Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đang bị chỉ trích với bình luận rằng việc Seoul đứng giữa Washington và Bắc Kinh không phải là một “tình thế lưỡng nan”, mà là “phúc lành”. Bình luận này được đưa ra sau khi Seoul tuyên bố gia nhập ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng.
Theo tờ Joong Ang, phát biểu trước các nhà ngoại giao Hàn Quốc hôm 30/3, Ngoại trưởng Yun Byung-se đã cho rằng: “Chúng ta không nên coi việc nhận được những lời “ve vãn” từ cả Mỹ và Trung Quốc nhờ giá trị chiến lược của đất nước là một tình thế lưỡng nan, hay một chuyện phải đau đầu. Thay vào đó, chúng ta nên gọi nó là phúc lành”.
“Châu Á - Thái Bình Dương đủ lớn để có thể dung hòa cả một Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Mỹ đang tái cân bằng”, ông Yun nói thêm.
Phát biểu của ông Yun được đưa ra trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đang bị chỉ trích do đã không thể giải quyết khéo léo vấn đề phức tạp liên quan đến hai siêu cường Mỹ - Trung.
Một vài nhà bình luận trong nước cho rằng Hàn Quốc đang bị thiệt hại trong cuộc chiến giữa hai cường quốc, hoặc đang mắc kẹt giữa Mỹ - Trung.
Cụ thể, Seoul mới đây đã quyết định gia nhập vào Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, bất chấp việc Washington đã bày tỏ quan ngại đối với kế hoạch này của Bắc Kinh.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye đang chịu sức ép từ việc Trung Quốc phản đối kịch liệt kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc của Mỹ.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Yun hôm 30/3 nhận định quyết định tham gia AIIB của Seoul là một ví dụ điển hình của kỹ năng ngoại giao điêu luyện. Ông khuyên các nhà ngoại giao không nên lo lắng về “các chỉ trích thiếu suy nghĩ”.
Phát ngôn thiếu cẩn trọng
Lời bình luận của ông Yun ngay lập tức đã vấp phải nhiều chỉ trích từ các chính trị gia và các chuyên gia ngoại giao trong nước. Trong khi nhiều người nhận định khái niệm “phúc lành” ông đưa ra “thiếu chiều sâu”, những người khác lại cho rằng phát ngôn này không nên được đưa ra một cách công khai như thế.
“Trên cương vị của người đứng đầu ngành ngoại giao nước nhà, đưa ra một phát ngôn như thế là một sự khinh suất”, một chuyên gia ngoại giao giấu tên nhận định.
Vị học giả này bổ sung: “Hoạt động của ngành ngoại giao luôn phải song hành với lòng tự hào dân tộc, và sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh đất nước trên trường quốc tế, bởi vậy việc Ngoại trưởng Yun đánh giá tình hình hiện nay là “phúc lành” là một điều không phù hợp”.
Trong khi đó, ông Cha Kang, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asan, đồng ý với nhận định của Ngoại trưởng Yun rằng Trung Quốc và Mỹ đều cần Hàn Quốc cho các lợi ích chiến lược của họ. Tuy vậy, ông nhấn mạnh Ngoại trưởng Yun đã đi quá xa khi gọi đó là một “phúc lành”, và gợi ý nên gọi nó là một “cơ hội”.
Ông Cha cũng cho rằng việc Hàn Quốc đồng ý tham gia AIIB lúc này là đúng thời điểm. Bởi nếu đưa ra quyết định quá sớm, chính phủ sẽ phải đối mặt với áp lực khổng lồ từ Mỹ, yêu cầu phải rút lui.
Hiện Seoul có thể chịu ít áp lực hơn vì đã đưa ra quyết định sau khi các đồng minh của Mỹ là Anh và Pháp chọn gia nhập ngân hàng Trung Quốc.
Đại diện chính phủ Hàn Quốc, một phát ngôn viên Nhà Xanh đã nhận định: “Mọi thứ có lẽ đã tốt hơn nếu Ngoại trưởng Yun dùng từ ngữ hợp lý hơn khi phát ngôn công khai”. “Tuy vậy, chúng ta cũng không nên cho rằng nước ta đang bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc”, phát ngôn viên này cho hay.
-----------------------
Trung Quốc sẽ không bán vũ khí với giá rẻ
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI), kể từ cuối năm 2014, Trung Quốc đã chiếm vị trí thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Nga về xuất khẩu vũ khí.
Thành tựu của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất vũ khí và xuất khẩu thiết bị quân sự đã làm nảy sinh những "dự báo bi đát" ở phương Tây. Tạp chí "Foreign Policy" (Mỹ) đã nêu câu hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra khi trên thế giới tràn ngập món hàng máy bay và tàu chiến Trung Quốc giá rẻ?".
Theo chuyên viên Vasily Kashin thuộc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ, dự báo ảm đạm xuất phát từ thực tế là vũ khí Trung Quốc quả thực có mức giá rẻ, còn trình độ kỹ thuật thì khác với những năm trước khi đã vươn lên ngang tầm các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Thêm nữa, người ta cho rằng Trung Quốc dự định tăng cường bán vũ khí tràn lan cho tất cả những khách hàng muốn mua, bất kể là ai.
Danh tiếng của Trung Quốc trên thị trường vũ khí toàn cầu được xác lập vào những năm 1980. Ở thời điểm đó, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đối mặt với tình trạng giảm sút mạnh lượng đơn đặt hàng từ trong nước và buộc phải tìm cách "cố tồn tại" nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và điều may mắn hơn là họ có được sự hỗ trợ của chính phủ. Giá tiền công lao động ở Trung Quốc lúc đó vô cùng rẻ mạt kể cả so với tiêu chí của những nước đang phát triển.
Trung Quốc bảo lưu công suất đạt được trong thời kỳ 1950-1970 dành cho sản xuất đại trà những hệ thống vũ khí thuộc loại tương đối đơn giản. Trong đó, trường hợp cuộc chiến tranh Iran-Iraq kéo dài phần lớn thập niên 1980 đã thúc đẩy sự gia tăng rõ rệt trên thị trường vũ khí quốc tế. Trung Quốc có tiếng là quốc gia sẵn sàng bán vũ khí cho tất cả các khách hàng và có khả năng cung cấp những lô lớn hàng loạt thiết bị quân sự với giá thấp.
Mặc dù Trung Quốc có sự sa sút đột ngột trong xuất khẩu vũ khí giai đoạn 1990-2000 nhưng danh tiếng hình thành trong thập niên 1980 vẫn được bảo tồn. Trong khi đó, những yếu tố kinh tế và chính trị đã sản sinh ra danh tiếng này thì lại bị triệt tiêu ngay trước mắt.
Trước hết, chẳng còn thấy lý do cụ thể nào để vũ khí Trung Quốc có giá rẻ lạ thường. Mức lương trong ngành công nghiệp Trung Quốc tăng cao nhanh chóng. Ngành công nghiệp quốc phòng buộc phải cạnh tranh với công nghiệp dân dụng để có đội ngũ công nhân - kỹ sư với tay nghề chuyên môn cao. Trong một số lĩnh vực quốc phòng riêng biệt, chẳng hạn như công nghiệp hàng không hay tên lửa của Trung Quốc, chi phí cho công lao động đã đạt đến mức của các nước Đông Âu, mà vẫn tăng thêm không ngừng. Giá chi phí thuê mặt bằng, tiền điện cùng các phí dịch vụ công cộng cùng tỷ lệ nhập khẩu các nguyên vật liệu cần thiết cho công nghiệp quốc phòng đều tăng.
Trái ngược với những năm 1980, giờ đây ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc không còn phụ thuộc nhiều vào tiền bán vũ khí. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đạt mức 144 tỷ USD, gần 1/3 dành chi cho việc mua sắm thiết bị và vũ khí sản xuất hàng loạt. Ngoài ra, có những hạng mục riêng trong ngân sách dành kinh phí đáng kể cho chi tiêu quốc phòng. So với tổng kinh phí này, khoản tiền từ xuất khẩu quân sự không phải là "đỉnh cao ý nghĩa".
Yếu tố cuối cùng là hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc những năm 1990 và 2000 đã trở nên khắt khe hơn. Bây giờ bất kỳ giao kèo xuất khẩu vũ khí nào cũng phải trải qua hệ thống phê duyệt 3 cấp khá phức tạp. Cách tiếp cận của Trung Quốc với vấn đề xuất khẩu vũ khí hiện nay đang trở nên thận trọng hơn so với trước đây.
Trong những năm tới, xuất khẩu vũ khí Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển. Nhưng đó sẽ là tiến trình có kế hoạch, gắn bó chặt chẽ với đà tăng trưởng kinh tế và bành trướng thế lực chính trị của Trung Quốc tại những phần khác nhau trên thế giới. Một ví dụ điển hình là quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 do Trung Quốc sản xuất. Đó không chỉ là thành tựu từ lối tiếp thị ráo riết của Bắc Kinh trong nỗ lực tối đa hoá lợi nhuận, mà còn là hệ quả từ những thay đổi trong đường lối đối ngoại của Ankara.
Trong xu hướng giảm bớt mức độ thân phương Tây, Trung Quốc đã được Thổ Nhĩ Kỳ chọn làm đối tác then chốt trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, có thể vì ghi nhận rằng Bắc Kinh đang vươn lên giữ vai trò một trung tâm đối trọng thay thế của nền kinh tế thế giới. Đối với Trung Quốc, xuất khẩu vũ khí giờ đây không chỉ là mục đích tự thân của nền kinh tế thị trường, mà còn là công cụ hữu hiệu để gia tăng uy tín và ảnh hưởng của một "tân siêu cường".
----------------------
IS xin ngừng bắn
Trong số ra mới nhất của tạp chí Dabiq bằng tiếng Anh do IS phát hành, tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria này đưa ra đề nghị ngừng bắn thông qua thương lượng.
Sau nhiều tháng trở thành mục tiêu chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu, IS đã để mất nhiều lãnh địa tại Iraq và hứng chịu tổn thất nặng nề sau nỗ lực đánh chiếm bất thành thị trấn biên giới Kobani ở Syria.
Theo nhật báo Daily Beast, thực tế kể trên có thể đã khiến IS ướm thử xem liệu một đề nghị ngừng bắn có thể được đồng ý. Hoặc cũng có thể, tổ chức này đang tìm cách gieo rắc nghi hoặc trong hàng ngũ đối phương, đồng thời củng cố lại sức mạnh và quyết tâm của mình bằng cách đề nghị đàm phán.
Đề nghị mới được IS đưa ra hôm 31/3, trong bài viết có tựa đề "Thay đổi mô hình" của tác giả John Cantlie, một phóng viên ảnh chiến trường người Anh hiện đang nằm trong tay IS.
"Vào một giai đoạn nào đó, bạn sẽ phải đối mặt với IS như một quốc gia, và thậm chí phải cân nhắc một lệnh ngừng bắn", Cantlie lập luận. "Đâu là lựa chọn, tiến hành không kích ở nửa tá đất nước cùng một lúc ư? Họ sẽ phá hủy cả một nửa khu vực nếu làm như vậy".
Đây không phải là lần đầu tiên Cantlie đưa ra lập luận về những gì mà phóng viên ảnh này gọi là sự phù phiếm của chiến dịch oanh kích IS của phương Tây. Anh này cũng kêu gọi Washington cân nhắc lại cách tiếp cận với tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
----------------------
Phó chủ tịch tập đoàn thép lớn nhất Trung Quốc bị điều tra
Phó chủ tịch Thôi Kiện của tập đoàn thép lớn nhất Trung Quốc Baosteel đã bị điều tra do bị tình nghi tham nhũng. Đây là dấu hiệu cho thấy chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” đang tập trung vào các tập đoàn quốc doanh lớn tại nước này.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một ngày trước đó, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) tuyên bố Phó chủ tịch Thôi Kiện của tập đoàn thép lớn nhất Trung Quốc Baosteel bị điều tra do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, cụm từ thường dùng để chỉ cáo buộc tham nhũng.
Hồi đầu tháng trước, các điều tra viên của Ủy ban này đã đến thanh tra tập đoàn Baosteel ở Thượng Hải.
Giới chuyên gia nhận định đây là tín hiệu khởi đầu cuộc chiến chống tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp nhà nước của chính phủ Trung Quốc.
Ông Vương Kỳ Sơn, nhân vật số 2 tại Trung Quốc, người đứng đầu CCDI, từng nhấn mạnh trong giai đoạn đầu thanh tra năm 2015, cơ quan này sẽ tập trung vào 26 doanh nghiệp nhà nước hàng đầu của Trung Quốc, gồm các tập đoàn lớn trong lĩnh vực dầu mỏ và năng lượng, điện, viễn thông, giao thông, khoáng sản và xây dựng.
Vài ngày trước, Ủy ban điều tra tỉnh Quảng Đông tuyên bố điều tra Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty điện lực miền nam Trung Quốc Kỳ Đạt Tài vì nghi tham nhũng.
Hồi đầu tháng trước, Tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu quốc gia Trung Quốc Liêu Vĩnh Viễn cũng đã bị “sờ gáy”.
Ông Vương nhấn mạnh tại các doanh nghiệp nhà nước, hiện tượng “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” là thường thấy, và rằng “một số quan chức lạm dụng quyền lực để trục lợi cho bản thân và gia đình”.
--------------------