Những gì mà Bắc Kinh thể hiện gần đây qua chiến dịch cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa cho thấy một bức tranh với nhiều điểm tiến công. Trong đó cả quân sự lẫn dân sự và mục tiêu chính trị trong nước đang đồng hành nối bước.
Lịch sử cho thấy tiên đoán ý định của Trung Quốc (TQ) chưa bao giờ là một điều dễ dàng.
Tại sao TQ đẩy mạnh các dự án xây dựng quy mô lớn trên các hòn đảo mà nước này chiếm giữ? Có ít nhất bốn lý do đang được các nhà quan sát và phân tích chiến lược nhắc đến.
Thứ nhất, TQ muốn từ từ củng cố tính chính danh của tuyên bố chủ quyền với 80% biển Đông. Như những gì nước này đã làm tại Hoàng Sa, các đảo nhân tạo sẽ giúp TQ xây dựng hàng loạt tiền đồn trên Trường Sa. Với diện tích hàng trăm hecta sau khi cải tạo hạ tầng, TQ sẽ có thể xây dựng các văn phòng hành chính, trại lính, cầu tàu, sân bay, cơ sở du lịch và khu dân cư. Vốn là chỉ dấu truyền thống cho quyền quản lý của nhà nước, các cơ sở hạ tầng này sẽ tăng cường cơ sở pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của TQ.
Thứ hai, TQ đang nhắm tới việc ngăn cản khả năng tiếp cận khu vực từ các cường quốc khác (đặc biệt là Mỹ). Ngoài ra, theo góc nhìn của Bắc Kinh, các nước có tranh chấp với TQ đều là bình phong của Mỹ và là các con cờ để kiềm chế TQ.
Thứ ba, các cơ sở hạ tầng này sẽ giúp đơn giản hóa hoạt động và giảm chi phí cho các lực lượng của TQ trong chiến lược “cắt lát xúc xích”. Theo đó, việc triển khai lực lượng để quấy phá liên tục, ngăn cản khả năng hiện diện của các nước khác, hỗ trợ bào mòn chủ quyền từng phần và gia tăng hiện diện kinh tế của TQ sẽ trở nên thuận lợi hơn. Nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay đối với Philippines và Việt Nam là tăng cường hiện diện của ngư dân, các lực lượng tuần tra và thực thi luật pháp để tránh việc từ bỏ chủ quyền trên biển Đông cho TQ.
Và cuối cùng là mục tiêu duy trì toàn vẹn lãnh thổ và ngăn chặn các thế lực nước ngoài vẽ lại biên giới TQ. Các tuyên bố chính thức của TQ từ năm 2009 đã liên tục lặp lại tầm quan trọng của việc duy trì chủ quyền đối với các hòn đảo tại biển Đông. Dưới góc nhìn này, việc thúc đẩy hình thành thành phố cấp địa khu Tam Sa với quân đội riêng cũng thể hiện mong muốn nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của biển Đông như một phần không thể tách rời. Với sức mạnh gia tăng, TQ không còn muốn hòa hoãn trong các tuyên bố chủ quyền, dù là đối với Đài Loan, Ấn Độ hay các hòn đảo xa ngoài biển Đông.
Chuyên gia Zack Cooper tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng Mỹ đã thất bại trong việc ngăn cản TQ tiến hành các hoạt động khiêu khích, nhất là đối với các đồng minh như Nhật và Philippines. Ông này mạnh dạn kêu gọi một sự hiện diện và phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa Mỹ và đồng minh trong khu vực.
Cái gọi là “vùng xám” (hiểu nôm na như một vùng đệm bảo vệ TQ) đã và đang được TQ tích cực mở rộng và củng cố, trong đó bao gồm cả khu vực biển Đông. Những quốc gia trong khu vực lại không đủ sức để đương đầu, tạo ra thế cân bằng với TQ. Nếu các nhà lãnh đạo Mỹ thực sự nghiêm túc chống lại sức ép của TQ, Washington phải chấp nhận thực tế rằng có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn trong “vùng xám”. Tuy nhiên, nếu được tính toán cẩn thận, nâng cao rủi ro có thể là một công cụ ngăn chặn hiệu quả. Zack Cooper đề nghị: Các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng những ưu thế của Mỹ và đồng minh như quân sự, chính trị, pháp lý, kinh tế, tài chính hay thậm chí là ngoại giao để ngăn chặn TQ. Mặc dù Bắc Kinh nỗ lực hiện đại hóa quân đội, năng lực quân sự của Mỹ vẫn vượt trội hơn rất nhiều. Trong trường hợp thật sự muốn chặn đứng TQ, Mỹ cần phải xem xét đến khả năng triển khai tàu chiến ngay tại “vùng xám”.
