Thế cờ biển Đông sẽ thay đổi nếu Indonesia trở bộ
Đến giờ Indonesia vẫn muốn giữ vai trò trung gian thương lượng giữa ASEAN và Trung Quốc (TQ) trong tranh chấp biển Đông.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cao cấp P. K. Ghosh thuộc Quỹ Nghiên cứu cho các nhà quan sát (Ấn Độ) dự báo Indonesia sẽ phải công khai phản ứng với TQ. Động lực thúc đẩy là thái độ hiếu chiến trong khẳng định chủ quyền biển Đông của TQ, đặc biệt bản đồ đường chín đoạn của TQ bao trùm quần đảo Natuna của Indonesia.
Nhận định trên trang Eurasia Review (Mỹ) ngày 9-10, chuyên gia P. K. Ghosh ghi nhận gần đây Indonesia đã nhiều lần công khai thể hiện thái độ bất bình với TQ. Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Marty Natalegawa đã tuyên bố yêu cầu TQ giải thích về bản đồ đường chín đoạn. Giữa năm 2010, Indonesia đã gửi công hàm đến Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon phản đối bản đồ đường chín đoạn nhân sự kiện tàu chiến Indonesia bị tàu TQ chĩa súng đe dọa gần quần đảo Natuna sau khi Indonesia bắt giữ ngư dân TQ đánh bắt trái phép tại đây.
Hiện thời, áp lực đòi chính phủ Indonesia công khai phản ứng với TQ đang ngày càng gia tăng vì nhiều ý kiến cho rằng nếu Indonesia cứ giữ thái độ bác bỏ có tranh chấp với TQ thì chẳng khác nào khẳng định tuyên bố chủ quyền của TQ là đúng.
Chuyên gia P. K. Ghosh nhận định sự kiện Indonesia nhập cuộc mạnh mẽ hơn trong vấn đề tranh chấp biển Đông sẽ dẫn đến hệ quả lớn về địa-chính trị trong khu vực. Một khi Indonesia trực tiếp đối đầu với TQ, các dự án hợp tác phát triển quốc phòng và nghiên cứu biển giữa hai bên sẽ ngưng lại. Trong đó có dự án hợp tác nghiên cứu và sản xuất tên lửa hàng hải và thành lập cơ quan nghiên cứu đại dương và thời tiết trên quần đảo Natuna.
Đây sẽ là điều bất lợi về chiến lược đối với TQ khi chính TQ đã biến Indonesia từ một nước làm tốt vai trò trung gian thương lượng và có ảnh hưởng lớn với các nước ASEAN tranh chấp lại trở thành đối thủ tranh chấp trực tiếp.
Ngoài ra, tính pháp lý của bản đồ đường chín đoạn và các tuyên bố chủ quyền dựa vào lịch sử của TQ sẽ suy yếu vì vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển. Song song theo đó, vai trò gắn kết giữa các nước ASEAN cùng tranh chấp với TQ sẽ tăng lên. Như vậy áp lực sẽ trở nên lớn hơn với TQ, gia tăng cơ hội TQ phải chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng con đường pháp lý.
Một khi TQ không ngừng có hành động hiếu chiến trên biển Đông, rủi ro tính toán sai lầm sẽ leo thang. Lúc đó, Indonesia và các nước ASEAN cùng tranh chấp với TQ sẽ nghiêng hơn nữa về Mỹ và càng ủng hộ Mỹ hiện diện trong khu vực nhằm kiềm chế TQ.
Dù vậy, như chuyên gia P. K. Ghosh nhận định, chính phủ mới của Indonesia sẽ phải cân nhắc nhiều về giải pháp nghiêng về Mỹ vì sẽ đối phó với rủi ro rơi vào chiến lược ngoại giao cưỡng bức mở rộng của TQ. Chiến lược này từng được TQ áp dụng với đối thủ nào gắn bó với nước lớn như Philippines và Nhật. Trong khi đó, trước tình hình phân tán như hiện nay, Mỹ khó có thể toàn tâm theo dõi tình hình biển Đông và hỗ trợ kịp thời các nước tranh chấp với TQ.
