Xe bồn va chạm xe tải, 2 người bị thương nặng
Chiều tối 29.11, một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An), khiến 2 người bị thương nặng.
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, xe bồn mang biển kiểm soát 29R-01394 chạy theo hướng bắc - nam. Khi xe bồn chạy đến địa điểm trên, do tránh hai học sinh đi xe đạp điện phía trước nên đã va chạm với xe tải chở cá mang biển kiểm soát 37C-00913 chạy theo chiều ngược lại.
Cú va chạm mạnh khiến xe tải móp đầu, tài xế và phụ xe tải kẹt trong cabin. Người dân đã kịp thời giải cứu 2 người này, đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.
-------------------------
Xe máy va chạm xe ben, 1 người chết, 1 người bị thương
Khoảng 13 giờ ngày 29.11, tại giao lộ đường Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân (thuộc phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM) xảy ra vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết, 1 người bị thương.
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, ông Lê Ngọc Thống (47 tuổi) điều khiển xe máy BKS 53X7-8493 chở theo vợ là bà Ngô Thị Kim Lan (44 tuổi, cùng ngụ quận 9, TP.HCM) lưu thông theo hướng Chợ Thủ Đức về đường Phạm Văn Đồng. Khi xe ông Thống chạy đến giao lộ trên thì va chạm với xe ben BKS 61H-3099 lưu thông cùng chiều.
Hậu quả, bà Lan tử vong tại chỗ, ông Thống bị thương ở chân.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng quận Thủ Đức nhanh chóng có mặt phong tỏa hiện trường, điều tiết giao thông.
Nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
-------------------------
Cháy chợ Thượng Thanh, 1 người chết vì kẹt trong đám cháy
Vụ cháy ki ốt tại chợ Thượng Thanh thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội xảy ra vào lúc 3 giờ sáng ngày 29.11, khiến 1 người chết, 4 người bị thương nhập viện.
Theo những người chứng kiến vụ hỏa hoạn này cho biết: vào thời điểm trên họ bất ngờ thấy lửa và khói đen bốc ra nghi ngút từ ki ốt của gia đình bà Trần Thị Nga (47 tuổi, ngụ ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) nằm trong chợ Thượng Thanh.
Do thời tiết hanh khô, cộng với việc ki ốt của gia đình bà Nga bày bán rất nhiều đồ tạp hóa dễ cháy như vải vóc, quần áo, đồ đạc gia dụng… nên chỉ trong vòng ít phút ngọn lửa đã nhanh chóng lan sang đốt cháy 4 ki ốt liền kề.
Chứng kiến vụ hỏa hoạn, nhiều người ở gần đó đã khẩn trương dùng mọi biện pháp dập lửa, báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, đồng thời tìm mọi biện pháp đưa những thành viên trong gia đình bà Nga thoát ra ngoài.
Không lâu sau khi tiếp nhận thông tin vụ hỏa hoạn, Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội đã điều động nhiều lượt xe cứu hỏa cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ tới hiện trường dập lửa. Công an quận Long Biên cũng huy động toàn bộ lực lượng công an, dân phòng của 2 phường Thượng Thanh và Đức Giang đến hiện trường phối hợp cứu người, chữa cháy. Tới 6 giờ sáng cùng ngày, ngọn lửa đã được khống chế, dập tắt.
Thông tin từ lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Long Biên cho biết, vụ cháy ki ốt tại chợ Thượng Thanh đã khiến bà Vũ Thị Dịu (77 tuổi, ngụ ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) là mẹ đẻ của bà Nga bị tử vong. Nguyên nhân được xác định là chỗ bà Dịu nằm ngủ sâu trong ki ốt, khi xảy ra hỏa hoạn, người thân và lực lượng chữa cháy đã không thể tiếp cận để đưa ra ngoài.
Cũng theo thông tin từ Ủy ban nhân dân quận Long Biên, ngoài bà Dịu bị tử vong, vụ cháy ki ốt chợ Thượng Thanh cũng khiến bà Nga và 3 thành viên khác trong gia đình bị thương, phải nhập viện điều trị. Về tài sản, ước tính ban đầu, vụ cháy gây thiệt hại khoảng hơn 1 tỉ đồng. Nguyên nhân ban đầu được cho là chập điện tại khu vực xảy ra hỏa hoạn.
-------------------------
Xua đuổi rắn lục đuôi đỏ bằng cách rắc lưu huỳnh
Nghiền nhỏ lưu huỳnh rắc quanh nơi ở là cách tốt nhất để xua đuổi rắn đuôi đỏ đi xa, thạc sĩ Đỗ Quang Huy, Trưởng bộ môn Quản lý động vật hoang dã, Đại học Lâm nghiệp, cho biết như vậy.
