Chặt đứt đường dây ma túy từ TP Hồ Chí Minh về Quảng Ngãi
Nhất khai nhận, đã nhiều lần vào TP Hồ Chí Minh mua heroin đem về Quảng Ngãi cùng với Duy phân thành nhiều tép bán lại cho các con nghiện sử dụng.
Ngày 7/3, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết vừa chặt đứt đường dây vận chuyển ma túy từ TP Hồ Chí Minh về Quảng Ngãi, bắt giữ 2 đối tượng, gồm: Bùi Anh Duy Nhất (31 tuổi, trú ở tổ 12, phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi) và Nguyễn Vũ Duy (31 tuổi, trú ở tổ dân phố 1, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).
Qua khám xét nơi ở các đối tượng này, cơ quan Công an thu giữ 1 cục heroin lớn và nhiều tép heroin, cùng nhiều dụng cụ liên quan.
Bước đầu, Nhất khai nhận, đã nhiều lần vào TP Hồ Chí Minh mua heroin đem về Quảng Ngãi cùng với Duy phân thành nhiều tép bán lại cho các con nghiện sử dụng.
--------------------
Vi phạm giảm nhờ theo dõi chặt thiết bị giám sát hành trình
Theo kết quả thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến hết tháng 2 năm 2015, bình quân đã có 65,15% trong tổng số 80.000 phương tiện trên cả nước truyền dữ liệu về máy chủ của Trung tâm tích hợp dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (Tổng cục Đường bộ Việt Nam). Nhờ sự theo dõi chặt chẽ, tình hình vi phạm về thời gian lái xe, tốc độ xe chạy của lái xe đã giảm nhiều.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ: Những hành vi trên là một trong những nguyên nhân chính gây nên những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. Giờ nếu vi phạm đó giảm, có thể được coi là một tín hiệu mừng trong việc kiềm chế TNGT.
Từ kết quả tổng hợp, phân tích dữ liệu tháng 2 năm 2015 của Trung tâm tích hợp dữ liệu thiết bị giám sát hành trình cho thấy, tổng số lần vi phạm thời gian lái xe liên tục là 3.979 lần, giảm 2.080 lần so với tháng /2015. Cùng đó, kết quả cũng cho thấy, tổng số lần vi phạm thời gian làm việc của lái xe trong ngày 1.271 lần, giảm 2.108 lần so với tháng 1/2015.
Trong đó, không ít địa phương có số lần vi phạm tốc độ thấp nhất là Hà Giang vi phạm 106 lần, giảm 205 lần so với tháng 1; Bắc Kạn số lần vi phạm 157, giảm 41 lần so với tháng 1; Sơn La vi phạm 477 lần (tháng 2), giảm 76 lần so với tháng 1; Cao Bằng vi phạm trong tháng 2 là 502 lần tương đương với 0,6 lần/1000km…
Tuy nhiên, bên cạnh các địa phương giảm, thì trong tháng 2 vẫn còn có địa phương có số lần vi phạm cao, như TP Hồ Chí Minh (805.021 lần vi phạm, tăng hơn 200.000 lần vi phạm so với tháng 1), Long An (1.970 lần), Đồng Tháp (16.060 lần), Hải Phòng (48.018 lần), An Giang (19.149 lần), Hải Dương (19.278 lần), Bình Phước (16.422 lần)…
Liên quan đến việc xử lý vi phạm, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: Theo báo cáo của các địa phương, trong các tháng 1, 2 năm 2015 đã xử lý 176 xe (thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng là 155 xe; từ chối cấp phù hiệu là 21 xe).
Trong đó, 8/63 địa phương có báo cáo kết quả xử lý thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác hoặc từ chối cấp phù hiệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam gồm Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Hồ Chí Minh, Bình Phước, Nghệ An, Đắc Nông. 10/63 địa phương có văn bản nhắc nhở chấn chỉnh gửi về Tổng cục gồm Bình Thuận, Điện Biên, Đồng Tháp, Hậu Giang, Lạng Sơn, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thái Bình, Thái Nguyên và Thanh Hóa. Các địa phương còn lại chưa có báo cáo kết quả vi phạm.
Để siết chặt hoạt động này, Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc Sở GTVT tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị GSHT đặc biệt là 10 địa phương có số lần vi phạm/1000km cao nhất nhằm đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nhận định về hiệu quả của thiết bị giám sát hành trình, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng từng nhấn mạnh: Từ trước đến nay, chưa bao giờ chúng ta xử phạt các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải nhiều như năm 2014. Trước đây, cả năm chỉ tước phù hiệu vài chục xe, năm 2014, con số này là trên 1.300 xe, cùng với đó là hàng trăm doanh nghiệp bị đình chỉ kinh doanh có thời hạn.