Một luồng ý kiến khác thì thận trọng hơn khi cho rằng Mỹ cần phải xem xét và tính toán từng bước đi cụ thể trước khi hành động. Ông Ely Ratner, Phó Giám đốc chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại CNAS, thận trọng khi cho rằng các nhà phân tích nên tìm hiểu kỹ những tác động trong trung và dài hạn của các đảo nhân tạo TQ. Khi đã đánh giá được những tác động đó, Washington cần phải bắt tay vào việc tìm ra những chiến lược để chống lại một cách hiệu quả.
“Những hòn đảo nhân tạo mới có thể hỗ trợ Bắc Kinh trong nhiều trường hợp, bao gồm cả tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không thứ hai ở biển Đông. Thêm vào đó, các hành động này còn được xem như là một công cụ gây sức ép lên các quốc gia khác trong khu vực” - bà Mira Rapp-Hooper, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến minh bạch châu Á, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Theo “Tân Kinh báo” Bắc Kinh và Đài Truyền hình Trung Quốc (CCTV), chiều 6/3, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Sơn Tây đã tổ chức gặp gỡ báo chí xung quanh vấn đề chống tham nhũng và phát triển kinh tế của Sơn Tây - tỉnh quê hương Chu Vĩnh Khang - cũng là tỉnh duy nhất được trung ương coi là “tham nhũng mang tính hệ thống”.
Chủ trì cuộc họp báo này là hai người lãnh đạo cao nhất của Sơn Tây: Bí thư Vương Nho Lâm và Tỉnh trưởng Lý Tiểu Bằng (con trai cựu Thủ tướng Lý Bằng). Có tới trên 140 nhà báo, trong đó có trên 30 phóng viên nước ngoài đã tham dự cuộc họp báo. Hầu như mọi câu hỏi của các nhà báo đều xoay quanh vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng.
Ông Vương Nho Lâm tiết lộ: do ảnh hưởng của tham nhũng, cán bộ cấp tỉnh quản lý hiện thiếu tới 300 người, vấn đề nhân sự hiện là cam go nhất. Hiện đang khuyết 3 bí thư thành ủy, 16 bí thư huyện ủy, 13 chủ tịch huyện. Ông thẳng thắn thừa nhận: vấn đề tham nhũng nghiêm trọng ở Sơn Tây không phải là vụ việc đơn lẻ, mà là từng đống, từng đống một. Cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh có 7 người bị điều tra, xử lý; ở cấp thành phố: Thái Nguyên 3 đời Bí thư, 3 đời Giám đốc CA liên tiếp bị xử lý; ở cấp huyện, thị: thị xã Cao Bình 2 đời Bí thư, 4 đời Chủ tịch liên tiếp, 1 Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật (KTKL) bị điều tra xử lý; cấp thôn, có thôn điều tra 1 vụ án đã lôi ra mấy chục cán bộ đảng viên dính chàm. Có 1 cán bộ cấp cục trực thuộc thị nhưng có tài sản tới hơn 100 triệu tệ (350 tỷ VND) và mấy chục căn nhà ở Bắc Kinh, Thượng Hải…
Ông Vương phân tích, vấn đề tham nhũng nghiêm trọng của Sơn Tây có 4 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, công tác đảng bị buông lỏng; hai, công tác cán bộ không nghiêm, quyền lực không bị khống chế; ba là, xem nhẹ việc điều tiết tổng thể, đạo đức xuống cấp; bốn, xem nhẹ khâu kiểm tra kỷ luật, để mụn nhọt thành khối u. Ví dụ, tỉnh liên tục 14 năm không xử lý các vụ việc tham nhũng của bí thư thành ủy; có thành phố trọng điểm về tham nhũng nhưng trong 5 năm từ 2010 đến tháng 9/2014 chỉ xử lý 4 vụ, giao cơ quan tư pháp điều tra 1 người, số tiền tham nhũng vẻn vẹn…50.000 tệ. Nay bắt tay vào điều tra nghiêm túc thì ra cả đống, động vào đâu cũng đổ.
