Mỹ, Philippines tập trận chung gần Trường Sa
Hàng ngàn binh sĩ Philippines và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên vào ngày 29.9 ở phía tây đảo Palawan (Philippines), gần quần đảo Trường Sa (Việt Nam).
Gần 5.000 binh sĩ Mỹ, Philippines tham gia cuộc tập trận kéo dài 11 ngày tổ chức tại đảo Palawan, gần bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo Reuters.
Cuộc tập trận chung không quân và hải quân mang tên Phiblex, tập trung vào các hoạt động bảo vệ lãnh thổ và an ninh hàng hải, diễn ra giữa lúc Trung Quốc tiếp tục tăng cường sự hiện diện trong khu vực.
Manila cho biết trong ba tháng đầu năm 2014, Trung Quốc tăng tổng số lượng tàu đến Scarborough từ 11 lên 34, theo Reuters.
Hai tàu đổ bộ Mỹ, USS Peleliu và USS Germantown, được điều động tham gia tập trận lần này, bao gồm các bài diễn tập bắn đạn thật.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ học hỏi thêm nhiều kỹ thuật mới từ lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ”, sĩ quan Reyson Talingdan, người đại diện của lữ đoàn thủy quân lục chiến số 3, nói với các phóng viên.
Đại sứ quán Mỹ tại Philippines trong một thông cáo cho biết những cuộc tập trận chung tạo cơ hội cho các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines tăng cường kỹ năng phối hợp tác chiến.
----------------------
Trung Quốc tập trận 'tranh chấp biển Đông leo thang thành xung đột'
Quân khu Quảng Châu vào hôm 27.9 đã phát động một cuộc tập trận phòng không chống không kích nhằm vào Quảng Châu và một số thành phố lớn ở miền nam Trung Quốc trong tình huống tranh chấp biển Đông leo thang thành xung đột.
Theo kịch bản đợt tập trận, không lực địch tiến hành một cuộc tấn công vào sân bay quốc tế Bạch Vân và một số cảng lớn cùng hệ thống liên lạc tại Quảng Châu, trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 29.9 trích dẫn bản tin của Nam Phương Nhật Báo (Trung Quốc) cho biết.
Toàn bộ 12 quận trong thành phố này sẽ được huy động để đáp trả cuộc không kích.
Thị trưởng Quảng Châu Trần Kiến Hoa đã được chỉ định là người chỉ huy cuộc tập trận, theo Nam Phương Nhật Báo.
Trung Quốc hiện đang có tranh chấp với nhiều nước tại biển Đông, Want China Times bình luận.
Mặc dù không nêu tên bất kỳ quốc gia nào trong cuộc tập trận, nhưng Mỹ là nước có đủ khả năng tiến hành một cuộc không kích nhằm vào thành phố của Trung Quốc, theo trang tin Đài Loan.
-----------------------
Ấn Độ muốn bắt tay Mỹ phát triển vũ khí công nghệ cao
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thúc đẩy việc hợp tác với Mỹ nhằm phát triển vũ khí công nghệ cao khi ông tới thăm Nhà Trắng vào ngày mai 30/9, một thay đổi quan trọng trong mối quan hệ "mua và cung cấp" của Ấn Độ với Mỹ.
Một quan chức từ Bộ ngoại giao Ấn Độ cho hay ông Modi cũng sẽ thảo luận sự hợp tác lớn hơn của các công ty quốc phòng Mỹ và Ấn Độ khi ông gặp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng.
Theo các nhà phân tích quốc phòng, chính phủ của Thủ tướng Modi sẽ không đơn thuần trao các đơn đặt hàng vũ khí béo bở cho Mỹ như chính phủ trước đây của Ấn Độ từng làm. Thay vào đó, ông Modi sẽ hối thúc sự hợp tham gia hơn giữa các công ty quốc phòng Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác với các công ty quốc phòng Ấn Độ để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
Trong 10 năm, Ấn Độ đã mua 10 tỷ USD vũ khí của Mỹ.
"Sau trực thăng Apache và các trực thăng vận tải bổ sung C-17, một chính sách mua sắm chọn lọc hơn sẽ được đưa ra sau mong muốn phát triển chung trong các hệ thống công nghệ tiên tiến hơn, thay vì các đề nghị nhằm cải tiến các thiết bị công nghệ tương đối thấp, như tên lửa chống tăng Javelin", ông Bharat Karnad, một giáo sư về nghiên cứu an ninh quốc gia tại Trung tâm nghiên cứu chính sách của Ấn Độ, nói.
Rajeswari Pillai Rajagopalan, một chuyên gia về nghiên cứu an ninh tại Quỹ nghiên cứu Người quan sát, hi vọng rằng quan hệ Trung-Ấn sẽ hướng tới sự phát triển chung.
Sáng kiến công nghệ và thương mại quốc phòng (DTTI), cơ quan chịu trách xem xét các lĩnh vực hợp tác chung về quốc phòng của Ấn Độ, hiện đang có vài dự án vũ khí, trong đó có việc phát triển chung một thế hệ mới các tên lửa Javelin, trực thăng MH-60R và máy bay do thám. Sáng kiến này sẽ được thảo luận trong các cuộc hội đàm của ông Modi.
Một nguồn tin trong Tổ chức phát triển nghiên cứu quốc phòng (DRDO) cho hay một nỗ lực trong 4 năm qua nhằm hợp tác với hãng Raytheon của Mỹ để cùng phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo vẫn chưa đạt kết quả vì liên quan tới việc chuyển giao công nghệ cao.
