Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua 13/3 tuyên bố nước này đã ký hợp đồng mua vũ khí, bao gồm cả vũ khí sát thương, với tổng cộng 11 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
“Hiện chúng tôi đã có những hợp đồng vũ khí đã được ký kết, trong đó có vũ khí sát thương, với 11 nước thành viên EU. Đến tuần này, một quyết định quan trọng chúng tôi chờ đợi nửa năm nay đã thành hiện thực: Tổng thống Mỹ quyết định cung cấp vũ khí phòng vệ cho Ukraine”, RIA Novosti dẫn lời ông Poroshenko hôm qua 13/3 tuyên bố trên truyền hình.
Theo nguồn tin trên, ông Poroshenko trước đây đã từng vài lần úp mở về các hợp đồng vũ khí với nhiều nước châu Âu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 11/3 đã tuyên bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 75 triệu USD cho Ukraine, trong đó gồm 230 xe địa hình, máy bay không người lái, radar chống pháo và các thiết bị liên lạc, do thám.
Phát ngôn viên Nhà trắng Josh Earnest trong cuộc họp báo ngày 11/3 đã nhấn mạnh Washington đã sẵn sàng giải ngân gói hỗ trợ quân sự trị giá từ 100-120 triệu USD nhằm hỗ trợ Kiev chống lại lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine. Theo RT, tổng viện trợ của Wahshington dành cho Kiev năm vừa qua đạt 200 triệu USD.
Nga hiện chưa có phản ứng chính thức trước động thái trên, nhưng nước này từng nhiều lần phản đối việc Mỹ cân nhắc cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine. Trong nội bộ phương Tây nhiều nước châu Âu cũng chính thức bày tỏ quan ngại rằng các hợp đồng vũ khí cho Kiev có thể dẫn đến leo thang chiến sự tại khu vực miền đông Ukraine.
Đức từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo Mỹ về quyết định này và cho rằng cung cấp vũ khí cho quân chính phủ sẽ khiến cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang mạnh mẽ.
Ngày 13/3, Bộ Ngoại giao Iceland thông báo nước này đã quyết định rút đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Trong thông báo, Ngoại trưởng Iceland Gunnar Bragi Sveinsson cho biết ông gửi quyết định rút đơn xin gia nhập EU tới Latvia, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, và Ủy ban châu Âu (EC).
Thông báo nêu rõ: “EU và Iceland đã thảo luận về khả năng xin gia nhập EC của Iceland. Do đó, chính phủ Iceland không còn ý định xin gia nhập EU”.
Trước đó, Thủ tướng Iceland Sigmundur Davið Gunnlaugsson đã thông báo chính thức quyết định rút đơn xin gia nhập EU với người dân nước này.
“Chúng ta sẽ ngừng các cuộc đàm phán về việc xin gia nhập EU. Do những thay đổi của tổ chức này và với các chính sách hiện nay của chính phủ, chúng ta quyết định rút đơn xin gia nhập EU”, Thủ tướng Gunnlaugsson khẳng định.
Năm 2009, Iceland đã đệ đơn xin gia nhập EU. Thời điểm đó, quốc gia này đang chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính. Tới tháng 2/2010, Ủy ban châu Âu đã đưa ra những điều kiện và cho phép tiến hành các cuộc đàm phán về đơn xin gia nhập EU của Iceland.
Tới tháng 4/2013, các cuộc đàm phán rơi vào thế bế tắc. Sau cuộc bầu cử với chiến thắng thuộc về đảng Tiến bộ và đảng Tự do, Thủ tướng Gunnlaugsson đã quyết định ngưng các cuộc đàm phán với EU.
Một trong những vấn đề vướng mắc giữa hai bên chính là sản lượng đánh bắt cá mà EU yêu cầu Iceland, vấn đề mà Reykjavík cho rằng nếu làm theo đề nghị của EU sẽ ảnh hưởng tới một trong những ngành nghề quan trọng nhất của nước này.
Dù đã rút đơn xin gia nhập EU, song Iceland hiện vẫn là thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA) và khối Schengen.
