 14/11/2014
 Tranh chấp karaoke nhạc Việt tại Đài Loan
Công ty TNHH quốc tế Huyền Hoặc (chuyên kinh doanh loại hình karaoke) ở Đài Loan đang tiến hành các bước pháp lý để kiện một công ty “đồng nghiệp” ở VN.
 
Theo ông Tsao Sheng Ching, Giám đốc Công ty Zhen Feng International Multimedia Ltd.Co (tên Việt là Công ty Huyền Hoặc) có trụ sở tại TP.Đài Trung thì ở Đài Loan hiện nay có khoảng 45.000 người Việt do vậy có nhu cầu giải trí bằng karaoke nhạc Việt. Vì thế, từ tháng 11.2013 đến nay, công ty này đã ký hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc với khoảng hơn 100 ca - nhạc sĩ VN để sử dụng tác phẩm âm nhạc của họ độc quyền trên lãnh thổ Đài Loan.
 
Tuy nhiên vào khoảng giữa năm 2014, Huyền Hoặc phát hiện Công ty TNHH TM & DV Đông Hải tại TP.HCM (gọi tắt là Đông Hải) đã ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc của một số trong các ca - nhạc sĩ mà Huyền Hoặc từng ký hợp đồng cho Công ty Gao-Le Audio & Video Equipment Co. Ltd (Công ty Gao Le) mà chưa được sự đồng ý của các ca - nhạc sĩ trong cuộc cũng như của Công ty Huyền Hoặc.
 
Ông Tsao Sheng Ching nói trong danh mục 3.511 ca khúc mà Công ty Đông Hải ủy quyền cho Gao Le thì có khoảng 1.000 ca khúc đã là độc quyền của Công ty Huyền Hoặc. Văn phòng luật sư Hà Hải (đại diện cho Huyền Hoặc) cũng đã trưng ra các đơn yêu cầu luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ông: Vũ Quốc Việt (nhạc sĩ), Bằng Cường (ca - nhạc sĩ), Lý Hải, Tống Gia Vỹ, Lâm Vũ, Nguyễn Hoàng Duy, Akira Phan, Phạm Trưởng… Những nghệ sĩ này nghĩ rằng họ đã bị Công ty Đông Hải lạm dụng sự tín nhiệm, không tham khảo ý kiến hoặc thông báo khi phổ biến tác phẩm của họ ra nước ngoài (cụ thể ở Đài Loan). Theo các ca - nhạc sĩ này, trước đây họ có ký hợp đồng với Công ty Đông Hải nhưng vẫn nghĩ rằng chỉ là phát hành ở phạm vi trong nước, nên khi Công ty Huyền Hoặc đặt vấn đề phát hành dưới dạng karaoke ở Đài Loan thì họ đã ký kết hợp đồng.
-------------------------

 Truy tìm nghi can giam cầm 11 người Việt tại Campuchia

Như Lao Động đã thông tin, cảnh sát Campuchia vừa giải cứu 11 người Việt Nam bị một nhóm người Việt lừa sang tỉnh Kompong Thom (Campuchia) lao động, sau đó bắt giữ, giam cầm để đòi tiền chuộc.
 
Phóng viên Báo Lao Động đã tìm về nhà nghi can Nguyễn Văn Sinh (còn gọi là Xin) ở ấp Giồng Ngang, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hoàn, tỉnh Long An - người được cho là cầm đầu băng nhóm bắt người, đã trốn thoát - và có những phát hiện bất ngờ.
 
Nhốt người để đòi tiền
 
Ngày 12.11, thông tin từ Lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia cho biết, 10 người Việt vừa được cảnh sát Campuchia giải cứu sau khi bị bắt cóc, tống tiền (trước đó có một người trong nhóm tự trốn thoát đi trình báo) đã về nước an toàn. Theo đó, cảnh sát Campuchia đã thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh vụ việc nói trên, đồng thời không có yêu cầu nào về xác minh nhân thân cũng như hỗ trợ thủ tục pháp lý cho những người Việt này.
 
Tương tự, tại tỉnh Long An và Tây Ninh - các địa phương được cho là nơi cư trú của những nạn nhân - chính quyền sở tại cũng không được thông báo, cũng không nhận được yêu cầu hợp tác điều tra nào từ nước bạn. Có vẻ như việc hồi hương lần này của các con tin - dù chưa được khẳng định là bị bắt cóc hay tự “cầm mạng” - cũng giống cái cách mà các con bạc đi “cầm mạng” được nước bạn “trao trả” tại cửa khẩu: Chở tới cửa khẩu và tự bắt xe rồi đi đâu thì đi.
 
