Tổng thống Mỹ: An ninh châu Á không có chỗ cho sự bắt nạt
Hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, an ninh châu Á phải dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không phải sự hăm dọa, nước lớn bắt nạt nước nhỏ.
Tổng thống Mỹ phát biểu như vậy trước đám đông sinh viên ở thành phố Brisbane của Úc, nơi ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) kéo dài từ 15 đến 16/11.
Tổng thống Obama cũng đánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong việc tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) cùng với Trung Quốc. COC sẽ giúp việc đảm bảo thực thi luật pháp quốc tế ở biển Đông.
Ông cảnh báo rằng, các tranh chấp lãnh thổ có thể biến thành xung đột. Trước nguy cơ này, ông nói rằng, Mỹ có cam kết mạnh mẽ đối với chủ quyền của các đồng minh của nước này trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thống Obama không đề cập Trung Quốc một cách rõ ràng, nhưng ông cảnh báo mối nguy hiểm của tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, nơi các hành động của Trung Quốc đã khiến nhiều nước láng giềng lo ngại.
Trong lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Úc Tony Abbott nói rằng, ông muốn sử dụng sự kiện này để tái khẳng định với mọi người về định hướng kinh tế thế giới, với “thông điệp hy vọng và lạc quan”.
Trước đó, ông Abbott nói rằng, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận việc tạo công ăn việc làm, xác định những trò gian lận thuế và tăng cường nền kinh tế toàn cầu. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thúc giục các nhà lãnh đạo dự hội nghị chung sức giải quyết vấn đề liên quan dịch Ebola, biến đổi khí hậu và xung đột ở Ukraine.
-------------------------
Đức đánh bật Mỹ khỏi vị trí số 1 về uy tín và vị thế
Viện Nghiên cứu thị trường (GfK) của Đức vừa tiến hành một cuộc thăm dò tại 20 quốc gia để tìm ra nước có uy tín và vị thế hàng đầu thế giới năm 2014. Kết quả là Đức dẫn đầu, theo sau là Mỹ.
Cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 7 năm nay với sự tham gia của khoảng 20.000 người tại 20 quốc gia khác nhau trên thế giới. 23 tiêu chí trong 6 nhóm hạng mục đánh giá được GfK đưa ra bao gồm xuất khẩu, chính phủ, văn hóa, con người, du lịch và nhập cư/đầu tư để xếp hạng 50 quốc gia.
Theo đó, Đức đã soán ngôi Mỹ để giành danh hiệu quán quân cho đất nước có hình ảnh tốt nhất thế giới.
Ở tiêu chí thể thao, Đức dẫn đầu khi vừa chiến thắng kỳ World Cup 2014 vừa qua. Ngoài ra, Đức còn xuất sắc bứt phá ở các tiêu chí khác như đóng vai trò chủ đạo trong nền chính trị châu Âu, kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và đảm bảo các trọng trách quốc tế.
Về môi trường đầu tư và bình đẳng xã hội, Đức xếp đầu bảng cũng như ghi điểm vì có các cơ quan chính phủ làm việc hiệu quả, trung thực và đầy đủ thẩm quyền.
Trong khi đó, Mỹ rớt xuống vị trí á quân so với năm 2013. Dù vẫn không có đối thủ trong các tiêu chí như “sáng tạo”, “văn hóa đương đại” và “nền tảng giáo dục” nhưng Mỹ tụt xuống vị trí 19 ở tiêu chí “cam kết cho hòa bình và an ninh toàn cầu” do bị chỉ trích gay gắt vì gây căng thẳng quốc tế như can thiệp vào tình hình ở Trung Đông và Đông Âu.
Một cường quốc không thể không nhắc đến, đó là Nga – lại xếp ở vị trí 25/50 và bị các nước Argentina, Trung Quốc và Singapore vượt mặt. Chính phủ Nga không được những người bỏ phiếu đánh giá cao nên hầu hết các tiêu chí của Nga không đạt yêu cầu.
Tốp 10 quốc gia có hình ảnh được GfK khẳng định là Đức, Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Nhật Bản, Ý, Thụy Sĩ, Úc và Thụy Điển.
