AFP đưa tin, ngày 7/3, một phụ nữ Maroc đã bị bắt giữ tại sân bay Barcelona vì nghi ngờ tuyển mộ các phụ nữ châu Âu và Bắc Phi tham gia nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết nghi phạm trên, tên là Samira Yerou, do nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ dẫn độ tới nước này sau khi bắt quả tang đối tượng đang tìm cách xâm nhập trái phép vào Syria cùng với cậu con trai 3 tuổi.
Cha của cậu bé đã báo với cảnh sát khi Yerou và cậu bé biến mất khỏi thành phố Rubi, gần Barcelona hồi tháng 12/2014 và Tây Ban Nha đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với người phụ nữ này.
Theo Bộ trên, Yerou có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tuyển mộ và điều phối các phụ nữ ủng hộ IS tại châu Âu và Maroc.
Giống như nhiều nước châu Âu, Tây Ban Nha đang phải đối phó với làn sóng cực đoan hóa trong giới trẻ muốn gia nhập IS tại Syria, Iraq và nước này đã triệt phá một số mạng lưới tuyển mộ của IS trong những tháng gần đây.
Giới chức nước này cho rằng có khoảng 100 người Tây Ban Nha đã gia nhập hàng ngũ các chiến binh IS tại Iraq và Syria./.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang ở tâm điểm của một cuộc tranh cãi về việc bà sử dụng tài khoản email cá nhân cho công vụ trong thời gian làm tại Bộ Ngoại giao. Vụ bê bối này có thể sẽ ảnh hưởng tới quyết định tranh cử tổng thống của bà Clinton, nhân vật được xem là đang dẫn đầu cuộc đua tiến về Nhà Trắng năm 2016.
Báo The New York Times mới đây tiết lộ rằng bà Hillary Clinton sử dụng email cá nhân trong tất cả những cuộc trao đổi thư từ qua lại, thay vì phải sử dụng email của Bộ Ngoại giao, tức là email nằm trong hệ thống của chính phủ liên bang Mỹ. Sau đó, nhân viên ban tham mưu của bà lên tiếng xác nhận, nhưng họ cũng nói rất rõ là bà cựu Ngoại trưởng không vi phạm luật lệ mà Bộ Ngoại giao đặt ra. Không chỉ nói điều đó, dàn tham mưu của bà Clinton đang lựa những email mang nội dung trực tiếp liên quan đến công việc để nộp lại cho Bộ Ngoại giao, nói là họ chỉ giữ lại những email mang tính cá nhân.
Thoạt đầu ai cũng nghĩ rằng tất cả nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang đều có email của chính phủ, nhưng tờ The New York Times cho hay với trường hợp của bà Clinton thì không. Tờ báo nói rằng bà Clinton không có email của Bộ Ngoại giao (chấm dứt bằng chữ state.gov) mà chỉ có email riêng. Khác biệt giữa hai loại email này là tất cả email chính phủ đều tự động được giữ lại và sử dụng làm tài liệu khi cần thiết, còn email cá nhân thì người làm chủ sẽ giữ, chính phủ không biết tới.
Báo chí Mỹ cho hay một tuần lễ trước ngày nhậm chức ngoại trưởng, bà Clinton cho đặt ngay trong nhà của bà ở New York một “server” để nhận và gửi email. Nhật báo The Washington Post còn nói hệ thống email cá nhân của bà Clinton là clintonemail.com, nhưng chưa rõ ngoài email này, bà còn có địa chỉ email nào khác hay không, chẳng hạn như gmail, yahoo...
Ðến giờ vẫn chưa thể khẳng định bà Clinton có vi phạm luật lệ liên bang hay không khi dùng email cá nhân cho công việc của chính phủ, vì chưa thấy ai nói tới những lỗi mà bà Clinton đã phạm phải. Mọi người đang phân tích luật lệ, trước khi nói bà đã phạm những lỗi nào. Xin được nói thêm là chính phủ liên bang Mỹ áp dụng luật Lưu trữ Hồ sơ (Federal Records Act) và tất cả những email của chính phủ đều được lưu trữ trong công khố, còn email cá nhân như trường hợp của bà Clinton thì chính bà là người giữ, vì được lưu lại trong “server” riêng của bà.
Được biết, với các viên chức giữ vai trò quan trọng trong chính phủ Mỹ, họ có một hệ thống email riêng, được gọi là “hệ thống liên lạc mật”, chẳng hạn như khi liên lạc với Tổng thống, với Bộ trưởng Quốc Phòng, với người điều hành Hội đồng An ninh Quốc gia... Bà Clinton sử dụng hệ thống trao đổi thư nội bộ này khi cần liên lạc với các tòa đại sứ, các quốc gia, bà lại sử dụng một hệ thống khác nữa, thường được gọi là “diplomatic cable”. Theo lời phát ngôn viên Nick Merrill của bà Clinton thì bà “làm rất đúng nguyên tắc”, ý muốn nói là những chuyện quan trọng bà sử dụng hệ thống trao đổi tin tức nội bộ, còn email cá nhân chỉ được bà sử dụng cho những chuyện không mang tính quốc gia, đại sự.