Theo thông tin đăng tải trên tờ Campuchia Daily, dẫn lời Cảnh sát trưởng tỉnh Kompong Thom - ông Chou Sam An - quá trình giải cứu diễn ra ngày 8.11, sau khi cảnh sát nước này nhận được thông tin từ người thứ 11 bị bắt cóc đã trốn thoát khỏi ngôi nhà ở huyện Prasat Balaing hồi tháng 10.
 
Nạn nhân chạy trốn tới tỉnh Banteay Meanchey và báo với chính quyền ở đây. Cảnh sát tỉnh Kompong Thom đã truy tìm dấu vết của bọn bắt cóc suốt một tháng. Ông Chou Sam An cho biết, những người Việt này bị đánh đập và bỏ đói, gia đình của họ ở Việt Nam bị đòi mức tiền chuộc từ vài trăm USD đến vài ngàn USD.
 
Trong ngày 8.11, cả 3 nghi phạm người Việt liên quan vụ bắt cóc bị bắt giữ. Nhóm này khai ra một đối tượng khác được cho là “cầm đầu” tên Nguyễn Văn Sinh (tên thường gọi ở nhà là Xin), sinh năm 1976, ngụ ấp Giồng Ngang, xã Hoà Khánh Đông, huyện Đức Hoà, Long An.
 
Có thông tin cho rằng, những người này bị lừa sang Campuchia làm việc với mức lương 500USD/tháng, sau đó bị bắt giữ để đòi tiền chuộc. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin có hiểu biết về lai lịch đối tượng Nguyễn Văn Sinh, khả năng 11 nạn nhân “cầm mạng” để đánh bạc hoàn toàn có thể xảy ra. Theo đó, Nguyễn Văn Sinh từng lê la ở nhiều casino ven biên giới, gạ gẫm, dụ dỗ người dân tham gia “cầm mạng” để đánh bạc. Khi cảnh sát đột kích vào nơi giam giữ nạn nhân, cảnh sát thu giữ chứng minh nhân dân của Sinh.
 
Đi tìm nghi can
 
Có mặt tại cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, Long An) ngày 11.11, một số nguồn tin của chúng tôi sau khi xem ảnh chứng minh nhân dân của Sinh do công an Campuchia chụp lại khẳng định, đối tượng này cách đây hơn 1 năm thường lân la khắp 4 casino bên kia biên giới Mỹ Quý Tây. Sinh gạ gẫm những con bạc đã thua cháy túi về cửa khẩu Mộc Bài đánh bạc, vì trong hàng chục sòng bạc rải khắp biên giới, chỉ có phía Mộc Bài là có “dịch vụ” cầm mạng. Tuy nhiên, Sinh không hoạt động được lâu vì các chủ sòng ở Mỹ Quý Tây đã sai đàn em đuổi Sinh đi nơi khác, vì họ sợ dính líu đến pháp luật.
 
“Ở Campuchia, người Việt vào casino là hợp pháp nhưng giam giữ, đánh đập con bạc là phạm pháp” - một nguồn tin nói.
 
Tại cửa khẩu Mộc Bài, một số người quen của chúng tôi cho biết, gần đây nhiều đường dây “cầm mạng” thường lôi kéo con bạc vào sâu bên trong nội địa Campuchia rồi mới cho “cầm mạng”, vì gần biên giới các con bạc rành đường đi nước bước, sẽ dễ trốn thoát. Một số con bạc cho biết, họ có xem tivi và có biết mặt Sinh. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng trở lại đây họ không thấy Sinh lân la trong các casino khu vực Mộc Bài.
 
Ông Lê Văn Cỏ - Chủ tịch UBND xã Hoà Khánh Đông - cho biết, các cơ quan chức năng không có thông báo về địa phương vụ việc của Sinh. Ông Cỏ chỉ nắm tin qua báo chí. Theo ông Cỏ, Sinh có tiền án, tiền sự, đăng ký hộ khẩu ở địa phương nhưng rất ít khi xuất hiện. Trong khi đó, một lãnh đạo Công an huyện Đức Hoà cho hay, do vụ việc xảy ra trên địa bàn Campuchia nên Công an huyện Đức Hoà cũng chỉ biết thông tin trên báo chí. Cho đến ngày 12.11, chính quyền cấp xã, cấp huyện lẫn cấp tỉnh Long An đều không nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào. Do đó, Sinh vẫn chỉ là đối tượng có tiền án, đã ra tù và nằm trong danh sách địa phương quản lý.
 
