Gorbachev kêu gọi triệu tập 'thượng đỉnh Nga - Mỹ'
Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev kêu gọi triệu tập một “thượng đỉnh Nga – Mỹ” để làm xoa dịu mối quan hệ “đang đóng băng” của Moscow với phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine, theo Reuters.
Lời kêu gọi xuất phát từ bài bình luận của ông, có tựa đề “Làm tan băng mối quan hệ” đăng trên Rossiiskaya Gazeta, nhật báo của chính phủ Nga vào thứ tư 10.12
“Tôi đề nghị hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ nên tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với chương trình nghị sự rộng lớn và không có điều kiện sơ bộ. Chúng ta không cần phải sợ mất mặt hoặc sợ ai đó đạt được thắng lợi về tuyên truyền. Tất cả những điều này đã là quá khứ, chúng ta cần suy nghĩ về tương lai”, ông viết.
Các nhà ngoại giao của hai bên (Nga, Mỹ - PV) cũng sẽ đối đầu lâu dài với nhau vì sự suy giảm niềm tin trong quan hệ quốc tế trước khủng hoảng kéo dài ở Ukrane. Chính vì thế, ông viết rằng vấn đề chiến lược trong mối quan hệ Nga – Mỹ hiện nay là khôi phục niềm tin.
Chủ nhân của giải Nobel Hòa Bình năm 1990 cũng kêu gọi các quốc gia cùng nhau bắt tay đối phó với những mối đe dọa toàn cầu.
“Giờ đây, Nga và phương Tây đã không còn gắn kết trong các vấn nạn toàn cầu. Vậy ai sẽ cùng nhau làm nên một khối thống nhất để chống lại khủng bố, biến đổi khí hậu và dịch bệnh? Chúng ta hãy nghĩ theo cách này để nhanh chóng làm “tan băng””, The Moscow Times dẫn bài viết của Gorbachew.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Barack Obama đang có mối quan hệ căng thẳng. Vào tháng 9.2013, ông Obama đã hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin tại St.Petersburg. Hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần cuối trong một buổi gặp ngắn tại hội nghị thượng đỉnh G20, tổ chức ở Brisbane (Úc) vào tháng 11.
Nhà lãnh đạo Gorbachew được biết đến với chính sách tái cơ cấu “Perestroika”, ông đóng vai trò quan trọng trong việc kết thúc chiến tranh lạnh. Hồi tháng trước, trong buổi lễ kỉ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ, ông đã lên tiếng cảnh báo cả thế giới đang đứng trước nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh lạnh mới.
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine; Mỹ, NATO và liên minh Châu Âu đã cáo buộc Nga tài trợ vũ khí và quân lực cho các nhóm ly khai nổi dậy miền đông Ukraine. Đồng thời những nước phương Tây đứng đầu là Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Moscow.
Tuy nhiên, Nga luôn chối bỏ việc ủng hộ cho nhóm ly khai bất chấp những chỉ trích của phương Tây và tiến hành sát nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 3.
-------------------------
Mỹ tăng quân đến Thái Bình Dương đối phó Triều Tiên
Tư lệnh hải quân Mỹ Ray Mabus ngày 9.12 tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hải quân tại Thái Bình Dương nhằm đối phó với những đe dọa tấn công của CHDCND Triều Tiên.
“Đang có lo sợ rằng Bắc Hàn sẽ có những hành động khiêu khích có thể khiến tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát”, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời ông Mabus phát biểu tại Seoul trong chuyến thăm đồng minh châu Á kéo dài 4 ngày.
Phát biểu của tư lệnh Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên liên tục có những lời đe dọa tấn công Mỹ và Hàn Quốc bằng tên lửa. Hồi cuối tháng 10, Bình Nhưỡng được cho đã thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa nhằm nghiên cứu cách bắn tên lửa từ tàu ngầm, mở đường cho việc phát triển tên lửa đạn đạo phóng ra từ tàu ngầm, theo Yonhap.
Nhấn mạnh rằng “bất kỳ kiểu đe dọa tấn công tên lửa nào hoặc bất kỳ năng lực tên lửa nào của Triều Tiên cũng đều tiềm tàng hiểm họa”, tư lệnh Mỹ còn nói thêm rằng đe dọa từ Triều Tiên đã khiến Mỹ tăng cường tập trung vào chiến dịch tái cân bằng Thái Bình Dương.