-------------------------
Tổng thống Nga cấm báo chí Australia dự họp báo tại G20
Tổng thống Nga Putin đã rời Brisbane lúc 2h chiều giờ địa phương sau khi có cuộc họp báo quốc tế tại đây. Trong cuộc họp, ông Putin khẳng định rằng G20 là một thành công và chính báo chí đã gieo rắc tin đồn về sự không hài lòng của ông.
Theo một phóng viên truyền hình Nga dự họp báo, ông Putin cho biết, ông không dự phiên họp cuối cùng chiều 16.11 vì ông còn nhiều việc phải làm ở nước Nga.
“Ông Putin rất thích tổ chức G20 và ông ấy rất hài lòng với cuộc gặp Thủ tướng Abbott”, phóng viên này cho biết.
Tờ báo The Australian phải dẫn lời phóng viên truyền hình Nga, bởi họ nói rằng phóng viên của họ đã đến dự họp báo, song các nhân viên an ninh Australia đã ngăn phóng viên lại, nói rằng đây là cuộc họp theo lời mời, mặc dù trước đó có thông báo nói rằng cuộc họp của ông Putin mở cửa cho tất cả giới báo chí.
“Ông Putin nói rằng mọi cảm giác của ông về sự kiện này rất tích cực,” The Australian dẫn lời phóng viên Nga nói tiếp.
“Sự kiện còn lại duy nhất ở G20 là bữa trưa và có vẻ trong bữa trưa sẽ thảo luận về vấn đề dịch Ebola”
“Tổng thống Putin đã tham khảo ý kiến ông Abbott, và đề nghị thứ lỗi vì rời hội nghị sớm, vì mai là thứ Hai, ngày làm việc, mà chuyến bay từ Australia về Nga rất dài”.
“Ông Abbott hiểu điều này và mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp.
Ông Putin nói rằng, trong khi báo chí thế giới đưa tin sự đón tiếp dành cho ông rất lãnh đạm, nhưng không khí thực sự tại G20 rất thân mật – báo chí Nga cho biết.
“Tôi lướt qua báo chí địa phương và các tờ báo khác khi tôi tới đây,” ông Putin nói. “Có gì đó khuấy lên sự căng thẳng. Thực tế, so với những gì báo chí đưa, ít nhất trong trường hợp này, là hoàn toàn khác”.
Ông Putin cũng nói nhiều về đề tài cấm vận kinh tế chống lại Nga do chính sách của Nga về Ukraina.
Ông cho biết, hai bên đều hiểu rằng lệnh trừng phạt đã làm tổn hại đến cả Nga lẫn các nước đưa ra lệnh trừng phạt, và cần có biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề.
Tờ The Australian cho biết, đoàn Nga không phải đoàn duy nhất cấm báo chí Austrlai dự họp báo tại G20. Tại họp báo của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cũng chỉ có báo chí Đức được tham dự.
-------------------------
Anh sẵn sàng rời khỏi Liên minh châu Âu
Ngày 15/11, Ngoại trưởng Anh, ông Philip Hammond cho biết, công chúng Anh có thể bỏ phiếu để chấm dứt tư cách thành viên của Anh tại Liên minh châu Âu, nếu họ không nhận được những cải cách lớn và có ý nghĩa từ Liên minh châu Âu.
Ngoại trưởng Anh Hammond tái khẳng định rằng, Anh sẵn sàng đứng ngoài bàn đàm phán và ra khỏi EU nếu như các đề xuất của nước này về vấn đề nhập cư không được xem xét.
Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, vấn đề người nhập cư đang trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với các cử tri Anh trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào năm 2015.
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron đã để ngỏ khả năng Anh sẽ đơn phương đưa ra các hạn chế đối với chính sách tự do đi lại và tự do lao động của EU. Ông Cameron cũng cam kết tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2017 về việc Anh có tiếp tục là thành viên của EU hay không, nếu Đảng Bảo Thủ của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm tới. Tuyên bố này đã vấp phải sự phản ứng của các nước EU, đặc biệt là Đức.
-------------------------