----------------------
Mỹ bênh Ấn Độ, phản ứng với Trung Quốc
Hãng tin Zee News (Ấn Độ) ngày 10-10 đưa tin phát biểu với báo chí hôm 9-10 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki (ảnh) khẳng định:
“Lập trường của Mỹ không thay đổi, Washington chắc chắn sẽ hợp tác với các nước trong khu vực giải quyết vấn đề tranh chấp hàng hải”. Bà khẳng định Ấn Độ là đối tác quan trọng đối với Mỹ và bác bỏ phản ứng của Trung Quốc liên quan đến tuyên bố chung Mỹ-Ấn.
Tuyên bố chung Mỹ-Ấn được công bố sau hội đàm giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Obama tại Nhà Trắng hôm 30-9. Tuyên bố chung khẳng định hai bên quan ngại trước tình hình gia tăng căng thẳng về tranh chấp hàng hải. Tuyên bố chung nhấn mạnh về tự do hàng hải và quyền tự do bay qua, đặc biệt ở biển Đông đồng thời kêu gọi tránh sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền.
Sau đó, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội trước tuyên bố chung Mỹ-Ấn và cho rằng tranh chấp hàng hải phải được giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan chứ bên thứ ba không được can thiệp.
Hãng tin Global Post (Mỹ) cho biết trong buổi nói chuyện với báo chí hôm 9-10, người phát ngôn Jen Psaki cũng đã đề cập đến báo cáo sơ bộ về hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương sửa đổi Mỹ và Nhật công bố hôm trước đó. Bà xác định đây là vấn đề rất minh bạch nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực và Trung Quốc không nên lo ngại. Bà nhận xét sửa đổi hướng dẫn quốc phòng Mỹ-Nhật là cần thiết bởi thế giới hiện nay đã khác so với cách đây 17 năm với các thách thức mới từ chương trình hạt nhân CHDCND Triều Tiên, an ninh mạng, vấn đề tự do hàng hải.
-----------------------
Triều Tiên - Hàn Quốc đấu súng ngay tại biên giới
Chiều ngày 10-10, một quan chức của Ban tham mưu Lực lượng liên quân Mỹ - Hàn cho biết, đã có nổ súng giữa hai miền Nam – Bắc bán đảo Triều Tiên ngay tại biên giới trên bộ.
Phía quân đội Hàn Quốc cho biết, sự việc diễn ra sau khi các nhà hoạt động xã hội nước này tiếp tục thả các bong bóng mang theo truyền đơn tuyên truyền chống phá chính quyền Triều Tiên vào vùng lãnh thổ phía Bắc trong buổi sáng cùng ngày.
Phía Hàn Quốc cáo buộc quân đội Triều Tiên đã nã súng trước tiên, buộc quân đội nước này phải nổ súng đáp trả.
Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết chính thức về vụ đấu súng. Tình hình thương vong và thiệt hại của cả hai phía vẫn chưa được làm rõ.
Trước đó, sớm ngày 10-10, các nhà hoạt động xã hội của Hàn Quốc đã thả các bong bóng chứa truyền đơn chống phá chính quyền và bôi nhọ lãnh đạo Triều Tiên về phía Bắc khu vực phi quân sự giữa hai nước. Vụ việc diễn ra ngay ngày kỷ niệm 69 năm ngày thành Lập đảng Lao động Triều Tiên.
Chính quyền Bình Nhưỡng từng đưa ra lời cảnh báo trên đài truyền hình trung ương KCNA rằng phía Seoul sẽ chịu những “hậu quả không thể kiểm soát được” nếu như các chiến dịch rải tờ rơi của giới hoạt động xã hội Hàn Quốc không bị ngăn chặn.
Phía Seoul vẫn không đưa ra các biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc và hệ quả là hơn 10 quả bong bóng lớn cùng hơn 200.000 tờ rơi chống chính quyền đã được “gửi qua” bên kia biên giới.
------------------------
Nga phát hành tiền cho Crimea
Ngân hàng trung ương Nga vừa phát hành 2 loại tiền xu để kỷ niệm sự sát nhập định mệnh của Crimea vào Nga.