Ngày 12.11, chúng tôi tìm về ấp Giồng Ngang. Dù được chỉ đường tận tình nhưng chúng tôi tìm đến nhà người thứ năm có tên là Sinh hoặc Xin vẫn không khớp với đối tượng mà cảnh sát Campuchia nói tới. Một người tên Xin (nhà ở ấp Bình Thuỷ, xã Hoà Khánh Đông) nói: “Thằng mà các anh nói, tên ở nhà là Xin, trùng tên với tui, vừa đi tù 8 năm về. Mấy bữa nay tui trả lời điện thoại muốn cháy máy luôn vì đọc trên báo cứ tưởng là tui. Chỉ riêng cái xóm nhỏ xíu mà tôi đang ở có tới hơn chục người tên Xin, còn cả xã thì không biết là mấy chục người”.
 
Thắc mắc sao ở đây có nhiều người tên Xin vậy thì người này lý giải: “Hồi mới giải phóng, xã này có ông thầy lang vườn. Hễ nhà ai đẻ con èo uột, cứ bồng con tới cho ổng đặt tên Xin (trong nghĩa xin-cho) để dễ nuôi. Thành ra nhà nào cũng có người tên Xin. Ai lạ vô xóm này, hỏi người tên Xin thì phải kèm theo tên cha tên mẹ, chứ chỉ nói tên không thì tìm tới nửa đêm cũng chưa ra. Thôi để tôi dẫn các anh đi cho chính xác”.
 
Không biết chữ và… 5 vợ
 
Qua nhiều con đường vòng vèo, chúng tôi cũng tìm được đến nhà mẹ ruột của đối tượng Sinh. Nghe hỏi thăm, một người đàn ông dáng người to khoẻ ra mở cửa và nói nhỏ: “Nếu hỏi chuyện về thằng Sinh thì các anh ngồi ngoài vườn trao đổi nhé. Mẹ tôi gần 80 tuổi, lại đang bị tai biến nên cả nhà giấu thông tin này. Sự việc chưa có gì rõ ràng, mẹ tôi mà biết được, sợ chịu không nổi”.
 
Người đàn ông xưng là Nguyễn Văn Hon, sinh năm 1969, là anh cùng mẹ khác cha với Sinh. Ông Hon vừa kể vừa cười, như thể chuyện của ai đó hàng xóm chứ không phải em trai mình: “Tui cũng vừa thấy tin trên tivi tối qua. Xã này mấy chục người trùng tên, nhưng chỉ có thằng Sinh em tôi là có tiền án tiền sự, lại có dính líu đến dân chơi bài bạc bên Campuchia, nên chắc là cảnh sát Campuchia đang nói tới nó. Hình chứng minh nhân dân mà một đài truyền hình đưa lên thì đúng là nó rồi, nhưng chúng tôi chưa nghe thông báo gì hết nên vẫn rất hy vọng nó không phạm tội”.
 
Theo lời kể của ông Hon, Nguyễn Văn Sinh học xong lớp 1 thì nghỉ học và đến giờ cũng không biết đọc, biết viết gì cả. Dù vậy, Sinh lại có khiếu ăn nói nên tuổi chưa đến 40 mà đã có... 5 đời vợ và mỗi người có với Sinh một đứa con. “Đây là những người vợ mà chúng tôi là bên nội, thấy có cháu nên nhận cháu và biết được. Còn những người không chính thức hoặc Sinh chưa dẫn về thì chúng tôi không biết” - ông Hon nói.
 
Chúng tôi tìm đến nhà riêng của Sinh ở ấp Bình Thuỷ kế bên, nơi Sinh đang sống với người vợ thứ 5 cùng con gái 5 tuổi, thì nhà khoá ngoài. Những người hàng xóm cho biết, từ tết đến giờ họ không thấy Sinh về thăm nhà.
 