Thạc sĩ Đỗ Quang Huy cho biết, rắn lục đuôi đỏ có tập tính hiền lành. Khó có thể đưa ra phỏng đoán biến đổi khí hậu hay sự thay đổi môi trường sống khiến loài động vật này hung dữ hơn. Bởi sự thay đổi tập tính ở động vật là điều hiếm khi xảy ra và nếu có sẽ phải cần tới quá trình hàng nghìn năm.
Qua theo dõi những vụ rắn lục đuôi đỏ tấn công con người xảy ra gần đây, phần lớn là do con người va chạm bị chúng tấn công trở lại, có trường hợp đi trong đêm tối, gần các bụi cây. Đáng lưu ý, loài rắn lục hoạt động mạnh về đêm để tìm kiếm thức ăn. Con người có thân nhiệt cao nên chúng dễ nhầm tưởng là… con mồi.
“Ban ngày, rắn lục đuôi đỏ rất hiền lành, chúng không di chuyển ra chỗ quang đãng. Có lần đi rừng nghiên cứu, ngồi giải lao, đồng nghiệp nhìn thấy rắn lục đuôi đỏ vắt vẻo ngay gần mang tai tôi nhưng cũng không bị cắn”, ông Huy kể.
Giải thích về hiện tượng nhiều người bị rắn lục đuôi đỏ tấn công nhiều đột biến trong năm nay, thạc sĩ Huy cho rằng, có nguyên nhân do số lượng cá thể rắn đang tăng lên nhiều hơn.
Điều này có phần ảnh hưởng của biến đổi khí khậu. Trong vài năm gần đây, nhiệt độ trung bình mỗi năm điều nhích lên từ 0,5 - 1 độ C. Thời thiết nóng ẩm kéo dài là môi trường tự nhiên lý tưởng cho rắn lục đuôi đỏ gia tăng sinh sản.
Trong khi đó, số lượng cá thể loài thiên địch đặc biệt thích ăn rắn lục đuôi đỏ như cầy (còn gọi là con lỏn chanh), chim bìm bịp, cầy móc chua, chim ưng… lại giảm đi rất nhiều do bị con người săn bắt.
Thiên địch ít đi, thời gian nóng ẩm liên tục trong vài năm nay thuận lợi sinh sản khiến số lượng cá thể rắn lục trưởng thành tăng lên đáng kể.
Cũng theo thạc sĩ Đỗ Quang Huy, để phòng trừ rắn lục đuôi đỏ, người dân nên phát quang các bụi cây sát lối đi, gần khu vực nhà hoặc trồng cây xả quanh nhà cũng có tác dụng kiềm chế loài rắn lục đuôi đỏ.
Thạc sĩ Đỗ Quang Huy cho biết, qua nghiên cứu và thử nghiệm, rắn lục đuôi đỏ đặc biệt sợ mùi lưu huỳnh. Ở những vùng thường xuyên có người bị rắn tấn công, người dân nên lấy lưu huỳnh nghiền nhỏ thành bột sau đó rắc xung quanh vào nơi nghi vấn có rắn lục đuôi đỏ sinh sống trú ngụ. “Mùi lưu huỳnh sẽ có tác dụng xua đuổi rắn đi rất xa”, thạc sĩ Huy nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học - Công nghệ Việt Nam): “Năm nay, do là năm nhuận, thời tiết mùa lạnh đến muộn nên có thể rắn sinh sản nhiều hơn. Thêm vào đó, miền Trung và miền Nam nắng ấm hơn nên rắn xuất hiện nhiều ở khu vực ven rừng hoặc ở vườn nhà”.
“Khác với loài rắn độc khác, khi bị cắn, nọc độc tấn công vào hệ thần kinh, gây tê liệt hệ thần kinh. Còn loại rắn độc đuôi đỏ, chỉ tác động vào hệ tuần hoàn, gây rối loạn đông máu. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây phù nề, hoại tử da vùng bị cắn. Với trẻ nhỏ và người có sức khỏe yếu khi bị tấn công khá nguy hiểm. Vì vậy, khi bị rắn cắn cần đến bệnh viện để điều trị”.
Trước trình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều khiến người dân hoang mang, lo lắng, tiến sĩ Trường cho biết, các nhà khoa học của Viện đã đề xuất chương trình nghiên cứu chu kỳ sinh sản để có câu trả lời chính xác về nguyên nhân. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đang phối hợp với bác sĩ bệnh viện Bạch Mai nghiên cứu nọc độc để đưa ra phác đồ điều trị.
(Theo Thanh Niên)
-------------------------