Về chiều dọc, từ cấp tỉnh đến thôn đều xảy ra tham nhũng nghiêm trọng. Về chiều ngang, ngành Than là “thảm họa nặng”, giao thông là ngành xảy ra nhiều, các ngành kiểm sát, KTKL, tổ chức cũng phát hiện không ít vụ việc. Ông lấy ví dụ ngành KTKL đảng: từ Bí thư, Phó Bí thư thường trực Ủy ban tỉnh ủy, 4 ê kíp, 2 khóa liền đều có vấn đề. Bên dưới từ cơ quan KTKL thành phố, huyện đến cán bộ điều tra cũng đều vi phạm.
Sơn Tây nghiêm túc xử lý vấn đề vi phạm kỷ luật trong ngành KTKL, chỉ từ tháng 9/2014 (sau khi Vương Nho Lâm làm Bí thư) đến nay đã xử lý 117 cán bộ, trong đó 56 người bị loại bỏ khỏi ngành. Ông nói, thẳng tay chống tham nhũng là cứu đảng, cứu nước; Sơn Tây làm với thái độ kiên quyết, không có vùng cấm, vừa đánh hổ vừa đập ruồi. Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2014, toàn tỉnh đã xử lý kỷ luật 7.367 cán bộ, đảng viên, trong đó xử lý nặng 1.622 người, chuyển sang cơ quan tư pháp 388 người, tăng 333,5% so với 8 tháng đầu năm.
Vấn đề tham nhũng nghiêm trọng ở Sơn Tây không phải là đơn lẻ, mà là thành cụm, thành đống. Tình hình rất nghiêm trọng, số tiền rất lớn, vụ nào cũng mấy triệu, chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu, có người thậm chí đến tháng 9/2014 vẫn chưa chịu ngừng tay.
Sau Đại hội 18, mặc dù cơn lốc chống tham nhũng nổi lên mạnh chưa từng có, nhưng một số quan chức vẫn chưa biết sợ. Có quan chức tham nhũng tháng 12/2014 bị tạm giam cách ly điều tra, tháng 11 vẫn nhận hối lộ một ngôi nhà ở Tam Á (Hải Nam) trị giá 2,8 triệu tệ. Khi bị bắt, trong túi có một khoản 10 ngàn euro mới nhận hối lộ. Có quan chức gia sản lớn hơn 100 triệu tệ, phân chia đối tượng đưa hối lộ thành hai loại: đáng tin cậy (thì nhận tiền) và không đáng tin (trả lại).
Quan tham không từ mọi thủ đoạn nhận hối lộ: Có một chủ tịch huyện nhận hối lộ bằng tiền biếu, lại còn trực tiếp chuyển tiền công bằng séc từ cơ quan tài chính ra tài khoản của khách sạn rồi trực tiếp nhận lại tiền mặt. Ông Vương nhận định: “Những điều trên chứng minh, những phán đoán của Tổng Bí thư Tập Cận Bình về tính chất cam go, quyết liệt của cuộc chiến chống tham nhũng đang tiến hành hiện nay là hoàn toàn chính xác”.
Ông Vương thừa nhận: tuyển chọn, đề bạt cán bộ đang là vấn đề rất cam go ở Sơn Tây. Riêng cán bộ cấp tỉnh đang thiếu tới 300 người, trong đó khuyết 3 bí thư thành ủy, 16 bí thư và 13 chủ tịch huyện.
Những vị trí này không thể để trống lâu ngày, nhưng không thể tìm ngay được. Theo ông, tệ nạn mua quan bán chức là mẹ đẻ của tham nhũng. Tới đây, Sơn Tây phải làm nghiêm công tác cán bộ, tập trung vào việc tuyển chọn nhân sự, quyết không làm kiểu đấu đá, nhưng cũng không làm qua loa đại khái. Năm ngoái Sơn Tây xảy ra “động đất lớn” do chống tham nhũng, Bí thư tỉnh ủy bị điều về Bắc Kinh, sau 40 năm làm việc ở Cát Lâm, ngày 1/9/2014, ông Vương Nho Lâm được điều về làm Bí thư Sơn Tây. Ông nói: làm quan đất Sơn Tây thật khó, nhưng quan khó làm thì dân dễ sống, nếu quan dễ làm thì dân chịu tai ương.
