Ankara vừa chấp thuận để Washington sử dụng các căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch không kích chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng, bao gồm cả căn cứ chủ chốt nằm gần biên giới với Syria.
"Chi tiết về việc sử dụng vẫn đang được thỏa thuận", AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cấp cao giấu tên hôm qua cho biết. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cũng công bố thông tin trên trong một cuộc phỏng vấn truyền hình. Quân đội Mỹ từ lâu đã hoạt động ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và có khoảng 1.500 lính không quân tại đây.
Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz, người đứng đầu Lầu Năm Góc Chuck Hagel đã cảm ơn Ankara vì sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực của liên minh, bao gồm tổ chức và tiến hành huấn luyện cho phe đối lập ở Syria.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ trước đó bật đèn xanh cho phép có hành động quân sự đối phó với Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria nhưng quân đội nước này chưa có động thái nào. Quyết định trên được đưa ra do "sự gia tăng ảnh hưởng từ nhóm cực đoan ở Syria đe dọa tới an ninh quốc gia".
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu còn kêu gọi hỗ trợ quân sự cho phe đối lập ở Syria để tạo ra "lực lượng thứ ba", đối phó với cả chính quyền Damascus và phiến quân IS.
Chiến đấu cơ Mỹ trong các đợt không kích vừa qua thường xuất kích từ căn cứ không quân al-Dhafra ở Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ali al-Salem ở Kuwait và al-Udeid ở Qatar. Từ Trung tâm Phối hợp Hoạt động trên không (CAOC) ở Qatar, Washington còn giám sát không phận, hoạt động phòng không và chiến tranh điện tử của 20 quốc gia trong khu vực. Căn cứ al-Udeid, với đường băng dài 4,5 km và nguồn cung đạn dược, được cho là một cửa ngõ hậu cần quan trọng của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua nhấn mạnh người Iraq cuối cùng vẫn phải chiến đấu để chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng, dù có các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu.
"Theo thời gian, chúng tôi tin rằng chiến lược sẽ hình thành, năng lực sẽ hình thành, Daesh sẽ ngày càng bị cô lập", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Kerry hôm qua nói tại Cairo, Ai Cập, sử dụng từ viết tắt của Nhà nước Hồi giáo (IS) bằng tiếng Arab. "Nhưng sau cùng, chính người Iraq phải giành lại đất nước Iraq. Người Iraq ở Anbar phải chiến đấu để lấy lại Anbar", ông cho biết thêm.
Ông Kerry gọi cuộc tấn công của IS ở thành phố Kobani, gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ là một "thảm kịch". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, Kobani "chỉ là một cộng đồng" và nó "không định hình chiến lược của liên minh đối với Daesh".
Quan chức Liên Hợp Quốc đã lên tiếng cảnh báo một cuộc thảm sát có khả năng xảy ra ở Kobani nếu IS chiếm được thành phố mà chúng liên tục tấn công suốt ba tuần này.
"Trong những ngày tới, cuộc chiến sẽ có những lúc thăng trầm, giống như tất cả các xung đột khác", ông Kerry nhận định. "Nhưng chúng tôi tự tin sẽ thúc đẩy chiến lược của mình, khi thực tế là tất cả các nước trong khu vực đều chống lại Daesh".
Ngoại trưởng Mỹ hôm qua đến Cairo, Ai Cập, để tham dự một hội nghị thảo luận về vấn đề quyên góp tiền nhằm tái thiết dải Gaza. Theo ông, đến nay, có khoảng 60 quốc gia cam kết hỗ trợ trong cuộc chiến chống IS.
Từ 10/10, quân đội Mỹ đã thả dù tiếp tế nhu yếu phẩm và đạn dược cho lực lượng an ninh Iraq hoạt động tại vùng Baiji, phía bắc nước này, theo yêu cầu của Baghdad. Trong hai ngày 10 và 11/10, liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu tiếp tục tiến hành không kích ở Syria và Iraq.
-----------------------------
Cảnh sát Hong Kong xác nhận xã hội đen đánh người biểu tình
Khoảng 200 tên côn đồ từ hai băng nhóm xã hội đen lớn của Hong Kong đã xông vào các trại biểu tình của phong trào Occupy Central để gây rối, khiến nhiều người bị thương cách đây hơn một tuần.
SCMP dẫn tin từ cảnh sát Hong Kong cho hay, động cơ gây rối của nhóm Wo Shing Wo và Sun Yee On tại quận Mong Kok, một trong những địa điểm biểu tình lớn, vẫn đang được điều tra.
"Chúng có tổ chức tốt và đến đó có mục đích", ông Dan Ng Wai-hon, Cục phòng chống Tội phạm có tổ chức Hong Kong, nói hôm qua. "Cảnh sát đang theo dõi sát sao một số thành viên cấp cao của các băng nhóm này. Chúng đã bỏ trốn".
Vụ bạo lực xảy ra hôm 3 và 4/10 khiến 18 người bị thương và 47 người bị bắt, trong đó có ít nhất 8 người có dính líu đến xã hội đen, dù những tên này chỉ là thuộc hạ.
Cảnh sát đã triển khai khoảng 300 sĩ quan mặc thường phục ở Mong Kok để ngăn chặn côn đồ gây rối. Số lượng cảnh sát ở khu vực này gấp 6 lần so với thông thường.
Giới chức cũng đang điều tra xem liệu các băng nhóm chỉ muốn chấm dứt phong trào biểu tình đang gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ, hay được trả tiền để kích động bạo loạn. Mongkok là một trong những khu mua sắm sầm uất nhất Hong Kong và cũng là nơi nhiều tổ chức tội phạm khét tiếng đang điều hành các quan bar, câu lạc bộ đêm và tiệm mát-xa.
"Vào buổi tối, một quán mạt chược lớn có thể giúp một nhóm xã hội đen thu về khoảng 80.000 đến 100.000 HKD (gần 13.000 USD) một giờ", một cảnh sát cho hay.
Giới chức Hong Kong mô tả những cáo buộc rằng cảnh sát tiếp tay cho côn đồ để trấn áp người biểu tình là "nực cười" và cho biết đã nhanh chóng triển khai nhiều sĩ quan để kiểm soát đám đông.
Cảnh sát Hong Kong hôm nay phát ra thông báo cho biết sẽ dỡ bỏ các rào chắn ở khu vực Mong Kok và Admiralty từ sáng sớm để tạo điều kiện cho các phương tiện giao thông lưu thông. Cảnh sát yêu cầu người biểu tình không gây cản trở hoạt động này, di dời các rào chắn và giải tán một cách hòa bình. Phong trào Occupy Central đã bước sang ngày thứ 16.
---------------------------
Các tay súng IS nghi bị đầu bếp đầu độc
Hàng chục tay súng Nhà nước Hồi giáo được cho rằng bị đầu bếp của chúng đầu độc khiến một số thiệt mạng và nhiều tên khác bị thương.
Nguồn tin của Quân đội Tự do Syria (SFA), nhóm gồm các quân nhân đào ngũ đang chiến đấu để lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad, cho biết họ vừa làm một cuộc cách mạng chống lại Nhà nước Hồi giáo IS.
Khoảng 10 tay súng IS được tin rằng đã chết và gần 20 tên khác phải tới bệnh viện điều trị vì ngộ độc sau khi ăn trưa. Nhiều tờ báo của Syria ước tính số người chết vì ngộ độc thực phẩm có thể lên tới 100, tuy nhiên con số này chưa được xác nhận.
Theo Al-Arabiya, đầu bếp của SFA được cho là thực hiện việc đầu độc. Nguồn tin từ SFA cũng tiết lộ kế hoạch này đã được chuẩn bị trước nhiều tuần. Vụ việc xảy ra ở căn cứ Fath El-Sahel, nơi có gần 1.200 tay súng IS đang đồn trú.
Đầu bếp sau đó đã đưa cả gia đình tới một khu vực an toàn ngoại ô thành phố Deir al-Zour của Syria do IS chiếm đóng, dưới sự giúp đỡ của những "nhà cách mạng" trên, Metro cho hay.
Cùng thời điểm này, tờ Iraqi News đưa tin một công dân Iraq đã cố gắng đầu độc bốn thành viên IS bằng trà tại một trong những chốt kiểm tra của chúng. Bốn tay súng Hồi giáo ấy hiện đã được đưa vào viện, trong khi IS đang lục tung nhà của người đàn ông phục vụ ấm trà có độc trên.
----------------------------
G20 cân nhắc bỏ trừng phạt Nga
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các nước G20 đã thảo luận về khả năng bỏ trừng phạt Nga và bình ổn khủng hoảng Ukraine bên lề cuộc họp của IMF – World Bank, Bộ trưởng Tài chính Nga - Anton Siluanov cho biết.
Từ ngày 8-10/10, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) đã tới Washington (Mỹ) để tham gia các phiên họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank). Theo ông Siluanov, vấn đề khủng hoảng Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự chính thức.
"Trong các phiên họp bên lề, các nước đều nói về mong muốn giải quyết tình trạng tại miền đông Ukraine càng sớm càng tốt, đồng thời gỡ bỏ các lệnh trừng phạt rõ ràng đang cản đường doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả hai bên", ông cho biết trên Ria Novosti.
Theo ông Siluanov, tất cả các nước tham gia đều tỏ rõ sự mất kiên nhẫn về việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt đã áp lên Nga nhiều tháng qua. Phương Tây muốn đánh vào kinh tế Nga để buộc nước này chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, Moscow cũng nhiều lần cảnh báo phương Tây cũng sẽ bị gậy ông đập lưng ông vì các biện pháp này.
"Chẳng ai cần các lệnh trừng phạt này cả. Nó đi ngược lại mục tiêu phát triển kinh tế của tất cả chúng ta", ông cho biết.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea, nước này đã phải hứng chịu hàng loạt đòn trừng phạt từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản lên ngành tài chính, năng lượng và quốc phòng nước này. Nga cũng đáp trả bằng việc cấm nhập khẩu thực phẩm từ phương Tây.
Hậu quả của những động thái này là Nga bị rút vốn ào ạt, đồng rouble mất giá 18% từ đầu năm và lạm phát cũng lên cao nhất từ 2011. Các doanh nghiệp phương Tây đang hoạt động tại Nga cũng chẳng khá hơn, nhưMcDonald’s đã phải tạm đóng nhiều cửa hàng để điều tra an toàn thực phẩm, hay doanh thu đại gia hàng tiêu dùng Unilever tại Nga chỉ tăng trưởng một chữ số, thay vì 2 như trước đây.