“Thằng Sinh sống linh tinh lắm, nhưng vợ nó thì hiền lành. Quanh năm suốt tháng không thấy mặt nó, chỉ tội vợ Sinh phải làm công nhân, một mình chăm sóc cho con. Cái nhà mà vợ con nó đang ở cất trên cái nền cũ khu nghĩa địa, chủ cũ không ở mà bán rẻ cho gia đình Sinh với giá 40 triệu đồng” - người cậu thứ tư của Sinh nói.
 
Đến sẩm tối 12.11, vợ Sinh chở con về nhà. Gặp chúng tôi, chị tiếp chuyện mà mặt thất thần, mắt đỏ hoe: “Nếu anh Sinh có làm sai thì anh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Con em còn nhỏ, em làm công nhân nuôi con. Em rất lo sợ chuyện người ta biết em là vợ anh Sinh thì em sẽ mất việc, con em sẽ đói. Một ngày cũng là tình nghĩa vợ chồng, anh Sinh quanh năm đi biền biệt, chẳng lo lắng, chu cấp tiền bạc gì cho mẹ con em, giờ em lại rơi vào hoàn cảnh như thế này. Em chỉ cầu mong mọi chuyện yên ổn để em đi làm công nhân nuôi con mà thôi”.
 
“Cầm mạng” là “chuyện thường ngày ở huyện”
 
Ở các tỉnh ĐBSCL có biên giới với Campuchia, chuyện bắt người, “cầm mạng” rồi tống tiền, đòi tiền chuộc ở các sòng bài là “chuyện thường ngày ở huyện” từ nhiều năm nay. Và đặc biệt, các đối tượng cầm đầu trong những vụ “cầm mạng”, bắt người đòi tiền chuộc luôn là người Việt. Thời gian qua, rất nhiều người Việt Nam đã bị chặt ngón tay, cắt lỗ tai, thậm chí là bị giết chết vì không có tiền chuộc mạng. Phần lớn trường hợp, cảnh sát Campuchia phát hiện và giải cứu xong thì đưa họ tới cửa khẩu rồi họ tự về, mà không cần các thủ tục bàn giao hay hợp tác điều tra với chính quyền Việt Nam.
-------------------------------
 Bảo vệ bệnh viện Bạch Mai trả lại hơn 20 triệu đồng nhặt được
Đang làm nhiệm vụ, anh Thành phát hiện một bọc tiền bị rơi và đã tìm chủ nhân của số tiền trên để trả lại.
 
Khoảng 10h ngày 10/11, trong khi làm nhiệm vụ tại Nơi đón tiếp bệnh nhân (Khoa khám bệnh), anh Vũ Duy Thành, cán bộ thuộc Phòng bảo vệ chính trị nội bộ (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội) phát hiện một cọc tiền được bọc trong chiếc túi nilon màu trắng.
 
“Tôi có hỏi những người xung quanh “tiền của ai đánh rơi đây?”. Một người chỉ về hướng người đàn ông đang đứng phía xa. Tiến lại gần để hỏi người được cho là bị hại, ông ta sửng sốt, thẫn thờ rồi kêu lên: “tôi bị mất hết tiền rồi”.”
 
Theo anh Thành, trước sự chứng kiến của nhiều người, anh đã mở túi nilon ra để kiểm chứng thì thấy bên trong có 21.950.000 đồng. Kiểm tra giấy tờ thì đúng người đàn ông này bị mất. Ngay sau đó, anh Thành đã mời người đàn ông trên về phòng để làm thủ tục trao trả số tiền trên.
 
Nhận lại số tài sản đánh rơi, ông Phạm Ngọc Bằng (SN 1963, quê Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình) vô cùng cảm động. Ông Bằng cho hay, đó là số tiền của cả gia đình ông tích góp để làm vốn đi mua hàng đem về quê buôn bán.
 
“Nhân tiện lên Hà Nội, hai vợ chồng tôi vào bệnh viện khám bệnh. Tôi bọc tiền trong túi nilon rồi để vào cạp quần. Sau khi đăng ký, lấy phiếu khám bệnh và đi tìm phòng bác sỹ, tôi không biết bọc tiền rơi lúc nào.” - ông Bằng kể lại.
 
Cảm kích trước hành động tốt đẹp của bảo vệ Bệnh viện Bạch Mai, ông Bằng đã viết thư cảm ơn lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và anh Thành.
--------------------------
 Vì đâu những “quả bom gas” lậu vẫn hoành hành?
- Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đang bất chấp thủ đoạn để tiến hành sang chiết gas trái phép, thậm chí là cắt tai mài vỏ, tự sản xuất vỏ bình gas không đảm bảo chất lượng vì món lợi "siêu khủng" ngang ngửa với... buôn ma túy.
 
