Ấn Độ thuyết phục láng giềng cùng đối phó Trung Quốc
New Delhi đang cố gắng đối phó với ảnh hưởng kinh tế ngày càng lan rộng của Bắc Kinh tại các quốc gia lân cận thông qua cam kết tài trợ cho một số lượng lớn các dự án trong vùng.
Tại hội nghị của Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) trong tuần này, Ấn Độ đã công bố một loạt các khoản đầu tư trong vùng nhằm tìm cách chống lại sự xâm nhập kinh tế ngày một lớn mạnh của Trung Quốc vào sân sau nước này, theo AFP.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố nền kinh tế lớn nhất Nam Á sẽ tài trợ cho cơ sở hạ tầng, cơ sở y tế và thậm chí là một vệ tinh viễn thông cho khu vực này, đồng thời hứa sẽ mở cửa thị trường nội địa cho các nhà xuất khẩu đến từ các quốc gia nhỏ hơn trong vùng.
AFP cho biết ông Modi từng khẳng định đẩy mạnh ảnh hưởng của Ấn Độ tại các nước láng giềng là ưu tiên chiến lược then chốt cho chính quyền của ông.
Tuy nhiên, cuộc họp các nước thành viên SAARC gồm Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Bhutan, Maldives và Afghanistan, diễn ra trong hai ngày 26.11 và 27.11 ở Nepal, đã không đạt được kết quả đáng kể nào, theo AFP.
Lãnh đạo các nước chỉ ký vỏn vẹn 1 hiệp ước về hợp tác năng lượng tại hội nghị SAARC lần này và bất đồng giữa Ấn Độ và Pakistan được cho là đã bao trùm hội nghị, khiến Thủ tướng Nepal Sushil Koirala phải cảm thán rằng SAARC đã không đạt kết quả mong đợi, AFP bình luận.
Nepal được cho đã được Trung Quốc mạnh tay đầu tư trong suốt một thập kỷ qua. Thậm chí, hội trường nơi lãnh đạo các nước SAARC gặp gỡ cũng được xây bằng tiền của Trung Quốc.
Nepal cùng 2 nước thành viên SAARC khác là Pakistan và Sri Lanka ủng hộ đề xuất cho Trung Quốc làm thành viên chính thức của khối này. Bắc Kinh hiện chỉ là quan sát viên trong SAARC. Tuy nhiên, Ấn Độ đã từ chối cho phép Trung Quốc trở thành thành viên chính thức, chức danh đi đôi với quyền phủ quyết các thỏa thuận trong khối.
Bà Tanvi Madan, một chuyên gia phân tích thuộc Viện Brookings, một trong những viện nghiên cứu chính sách lâu đời nhất nước Mỹ, cho rằng việc các nước nhỏ trong khối SAARC bắt tay với Trung Quốc là điều đương nhiên.
“Việc các nhà làm luật và chuyên gia Ấn Độ lớn tiếng phản đối mối quan hệ đó là việc làm vô ích và có thể nói là phản tác dụng”, nữ chuyên gia này nhận định.
“Ấn Độ nếu muốn thuyết phục hiệu quả cần phải đưa ra được một phương án thay thế khả thi, tức là phải cho các nước SAARC thấy rằng họ muốn song hành cùng các nước trong khối trên con đường dẫn đến sự thịnh vượng”, bà nói.
-------------------------
Báo Trung Quốc: 'Người biểu tình Hồng Kông kêu gọi đấu tranh vũ trang'
Trước sự đàn áp mạnh tay của chính quyền, người biểu tình Hồng Kông chuyển sang hình thức “chiến tranh du kích đường phố”, thậm chí kêu gọi đấu tranh vũ trang nếu cần thiết, theo thời báo Hoàn Cầu.
Sau chiến dịch giải tán người biểu tình tại khu vực Vượng Giác, tình hình tại nơi này đã ổn định trở lại, tuy nhiên cảnh sát Hồng Kông vẫn cho rằng cuộc đấu tranh của người biểu tình chưa thật sự kết thúc, thậm chí có thể chuyển sang đấu tranh bằng bạo lực và vũ trang, theo thời báo Hoàn Cầu.