Được phát hành vào cuối tuần này, hai đồng tiền được thiết kế có biểu tượng của bán đảo, cụm từ “Liên bang Nga” và ngày 18 tháng 3 năm 2014, ngày Hiệp định giữa Nga và Crimea được ký kết ở Kremlin, theo website của Ngân hàng TW cho biết.
Một đồng tiền được in cụm từ “Cộng hòa Crimea” và hình ảnh của tổ Yến, một lâu đài theo kiến trúc Tân Gothic trên đỉnh một vách đá - một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở khu vực này.
Một đồng tiền khác giành riêng cho thủy quân của thành phố cảng Sevastipol phía Nam Crimea được mang hình ảnh Đài tưởng niệm của thành phố.
Cả hai đồng tiền đều có trị giá 10 rub (0,25$). 10 triệu đồng tiền mỗi loại sẽ được phát hành.
Quyết định phát hành tiền xu kỷ niệm sát nhập là một động thái rất phổ biến với người Nga. Nó thể hiện tinh thần dân tộc ở quốc gia này. Điều này có thể được chứng minh qua những hoạt động kỷ niệm sinh nhật của Putin vừa qua.
Ngân hàng TW không phải là tổ chức đầu tiên đưa ra ý tưởng này. Vào tháng 4, một xưởng in ở dãy Ural đã thông báo về việc họ sẽ phát hành một bộ sưu tậm tiền xu kỷ niệm có hình ảnh của Putin và bán đảo vừa được sát nhập.
-----------------------
IS sẽ xâm chiếm Gấu Nga
Một trong các thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo tự xung (IS), Tarkhan Batirashvili, được biết đến với tên Omar al-Shishani hay Omar người Chechnya, đã tuyên bố sớm muộn rồi cũng sẽ xâm chiếm Nga.
Ông ta nói qua điện thoại với cha mình: “Cha đừng lo, con sẽ trở về và dạy cho người Nga một bài học”, tờ Bloomberg trích lời người cha của hắn, Temur Batirashvili.
“Chúng con đã chiêu mộ được rất nhiều binh lính và sẽ còn thêm nữa. Chúng con sẽ trả thù nước Nga”, hắn ta nói.
Vào tháng 9, IS công bố một đoạn phim đe dọa sẽ sáp nhập Chechnya vào đế chế Hồi giáo tự xưng của chúng.
Cuối tháng 9, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya, Ramzan Kadyrov viết trên Instagram rằng Nga có đủ sức mạnh và phương tiện để ngăn khủng bố tràn qua biên giới.”
“Bất cứ ai tuyên bố đe dọa nước Nga hay tổng thống Vladimir Putin sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức. Chúng tôi sẽ không đợi đến khi chúng cầm lái máy bay. Quân đội sẽ đi đến bất cứ nơi nào có những tên khủng bố mục nát”, ông Kadyrov viết.
Hàng trăm người từ Mỹ, Canada, khoảng 500 người Anh và từ một số nước khác đã gia nhập IS.
Vấn đề khủng bố hồi giáo cực đoan tại nước Cộng hòa Chechnya đã nhiều lần làm khốn đốn chính phủ nước này và đe dọa chính nước Nga.
Đã nhiều lần chính quyền Moscow phải cử quân đội của mình đến lãnh thổ nước cộng hòa láng giềng để đảm bảo an ninh trật tự và càn quét lực lượng khủng bố.
Đã có hàng trăm người Chechnya tham gia vào hàng ngũ các chiến binh Hồi giáo cực đoan tại Syria kể từ khi cuộc nội chiến của nước này nổ ra đến khi lực lượng IS tở nên lớn mạnh như hiện nay.
Trong số đó, Tarkhan Batirashvili đã trở thành gương mặt “quen thuộc” nhất trong hàng ngũ phiến quân Chechnya tại đây, cũng như trong bộ máy lãnh đạo của IS. Hắn được xem là người luôn “kề vai sát cánh” cùng thủ lĩnh “tối cao” của IS, Abu Bakr al-Baghdadi.