Nhiều năm trở lại đây, các Công ty, đại lý gas mọc lên như “nấm sau mưa” bởi lợi nhuận từ việc bán lẻ gas rất lớn. Các cơ sở kinh doanh gas tìm mọi cách để móc túi người tiêu dùng. Ngoài việc “chôm chỉa” vỏ bình, thực trạng cắt tai, mài vỏ, sang chiết gas trái phép đang diễn ra hết sức phức tạp. Tình trạng này không chỉ khiến nhiều hãng gas lớn tổn thất nghiêm trọng về kinh tế, thương hiệu, thị trường… mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.
 
Theo một báo cáo của Hiệp hội Gas Việt Nam, có tới 30% số vỏ bình gas đang lưu hành trên thị trường (tương đương khoảng 5 triệu vỏ) là giả, gây nguy cơ cháy nổ đe dọa sự an toàn của hàng triệu gia đình.
 
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh gas còn bất chấp thủ đoạn, dù bị xử phạt vẫntiến hành sang chiết, kinh doanh gas trái phép vì món lợi nhuận “siêu khủng” mà giới buôn vẫn kháo nhau rằng giàu hơn buôn thuốc phiện. Theo ước tính của giới kinh doanh gas, cứ mỗi bình gas sang chiết trái phép từ việc chiếm dụng vỏ bình của đơn vị khác, đối tượng chiết gas "lậu" thu lợi khoảng 150.000 đồng, nên với khối lượng hàng nghìn bình gas lậu mỗi ngày, lợi nhuận bất chính lên tới mấy trăm triệu đồng, con số quá lớn so với các quy định xử phạt hành chính.
 
Thông tin từ các hãng gas cho biết, nhiều năm qua, tình trạng chiết nạp gas trái phép, giả mạo sở hữu công nghiệp ngày càng gia tăng. Thời gian gần đây, thủ đoạn này được các đối tượng sử dụng trắng trợn, nhất là việc chiếm dụng vỏ bình của nhiều hãng gas lớn có uy tín để sang chiết trái phép.
 
Mới đây, vào chiều ngày 7/11, qua tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện Công ty TNHH Hà Phong (Khu công nghiệp Tân Quang có địa chỉ tại thôn Ngọc Loan, Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên) có dấu hiệu sang chiết hàng nghìn bình gas trái phép.
 
Tại buổi làm việc, tổ công tác đã niêm phong hơn 600 bình gas thành phẩm có dấu hiệu sang chiết trái phép. Ngoài ra, còn có hơn 3.000 vỏ bình gas của nhiều thương hiệu khác nhau như PetroVietnam Gas, Thăng Long Gas (của Petronas), Vinasshin Gas…đang chất đống trong kho. Việc chiếm dụng vỏ bình này đang là một thực trạng đáng báo động trong hoạt động kinh doanh gas hiện nay và gây tổn thất lớn cho các hãng gas.
 
Theo đại diện một hãng gas ở Hà Nội, chi phí sản xuất vỏ bình khoảng 500.000 đồng/bình. Khi một bình gas xuất xưởng đến với người tiêu dùng lần đầu, DN chỉ thu phí đặt cược là 200.000 đồng/vỏ bình và chỉ lãi vài chục nghìn/bình. Thông thường, phải mất 3 tháng, DN mới quay vòng được bình gas đó. Vì vậy nếu các đối tượng dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt vỏ bình thì công ty sẽ không có lãi mà bị lỗ mất hàng trăm nghìn/bình gas. Công ty gas ít vốn có thể bị phá sản oan.
 
Tương tự như vụ việc tại Công ty TNHH Hà Phong, vào tháng 8 vừa qua,Cục Cảnh sát Kinh tế (C46), Bộ Công an và Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cùng các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hoạt động san chiết gas tại trạm chiết nạp LPG của Cty TNHH Năng lượng Đất Việt (Cty Năng lượng Đất Việt) trụ sở tại thôn 1, xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình vì nghi ngờ Cty này san chiết gas trái phép.
 
Qua công tác kiểm đếm, có tới 20 nhãn hiệu, thương hiệu xuất hiện tại xưởng sang chiết. Trong đó có 2.479 vỏ bình gas của nhiều thương hiệu chờ nạp gas, 188 bình đã được nạp gas chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.
 