Theo phát ngôn viên Merrill thì trước bà Clinton, các vị ngoại trưởng khác đã làm điều này, tức là đã có người sử dụng email cá nhân, nhưng ông không nói rõ những vị ngoại trưởng đó là ai, cũng không cho biết những người đó sử dụng cả email của Bộ Ngoại giao và email cá nhân, hay chỉ sử dụng email riêng như bà Clinton đã làm.
Trích dẫn lời một viên chức giấu tên của Bộ Ngoại giao, đài truyền hình ABC cho hay ba vị tiền nhiệm của bà Clinton “mỗi người sử dụng email một khác”, chẳng hạn như bà Condoleeza Rice “chỉ sử dụng email của Bộ Ngoại giao”, ông Colin Powell “sử dụng email của bộ cho công việc của chính phủ, email cá nhân cho những việc mang tính cá nhân”, còn bà Madeleine Albright thì “không hề sử dụng email”.
Theo phát ngôn viên Jen Psaki, Bộ Ngoại giao Mỹ đang lưu trữ rất nhiều tài liệu liên quan đến bà Clinton và công việc bà đã làm, trong đó có cả những email trao đổi nội bộ và “diplomatic cable”, nhưng bà Psaki không cho biết bộ này có giữ những email bà Clinton sử dụng qua hộp thư email cá nhân hay không.
Một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao là Marie Harf thì nói là “không có quy định nào cấm cản sử dụng email cá nhân” để giải quyết công việc của chính phủ, miễn là “cuối cùng tất cả những email đó đều được lưu trữ lại trong công khố”. Nhưng bà Marie Harf không dám chắc là bà Clitnon đã nộp cho công khố tất cả những email cá nhân mà bà đã dùng để giải quyết công việc chính phủ hay chưa.
Liệu hệ thống email cá nhân của bà Clintin có bị tấn công tin tặc không? Ðây cũng là câu hỏi chưa được trả lời. Báo chí Mỹ chưa biết mức độ an ninh của hệ thống email cá nhân của bà cựu Ngoại trưởng Mỹ như thế nào, đã bị tin tặc tấn công lần nào hay chưa, hoặc có an toàn như hệ thống của chính phủ không. Chính phát ngôn viên Harf cũng không trả lời được câu hỏi này, chỉ nói với báo chí là “quý vị nên hỏi thẳng bà Clinton”.
Đảng Cộng hòa đang cố làm lớn vụ tranh cãi này trong lúc Đảng Dân chủ đang hướng tới điều mà họ mong đợi là việc khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Clinton vào cuối năm nay.
Nghị sĩ Jeb Bush của đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng chuyện bà Clinton sử dụng email cá nhân và không nộp cho chính phủ sau khi rời nhiệm sở là điều chứng tỏ “thiếu minh bạch”. Cũng có một vài đồn đãi cho rằng chuyện đang gây ồn ào sẽ đẩy bà Clitnon tới chỗ sẽ phải tuyên bố tranh cử tổng thống sớm hơn, để dư luận không chú ý tới chuyện email, mà sẽ dồn chú ý vào chuyện bà hơn ai, thua ai, hơn điểm nào, thua điểm nào, có thắng cử được hay không...
Nhưng điều không thể chối cãi được là bất cứ điều gì bà Clinton làm đều có người khen, kẻ chê, người ủng hộ, kẻ chống đối, và càng gần đến năm 2016 chuyện này càng rõ rệt hơn. Các nhà quan sát nói rằng với trường hợp của bà Clinton, “nước Mỹ có sẵn một tập thể cử tri ủng hộ bà làm tổng thống, những cũng có sẵn một lực lượng cho rằng bà Clinton là người không thể tin tưởng được, họ luôn luôn nghĩ là bà ta giấu giếm một điều gì đó”.
Các nhà phân tích khác cho rằng cuộc tranh cãi về email có thể là dấu hiệu rắc rối chính trị cho bà Clinton. Nhà phân tích chính trị kỳ cựu Tom DeFrank nói: “Nói họ (gia đình Clinton) có sở thích giữ bí mật là một cách nói nhẹ đi thôi. Họ bị ám ảnh với bí mật và điều này đưa vào câu chuyện về gia đình Clinton luôn tạo ra một đường phân chia giữa khủng hoảng và thảm họa. Ý tôi là điều này không khôn ngoan”.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton cho tới nay là ứng cử viên tổng thống được yêu thích của Đảng Dân chủ. Nhưng chuyện email khiến cho đảng Dân chủ cởi mở hơn trong việc tìm kiếm một người thay thế bà Clinton. Trong số những người của Đảng Dân chủ tỏ ra hứng thú với việc tranh cử vào năm tới có phó Tổng thống Joe Biden, cựu thống đốc bang Maryland Martin O’Malley, cựu Thượng nghị sĩ bang Virginia Jim Webb và Thượng nghị sĩ Độc lập của bang Vermont Bernie Sanders.
---------------------