“Một trong những điều khiến tôi tự hào trong thời gian làm tư lệnh hải quân Mỹ đó chính là việc chúng tôi tăng cường hạm đội. Chúng tôi đang gia tăng không chỉ về lượng mà còn về chất cho hạm đội của chúng tôi”, ông Mabus, người đảm nhiệm vị trí chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ từ năm 2009, nói.
Ông cũng cho biết thêm rằng khoảng 60% trên tổng số 70 tàu hải quân Mỹ đã đặt hàng trong vòng 5 năm qua sẽ được điều động đến Thái Bình Dương, bao gồm cả những tàu “hiện đại bậc nhất” như chiến hạm phòng thủ tên lửa đạn đạo và tàu chiến đấu ven bờ.
“Sẽ có thêm tàu được gửi đến khu vực này để tập trận nhằm đối đầu với bất kỳ động thái nào và cũng để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ sẵn sàng phối hợp với Hàn Quốc”, tư lệnh Mỹ cho hay.
-------------------------
Hải quân Nga ngưng đặt hàng tàu ngầm lớp Kilo
Sau khi nhận loạt 6 tàu ngầm Kilo 636.3 chạy động cơ điện - diesel, Hải quân Nga sẽ chấm dứt việc đặt hàng loại tàu ngầm này và chuyển sang sử dụng loại tàu ngầm hiện đại hơn là Lada 677, theo trang tin hải quân Nga.
Nhà máy Admiralty ở St.Petersburg đang đóng 6 tàu ngầm lớp Varshavyanka 636.3 (NATO gọi là Kilo) cho Hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga. Nhà máy đã giao 2 chiếc đầu tiên, 4 chiếc còn lại đang đóng và sẽ hoàn tất năm 2016.
Nhà máy này cũng đang thực hiện hợp đồng đóng 6 chiếc Kilo 636.1 cho Hải quân Việt Nam, đã bàn giao 3 chiếc (HQ 182 Hà Nội, HQ 183 TP.Hồ Chí Minh, HQ 184 Hải Phòng).
Kilo là lớp tàu ngầm thế hệ thứ 3, chạy rất êm (NATO gọi là hố đen trong lòng đại dương). Tuy nhiên Nga đã phát triển lớp tàu ngầm hiện đại hơn là Lada 677, còn Kilo sẽ chỉ phục vụ xuất khẩu.
Ông Andrey Baranov, Phó tổng giám đốc Viện thiết kế tàu ngầm Rubin ở St.Petersburg cho biết những trục trặc về dự án Lada 677 đã giải quyết xong, việc đóng loại tàu này đã được nối lại, theo trang tin hải quân Nga ngày 8.12.
Năm 2004, chiếc đầu tiên của lớp tàu Lada 677 là Saint Petersburg được hạ thuỷ, và chạy thử nghiệm trên biển tháng 10.2006. Đến tháng 4.2010 tàu được Hải quân Nga cho hoạt động thử nghiệm và kéo dài đến nay, do phần thiết kế có một số trục trặc.
Chiếc thứ 2 của lớp Lada là Kronstadt đóng năm 2005 tại Nhà máy Admiralty, nhưng sau đó tạm ngưng, chờ kết quả thử nghiệm chiếc đầu tiên. Mãi đến năm 2013 việc đóng chiếc Kronstadt mới được tiếp tục.
Tàu ngầm dự án 677 Lada nhỏ hơn tàu Kilo, thân chỉ có 1 lớp vỏ so với 2 lớp vỏ của tàu Kilo, nên lượng choán nước chỉ từ 550 - 1.850 tấn so với hơn 2.300 tấn của Kilo. Khả năng tấn công của nó cao hơn khi có thể vừa tấn công các mục tiêu trên biển lẫn trên đất liền bằng ngư lôi và tên lửa. Tiếng ồn của lớp tàu này được cải thiện và giảm rất nhiều so với tàu Kilo. Tàu có khả năng chạy với vận tốc 21 hải lý/giờ và lặn sâu 350 mét dưới mặt nước.
Nhân viên trên tàu lớp Lada chỉ cần 35 người so với 52 của Kilo. Tàu chạy bằng động cơ không phụ thuộc không khí (AIP), nên có thể ở dưới lòng biển lâu hơn so với tàu Kilo. Lớp tàu Lada có phiên bản xuất khẩu là Amur-1650, hiện cả Trung Quốc và Ấn Độ đang đàm phán đặt mua.