So sánh con số tai nạn liên quan đến xe khách trong các năm 2013 và 2014 cho thấy có sự chuyển biến rất rõ ràng. Năm 2013, có 22 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, do xe khách gây nên, năm 2014 chỉ có 13 vụ.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT, năm 2015, phải tiếp tục hoàn thiện những tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là hoàn thiện phần mềm để có thể giám sát tốt hơn, đầu tiên là bản đồ số. Khi có bản đồ số, những biển báo giới hạn tốc độ sẽ được cập nhật, toàn bộ những vi phạm về tốc độ, về hành trình, đi trên đoạn đường nào đều có thể giám sát được và trên cơ sở đó có thể xử lý vi phạm.
Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống cảnh báo để cảnh báo trực tiếp đến người lái xe từ trung tâm, vì đôi khi đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện tốt, chúng ta có thể cảnh báo trực tiếp đến người lái xe, đồng thời chuyển những thông tin về phương tiện có dấu hiệu vi phạm nguy hiểm đến các lực lượng tuần tra kiểm soát để có thể ngăn chặn, tránh nguy cơ xảy ra tai nạn.
---------------------
Lại thêm một vụ ‘nữ sinh lớp 7 mất tích’
Ngày 8/3, Công an huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) cho biết cơ quan này đang làm rõ vụ việc một nữ sinh lớp 7 bị mất tích nhiều ngày sau buổi học thêm.
Theo trình bày của anh Trần Quốc Huy (41 tuổi, ngụ thị trấn Cái Nhum, huyện Mang Thít), trưa 3/3, anh chở con gái anh là cháu T.H.N. (13 tuổi, học lớp 7) đi học thêm và sau đó không thấy trở về nhà. Gia đình đã báo sự việc cho nhà trường, cơ quan Công an địa phương và tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả.
Gia đình tìm hiểu, bạn bè N. cho biết nữ sinh này có chơi facebook và tham gia “hội những người sống ảo vì thiếu sự quan tâm của người lớn” (?). Đến ngày 6/3, cháu N. gọi điện thoại cho một người bạn học và gia đình đến đón cháu tại một quán cà phê trên địa bàn TP Vĩnh Long. Khi trở về nhà, cháu N. có biểu hiện lo lắng, nói chuyện lơ mơ. Gia đình gặng hỏi, cháu N. kể lại bị người khác dẫn đi và nhốt chung với nhiều bé gái trong một ngôi nhà vắng vẻ. Tại đây, cháu N. bị dọa đưa lên bến xe Miền Tây và bị trấn lột 2 nhẫn vàng đeo trên tay nếu không sẽ bán qua Trung Quốc (?).
“Họ không cho con ăn cơm mà cho uống viên thuốc màu trắng, cứng lắm. Con ói ra, họ lại nhét mạnh rồi đổ nước vào. Con rất sợ, rồi bỏ trốn trong lúc đi vệ sinh” - cháu N. kể lại. Chị Ngô Thị Lệ Nương (37 tuổi, mẹ cháu N.) cho biết, ngày thường cháu N. rất lanh lợi, ngoan hiền. Việc cháu mất tích một cách khó hiểu đã khiến gia đình rất lo lắng.
Trước đó, tại huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cũng xảy ra trường hợp gia đình trình báo “nữ sinh lớp 7 mất tích” sau khi đi chúc Tết nhà hàng xóm. Chị Nguyễn Thị Kim Đào (30 tuổi, mẹ của nữ sinh này) cho hay: Ngày 23/1 (tức mùng 5 Tết), Phan Trọng Nghĩa (25 tuổi, ngụ cùng địa phương) sang nhà chúc Tết và rủ con gái chị về nhà mình chơi cùng bạn bè. Sau đó, con gái chị lấy xe đạp đi theo Nghĩa.
Đến trưa không thấy con về, chị sang nhà Nghĩa tìm nhưng không thấy con gái đâu, còn Nghĩa cũng không có mặt ở địa phương và không liên lạc được.
Nhiều nữ sinh bỏ nhà đi bụi vì bị rủ rê
Thời gian qua, tại tỉnh Vĩnh Long xảy ra liên tiếp nhiều trường hợp nữ sinh cấp 2 mất tích một cách bí ẩn. Khi cơ quan Công an vào cuộc, làm rõ thì phát hiện nhiều nữ sinh tham gia mạng xã hội và nghe lời bạn bè bỏ nhà “đi bụi”. Nhiều trường hợp, bị kẻ xấu lợi dụng và xâm hại tình dục dẫn đến phải nghỉ học nửa chừng.
-----------------------