Tờ Minh Báo ngày 27.11, thì cho rằng người biểu tình đang chuyển sang hình thức “xây dựng chiến hào” mới trên đường phố thậm chí còn chuẩn bị hình thức “chiến tranh du kích” lâu dài để chống lại lực lượng cảnh sát.
Trên trang mạng xã hội facebook xuất hiện fanpage mang tên “Nhóm ma quỷ Hồng Kông” kêu gọi người biểu tình trang bị mũ bảo hiểm, các vật dụng có thể chống lại cảnh sát và tiến tới một cuộc khởi nghĩa vũ trang nhằm tái chiếm khu Vượng Giác, theo tờ Văn Hối.
Khu Vượng Giác sẽ được lực lượng cảnh sát kiểm soát chặt chẽ thêm 2 tuần nữa nhằm tránh việc người biểu tình có thể tái chiếm, vì lý do an toàn mọi người không nên tập trung tại các khu vực đông người tại khu vực vừa giải tán, đại diện cảnh sát phát biểu trước báo giới.
Luật sư Hà Quân Hiểu, người ủng hộ phong trào đấu tranh của người biểu tình nhận định: “Người biểu tình đang sử dụng sức mạnh của Internet và các mạng xã hội, sức lan truyền của nó sẽ gấp trăm lần so với phong trào Chiếm Trung Hoàn vừa diễn ra”, tuy nhiên ông kêu gọi không sử dụng bạo lực vì sẽ không có kết quả tốt đẹp cho cả 2 bên, theo tờ Văn Hối.
Cảnh sát Hồng Kông tuyên bố sẽ truy tìm thủ phạm của việc kích động trên các trang mạng xã hội nhằm phát động phong trào đấu tranh vũ trang, "họ đừng hy vọng vào cuộc đấu tranh lâu dài vì họ có thể gặp một thất bại lớn hơn những gì vừa diễn ra", theo tờ Đại Công báo.
-------------------------
Israel phá âm mưu tấn công Jerusalem
Israel thông báo nước này vừa phá âm mưu của tổ chức Hamas tấn công người Israel tại sân vận động bóng đá Teddy và hệ thống tàu điện ở Jerusalem, theo Reuters.
Ngày 27.11, cơ quan an ninh Shin Bet cho biết họ đã bắt giữ 30 thành viên Hamas hồi tháng 9, một số người đã qua huấn luyện về vũ khí và chất nổ với các chiến binh Hamas ở Jordan và Dải Gaza. Những chiến binh này cũng được lệnh bắt cóc người Israel ở Bờ Tây hoặc ở nước ngoài, đánh bom xe hơi và thực hiện những vụ tấn công khác.
Việc hoạch định các vụ tấn công được giới chức Hamas tiến hành từ Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Gaza, một phát ngôn viên của Hamas tuyên bố họ “không có thông tin” về cáo buộc của Tel Aviv. “Rõ ràng Israel muốn phóng tác một câu chuyện mới nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới với tình hình tại Jerusalem”, phát ngôn viên trên nói.
-------------------------
Đông Á vắng tàu sân bay Mỹ
Giới chức quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đang lên tiếng quan ngại về viễn cảnh vùng biển Đông Á hoàn toàn vắng bóng tàu sân bay Mỹ trong suốt 4 tháng vào năm sau.
Gánh nặng ngân sách, kết hợp với sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông, đang làm giới hạn khả năng vùng vẫy của hạm đội Mỹ tại Đông Á. Ít nhất trong 4 tháng vào năm sau, vùng biển Đông Á sẽ không còn bóng dáng khổng lồ của hàng không mẫu hạm Mỹ như thường lệ. Theo tạp chí Nikkei Asian Review, giới chức Nhật Bản và Mỹ đang lo ngại sự vắng mặt tạm thời của các tàu sân bay Mỹ có thể khuyến khích CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc thực hiện các hành động phiêu lưu quân sự tại những vùng biển lâu nay vẫn được hải quân Mỹ trấn giữ.