Chủ tịch tỉnh Lý Tiểu Bằng thẳng thắn thừa nhận: “Sơn Tây có rất nhiều vụ tham nhũng, nhưng hầu như vụ nào cũng có bóng dáng các ông chủ mỏ than đứng phía sau, đều liên quan đến giao dịch tài nguyên mỏ than. Chế độ giao dịch (mua bán) tài nguyên không hoàn thiện, thông tin không công khai, lại siêu lợi nhuận nên rất dễ nảy sinh tham nhũng”. Trước câu hỏi: “Năm ngoái tốc độ tăng trưởng kinh tế của Sơn Tây tụt xuống chỉ còn 4%, Chủ tịch có bị áp lực không? Có ngủ được không?”, ông Lý nói: “Kinh tế tuột dốc không thể làm Sơn Tây sụp đổ, toàn tỉnh sẽ xốc lại tinh thần, dốc sức để phát triển”.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lệnh Hồ An, đại biểu quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Hoa kiều tỏ ra lạc quan: sau khi chống tham nhũng, môi trường làm ăn ở Sơn Tây đã trong sạch, cơ hội rất nhiều, ai nhanh tay đầu tư, người đó sẽ thắng lợi.
-------------------
Tàu Đài Loan chở 49 người, gồm 2 người Việt, mất tích ngoài khơi Argentina
Các quan chức Đài Loan hôm nay 8/3 thông báo tàu cá Hsiang Fu Chun chở 49 thuyền viên, trong đó có 2 người Việt, đã mất tích trên biển Nam Đại Tây Dương, ngoài khơi Argentina. Các nhà chức trách địa phương cho biết không nhận được bất kỳ tín hiệu cầu cứu nào từ con tàu.
Trang CNA ngày 8/3 đưa tin tàu Hsiang Fu Chun, trọng tải 700 tấn, đã mất liên lạc từ 3h00 ngày 26/2 (giờ địa phương), chỉ vài phút sau khi thuyền trưởng báo cáo rằng có nước rò rỉ vào boong tàu.
Theo tín hiệu từ vệ tinh, vị trí con tàu mất tích cách Falkland, quần đảo tranh chấp giữa Anh và Argentina, khoảng 3.148 km. Ngoài 2 thủy thủ người Việt, trên tàu còn 2 người Đài Loan, 11 người Trung Quốc, 21 người Indonesia và 12 người Phillipines.
Đài Loan đang tiếp tục tiến hành công tác tìm kiếm con tàu, và hiện đang kêu gọi sự giúp đỡ từ Anh và Argentina, cũng như từ các đội tàu khác trong khu vực.
CNA dẫn lời ông Huang Hong-yen, phát ngôn viên của Cơ quan ngư nghiệp Đài Loan cho biết: “Chúng tôi hiện vẫn chưa biết con tàu đang ở đâu và gặp vấn đề gì”, đồng thời khẳng định chính quyền Đài Loan đã triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn ngay sau khi con tàu mất liên lạc.
Cũng theo ông Huang, chưa có bằng chứng nào cho thấy con tàu đã chìm. Dù tàu Hsiang Fu Chun được trang bị một hệ thống tự động gửi tín hiệu cấp cứu khi chịu một áp lực nước nhất định, hiện vẫn chưa nhận được tín hiệu này từ con tàu.
Việc con tàu mất tích quá xa bờ đã cản trở công tác tìm kiếm. Theo các quan chức Argentina, phải mất 6 ngày đi tàu hoặc 11 giờ bay để tới vùng biển nơi con tàu mất tích và trở lại đất liền, trong điều kiện khí hậu thuận lợi. Hiện thời tiết khu vực đang rất xấu, gây nhiều khó khăn cho việc tìm kiếm.
Ông Huang không đưa ra giải thích nào cho việc chính quyền Đài Loan chậm trễ trong việc thông báo sự mất tích của tàu Hsiang Fu Chun.
---------------------