Cho tới nay DRDO và Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của Mỹ đã nhất trí chỉ tham gia phát triển chung các hệ thống phát hiện chất nổ và hệ thống thông tin tình báo chỉ huy C4I . Thỏa thuận cuối cùng về các dự án này chưa được ký kết.
Một quan chức quốc phòng Ấn Độ cho hay không thỏa thuận vũ khí mới, quan trọng nào sẽ được ký kết trong chuyến thăm của ông Modi.
Hồi tháng trước, Bộ quốc phòng Ấn Độ đã nhất trí về việc mua 22 trực thăng tấn công Apache trị giá 1,4 tỷ USD và trực thăng vận tải hạng nặng Chinook trị giá 1 tỷ USD của Mỹ. Tuy nhiên, tính tới ngày 24/9, nguồn tài chính cho các thỏa thuận này vẫn chưa được cấp.
Thỏa huận nhằm mua 145 bích kích pháo siêu nhẹ trị giá 680 triệu USD cũng đang chờ ký kết kể từ năm 2010.
-------------------
Trung Quốc bắt 26 nghi phạm tấn công tòa nhà chính quyền
Giới chức Trung Quốc hôm 28-9 cho biết cảnh sát TP Sán Đầu ở tỉnh Quảng Đông đã bắt giữ 26 nghi phạm bị tình nghi tấn công tòa nhà chính quyền khiến nhiều người bị thương.
Ông Khâu Vĩ, Phó thị trưởng TP Sán Đầu thuộc tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc cho biết tại một cuộc họp báo rằng nhiều quan chức, cảnh sát và dân thường đã bị thương, trong đó có nhiều trường hợp nghiêm trọng, sau khi một đám đông giận dữ xông vào tòa nhà Thành ủy Sán Đầu.
Ông Khâu Vĩ cho hay các nghi phạm này đã kích động người dân phản đối chính quyền về việc mở rộng một bãi rác. Những người này trước đó cũng xúi giục người dân phong tỏa những con đường và đụng độ với cảnh sát khiến hơn 30 người bị thương hôm 7-7 trong một nỗ lực buộc chính quyền địa phương trả tự do cho một số con bạc đã bị bắt giữ.
Cảnh sát địa phương đã bắt được những kẻ tình nghi và thu giữ 200 vũ khí bao gồm dao và dùi cui hôm 27-9. Tuy nhiên, một số người dân nói với hãng tin Tân Hoa Xã rằng họ cảm thấy không hài lòng về khoảng bồi thường chưa thỏa đáng sau khi chính quyền thu hồi đất đai của họ.
-----------------------
Cuba tuyên bố cần thiết lập một trật tự thế giới mới
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 27/9 ở New York, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez đã nêu lên sự cần thiết của việc thiết lập một trật tự thế giới mới không có chiến tranh.
Kênh truyền hình Telesur dẫn tuyên bố của ông Rodriguez nói: "Cần có một trật tự thế giới mới không có chỗ cho triết lý chiến tranh và sự cướp bóc tài nguyên thiên nhiên."
Theo ông, phải ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Syria và các cường quốc Phương Tây cần ngừng tài trợ các nhóm khủng bố vũ trang ở bất kỳ quốc gia nào.
Ông Rodriguez đã dẫn ví dụ Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe như một hình thức liên kết hiệu quả đem lại sự cân bằng lợi ích giữa các nước và sự thịnh vượng cho các dân tộ
-----------------------
Gần 3.100 người tử vong vì dịch Ebola
AFP dẫn báo cáo ngày 28.9 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi đã làm 3.093 người, trong tổng số 6.574 người nhiễm bệnh, tử vong.
Đây là lần đầu tiên số người chết vì dịch Ebola vượt qua ngưỡng 3.000 người. Đáng lo ngại là con số này vẫn trên đà tăng cao do tỷ lệ gây tử vong của vi rút Ebola có thể lên đến khoảng 70%.
Theo WHO, hiện có 22,3 triệu người đang sống ở các khu vực đã ghi nhận những trường hợp nhiễm vi rút Ebola.
Phó tổng giám đốc WHO Bruce Aylward nhận định đây là “khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất của thời hiện đại” và “chưa thể biết số lượng người bị nhiễm sẽ còn tăng đến bao nhiêu”.
Đáng chú ý là thời gian gần đây, một số chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ vi rút Ebola do đột biến nhanh có thể lây lan qua không khí.
Trước những diễn biến xấu của dịch bệnh, ngày 28.9, chính phủ Senegal thông báo thiết lập hành lang hàng không nhân đạo để giúp phân phối hàng cứu trợ gồm các loại nhu yếu phẩm, dược phẩm đến 3 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Guinea, Sierra Leone và Liberia.
Những nước này hiện rất bị cô lập do phải cách ly nhiều khu vực rộng lớn đồng thời hạn chế việc giao thương với các nước khác để tránh nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lan rộng.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhận định việc khống chế dịch Ebola đang vượt quá khả năng của các nước Tây Phi nên cộng đồng quốc tế cần gấp rút hỗ trợ.
Trước đó, bác sĩ David Nabarro, điều phối viên chiến dịch chống dịch Ebola của LHQ ước tính sẽ cần đến 1 tỉ USD để có thể đối phó với căn bệnh này.
Như vậy, những diễn biến đáng ngại của dịch Ebola đã làm LHQ phải nâng mức dự trù kinh phí lên gần gấp đôi so với hồi đầu tháng 9 và thừa nhận đây là “một thử thách khủng khiếp về mặt tài chính”.