--------------------------
Địa bàn lợi ích
Nhật Bản lại có thêm một động thái nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sách Trắng Vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) 2014 của Nhật Bản được công bố ngày 13-3 đã khẳng định ASEAN là địa bàn trọng điểm để bảo đảm lợi ích của Nhật Bản.
Trải qua hơn 40 năm cùng xây dựng quan hệ, hiện Nhật Bản và ASEAN là đối tác chiến lược của nhau với nhiều lợi ích song trùng. Nhật Bản đã hỗ trợ các nước ASEAN rất nhiều trong quá trình phát triển thông qua các chương trình như Hành lang kinh tế Đông – Tây, Khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng…
Ở chiều ngược lại, một ASEAN ngày càng thịnh vượng sẽ mở ra vô số cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện có khoảng 7.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại các nước ASEAN. Theo kết quả khảo sát tại các doanh nghiệp Nhật Bản, trong danh sách 20 địa chỉ đầu tư ưu tiên hàng đầu trong vài năm tới, có đến 8 nước thành viên ASEAN. Chẳng thế mà trong Sách Trắng ODA 2014, Nhật Bản nhấn mạnh các nước ASEAN là “thị trường vô cùng quan trọng” và “môi trường thuận lợi dành cho đầu tư”.
Không những vậy, ASEAN còn hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản hơn nữa khi hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay. Nhiều người đã dự báo rằng ASEAN sẽ giúp châu Á bay cao trong tương lai. Ví dụ, theo một báo cáo của Công ty tư vấn IHS Global Insights, tổng GDP của các thành viên ASEAN sẽ đạt 4,7 nghìn tỷ USD năm 2020 và 10 nghìn tỷ USD năm 2030. IHS Global Insights khẳng định, ASEAN sẽ là động lực chính cho sự phát triển của châu Á trong hai thập kỷ tới, giúp nâng cao thu nhập và mức sống của người dân trong toàn khu vực.
Không chỉ ở lĩnh vực đầu tư – thương mại, ASEAN còn có vai trò sống còn đối với an ninh quốc gia Nhật Bản. Do các tuyến hàng hải nối liền Nhật Bản với thế giới bên ngoài đều đi ngang khu vực nên sự ổn định của ASEAN là điều kiện tiên quyết cho một nước Nhật hòa bình và phát triển phồn vinh. Cũng không lạ khi Sách Trắng ODA 2014 nhấn mạnh “việc phát triển và duy trì sự ổn định trong ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản, trong đó có việc đảm bảo an toàn cho hàng hóa của Nhật Bản khi lưu thông qua khu vực”.
Từ bấy lâu nay, Nhật Bản đã nhiều lần chính thức lên tiếng bày tỏ lo ngại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ bùng phát thành xung đột. Ông Kimihiro Ishikane, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nhật Bản tại ASEAN từng viết trên tờ Jakarta Post rằng: “Thách thức cấp bách nhất mà khu vực phải giải quyết, là giữ gìn hòa bình và ổn định trên mặt biển.
Tự do thông thương hàng hải là điều kiện tiên quyết giúp tất cả các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương phát triển phồn thịnh. Mọi bất đồng quan điểm trong việc phân định một vùng đất, hoặc một vùng biển đặc biệt nào đó, phải được giải quyết giữa các bên có liên quan. Ở đây, những ai cho rằng mình hành động vì quyền lợi của cả khu vực, thì người đó trước tiên phải tôn trọng luật biển đã được cộng đồng quốc tế công nhận, phải chứng minh bằng hành động cụ thể là mình đang nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Nếu ai đó có thái độ ứng xử lời nói không đi đôi với việc làm, cố tình khiêu khích hoặc gây áp lực lên đối phương, tất cả chúng ta phải đồng lòng lên tiếng tố cáo và phản đối, tạo thành sức mạnh tập thể trấn áp hành vi tiêu cực đó”.
Việc Nhật Bản ngày càng coi trọng ASEAN dựa trên một logic dễ hiểu. Đó là Nhật Bản có nhiều quyền lợi chiến lược chung với ASEAN và cùng coi trọng hòa bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương.
-----------------------