Bình mang nhãn hiệu PetroVietnam (148 vỏ bình); Đất Việt (563 vỏ, 127 bình thành phẩm); Alpha Petro – Gia Định (798 vỏ, 10 bình thành phẩm); Hoa Lư gas (769 vỏ, 47 bình thành phẩm)... Ngoài ra, còn nhiều thương hiệu nổi tiếng khác cũng “xuất hiện” tại Cty TNHH năng lượng Đất Việt như: Total gas, Gas Petrolimex, Shell Gas...
 
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là đại đa số các vụ việc liên quan đến sang chiết trái phép, cắt tai mài vỏ, chiếm dụng bình gas đều chỉ bị xử lý hành chính. Đó có thể coi là "thuốc chưa đủ liều" với tình trạng gian dối trong ngành gas, vốn ngày càng trắng trợn hơn.
 
Một điển hình hiếm hoi về xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực này là vụ việc kinh doanh “gas bẩn” đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Quảng Ninh, tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Điện Quang (Công ty Điện Quang), trụ sở ở Lô 18, Khu công nghiệp Cái Lân - TP Hạ Long (Quảng Ninh). Công ty này đã sản xuất lậu đến khoảng 4 vạn vỏ bình gas. Mỗi vỏ bình có giá khoảng 500 nghìn đồng. Số tiền công ty này thu được từ 4 vạn vỏ bình gas lậu vào khoảng 20 tỷ đồng.
 
Điều quan trọng là 4 vạn vỏ bình gas được Công ty Điện Quang này sản xuất lậu đã được sang chiết gas, tung ra thị trường và hiện đang nằm trong nhà của hàng vạn hộ gia đình mà không hề có một sự đảm bảo nào về an toàn gây nguy cơ về hiểm họa cháy nổ khôn lường.
 
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Lý - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Điện Quang (Công ty Điện Quang về hành vi Kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
 
Theo Luật sư Vi Văn Diện – Văn phòng luật sư Thiên Minh, những thủ đoạn kinh doanh “gas bẩn” như cắt tai mài vỏ, chiếm đoạt hàng loạt vỏ bình của các hãng gas, sử dụng trái phép vỏ bình gas, sang chiết nạp gas trái phép, kinh doanh trái phép phạm vào tội danh Sản xuất hàng giả theo điều 156 BLHS và tội Sử dụng trái phép tài sản theo điều 142 BLHS cùng với việc vi phạm pháp luật về Sở hữu trí tuệ, chất lượng hàng hoá…Cần được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
-------------------------
 Ngày 28/11 sẽ xét xử phúc thẩm “bầu” Kiên và đồng phạm
Ngày 13/11, nguồn tin cho biết, theo dự kiến, ngày 28/11 Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao sẽ mở phiên tòa hình sự xét xử phúc thẩm vụ án “Kinh doanh trái phép; Trốn thuế; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng ACB.
 
Trước đó, sau nhiều ngày xét xử, ngày 9.6, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên, nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) tổng hình phạt 30 năm tù cho cả 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; Trốn thuế; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 
 
Ngoài ra, bị cáo Kiên còn nhận hình phạt bổ sung tiền trốn thuế 75 tỷ đồng và thêm 100 triệu đồng cho hành vi lừa đảo. Đồng thời, bị cáo Kiên còn bị cấm tham gia hoạt động ngân hàng trong 5 năm sau khi ra tù.
 
Nhóm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội): 5 năm 6 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội ): 5 năm tù.
 
Nhóm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 5 năm tù. Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB): 8 năm tù. Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 4 năm tù. Bị cáo  Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) 3 năm tù và Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 2 năm tù.
 
Ngoài bản án dành cho các bị cáo, HĐXX TAND TP.Hà Nội còn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại các văn bản, bổ sung các văn bản nhằm tháo gỡ những vướng mắc, hướng dẫn kịp thời chủ trương cho các ngân hàng. Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cần rà soát các văn bản pháp luật.
 
TAND TP.Hà Nội tuyên bố khởi tố vụ án "kinh doanh trái phép tại Ngân hàng ACB và Vietbank" và khởi tố vụ án "đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với Huỳnh Thị Huyền Như của Huỳnh Thị Bảo Ngọc".
 
Sau đó, “bầu” Kiên và một số bị cáo đã làm đơn kháng cáo.
----------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo