Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 21-10, trong quý III vừa qua, kinh tế nước này tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ mức 6,6% của quý I/2009, thời điểm bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trung Quốc đạt tăng trưởng 7,5% trong quý II/2014.
Dù tăng trưởng quý rồi vẫn cao hơn mức dự báo 7,2% được đưa ra trong cuộc khảo sát của tờ The Wall Street Journal (Mỹ) trước đó nhưng giới phân tích cảnh báo kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với thị trường bất động sản sa sút, nhu cầu nội địa thấp cùng sản xuất ngành công nghiệp giảm.
Để cải thiện tình trạng tăng trưởng giảm tốc từ đầu năm đến nay, Bắc Kinh đưa ra một loạt biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ, trong đó có tăng cường chi tiêu công cho các lĩnh vực đường sắt, năng lượng, đẩy mạnh cho nông dân vay vốn, nới lỏng hạn chế đối với lĩnh vực địa ốc...
Trong một diễn biến khác, báo China Daily cho biết quốc hội Trung Quốc dự kiến lấp “lỗ hổng” cho phép quan chức thoát khỏi cáo buộc tham nhũng bằng cách nói tiền, vật phẩm họ nhận được chỉ là quà tặng của bạn bè. Tờ báo cho rằng vấn đề quà cáp này sẽ có thay đổi tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc diễn ra ngày 27-10.
Trong ngày 21-10, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc thông báo ông Lý Hỷ, Phó Thị trưởng Thường trực TP Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, đang bị lập án điều tra do vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.
Tính tới đầu tháng 10-2014, ít nhất 51 quan chức cấp tỉnh hoặc cấp bộ bị điều tra, bao gồm cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu.
-------------------------
Triều Tiên dọa xét lại chính sách với Mỹ
Triều Tiên cảnh báo sẽ xét lại toàn bộ chính sách của nước này với Mỹ nếu Washington tiếp tục gây áp lực với Bình Nhưỡng về vấn đề nhân quyền, theo The Korea Herald ngày 22.10.
Trong một cuộc phỏng vấn ở New York (Mỹ), ông Jang Il-hun, Phó đại sứ Triều Tiên tại LHQ, cho biết Triều Tiên luôn kêu gọi “đối thoại và hợp tác” với cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền.
Ông nói thêm rằng Triều Tiên có thể thảo luận liệu có cho phép điều tra tại chỗ về những điều kiện nhân quyền tại nước này nếu Bình Nhưỡng nhận được phản hồi tích cực với đề nghị trên. “Đó là một đề tài dành để thảo luận với điều kiện vấn đề được xử lý một cách tích cực”, ông Jang nói trong cuộc phỏng vấn.
Phó đại sứ Triều Tiên lên án mạnh mẽ việc Mỹ và các nước khác tìm cách đưa giới lãnh đạo tại Bình Nhưỡng ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Ông cũng tuyên bố không hề có bất kỳ trại tù chính trị nào ở nước mình, khẳng định những thông tin liên quan dựa trên lời khai của những người đào tẩu là bịa đặt.
Nhà ngoại giao Triều Tiên cũng bày tỏ nghi vấn về sự cần thiết nối lại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của nước này. “Tôi không nhìn thấy mục tiêu của việc tổ chức đàm phán 6 bên vào lúc này. Xét tình hình hiện tại, tôi nghi ngờ về cái mà chúng tôi có thể nhận được từ cuộc đàm phán”, ông nhấn mạnh.
Phó đại sứ Jang lập luận rằng Washington tiếp tục “tống tiền hạt nhân và gây sức ép quân sự” lên Bình Nhưỡng mà không thừa nhận chủ quyền của họ. Triều Tiên đã tự tuyên bố nước này là quốc gia hạt nhân trong hiến pháp, và đã công bố chính sách phát triển kinh tế cũng như các chương trình hạt nhân, ông Jang nói.
Trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường sức ép lên Trều Tiên liên quan đến tình hình nhân quyền ở nước này, Bình Nhưỡng “không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc xét lại hoàn toàn chính sách với Mỹ”, theo ông Jang.
Cuộc phỏng vấn Phó đại sứ Jang được thực hiện đầu tuần này, ngay sau khi ông tham dự một cuộc hội thảo do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) tổ chức.