-------------------------
Kinh tế Nga gặp khó, Putin vẫn ‘chơi tất tay’
Kinh tế Nga đang khó khăn với sự mất giá của đồng rúp và doanh số dầu mỏ/khí đốt giảm. Thế nhưng, năm 2015 vẫn sẽ chứng kiến mức đầu tư kỷ lục của nước này vào quân sự, The Moscow Times cho biết.
Trong bài viết đăng ngày 8.12, The Moscow Times khẳng định Nga sẽ tăng cường ngân sách dành cho quân sự thêm 30% trong năm 2015. Đây là mức chi tiêu quân sự kỷ lục từ sau thời Liên bang Xô Viết, và số tiền sẽ dùng vào việc mua thêm máy bay, tàu ngầm, tên lửa...
The Moscow Times đánh giá với khoản tiền 375 tỉ USD, Nga dự kiến bổ sung 70% cho lực lượng vũ trang với các thiết bị hiện đại. Và như vậy, năm 2015 có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của Moscow về khoản quân sự.
Tuy nhiên, với khoản đầu tư này vẫn chưa ở mức “khủng” nhất thế giới, The Moscow Times đánh giá Nga vẫn đang bám theo Mỹ, và chứng kiến sự vươn lên của Trung Quốc .
Tuần trước Quốc hội Mỹ đã thông qua gói ngân sách quốc phòng cho năm sau lên đến 584 tỉ USD, trong khi con số này ở Trung Quốc là 159,6 tỉ USD, The Moscow Times dẫn nguồn từ công ty tư vấn quốc phòng – quân sự IHS Jane’s.
Bất chấp kinh tế gặp khó khăn
Đầu tháng 12, Reuters đưa tin tổng thống Mỹ Barack Obama trong một buổi họp đã quả quyết rằng sớm muộn gì người đồng cấp Vladimir Putin cũng phải thay đổi hướng đi. Và ông Obama còn nhấn mạnh rằng “Nga phải phát triển quân sự song song với tiềm lực kinh tế”.
Đó là lời cảnh báo có lý nếu nhìn vào bức tranh tổng thể về mối quan hệ giữa quân sự và kinh tế Nga thời gian qua. Trong lúc đưa tin về việc Nga sẽ phát triển quân sự vào năm 2015, The Moscow Times cũng có bài viết dẫn ra những con số thụt lùi kinh tế đáng chú ý.
Theo đó, giá cổ phiếu ở Nga rớt vào hôm 8.12, còn giá dầu tụt xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, đồng rúp trượt so với đồng USD. Hiện tại với mức giảm 2,4%, một USD đổi được 53,66 đồng rúp. Còn so với đồng euro, mức giảm là 2,3%, tức 1 euro tương đương 65,8 rúp. Ngân hàng Trung ương trong khi đó lại tuyên bố tạm thời không can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Một điểm đặc biệt là, sự trượt giá của đồng rúp hoàn toàn khớp với các giai đoạn Nga chuyển biến về quân sự, quốc phòng. Theo RIA Novosti, công cuộc tái đầu tư vũ trang mạnh mẽ của Nga bắt đầu vào năm 2011. Kể từ đó, mức tăng trưởng trong hiện đại hóa quân đội đã tăng 16%, và sẽ đạt 30% trong năm 2015.
Đổi lại nếu quan sát biểu đồ tương quan đồng rúp và USD, sẽ thấy tỉ lệ nghịch với sự phát triển quân sự. Năm 2010-2011, 1 USD sẽ đổi khoảng 30 rúp, nhưng đồng tiền Nga trượt đều trước USD sau mỗi năm, và hiện tại gần chạm mốc 1 USD đổi 55 rúp (chính xác là 53,66 rúp trong ngày 9.12).
Để so sánh thêm, kể từ lúc lấy được bán đảo Crimea từ Ukraine, đồng rúp tiếp tục trượt giá. Thống kê của Bloomberg cho thấy năm 2014 chứng kiến tiền Nga mất giá dữ dội, đặc biệt giai đoạn từ tháng 6 – thời điểm sau cuộc tranh chấp Crimea. Khởi đầu là từ tháng 7 khi lần đầu tiên sau nhiều năm 1 USD có thể đổi hơn 35 rúp.
Theo nhận định được The Moscow Times dẫn, kế hoạch quân sự năm sau của Nga sẽ khiến ngân sách quốc phòng chiếm 4,2% GDP nước này. Đó không phải con số đáng mừng với một nền kinh tế đang khó khăn.
-------------------------