Lỗ hổng quân sự
Theo Nikkei Asian Review, tàu USS George Washington, hàng không mẫu hạm duy nhất của hải quân Mỹ đóng tại căn cứ nước ngoài, chuẩn bị rời khỏi Yokosuka để tiến hành đại tu và bổ sung nhiên liệu hạt nhân. Cho đến khi tàu USS Ronald Reagan đến được thành phố cảng của Nhật, nằm tại cửa biển vịnh Tokyo, để thay thế cho tàu USS George Washington, vùng biển Đông Á sẽ bị bỏ trống hoàn toàn, theo những nguồn thạo tin. Hải quân Mỹ không công bố chi tiết về sứ mệnh luân chuyển tàu sân bay, nhưng USS Ronald Reagan được dự kiến sẽ đến căn cứ hải quân Yokosuka sớm nhất là vào mùa xuân năm sau, và trễ nhất là phải đến mùa thu mới tới nơi.
Một hàng không mẫu hạm có thể chở theo hơn 50 chiến đấu cơ và 15 trực thăng. Lợi thế của căn cứ nổi trên biển là có thể nhanh chóng được điều động đến các điểm nóng quân sự và triển khai sức mạnh không quân. Thông thường, hải quân Mỹ luân phiên điều động các tàu sân bay đến Đông Á và vịnh Ba Tư để duy trì các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Iran trong tầm ngắm. Về phần mình, Trung Quốc đang dốc sức phát triển hạm đội tàu sân bay nhằm củng cố năng lực tác chiến tại các vùng biển Đông Á.
Hiện Mỹ duy trì 10 hàng không mẫu hạm trên các vùng biển, nhưng chiến dịch quân sự chống IS từ tháng 8 đang ngày càng gia tăng áp lực đối với hạm đội.
Nhật Bản, Úc đề phòng
Quay trở lại Đông Á, theo tạp chí Nhật, sự vắng mặt khoảng 4 tháng của các tàu sân bay Mỹ có thể buộc chính quyền Tokyo nghĩ cách phát triển hạm đội tàu sân bay của riêng mình. Lực lượng phòng vệ trên biển của nước này đã sở hữu 2 tàu sân bay dành cho trực thăng là Hyuga và Ise, trong khi tàu Izumo với kích thước lớn hơn sẽ sớm được biên chế trong năm 2015. Nếu những chiến hạm đó được cải tiến thành tàu sân bay dành cho tiêm kích cơ cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B, đồng thời kết hợp với các tàu khu trục Aegis, Nhật sẽ có ngay các nhóm tác chiến tàu sân bay với đầy đủ bộ sậu.
Nếu cuộc chiến nổ ra giữa Nhật và Trung Quốc xung quanh nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, các chiến đấu cơ thuộc Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật phải xuất kích từ các căn cứ ở đảo Okinawa hoặc Kyushu, trong khi hàng không mẫu hạm có thể nằm sát bên, tăng lợi thế khi chiến đấu.
Từ cuối Thế chiến 2 đến giai đoạn Chiến tranh lạnh, chính sách của Mỹ là kiềm chế sức mạnh quân sự của Nhật, buộc đồng minh phải phụ thuộc vào mình. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, Washington đang tiến hành kế sách mới, theo đó muốn các đồng minh quân sự phải có đủ năng lực xử lý những thách thức ở tầm chiến lược tại sân nhà.
Theo tờ The Wall Street Journal, Úc cũng đang triển khai chiến lược quốc phòng theo hướng này. Ý tưởng biến 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Canberra thành tàu sân bay trang bị F-35B đang nhận được sự ủng hộ trong nội bộ nước Úc. Bản thân Lầu Năm Góc cũng không phản đối hướng đi mới này bởi nó có thể giúp đồng minh của họ trám vào chỗ trống trong trường hợp tàu sân bay Mỹ vắng mặt tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
-------------------------