-------------------------
Nga dự trữ khoảng 619 tỉ USD tiền mặt
Truyền thông Đức ngày 20/10 dẫn nguồn từ Cơ quan tình báo đối ngoại Đức (BND) trong một báo cáo đánh giá rằng, dự trữ tiền mặt của Nga hiện nay vào khoảng 619 tỉ USD, tương đương 162% tổng chi tiêu quốc gia của năm 2014.
-------------------------
Mỹ giao nghi phạm giết người chuyển giới cho Philippines
Binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ Joseph Scott Pemberton, nghi can trong vụ giết người đẹp chuyển giới Philippines Jennifer Laude, vừa được đưa tới TP Quezon hôm 22-10 để chuẩn bị cho một cuộc điều tra.
Theo điều tra, Pemberton và Laude, 26 tuổi, gặp nhau tại một quán bar ở TP Olongapo – Philippines hôm 11-10. Sau đó, cả hai đi tới một nhà nghỉ quanh khu vực, nơi Laude bị nghi sát hại trong phòng tắm.
Nghi phạm Pemberton lập tức bị bắt và giam giữ trên tàu USS Peleliu của hải quân Mỹ đang đậu tại vịnh Subic.
Nhận định đây là một vụ việc nghiêm trọng có thể làm ảnh hưởng đến quan hệ 2 nước, Manila cho mở cuộc điều tra và đề nghị Washington bàn giao nghi can để tiến hành thẩm vấn.
Tướng Gregorio Pio Catapang, tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines (AFP), cho biết Pemberton được chuyển bằng máy bay trực thăng tới Manila vào sáng 22-10 với sự đồng ý của chính phủ 2 nước.
Đại sứ quán Mỹ tại Manila giải thích quân đội Mỹ vẫn giam giữ nghi phạm ở trại Aguinaldo, TP Quezon – Philippines, trong khi quân đội nước sở tại canh gác vòng ngoài.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói với hãng tin AP: “Chúng tôi hài lòng với quyết định này vì Pemberton là nghi can trong một vụ án mạng tại đất nước của chúng tôi”.
Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear cũng ra lệnh cho chiếc tàu tấn công đổ bộ chở Pemberton và đồng đội phải ở lại Philippines cho tới khi hoàn tất cuộc điều tra.
Theo Hiệp định Thăm viếng Quân sự (VFA) mà hai nước ký kết năm 1998, Mỹ có quyền giữ các nghi phạm là công dân của mình cho đến khi nào Philippines hoàn tất các thủ tục tố tụng hình sự. Tuy nhiên, vào năm 2009, Tòa án Tối cao Philippines ra phán quyết tất cả quân nhân Mỹ phạm tội trên quốc đảo sẽ bị giam giữ ở bất cứ nơi nào tại Philippines.
-------------------------
Nga tung quân bảo vệ Bắc Cực
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết một số lượng lớn các đơn vị quân đội nước này sẽ được triển khai dọc vành đai Bắc Cực, từ Murmansk đến bán đảo Chukotka, vào cuối năm 2014.
Tại cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga ngày 21-10, ông Shoigu nói: “Chúng tôi đã tích cực triển khai lực lượng tới Bắc Cực. Trong năm 2014 sẽ có nhiều đơn vị được bố trí dọc vành đai Bắc Cực từ Murmansk tới bán đảo Chukotka. Đó là hoạt động chính và quy mô lớn”. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga cho biết đang tiến hành nhiều dự án như xây mới sân bay, cơ sở hậu cần, ống nước, các cơ sở cung cấp điện... tại đây. Nhật báo Kommersant dẫn nguồn tin trong Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết 2 đơn vị quân đội đầu tiên sẽ được triển khai trên đảo Wrangel và bán đảo Chukotka.
Theo hãng tin Itar-tass, việc thành lập Bộ Chỉ huy quân sự Bắc Cực là một phần trong kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực của Nga. Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu các nỗ lực đào tạo, phát triển lực lượng vũ trang cần phối hợp chặt chẽ với các biện pháp củng cố năng lực chiến đấu cho các đơn vị ở khu vực trên.
Song song đó, lực lượng vũ trang Nga cũng tăng cường diễn tập quân sự ở Bắc Cực. Cuối tháng 4, một nhóm lính dù của nước này đã nhảy xuống căn cứ Barneo. Dự kiến, quân đội Belarus tham gia hoạt động tương tự cùng lính dù của Nga vào năm 2015.
-------------------------